Phật tử phản ứng về việc lạm dụng tranh, tượng Phật
GN - Đảo nghỉ dưỡng Bali là một trong những nơi sản xuất, xuất khẩu tranh ảnh Đức Phật lớn nhất trên thế giới, và theo Tổ chức Hiểu biết về Đức Phật (KBO), cần phải chấm dứt việc thương mại hóa này.
Cuối tuần qua, tại chợ Jatu Jat ở Thái Lan, đông đảo Phật tử đã tập hợp dưới sự hướng dẫn của KBO để đưa ra kiến nghị cần phải chấm dứt việc mua bán hình ảnh Đức Phật và sử dụng làm vật trang trí thiếu tôn nghiêm. Dịp này, nhiều khách hàng đến chợ đã dừng lại đọc các biển hiệu và chú ý lắng nghe các thành viên KBO giải thích lý do việc không nên sử dụng hình ảnh Đức Phật để trang trí trong khách sạn, quán rượu, nhà hàng hoặc spa.
Các thành viên của BKO đưa khẩu hiệu cần tôn trọng hình ảnh Đức Phật trên đường phố Bangkok
Trước đó một ngày, các thành viên Tổ chức KBO cũng được mời đến nói chuyện tại chùa Arun ở thủ đô Bangkok và trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Pháp về hiện tượng buôn bán và sử dụng tranh, ảnh Phật tại các nơi không phù hợp, làm ảnh hưởng đến tình cảm của người Phật tử.
“Mọi người cần nhận thức rằng, đó là những việc làm tổn thương người Phật tử và đối với chúng tôi, hình ảnh Đức Phật là thiêng liêng, cần được tôn trí đúng nơi, đúng chỗ”, Sucheewa Sangduen, một thành viên của Tổ chức BKO nói với truyền thông trong buổi trả lời phỏng vấn.
“Trên thực tế, Phật giáo là một tôn giáo lớn và tranh, ảnh về Đức Phật rất quan trọng đối với tín đồ Phật giáo. Đó không phải là các tác phẩm nhằm làm đẹp những nơi vui chơi, ăn uống và giải trí”, Sangduen cho biết thêm.
Vị trụ trì chùa Arun đã ca ngợi việc làm của BKO. Theo đó, các phản ứng này là cần thiết và nên lan tỏa khắp Thái Lan để giáo dục khách du lịch liên quan đến việc sử dụng hình ảnh Đức Phật như đã từng lên tiếng về trang phục, thái độ đúng đắn khi đến thăm viếng chùa, lễ Phật.
“Trong quá khứ, du khách từng mặc quần ngắn và áo ba lỗ, một số phụ nữ thậm chí còn tạo dáng với việc cởi áo sơ-mi của họ trước hình tượng Đức Phật. BKO đã thay đổi tất cả điều này thông qua truyền thông và các tài liệu hướng dẫn khách du lịch về cách cư xử khi đến chùa”, vị trụ trì chùa Wat Arun chia sẻ.
Theo Pat Pattana, một thành viên lãnh đạo BKO, việc đưa ra kiến nghị chấm dứt thương mại hóa hình ảnh Đức Phật nhằm mục đích lớn nhất là làm cho mọi người tiếp cận các thông tin và điều chỉnh nhận thức không phù hợp.
“Chúng tôi thấy, hầu hết người nước ngoài không biết họ đã làm điều không phù hợp khi dùng hình ảnh của Đức Phật để trang trí tại những nơi thiếu tôn nghiêm. Và một khi được chúng tôi giải thích, mọi người đều sẵn sàng thực hiện những điều chỉnh”, Pattana nói.
BKO được thành lập bởi Thiền sư Acharavadee Wongsakon, vị Tăng sĩ người Thái Lan. Sư Acharavadee đã viếng thăm Buddha Bar ở Paris một thập kỷ trước. Thiết kế của Buddha Bar được mô phỏng theo một ngôi chùa Thái Lan và lắp đặt một sàn nhảy cùng các quầy rượu. Sư trở về Thái Lan thành lập BKO, một tổ chức chuyên vận động, hướng dẫn mọi người về sự tôn trọng, đạo đức và việc sử dụng hình tượng Đức Phật đúng cách. Trang web của BKO thường xuyên đăng tải lời giải thích về những điều nên và không nên làm khi sử dụng hình ảnh Đức Phật.
“Chúng tôi đã làm việc với nhiều công ty có uy tín trên thế giới để giải quyết việc lạm dụng hình ảnh Đức Phật. Trong đó, nhiều nhất là trường hợp sử dụng hình ảnh thiêng liêng này tại nhà hàng, khách sạn, quán bar và cả những nhà vệ sinh”, Sangduen nói.
Theo Sangduen, đảo Bali là nơi sản xuất khá quy mô các tác phẩm về Đức Phật dành cho mục đích thương mại và đặt để ở những nơi thiếu tôn nghiêm. BKO đang có những bước đi phù hợp để đưa ra các kiến nghị thay đổi và chấm dứt việc này.
“Mọi việc sẽ không dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết mức. Có nhiều chủ doanh nghiệp khi thực hiện việc trang trí tranh, ảnh Phật, họ chỉ đơn thuần xem đó như việc làm đẹp để tạo sự thu hút khách hàng. Khi chúng tôi tiếp xúc và trao đổi thì mọi việc thay đổi theo hướng tích cực. Trong đó, có nhiều người rất cầu thị để không lặp lại điều đáng tiếc này một lần nữa”, Sangduen tâm sự.
Sơn Thoại (theo The Bali Times)