Đánh thức tiềm năng du lịch Quần thể Am Ngọa Vân


Gắn kết du lịch và di sản

Được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013, nhưng thực tế, một số di tích tại quần thể Ngọa Vân đã tiến hành tôn tạo từ năm 2012.
 Phật tử và du khách lên Am Ngọa Vân
Trong số đó, những hạng mục quan trọng nhất đã được bảo tồn và tôn tạo như Am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng "nằm an nhiên, viên tịch theo thế sư tử" trong sử cũ; 2 tòa tháp đá Phật Hoàng tháp (nơi lưu giữ xá lị của Người) và Đoan Nghiêm tháp.

Kèm theo đó, dựa trên các di chỉ khảo cổ cũ, chùa Ngọa Vân đã được phục dựng ở độ cao 500 mét so với mực nước biển, địa thế rất đẹp: tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía trước có ngọn núi nhỏ làm án, phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm uốn quanh...

Đặc biệt, từ đầu năm 2016, hệ thống cáp treo Ngọa Vân (do Công ty TNHH dịch vụ Cáp treo Tâm Đức đầu tư) đã đi vào vận hành với chiều dài hơn 2000 mét gồm 2 nhà ga, 12 trụ đỡ, và 53 cabin với công suất thiết kế cao nhất 2.300 người/giờ.

Được nhà thầu Poma (Pháp) cung cấp thiết bị và lắp đặt theo tiêu chuẩn thế giới, hệ thống này cho phép đưa du khách lên Am Ngọa Vân trong vòng 10 phút, so với 2 tiếng nếu đi bằng đường bộ.

Cũng cần nhắc lại, cụm di tích Am Ngọa Vân chính là một điểm đến nằm trong quần thể Yên Tử chung, với dãy Yên Tử Sơn kéo dài từ Uông Bí qua Đông Triều về Chí Linh (Hải Dương).

Và, với hệ thống dấu tích đồ sộ của Thiền phái Trúc Lâm và Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cả Am Ngọa Vân và Yên Tử đều nằm trong hồ sơ xây dựng Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, đang được xây dựng để trình UNESCO xin danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới.
 
Để phục vụ cho việc kết nối các hệ thống di tích này, trục đường Ngọa Vân – Hồ Thiên – Yên Tử đã được tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng từ năm 2013.

Ở thời điểm hiện tại, trong khi đoạn Hồ Thiên – Yên Tử đã hoàn thành, thì trục đường Ngọa Vân – Hồ Thiên chỉ còn vài trăm mét cần thi công và sẽ thông xe vào đầu tháng 6 tới.

Theo ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý cụm di tích nhà Trần tại Đông Triều  cho biết khi trục đường này hoàn thành, du khách sẽ chỉ mất 20 km để đi từ Yên Tử về Ngọa Vân, thay vì phải vòng xa với quãng đường dài gấp đôi như hiện tại. 

Cùng với hệ thống cáp treo đang có, du khách chỉ trong một ngày đã có thể thăm quần thể Yên Tử, rồi về “thánh địa” Am Ngọa Vân để chiêm bái trọn hành trình tu tập rồi nhập tịch của Đức Phật Hoàng.

Với hệ thống các di tích như chùa Quỳnh Lâm, Đá Chồng, Ba Bậc... đang được trùng tu, sẽ nối dài sang những điểm mới trong giai đoạn sau, quần thể di tích Ngọa Vân đã tới lúc chuyển mình để trở thành một phần không thể tách rời trong khu đất Phật Yên Tử...

Điểm đến của Phật tử
 4.000 phật tử cùng hành lễ tại chùa Ngọa Vân
Mới đây, gần 4000 Phật tử của chùa Tân Hải (Hà Nội) đã có chuyến hành hương tới Am Ngọa Vân để tu học và hành trì sám bái. Tuy nhiên, liên tục trong 2 năm trước, các Phật tử của ngôi chùa này cũng đã có những chuyến hành hương tới Ngọa Vân, với con số lần lượt là 1000 và 2000 ngàn người.

Lượng Phật tử tăng cũng tương đồng với mức du khách đổ về đây kể từ năm 2016, khi Am Ngọa Vân lần đầu tiên khai hội.

Theo con số của Ban quản lý cụm di tích nhà Trần tại Đông Triều cung cấp, trong năm đầu tiên, quần thể này đón 10 vạn du khách và gấp đôi ở năm tiếp sau.

Hiện tại, chỉ trong 3 tháng đầu xuân 2018, lượng khách về đây đã đạt khoảng 19 vạn lượt người.

Con số ấy tất nhiên chưa thể so sánh với lượng du khách hàng năm đổ về khu di tích Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) cách đó vài chục km.

Đó cũng là điều dễ hiểu, khi đặt bên cạnh một Yên Tử đã được tôn tạo và xây dựng các hạng mục phụ trợ từ hơn chục năm trước, thì Am Ngọa Vân mới chỉ hoàn thành trùng tu giai đoạn 1 vào đầu năm 2016.

Như nhận xét của ông Vũ Văn Tuấn so với  Yên Tử, khu vực Ngọa Vân “đi chậm” hơn ở rất nhiều phương diện. “Nhưng, tôi tin chắc, cùng nằm trong quần thể Yên Tử, nơi đây sẽ sớm trở thành điểm đến quan trọng nhất, với vai trò như Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm...” ông nói.
 Am thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Ngọa Vân
Những nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử hiện có đã xác định nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành trong một thời gian dài sau khi xuất gia thì  khu vực am Ngọa Vân hiện tại chính là nơi ông tu hành và viên tịch trong những năm cuối đời.

Trong quá khứ, khu vực này đã từng được xây dựng và mở rộng thành một quần thể chùa tháp lớn với những chùa Quỳnh Lâm, khu Đá Chồng, Hồ Thiên, Bắc Mã...

Và, với vị trí là điểm kết thúc trong hành trình tu tập khổ hạnh, giáo hóa chúng sinh rồi nhập diệt của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, không có gì lạ khi Am Ngọa Vân được mặc định coi là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.

Như lời chia sẻ của Đại đức Thích Quảng Hiếu, trụ trì chùa Tân Hải, với Phật giáo Việt Nam, am Ngọa Vân cũng có vai trò giống như Thánh tích Kushinagar bên Ấn Độ...

Theo daidoanket.vn
(link bài: http://daidoanket.vn/du-lich/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-quan-the-am-ngoa-van-tintuc403965)