Con đường trung đạo của cựu giám đốc tài chính hãng Pixar


GN - Incredibles 2, bộ phim đình đám của hãng Pixar đã mang li hơn 13 t đô-la từ các phòng vé trên toàn thế giới. Trước khi hãng phim hoạt hình này mt cái tên quen thuc, Lawrence Levy đã giúp công ty tìm ra “trung đạo” để cân bằng giữa việc sáng tạo nội dung kinh doanh thương mại phim ảnh.


Lawrence Levy cùng với các lãnh đạo của Pixar (Ed Catmull, Steve Jobs, John Lesseter, Sarah McAthur)

Lawrence Levy luôn chờ cho đến hết phần credit cuối phim ghi nhận công lao của những người tham gia đối với mỗi bộ phim của Pixar. Cho dù đó là Finding Nemo, Inside Out, hay The Incredibles 2, ông không rời khỏi nhà hát cho đến khi cái tên cuối cùng xuất hiện trên màn hình. Đó là cách ông trân trọng ghi nhận tất cả những người tham gia làm phim, mà ông hiểu rằng việc của mỗi người đều không hề dễ dàng.

Từ 1994 đến 1999, Levy là giám đốc tài chính của Pixar. Ông đã giúp công ty đang thua lỗ trở thành một xưởng phim hoạt hình trị giá hàng tỷ đô-la, và ông nằm trong ban giám đốc cho đến khi công ty được Walt Disney mua lại vào năm 2006.

Nhưng Levy bỏ lại phía sau sự hào nhoáng của ngành công nghiệp giải trí và đời sống kinh doanh khô cứng để khám phá triết học và tôn giáo phương Đông. Sau khi làm việc cho Pixar, ông đã khám phá Phật giáo, một tôn giáo vượt ra ngoài biên giới những câu chuyện đời người. Năm 2003, ông đồng sáng lập Quỹ Juniper với vị Thầy là Segyu Choepel Rinpoche.

Trung đạo đã giúp cho Pixar thành công

Cuốn hồi ký của Levy có tên To Pixar & Beyond đã ghi lại cuộc đời của ông tại Pixar, con đường Phật giáo của ông, và hai phần của cuộc đời đó đều áp dụng trung đạo như thế nào.

Levy viết: “Tư tưởng hấp dẫn tôi là chính là trung đạo, một triết lý Phật giáo cổ đại đã truyền cảm hứng và dẫn đường cho các thiền sư trong nhiều thế kỷ qua. Nó dựa trên cái nhìn sâu sắc rằng tâm trí không thể thấu hiểu toàn bộ sự phức tạp của thực tại. Thay vào đó, để tâm trí hoạt động tốt, chúng ta chỉ cần dựa vào cái phiên phiến của thực tế. Tôi thấy đó là một triết lý tuyệt vời vì nó giúp tránh xa những câu chuyện vốn thường điều khiển cuộc đời của chúng ta. Những gì chúng ta hay coi là chân lý rồi cũng đơn thuần chỉ là những dạng thức mà con người có thể vượt lên trên cả chân lý”.

Con đường trung đạo là nền tảng trung gian giữa sự gắn bó tình cảm và ác cảm, giữa hiện hữu và không hiện hữu, và giữa chủ nghĩa vĩnh cửu cứng nhắc và thuyết hư vô không căn cứ. Càng đi sâu vào trung đạo, chúng ta càng được bình yên ngay cả khi đang đối đầu. Đó là ý thức giải thoát khỏi những cực đoan và tìm cách điều tiết giữa các thái cực”.

Sau khi rời hãng Pixar, Levy nhận ra anh đã giúp hãng phim hoạt hình đi đúng hướng theo con đường trung đạo của tự thân công ty, đó là cân bằng giữa công nghệ làm phim hiện đại, những câu chuyện đầy cảm xúc và đảm bảo an toàn tài chính.

Trước đó, Levy học tại Trường Luật Harvard, và sau đó trở thành một luật sư và chuyên viên tài chính thành công ở thung lũng Silicon. Vào một buổi chiều tháng mười một đầy bất ngờ nọ, điện thoại trong văn phòng của ông reo lên.

“Chào anh,” một giọng nói vang lên bên kia đường dây. “Steve Jobs đây”.

Jobs đã mất nhiều hấp lực sau khi rời khỏi Apple không mấy vẻ vang hơn mười năm trước, nhưng anh vẫn là một tên tuổi lớn ở thung lũng Silicon. Thế là Levy bị sốc.

“Tôi muốn kể cho anh nghe về một công ty của tôi”, Jobs nói.

Tâm trí phấn khởi, Levy lắng nghe Jobs nói về Pixar.

Công ty đã cách mạng hóa lĩnh vực đồ họa máy tính cao cấp và tập trung vào sản xuất bộ phim đầu tiên, Toy Story, nhưng nó không được coi là một công ty giải trí. Nó chỉ được biết đến là đã tạo ra phần mềm, không phải tạo ra phim bom tấn. Jobs đang tìm kiếm một người nào đó để biến Pixar thành công, nhưng với lợi nhuận bằng 0 sau khi đốt cháy 50 triệu đô-la từ quỹ cá nhân của Jobs, hãng Pixar không có chút hấp dẫn nào đối với các nhà đầu tư. Một cách do dự, Levy đồng ý đến thăm Pixar cho riêng mình.

Khi tới một văn phòng tầm thường không chút dấu ấn, Levy gặp người đồng sáng lập Ed Catmull và người đang phụ trách sáng tạo John Lasseter. Sau khi tham quan nhanh một vòng, ông được gợi ý xem một đoạn clip chưa hoàn chỉnh từ bộ phim Toy Story.

Levy kể: “Tôi đã chứng kiến ​​một trình độ sáng tạo và kỹ thuật công nghệ mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được”.

Thế là ông chấp nhận đề nghị của Jobs và bắt đầu đi làm hàng ngày mất hai tiếng đồng hồ từ nhà của ông đến văn phòng của Pixar. Trong ba năm tiếp theo, Levy đã giúp Pixar có được một vị trí vững vàng trong thế giới phim hoạt hình máy tính trong khi vẫn giữ được trái tim sáng tạo của nó.

“Văn hóa sáng tạo của Pixar là anh hùng vô danh của cuộc đổi mới vĩ đại”. Levy nói. Tạo ra những câu chuyện phức tạp thường đi kèm việc phải có đủ kinh phí đủ để an tâm thực hiện. Bốn nghìn bảng phân cảnh cho một bộ phim thường được vẽ lại năm hoặc sáu lần. Đôi khi âm thanh thay đổi. Đôi khi các nhân vật tiến triển vào phút cuối. Levy tôn trọng cả hai mặt của công ty - đổi mới sáng tạo và kinh doanh. Theo một nghĩa nào đó, ông đã tìm thấy trung đạo của Pixar, tìm thấy cách để điều tiết giữa đam mê sáng tạo và sự kiểm soát tài chính.

Tìm thấy tình yêu sâu sc vi Pht giáo

Năm 1999, Levy rời vị trí của mình tại Pixar sau khi ban hành một chiến lược tài chính thành công. Vào ngày cuối cùng tại Pixar, anh gửi email tạm biệt cho nhân viên: “Đối với những ai đang thực hành Yoga, các bạn biết rằng vào cuối mỗi lớp, chúng ta thường chắp tay lại và chào nhau “Namaste”, một lời chào của người Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là: ‘Tôi tôn vinh bạn ở một nơi có tình yêu, sự chân thật và bình yên. Khi bạn đang hiện diện ở một nơi như thế ngay trong chính bạn và tôi cũng ở nơi đó ngay trong chính tôi, chúng ta là một. Namaste”.

Levy rời khỏi thung lũng Silicon và nhanh chóng đi sâu vào Phật giáo. Ông gặp Segyu Choepel Rinpoche, một vị thầy gốc Brazil cư ngụ tại Sebastopol, California, người đã giúp ông tìm thấy tình yêu sâu sắc vào việc thực hành đạo Phật. Trong năm tiếp theo, Levy cùng vợ là Hillary đến thăm tư thất của Segyu để tham gia các lớp học và nghỉ dưỡng.

Segyu được công nhận là bậc thầy và là người nắm giữ dòng truyền thừa Segyu của Phật giáo Tây Tạng. Sư phụ của ngài suốt hơn 30 năm là Kyabje Lati Rinpoche (1922-2010), từng trụ trì tu viện Gaden Shartse ở Tây Tạng. Từ 1994 đến 2002, Segyu điều hành một trung tâm Phật giáo Tây Tạng truyền thống, nhưng vẫn mơ ước có một tác động rộng lớn hơn đến thế giới hiện đại.

Cùng với hai học trò khác của Segyu, Levy và Hillary thành lập quỹ Juniper vào năm 2003 để làm cho Phật giáo dễ tiếp cận với những người đang sống trong thời hiện đại. Họ cùng nhau nghiên cứu truyền thống Segyu và trình bày lại những giáo lý lâu đời của nó dưới dạng thế tục.

Trung đạo - con đường làm chủ nội tâm

Levy chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng bắt đầu bằng cách có thể sống và tích hợp những giáo lý và phương pháp thực hành có khả năng chuyển hóa đáng kinh ngạc này, nhưng cũng giúp chúng tôi gắn với lối sống hiện đại. Đó là giấc mơ, đó là con đường trung đạo, để tập hợp những gì mà tôi gọi là liễu ngộ bên trong lẫn bên ngoài”. Levy nói rằng hầu hết mọi người đều giỏi biểu đạt ra bên ngoài hoặc làm việc rất hiệu quả, nhưng làm chủ được nội tâm là phần bị lãng quên.

Hiện tại, Juniper có hàng trăm người tập trung thiền định hàng tuần. Levy nhìn lại với sự thích thú trong những ngày ở Pixar, nhưng anh rất trân trọng hành trình mình đang đi hoàn toàn khác với con đường sự nghiệp trước đây. Trong khi đó, Pixar đã phát triển. Văn phòng không còn nằm trong một tòa nhà nhạt nhẽo ở ngoại ô thung lũng Silicon. Nhân viên của Pixar giờ đã có hơn 700 người vẫn nỗ lực với sứ mệnh không thay đổi: kể những câu chuyện tuyệt vời.

Thay vì đi lại hai giờ để làm việc, Levy bắt đầu một ngày mới vào lúc 6g30 sáng để ngồi thiền. Ông ngồi trên tọa cụ trước một bàn thờ nhỏ. Đôi khi ông thắp nến hoặc chưng hoa tươi được cắt từ vườn nhà. Ông thực hành thiền định theo Kim Cang thừa. Ông có thể ngồi trong 10 phút hoặc 40 phút. Dù bằng cách nào, Levy cũng thừa nhận điệu nhảy bất tận giữa kỷ luật và tự do trong bản thể của chính mình, cũng như thế giới xung quanh.

“Tôi tin rằng con người chúng ta sẽ tốt hơn khi có một điều gì đó làm nền tảng, một mạch nguồn sâu thẳm mà từ đó chúng ta có thể khơi dậy trí tuệ, thấu hiểu và cảm hứng. Mục đích của mạch nguồn đó là trao cho chúng ta sức mạnh, mang lại chiều sâu và hạnh phúc trọn vẹn, và cho chúng ta phương tiện để bay cao”. Levy đã viết trong phần cuối cuốn hồi ký của ông như thế.

Bội Trân
(lược dịch từ Lion’s Roar)