Đại học Phật giáo thành Di sản thế giới


UNESCO đã đưa 4 địa điểm mới vào Danh sách Di sản Thế giới...

Các địa điểm mới, được công bố hôm 15-7, bao gồm cảnh quan văn hóa nghệ thuật đá Hoa Sơn của Chiết Giang, Trung Quốc, cống dẫn nước cổ đại Qanat của Iran, và địa điểm khảo cổ Nalanda Mahavihara (Đại học Nalanda) của Ấn Độ (ảnh).

Ủy ban Di sản Thế giới cũng chọn hòn đảo nhân tạo Nan Madol của Liên bang Micronesia và đồng thời đặt nó vào Danh sách Di sản Thế giới có nguy cơ.

Nalanda là một trung tâm học tập bậc cao thời cổ đại ở bang Bihar, Ấn Độ, tồn tại từ thế kỷ thứ 5 đến năm 1197. Địa điểm này nằm cách Patna chừng 88 km về phía đông nam.

Nalanda phát triển rực rỡ trong giai đoạn từ thời vua Śakrāditya (danh tánh của người này chưa được chắc chắn, có thể là triều vua Kumara Gupta I hoặc Kumara Gupta II) đến năm 1197, nhận được sự bảo hộ của các vị hoàng đế theo Ấn giáo thời Đế quốc Gupta cũng như các vị hoàng đế theo Phật giáo như Harsha và những hoàng đế của Đế quốc Pala thời kỳ sau đó.

Khu phức hợp Nalanda được xây dựng bằng gạch đỏ, ngày nay phế tích này nằm trên một diện tích rộng 14 ha. Vào thời hoàng kim của mình, Đại học Nalanda thu hút học giả và sinh viên từ cả các vùng xa xôi như Tây Tạng, Trung Quốc, Hy Lạp, và Ba Tư.

Nalanda bị một đội quân Hồi giáo người Turk do Bakhtiyar Khilji chỉ huy tàn phá vào năm 1193. Thư viện của Đại học Nalanda lớn đến mức mất đến 3 tháng mới cháy hết khi nó bị những kẻ xâm lăng châm lửa đốt, tàn phá các tự viện, và đuổi các tu sĩ ra khỏi khu vực.

Năm 2006, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác tuyên bố một dự án tôn tạo và phục hồi địa điểm cổ xưa này.

Văn Công Hưng
(theo UNESCO)