Ham muốn ngủ nghỉ


Dĩ nhiên ai cũng cần ngủ nghỉ, điều quan trọng là vừa phải chớ có đam mê. Người đời thường nghĩ “ăn được ngủ được là tiên” nhưng trong nhà đạo thì cần tiết chế, nếu không sẽ rơi vào giải đãi, mê đắm. Bởi lẽ ngủ nghỉ là một trong năm món dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy - ngủ nghỉ), đam mê ngủ nghỉ là một chướng ngại đạo.


 
Từ thời Thế Tôn cho đến ngày nay, người xuất gia mê đắm ngủ nghỉ không phải chuyện lạ. Ngoài việc Thế Tôn hay chúng Tăng thường răn nhắc, cảnh tỉnh về tác hại của đam mê ngủ nghỉ thì chư thiên, hộ pháp thiện thần cũng hay phàn nàn, quở trách về việc này. Cho nên lập nguyện tinh tấn vượt thắng giải đãi, lười biếng và ham mê ngủ nghỉ là một hạnh tu quan trọng. Thụy miên ngủ nghỉ là một triền cái chướng ngăn thánh đạo. Sa đà vào ngủ nghỉ tuy không thô lộ dễ thấy biết như mê đắm tài, sắc, danh, thực nhưng tác hại đến đường đạo cũng không nhỏ.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các Tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, kiết hạ an cư trong một khu rừng. Ban ngày thì nhập chánh thọ, thân thể mệt mỏi, còn đêm đến thì ngủ.

Lúc đó, trong rừng kia có Thiên thần trú ngụ, tự nghĩ: ‘Đây không phải là pháp Tỳ-kheo. Ở trong rừng vắng, ban ngày nhập chánh thọ, ban đêm lại ham ngủ nghỉ. Bây giờ ta sẽ đến thức tỉnh vị ấy’. Lúc đó, Thiên thần đến trước Tỳ-kheo nói kệ:

Tỳ-kheo! Thầy tỉnh dậy!/ Vì sao ham ngủ nghỉ?/ Ngủ nghỉ có lợi gì?/ Khi bệnh sao không ngủ?/ Khi gai nhọn đâm thân/ Làm sao ngủ nghỉ được?/ Ngài vốn xả, không nhà/ Ý muốn đi xuất gia/ Nên như ý muốn xưa/ Cầu tăng tiến ngày đêm/ Chớ rơi vào mê ngủ/ Khiến tâm không tự tại/ Dục vô thường, biến đổi/ Say mê nơi người ngu/ Người khác đều bị trói/ Nay ngài đã cởi trói/ Chánh tín mà xuất gia/ Vì sao ham ngủ nghỉ?/ Đã điều phục tham dục/ Tâm kia được giải thoát/ Trí thắng diệu đầy đủ/ Xuất gia, sao ham ngủ?/ Cần tinh tấn chánh thọ/ Thường tu sức kiên cố/ Chuyên cầu Bát-Niết-bàn/ Tại sao mà ham ngủ?/ Khởi minh, đoạn vô minh/ Diệt tận các hữu lậu/ Điều phục thân sau cùng/ Tại sao ham ngủ nghỉ?

Khi vị Thiên thần kia nói kệ, Tỳ-kheo này nghe xong, chuyên tinh tư duy đắc A-la-hán”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1332)
 
Theo chú giải, cụm từ ‘ban ngày thì nhập chánh thọ’ có nghĩa là ngủ ngày, chính xác chánh thọ là ngủ trưa, còn giấc ngủ ban đêm nữa. Lệ thường, thiền môn có khoảng hơn nửa giờ chỉ tịnh nghỉ trưa sau khi đã ngọ trai và thiền hành xong. Có người thì ngủ, có người chỉ nghỉ, buông thư toàn bộ thân tâm với chánh niệm tỉnh giác. Đây là khoảng thời gian quý báu ít ỏi để nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, giúp phục hồi thể lực để chiều tiếp tục tu học hay Phật sự. Thế nhưng cũng có người tranh thủ quá đà, kéo dài đến xế, đó là ham mê ngủ nghỉ.

Giấc ngủ ban đêm trong thiền môn cũng vậy, thường ngủ sớm để dậy sớm. Người tinh tấn chuẩn mực thì nửa đêm đã thức dậy tọa thiền cho đến sáng. Còn đa phần thì đều thức dậy lúc bốn giờ sáng để công phu khuya, tọa thiền. Trừ những khi đau ốm hay quá mệt mỏi mới xin nghỉ, còn không thì tất cả phải theo chúng thực hiện công phu. Để vượt qua sự mê ngủ, sự trợ duyên và tương tác của đại chúng đóng vai trò quan trọng. Những người ở riêng, xa lìa đại chúng thường không đủ mạnh mẽ tinh tấn vượt qua cám dỗ của sự mê ngủ này.

Người xuất gia nếu quá giải đãi thì chư thiên, hộ pháp thiện thần không hoan hỷ, các Phật tử hộ trì cũng kém vui. Vì thế, cần phát huy tinh tấn dõng mãnh đoạn trừ ham mê ngủ nghỉ để tu tập lợi mình và lợi người.


Quảng Tánh