Dây trói bền chắc nhất
Học và hành theo Phật sẽ cảm nhận được cuộc sống nhẹ nhàng, an vui
Rất nhiều người bước lên vinh quang mà không chỉ sống cho riêng mình. Người thành đạt có nhân cách lớn luôn nghĩ đến người khác và tìm cách sẻ chia, biết tìm vui trong việc giúp người. Họ không cố nắm giữ hết những gì họ có, sống vui hơn với bàn tay rộng mở. Sẻ chia một phần hay nhiều phần những gì mình đang có là điều rất khó làm. Phải có tâm thí xả rộng lớn, thấy được phước quả lành của việc thiện, nhất là thành tựu tuệ giác vô thường mới dám xả buông. Buông bỏ được chừng nào thì ít bị trói và an vui chừng nấy.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nổi giận, bắt nhiều người trong nước bỏ tù, gồm các Sát-đế-lợi, nào Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà-la, Chiên-đà-la, trì giới hay phạm giới, tại gia hay xuất gia đều bị trói, bị xiềng xích, bị cùm, hoặc bị cột dây. Bấy giờ, sáng sớm, có các Tỳ-kheo đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực, nghe vua Ba-tư-nặc bắt giữ nhiều người,… cho đến xiềng xích, cột trói.
Sau khi khất thực xong, các Tỳ-kheo trở về tinh xá cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, hôm nay các Tỳ-kheo chúng con vào thành khất thực, nghe vua Ba-tư-nặc bắt giữ nhiều người,… cho đến xiềng xích, cột trói.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Chẳng phải dây, cùm, xích
Là trói buộc kiên cố
Tâm ô nhiễm, luyến tiếc
Của báu, tiền, vợ con
Dây trói bền lâu nhất
Tuy lỏng nhưng khó thoát
Người trí không luyến tiếc
Lạc thú ngũ dục đời
Đó là dứt được trói
An ổn siêu xuất thế.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1235)
Thế Tôn khi nghe các Tỳ-kheo kể chuyện nhà vua bắt trói, xiềng xích rất nhiều tội nhân, Ngài liền dạy, sự xích trói ấy xem kỹ lưỡng vậy mà chưa phải bền chắc nhất. Dây thừng và xích sắt kia rồi cũng có ngày mục nát, đứt rã nhưng tham đắm và ái luyến về tài sản và gia đình vợ chồng con cháu tuy lỏng mà chắc, con người bị trói vào đó thì khó thoát ra được.
Thành ra, gầy dựng cơ nghiệp đã khó, đến khi hưởng thụ thành quả lao động cho đúng đắn, lợi ích cũng không phải dễ dàng. Thế Tôn từng chỉ dạy tài sản làm ra cần chia làm bốn phần căn bản, đó là tự hưởng, tiết kiệm, tái đầu tư, cúng-thí. Trân trọng tài sản mà không chấp giữ, thấy rõ tài sản vô thường để vận dụng sao cho lợi mình lợi người trong đời này và đời sau. Cố nắm giữ mà không biết buông xả, không biết vận dụng tài sản sao cho có ích thì bị chính tài sản ấy trói chặt.
Tình cảm gia đình cũng vậy, mặc dầu gia đình là số một, yêu thương và lo lắng cho gia đình là điều tốt nhưng phải thấy đó là nhân duyên với nhau. Nhân duyên cộng nghiệp đã kết nối chúng ta thành gia đình. Một gia đình hạnh phúc nhờ các cộng nghiệp thiện lành và ngược lại. Hạnh phúc hay bất hạnh trong đời sống gia đình cũng là nhân duyên; đủ duyên thì còn, hết duyên thì mất.