CÔNG ĐỨC & BỐ THÍ HÃY ĐỂ TẤM LÒNG LẶNG LẼ TOẢ HƯƠNG


Trong thời gian vừa qua, cùng với sự quan tâm của Nhà Nước và tấm lòng của nhiều Phật tử các công trình Phật giáo và di tích lịch sử đã được tu bổ, tôn tạo trở nên khang trang, đẹp đẽ. Tuy nhiên, hiện tượng gắn bia đá, bảng ghi công đức với hình thức phố trương đã gây mất mỹ quan, xâm hại di tích. Mỗi cá nhân, tập thể đóng góp công đức và cả nơi tiếp nhận công đức đều muốn ghi nhận sự hảo tâm, điều này là hợp lý. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá trong nước, các công trình kiến trúc cổ : đình , đền, chùa Việt  từ xưa tới nay còn lại đều cho thấy người xưa luôn đặt bia ghi công đức ở chỗ kín đáo.

Không nên phô trương khi công đức. Ảnh: internet

Với những người con của Phật, chúng ta nên hiểu: làm công đức, làm việc thiện tối cần là sự lặng lẽ. Làm công đức mà khoe khoang, càng nhiều người biết thì công đức bản thân tích luỹ lâu nay sẽ bị hao tổn. Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tế đàn, phần Bố thí là bài học quý báu cho mỗi chúng ta về cách làm công đức và bố thí.

“ Một thời, Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggara. Bấy giờ có nhiều cư sĩ ở Campà cùng Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.

Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn và do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn?

Ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với ý nghĩ “tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung được cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Khi nghiệp lực được đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận thì trở lui trạng thái này.

Nhưng ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”. Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này.”

 Vì thế, chúng ta hãy luyện cho  tâm, không mong cầu, không trói buộc, khi làm việc thiện thì mới đạt được công đức, phước báo vô lượng.


Thích Tuệ Huy