Đại thừa và Nguyên thủy: Khác mà không khác


GN - HỎI: Tôi được biết, theo giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, khi một người tu hành chứng đắc thì không còn tái sinh đời sau vì lúc đó ví như “củi hết nên lửa tắt”. Bồ-tát trong giáo lý Nguyên thủy là người chưa giải thoát, vì nếu đã giải thoát thì nhập Niết-bàn nên không sinh vào các cõi để thực hiện hạnh nguyện độ sinh. Trong khi theo giáo lý Phật giáo Đại thừa, Bồ-tát là bậc giải thoát nhưng tùy duyên mà vào sinh ra tử để cứu độ chúng sinh. Như vậy phải chăng quan niệm về Bồ-tát, giải thoát, Niết-bàn của Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa khác nhau?

(HIỀN HÒA, nguyenhienhoa16@gmail.com)


Pháp của Phật dạy dẫu có nhiều con đường tiếp cận nhưng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát

ĐÁP:

Bạn Hiền Hòa thân mến!

Theo Phật giáo Nguyên thủy, chỉ có duy nhất Bồ-tát Tất-đạt-đa, sau khi trải qua vô lượng kiếp hành đạo Bồ-tát (Tiểu bộ kinh, Chuyện Tiền thân) cho đến kiếp này tu tập giác ngộ dưới cội bồ-đề thành Đức Phật Thích Ca. Còn tất cả các vị đệ tử xuất gia Thánh chúng và phàm chúng của Đức Phật đều là Thanh văn, tu tập Bát Thánh đạo cầu giác ngộ, giải thoát sinh tử, chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện đời.

Rõ ràng, Bồ-tát trong giáo lý Nguyên thủy là người chưa giải thoát. Phật giáo Nguyên thủy không chủ trương tu tập theo lý tưởng và hạnh nguyện của Bồ-tát, chú trọng đến hạnh Thanh văn nhằm giải thoát sinh tử ngay trong đời này. Bậc Thánh A-la-hán đã đoạn tận ái dục và vô minh, chứng đắc giải thoát Niết-bàn thì không còn tái sinh, vì như “củi hết nên lửa tắt”. Tuy nhiên, hạnh nguyện độ sinh của các ngài vẫn không ngừng, chí ít là từ khi đắc Niết-bàn cho đến lúc xả báo thân. Rõ ràng nhất, chính Đức Phật và các vị Thánh chúng, sau khi thành tựu giải thoát (chứng đắc Niết-bàn) vẫn tận lực hoằng pháp độ sinh cho đến tận cuối đời.

Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa có nhiều phẩm vị, từ Bồ-tát Sơ phát tâm cho đến Bồ-tát Đẳng giác là cả lộ trình dài, trải qua nhiều kiếp. Nên nói “Bồ-tát là bậc giải thoát nhưng tùy duyên mà vào sinh ra tử để cứu độ chúng sinh” chỉ đúng với các vị Đại Bồ-tát mà thôi. Còn các vị Bồ-tát khác thì vừa tu tập giải thoát vừa thực hiện sứ mạng độ sinh trải qua nhiều kiếp cho đến ngày thành Phật.

Như thế, về bản chất tu tập (Thanh văn và Bồ-tát), giải thoát và Niết-bàn giữa hai truyền thống Phật giáo vẫn không khác nhau. Chỉ có chút khác biệt người tu hạnh Thanh văn chú trọng đến giải thoát sinh tử trong hiện đời, còn độ sinh thì tùy duyên giáo hóa. Người tu hạnh Bồ-tát thì song hành tự lợi và lợi tha (có thể trải qua nhiều đời) nhưng trọng tâm vẫn hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
(tuvangiacngo@yahoo.com)