Đảnh lễ các bậc Thầy


Tưởng niệm Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình (1933-2016), Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa viên tịch, Vanhoaphatgiao.net xin giới thiệu câu chuyện sau đây được ghi lại từ HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni, Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh Khánh Hòa.

------------------

Là một trong những Tăng sinh miền Nam được chuyển ra tu học tại Nha Trang đầu năm 1968, trong những ngày đầu tiên đến đất Khánh Hòa, vị giáo phẩm để lại nhiều ấn tượng lúc đó đối với cá nhân chúng tôi chính là cố HT.Thích Chí Tín, trú trì chùa Long Sơn lúc bấy giờ.


Môn sinh cố HT.Thích Thiện Bình đảnh lễ Giác linh ngài tại lễ tưởng niệm,
phụng tống kim quan nhập bảo tháp hôm 24-11 qua - Ảnh: Nguyên Sơn

Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình, cũng là người miền Nam, sinh quán ở vùng đất Long An, nhưng giai đoạn đó Tăng sinh chúng tôi hiếm khi có duyên gặp gỡ, chưa nói tới việc thân cận.

Hòa thượng cũng là người có tiếng nguyên tắc, cùng với những hình thức “hiện đại” có tính phá cách, mà thi thoảng, chúng tôi mới bất chợt gặp trong một vài dịp ngài đến hầu chuyện với “Thầy Giám” - HT.Thích Trí Thủ mỗi khi Hòa thượng về Phật học viện Hải Đức. Gặp bất chợt và chào trong lễ nghi nhà chùa, chúng tôi hầu như không có đạo tình đặc biệt như đã có đối với một số vị giáo thọ khác, nếu không nói là ít nhiều không mấy thiện cảm cũng bởi phong cách phá cách đó, cũng như âm giọng miền Nam pha phương ngữ đặc sản Quảng Trị kiểu “răng - ri - mô - rứa” khó nghe.

Thiện cảm duy nhất thời đó tôi có được với Hòa thượng là vào một dịp, Tăng sinh chuyên khoa Phật học viện khóa 1970-1974 chúng tôi thi, thời đó việc thi cử được tổ chức rất nghiêm khắc, trong môn Lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi đang viết phần nội dung về Phật giáo Lý - Trần, tới chi tiết liên quan Thiền sư Viên Chiếu, tôi bỗng dưng quên mất danh hiệu của vị thiền sư kia, và mải lục lọi trong trí nhớ mà không hề biết Hòa thượng, cũng là một trong những vị giáo thọ đang coi thi đứng sau lưng mình từ bao giờ, Hòa thượng bèn “nhắc tuồng” đúng tên vị thiền sư đó..., rồi Hòa thượng lặng lẽ đi qua nơi khác, còn tôi như qua được “cơn nghẹn”, tiếp tục làm bài thi.

Chúng tôi chỉ nghe lóm được rằng, Hòa thượng là người rất giỏi về hành chánh, là người có tinh thần phụng sự không ngại khó, nhưng là người rất nguyên tắc và do đó rất khó gần. Mãi cho đến sau ngày thống nhất đất nước, khi đã về Long Sơn, chừng những năm cuối thập niên 1980, lúc chúng tôi được Hòa thượng Chí Tín giao việc cải tạo mảnh đất trước chùa làm khu vườn, thỉnh thoảng trong những buổi chiều, Hòa thượng từ thiền thất đi xuống, đó là dịp thầy trò có những câu chuyện thăm hỏi, nhưng cũng chỉ là những câu thăm hỏi đơn giản, đời thường nhà chùa.

Trong một lần, khi HT.Thích Thiện Siêu đã trở về Huế làm Phật sự theo yêu cầu của Giáo hội, Hòa thượng gọi tôi lên và dạy ra làm việc với ngài. Tôi vốn chỉ thích việc giảng dạy, và cũng nhớ lời dặn của Ôn Thiện Siêu trước đó, ngài dạy rằng khi nào ngài còn làm việc thì không được tham gia làm việc. Tôi đem điều đó hỏi ý kiến Hòa thượng Đỗng Minh, Hòa thượng hỏi lại tôi, và nói một câu hàm ý gợi mở, từ đó tôi quyết định tham gia phụ quý Hòa thượng, làm Tổng Giám thị Trường Cơ bản Phật học lúc ban đầu đặt tại chùa Nghĩa Phương, nơi mà HT.Thích Trí Tâm làm Hiệu trưởng, HT.Thích Thiện Bình làm Hiệu phó.

Công việc Tổng Giám thị thực tế bấy giờ rất bao đồng, do nhân sự ít ỏi và điều kiện cũng nhiều khó khăn, từ làm các văn bản hành chánh, phân thời khóa biểu đến coi thi…, nhưng chính nhân duyên này chúng tôi mới có dịp được thân cận, được học, đặc biệt là được hiểu thêm về những tâm tư nguyện vọng tha thiết, sự uyển chuyển và phương tiện linh động trong các Phật sự bên trong tính cách nguyên tắc của HT.Thích Thiện Bình.

Chính những kinh nghiệm xuất xử trong hành đạo, mà Hòa thượng đã có duyên phụng sự rất sớm, ở nhiều địa phương khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh xã hội, và quan trọng là được đào tạo căn bản trong nếp sống Phật học đường ở cố đô Huế thời hoàng kim, nên đường hướng của Hòa thượng như một mũi tên khi buông ra khỏi dây cung chỉ hướng tới một mục đích duy nhất, đó là lợi lạc cho Đạo pháp và Dân tộc, cho Chánh pháp và quê hương đất nước. Chính lý tưởng đó là bệ đỡ, là nội lực để ngài vượt qua, luôn vững chãi, vượt lên hoàn cảnh, giữ tâm an nhiên, tự tại, không vướng mắc vấn đề cá nhân, ngay cả chuyện đệ tử, thị phi, và cả tháp mộ cho riêng mình.

Chúng tôi nhớ trong Đại giới đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Khánh Hòa, năm 1993, vấn đề nên có một cơ sở giáo dục Tăng Ni đã được chư vị Hòa thượng đặt ra. Vào dịp vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, tháng 2 năm 1994, Trưởng lão HT.Thích Trí Nghiêm đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng ngôi trường trên mảnh đất tương đối hoang sơ lúc bấy giờ tại chùa Long Sơn.

Ban Vận động chỉ vận động được 240 triệu đồng, trong khi đó kinh phí xây dựng dự kiến gần 2 tỷ đồng. Tiền đâu có cho công trình hoàn tất để sớm đưa vào sử dụng? Câu trả lời là ở HT.Thích Thiện Bình.

Hòa thượng đã dốc tiền chùa, khi tiền chùa cạn, ngài lại âm thầm đi vay mượn, cứ vậy, lặng lẽ nhưng đều đặn, với cách làm của Hòa thượng, cơ sở ngôi trường cũng hoàn thành. Tiền mà Hòa thượng chuyển, với danh nghĩa là “cho mượn”, nhưng suốt nhiều năm qua, chưa bao giờ nghe ngài “đòi”, kể lể, và thực tế nhà trường chưa hề “trả” cho Hòa thượng một đồng nào. Hòa thượng chỉ quan tâm nhắc nhở làm sao để việc đào tạo, giảng dạy Tăng Ni sinh cho tốt, có thực học và đạo hạnh.

HT.Thích Thiện Bình là vị giáo phẩm nhiều kinh nghiệm trong hành đạo, Phó Pháp chủ của Trung ương Giáo hội và người đứng mũi chịu sào ở nhiều tỉnh thành, gắn bó với đất Khánh Hòa mấy mươi năm qua, là bậc trưởng thượng, nhưng mỗi khi có dịp kể về chư vị Thầy như chư Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Thiện Siêu…, Hòa thượng luôn dành một đạo tình tôn kính đặc biệt của một người học trò nhỏ đối với các vị Thầy lớn. Riêng mình, những lúc đó, tôi cảm nhận được rằng Hòa thượng rất hạnh phúc, an lạc.

Có hạnh phúc nào hơn khi trong cuộc đời chúng ta có một lý tưởng để phụng sự và có những vị Thầy để kính trọng, làm gương để học hỏi và nỗ lực hướng thượng.

Thâm sâu trong tâm thức mình, chúng tôi, cả thế hệ chúng tôi, rất ngại khi phải gọi các ngài với các chức danh, giáo phẩm cao quý theo quy định của Giáo hội; mà trong lòng, chỉ muốn được gọi bằng chữ THẦY, một cách trọn vẹn, cả nghĩa thế gian cũng như tâm linh.

Xin được cho chúng con đảnh lễ THẦY, kính lễ các bậc THẦY mà chúng con đã có duyên lành thân cận, hướng dẫn và khai mở tâm trí, hướng dẫn hành đạo cho chúng con trong kiếp này cũng như trong vô lượng kiếp.

 

Tỷ-kheo Thích Minh Thông