Phong tục Tết cổ truyền
Ở một số nơi, trong 3 ngày Tết, người dân kiêng quét nhà hoặc có thể quét nhà nhưng chỉ gom rác ở một góc chứ không đổ đi. Dân gian cho rằng nếu đổ rác dịp này thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt.
Cây nêu được dựng trước sân nhà mỗi dịp Tết đến có ý nghĩa gì?
Cây nêu là thân cây được người dân Việt Nam nói chung, gồm cả người Kinh và một số dân tộc thiểu số, đem trồng trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Trên ngọn cây nêu có một vòng tròn nhỏ treo nhiều vật dụng (tùy từng địa phương) như: túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ. Khi gió thổi, những vật này va chạm vào nhau phát ra tiếng leng keng. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của khánh đất, tràng pháo, để báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…
Cây nêu do đó có ý nghĩa ngăn ngừa quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ.
Vì sao phải kiêng đổ rác trong 3 ngày Tết?
Ở một số nơi, trong 3 ngày Tết, người dân kiêng quét nhà hoặc có thể quét nhà nhưng chỉ gom rác ở một góc chứ không đổ đi. Dân gian cho rằng nếu đổ rác dịp này thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt.
Tập tục này xuất phát từ truyền thuyết ở Trung Hoa có một lái buôn thật thà được Thủy Thần thương ban cho người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày thương gia này đem Như Nguyệt về nuôi, gia đình làm ăn phát đạt. Một hôm, Như Nguyệt phạm lỗi, người lái buôn không kiềm được cơn giận đã ra tay đánh cậu bé. Như Nguyệt hoảng sợ trốn vào đống rác và sau đó biến mất. Từ ngày đó, gia đình lái buôn làm ăn sa sút, buôn bán không được nên nghèo kiết xác.
Dân làng bàn tán xôn xao cho rằng Như Nguyệt là một vị thần đã mang lại sự giàu có, hưng thịnh. Từ đó, dân gian lập bàn thờ Như Nguyệt và đặt tên là Thần Tài với hy vọng vị thần sẽ độ trì cho gia đình được nhiều tài lộc.
Đầu năm mới âm lịch, người ta thường mua thứ gì để đuổi tà, cầu may?
Theo quan niệm dân gian, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Tục mua muối đầu năm do đó ngoài để trừ tà, cầu may, còn ý nghĩa mong sự thuận hòa, gắn kết, yêu thương trong tình cảm gia đình, làng xóm.
Thứ gì thường kiêng cho trong những ngày Tết?
Quan niệm lửa là đỏ, là may mắn nên dân gian cho rằng, cho người khác cái may trong ngày mùng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui xẻo. Nước được ví như nguồn tài lộc, nguồn công năng cho gia đình nên người dân rất kỵ cho nước vì sợ sẽ mất "lộc".
Bởi quan niệm này nên từ những ngày cuối năm, dân gian luôn chủ động đưa nước đầy ắp lu vại, giữ lửa hồng suốt mấy ngày Tết.
Các quốc gia nào cũng ăn Tết nguyên đán như Việt Nam?
Ở Hàn Quốc, năm mới bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch. Ngày 30 Tết, các gia đình Hàn Quốc cũng dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối trước giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đêm giao thừa, người Hàn Quốc đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Người Hàn Quốc quan niệm đêm giao thừa không ai ngủ vì nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.
Người Triều Tiên trước kia đón Tết vào tháng 10 và tháng 11, gần đây chuyển sang mùng 1 tháng giêng Âm lịch. Ngày Tết Nguyên đán ở Triều Tiên không thể thiếu 2 phong tục: "đuổi quỷ" và "đốt tóc". Để "đuổi qủy", họ bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mùng 1 Tết đem vứt ra ngã tư đường với ý tống khứ ma quỷ, nghênh đón điều tốt lành. Tục "đốt tóc" thường được làm vào buổi chiều mùng 1, người ta đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều bình an và xua đuổi dịch bệnh.
Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Mỗi dịp năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.
Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán âm lịch cổ truyền. Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore có 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.
Mông Cổ là một trong số ít quốc gia ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam. Ngày Tết gặp nhau, người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: "Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt". Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết món ăn ngày Tết của người Mông Cổ chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng, mỳ vằn thắn.