Kiến trúc độc đáo chùa Thanh Mai


Kiến trúc độc đáo chùa Thanh Mai

(PGVN)

Chùa Thanh Mai vốn được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo, cao khoảng 200m thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh). 

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, Thị xã Chí Linh ( Hải Dương) gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị Tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua sự vần vũ của thời gian, biến thiên của lịch sử, ngôi chùa hầu như đã đổ nát, bị lãng quên giữa núi rừng. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và những người tu hành, đến nay ngôi chùa đã cơ bản được phục dựng, trở thành một trong những danh thắng kỳ thú của thị xã Chí Linh nói riêng, xứ Đông nói chung.

phatgiao-org-vn-Chua-Thanh-Mai
 

Từ quốc lộ 18, vượt qua hơn chục cây số len lỏi giữa các xóm thôn yên bình, chúng tôi tìm đến chùa Thanh Mai. Đứng dưới chân núi nhìn lên không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp kỳ vĩ của núi non, với sắc đỏ của rừng phong mùa thay lá. Ngôi chùa mang tên đất nằm ẩn mình giữa bạt ngàn cây lá, bảng lảng khói sương. Con đường từ chân núi lên chùa lần lượt mở ra những điều kỳ thú.

Chùa Thanh Mai vốn được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo, cao khoảng 200m thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh).

Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Sau khi được xây dựng chùa là nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả, một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam. Trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi chùa cổ đã sụp đổ, các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế bị lãng quên.
Với mong muốn phục dựng và bảo tồn một di tích lịch sử quan trọng, năm 1980, chùa đã được đầu tư khôi phục dần dần theo từng hạng mục. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nhưng quy mô nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút, đường sá đi lại khó khăn, chùa Thanh Mai vẫn bị chìm trong quên lãng.

Sư thầy Thích Chí Trung trụ trì chùa Thanh Mai cho biết: Năm 1994, ông được cử về trụ trì tại chùa. Khi đó thực trạng ngôi chùa rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Trăn trở trước nguy cơ biến mất của di tích, sư thầy đã vận động đóng góp công đức trùng tu, khôi phục lại chùa. Trải qua biết bao khó khăn gian khổ, trong 6 năm, từ năm 1994-2000, sư thầy đã bỏ 500 triệu đồng khôi phục hệ thống tượng Phật trong chùa. Đáng chú ý là các pho tượng đều được thếp vàng và 2 pho tượng hộ pháp uy nghi cao 3m được tạc hoàn toàn bằng gỗ mít. Trong cùng thời gian trên, với sự hỗ trợ của Sở Giao thông - Vận tải và Công ty Điện lực Hải Dương, 2 km đường lên chùa được mở, 1 km đường điện chiếu sáng được mắc, tháp Viên Thông được phục dựng. Không dừng lại đó, năm 2002 sư thầy tiếp tục vận động các phật tử quyên góp xây dựng 10 gian nhà Tổ theo kiểu chữ "nhị" rộng 130 m2 trị giá 300 triệu và năm 2010 xây toàn bộ khu nhà bếp, công trình phụ cho nhà chùa trị giá 400 triệu đồng.
Để quy hoạch tổng thể di tích, trả lại giá trị lịch sử, đồng thời xây dựng chùa Thanh Mai trở thành một danh thắng mang tầm quốc gia, năm 2005, ngôi chùa được Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 10 gian chính điện rộng 180 m² với kiến trúc kiểu chữ "Đinh", tiền đường chồng diêm 8 mái. Cho đến năm 2007, chùa tiếp tục được đầu tư 10 tỷ đồng hoàn thiện các hạng mục như Tam quan, 2 gian nhà bia, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà tăng. Đến nay các hạng mục còn lại như sân, bờ kè, đường lên chùa đang được khẩn trương hoàn thiện.
Cùng với các hạng mục kiến trúc bề thế, hiện nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia có giá trị như một bảo vật quốc gia, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm. Tấm bia cũng cho thấy tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Có thể nói, mỗi di vật ở chùa đều mang trong mình những câu chuyện, chứng tích lịch sử khiến ta phải ngỡ ngàng. Đến với Thanh Mai không chỉ là tìm về chốn Phật mà còn tìm về với cây cỏ thiên nhiên. Không ngạc nhiên khi bắt gặp ai đó chắp tay kính cẩn hồi lâu trước ngọn Viên Thông Bảo Tháp hay đứng lặng hàng giờ chiêm bái, lần đọc văn bia. Cũng không ngạc nhiên khi có vị du khách suốt buổi náu mình dưới tán cây bên suối nghe tiếng nước róc rách. Hoặc một ngày kia ta chợt bắt gặp cả cánh rừng bừng lên sắc trắng của hoa dẻ hay bị nhuộm đỏ bởi lá phong. Theo đánh giá Thanh Mai là một trong những vùng còn giữ được diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh với hai loại cây trám và dẻ cùng nhiều loại gỗ quý như lim, sến, lát.
Từ một phế tích, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay, chùa Thanh Mai đã có một cơ ngơi khang trang bề thế, quy mô kiến trúc độc đáo, trở thành nơi có sức cuốn hút du khách. Không chỉ vào ngày hội chùa (mồng 1 đến mồng 3-3 Âm lịch) mà kể cả ngày thường, chùa Thanh Mai không khi nào vắng khách tham quan. Với giá trị lịch sử lâu đời, với nhiều nghi lễ tôn nghiêm trong ngày hội như: giảng kinh, mộc dục, chay đàn... cùng thiên nhiên kỳ vĩ, chùa Thanh Mai cùng với các di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc đang góp phần làm giàu có thêm vốn văn hóa xứ Đông.

Đức Tuỳ