Đem Phật vào lòng, đem kinh vào lòng



Hôm nay chúng ta có tầm nhìn mới theo Đức Phật là từ sự thành đạo của Đức Phật, về sau được triển khai thành kinh Hoa nghiêm là bộ kinh mở đầu của Phật giáo Phát triển. Nhưng có người chấp vào Phật giáo Nguyên thủy nói rằng sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đến Lộc Uyển nói pháp Tứ Thánh đế cho các anh em Kiều Trần Như và các vị này đắc quả A-la-hán, thì mới có đạo Phật. Đó là quan niệm thứ nhất không công nhận kinh Hoa nghiêm của Phật giáo, họ chỉ công nhận pháp ban đầu Phật nói là Tứ Thánh đế của Phật giáo Nguyên thủy.

Nhưng chúng ta học Phật có tầm nhìn khác hơn. Theo tôi, tầm nhìn theo lịch sử của loài người khác với nhận thức của người tu đắc đạo. Về lịch sử, chúng ta thấy thời thuyết pháp đầu tiên của Phật ở vườn Nai (Lộc uyển) và Phật giáo xuất hiện trên cuộc đời cũng từ đó. Vì vậy, pháp Tứ Thánh đế được coi là căn bản, nhưng khoảng thời gian trước đó, Phật tu tập cái gì và Ngài thành đạo ra sao, thì những điều này chúng ta không biết. Chỉ biết Phật đã tầm sư học đạo trong 5 năm và tu khổ hạnh 6 năm, rồi Ngài thành đạo, thành Phật.

Nhưng trong loài người, khi hiểu về Đức Phật, hiểu về lời dạy của Phật, thì theo tôi, không ai hiểu giống ai. Nếu là người bình thường cứ nhất định rằng Phật sanh ra như người bình thường thôi. Nhưng theo Phật giáo Nguyên thủy đã gợi cho chúng ta thấy Phật là con người khác thường. Vì vậy, khi Phật sanh ra còn nằm nôi, A Tư Đà đã nói rằng nếu Ngài không tu, sẽ là Chuyển luân Thánh vương, nếu tu, Ngài sẽ thành Phật.

Vì vậy, nói người giống nhau, nhưng thực tế không ai giống ai. Có người suốt đời không làm được gì. Có người làm được việc này, việc nọ và cao hơn, có người thành công, có người lãnh đạo. Nhìn sâu thì không ai giống ai, nên với cặp mắt tu chứng của A Tư Đà thấy bên trong thái tử có Phật, Phật giáo Nguyên thủy đã thấy như vậy, nên nói Ngài là người phi thường, không tu là lãnh đạo cao nhất, tu sẽ là Phật.

Ở Việt Nam, Lý Khánh Vân thấy Lý Công Uẩn là ông đạo khó dạy, nhưng sư Vạn Hạnh nhìn thấy khác. Sư Vạn Hạnh và Lý Khánh Vân là anh em ruột, nhưng có cái thấy khác nhau. Sư Vạn Hạnh thấy Lý Công Uẩn là đế vương, vì cử chỉ và hành động của ông thể hiện tư chất lãnh đạo.

Phật là con người, nhưng ta nhìn mặt khác, thấy Ngài phi thường. Thật vậy, còn là thái tử, Ngài đã không kẹt phú quý lợi danh. Nếu còn kẹt thứ này chỉ là người tầm thường. Đương nhiên ngôi vị thái tử thì ai cũng ham, nhưng thái tử không ham. Vì bên trong thái tử đã có ông Phật, sau này triển khai rộng, bảo rằng trước khi sanh ra, Ngài là Bồ-tát Hộ Minh và giáng phàm thì hoàng hậu Ma Gia trong giấc mộng đã thấy voi trắng sáu ngà khai hông bà mà vô.

Từ chỗ này cho chúng ta thấy trước khi sanh ra, ta là gì, hay đời trước và nhiều đời trước nữa, chúng ta là cái gì, vì đã là cái gì đó ở đời trước thì cái đó mới thể hiện ra đời này.

Bên trong con người có cái khác, nếu thấy bằng mắt bình thường là thấy sức khỏe, hiểu biết, phán đoán của họ, là đã có khác nhau rồi. Căn cứ như vậy, có thể chia ra ba hạng người. Hạng người có học cũng không biết, hạng người thứ hai, có học có biết và hạng người thứ ba không học cũng biết là người có trí tuệ hơn người khác.

Đức Phật của chúng ta là người có trí tuệ siêu đẳng hơn mọi người. Phật giáo Nguyên thủy cũng khẳng định điều này. Ngài học không ai bằng và phán đoán vượt trên mọi người. Kinh đã ghi rằng Phật có sức khỏe hơn người, ngoại hình dễ coi hơn người, gọi là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và trước khi tu, Ngài cũng có tình thương muôn loài. Lịch sử ghi rằng khi thái tử theo vua Tịnh Phạn dự lễ hạ điền, Ngài thấy con giun bị lưỡi cày cắt đứt, con chim mổ ăn, liền sau đó, con chim lớn sà xuống quặp con chim nhỏ. Người thợ săn đứng đó rình bắn con chim lớn, không hề hay biết sau lưng anh ta có con hổ đang chực vồ anh, tự nhiên thái tử khởi tình thương muôn loài và nói rằng tất cả các loài vì miếng ăn mà tàn sát lẫn nhau. Nhưng cũng có những người không phải vì cần miếng ăn mà vẫn giết các loài hạ đẳng.

Riêng tôi, có lúc thấy người ta giải trí bằng cách đi câu, hay săn bắn. Họ lấy việc sát hại làm thú vui. Có người đem cá thả, nhưng có người ngồi câu và họ tỏ vẻ sung sướng khi câu được cá, trong khi nhìn thấy lưỡi câu móc vào miệng cá, mình cảm thấy đau. Như vậy, có sự khác biệt rõ rệt giữa người muốn cứu và người muốn sát hại. Thực tế cho thấy loài vật vì sự sống mà phải bắt mồi, như cọp đói mới bắt con khác ăn, nhưng con người không vì ăn mà vẫn sát hại các loài.

Thái tử không chỉ thương loài người, Ngài thương tất cả muôn loài. Lớn lên, Ngài luôn có ý muốn giúp người; còn chúng ta làm từ thiện cũng chỉ cứu giúp nhứt thời thôi. Thái tử Sĩ Đạt Ta có tình thương bao la, nên Ngài đã suy nghĩ làm thế nào giải quyết hết khổ đau cho tất cả chúng sanh.

Chúng ta muốn nhìn về Phật theo người trí thức, hay bằng trí tuệ. Chúng ta không giới hạn trong lịch sử chỉ có cái thấy bình thường thì Phật là người bình thường. Nhìn sâu bên trong thấy Phật khác là khác trước khi tu, trong khi tu và sau khi Ngài đắc đạo.

Đối với tôi, căn cứ vào lịch sử để thấy bề sâu bên trong. Còn chỉ giới hạn hiểu biết theo lịch sử, sự tu hành sẽ không tiến bộ.

Nếu theo lịch sử mà làm, thì chúng ta chỉ bắt chước Phật là bỏ cuộc sống sang giàu để đi xin ăn. Ngày nay, một số người cạo đầu, mặc áo tu đi xin ăn, nhưng theo tôi, những người này không tu theo Phật mà là phá Phật, tức mượn hình thức Phật để sống qua ngày, không có đời sống tâm linh.

Tôi nghĩ vậy, vì trước khi tu, thái tử thấy anh thợ săn mặc áo tu. Anh ta nói mặc áo tu để muông thú không sợ, mới đến gần thì giết nó dễ. Ngày nay thực tế cho thấy người lợi dụng chiếc áo tu để những người ngây thơ tưởng là nhà tu thiệt, mới nhận được của cúng dường, thậm chí lường gạt họ được.

Thái tử mới nói với anh thợ săn rằng Ngài đổi áo cho anh, vì Ngài cần chiếc áo tu, còn anh nên lấy áo thái tử bán đi để sống, đừng lợi dụng áo tu để giết hại muông thú nữa. Bài học này cho chúng ta biết thế nào là tu thiệt, tu giả. Thái tử muốn tu thành Phật để cứu người. Anh thợ săn lợi dụng mặc áo tu để làm việc ác, kinh gọi đó là sư tử trùng. Đối với người tu thiệt, chúng ta ủng hộ để họ cứu đời; biết người tu giả, ta tránh xa.

Thái tử mặc áo Sa-môn là tu thiệt, nghe chỗ có người tu danh tiếng, Ngài đến học. Có lúc Ngài theo người tu ăn toàn rễ cây, hay trái cây. Họ cũng quyết tâm tu, nhưng vì không có đạo sư, không có trí tuệ, nên lấy việc ăn uống khổ hạnh như vậy để tính hơn người là không đúng và khổ hạnh cuối cùng bị ngã quỵ.

Và thái tử đã gặp hai đạo sư nổi tiếng thời đó là ông Kamala và Uất Đầu Lam Phất thực tu và tu có kết quả, nên quần chúng theo đông thêm và họ cũng đắc quả. Hai ông này dạy thái tử thấy rõ người thực tu có chứng khác với người tu không chứng mà Trí Giả gọi là cuồng hoa vô quả. Ta thấy người tu có kết quả là thấy dáng vẻ, ngôn ngữ, cử chỉ của họ mà biết được.

Quả đầu mùa của ông Kamala tu được gọi là Ly sanh hỷ lạc, tức không lệ thuộc cuộc đời. Người khác lệ thuộc ăn uống, lệ thuộc tình cảm, lệ thuộc xã hội, nên phải xử sự với nhau thế này thế nọ mới được. Người chứng Ly sanh hỷ lạc thì được khen không mừng, bị chê không buồn.

Tôi nhận thấy tất cả người thế gian còn ham muốn, còn buồn, giận, lo, sợ. Họ lệ thuộc xã hội và lệ thuộc tình cảm rất nhiều, nên họ bị cuộc sống này ràng buộc không ít. Nhìn kỹ, chúng ta thấy những người trong xã hội xử sự với nhau đầy phiền muộn.

Người tu đặt mình ngoài cuộc sống gọi là cái thân ngoại vật, có ăn cũng được, không có ăn cũng như thường, chê cũng không sao, người không biết đúng về mình cũng chẳng hề gì… Còn người đời xấu, nhưng cứ muốn người khác nghĩ tốt về họ. Nhưng tu hành, sống đời sống thực thì ít nhất ông Kamala cũng hái được quả Ly sanh hỷ lạc, không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc tình cảm, không lệ thuộc ăn uống. Từ đó, được Định sanh hỷ lạc là thường sống trong định, hay sống nội tâm và niềm vui của chúng ta là vui của tự thọ dụng thân, không phải vui do sự tác động bên ngoài, vì có tác động mới vui thì hết tác động là hết vui. Tự thọ dụng có được nguồn vui thầm kín trong lòng, ai nói phải nói trái gì cũng cười.

Tiến cao hơn nữa, đến Ly hỷ diệu lạc là được định mà chấp vô sở đắc đó cũng không tốt, nên bỏ luôn để được Xả niệm thanh tịnh. Đây là tu chứng cao nhất của Kamala về Tứ thiền. Thái tử đã học được sự phát triển tâm linh không lệ thuộc đời sống vật chất.

Ông Kamala nói với thái tử rằng tới đây là đạt được sự tu chứng tột đỉnh rồi, anh em hãy ở lại đây lo cho tu viện và dìu dắt người khác.

Nhưng thái tử có niềm khao khát cao hơn là chưa cứu giúp được cho mọi người thoát nỗi khổ sinh tử luân hồi. Vì vậy, thái tử ra đi, đến học với Uất Đầu Lam Phất. Ông dạy thái tử tu từ Tứ thiền lên Tứ không: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ định và Phi tưởng phi phi tưởng xứ định là Bát định, là thiền của ngoại đạo mà Thái tử đã học được, chứng được bằng tâm, tức học, hiểu và thực tập pháp tu của ngoại đạo có kết quả. Ông Uất Đầu Lam Phất cho biết thái tử đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định là tột đỉnh rồi. Nhưng thái tử cũng nhận thấy đó không phải là mục tiêu của Ngài. Ngài thấy phải tự khám phá chính mình.

Thời gian mà thái tử học được lịch sử ghi rõ, nên mình biết, nhưng Ngài tự khám phá trong lòng thì mình không biết. Tuy nhiên học Đại thừa, chúng ta căn cứ vào Phật giáo Nguyên thủy thì biết được cái Ngài khám phá. Ngài nói cái mà Ta hiểu biết như lá trong rừng, cái mà Ta nói ra được chỉ là nắm lá trong tay, hay giáo lý của Ta ví như ngón tay chỉ mặt trăng. Đừng chấp vào ngón tay là mặt trăng. Vì chân lý chỉ tu mới biết được, ví như người uống nước mới biết nước nóng lạnh thế nào, không thể giải thích đúng về sự nóng lạnh của nước.

Vì vậy, chúng ta không nên chấp vào lời dạy của Phật, nhưng biết là sự tu chứng của Phật không thể hiểu được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hiểu theo Phật giáo Nguyên thủy rằng Phật là người phi thường, nên Ngài có sức thuyết phục kỳ diệu. Điển hình như đã nói vua Tần Bà Sa La cúng thượng uyển cho Phật, không phải tự nhiên mà vua cúng Phật một cách dễ dàng như vậy. Chúng ta không biết tại sao vua lại cúng dường Phật khu vườn mà ông ưa thích, dạo chơi mỗi ngày, chỉ biết lịch sử ghi như vậy. Điều này cho chúng ta thấy Đức Phật có sức thuyết phục đặc biệt vô cùng. Người học Đại thừa là học sức thuyết phục của Phật, Ngài không nói nhưng người kính trọng tuyệt đối.

Ngày nay chúng ta học Phật là học gì. Các thầy sắp học cách diễn giảng chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng thực chất bên trong mới quan trọng. Thực tế cho thấy các vị cao tăng không nói, nhưng người nghe theo. Trong khi một số giảng sư nói, lần đầu người nghe đông, nhưng lần thứ hai, thứ ba thì số người nghe bớt lần, nên chỉ giảng được 5 năm hay nhiều lắm là 10 năm thôi.

Đức Phật của chúng ta có sức thuyết phục đến tận ngày Ngài nhập diệt, người người vẫn kính trọng Ngài. Các vua vùng Ngũ hà đến xin xá-lợi Phật và xây tháp thờ.

Chúng ta nhìn kỹ thấy có người tu còn sống, nhưng không ai quan tâm. Người tu khá hơn thì được kính trọng, cúng dường. Khá hơn nữa, họ chết nhưng người vẫn thương tiếc và vài năm sau thì phai nhạt lần. Người khá hơn thì được nhắc đến dù đã qua đời 10 năm, hay 50 năm.

Riêng Hòa thượng Quảng Đức, năm nay Giáo hội chúng ta kỷ niệm 55 năm ngài vị pháp thiêu thân. Có người đã gặp ngài hay chưa gặp, nhưng nghe tên ngài cũng sanh tâm kính trọng.
Đức Phật chúng ta nhập Niết-bàn 2.562 năm rồi mà loài người vẫn kính trọng. Đến ngày lễ Phật đản sanh, các nước trên thế giới tổ chức mừng ngày Phật ra đời.

Người mất 1.000 năm mà còn được nhắc đến đã khó. Trong khi Đức Phật xả Báo thân hơn 2.500 năm mà nhân loại vẫn kính ngưỡng, tôn thờ, hướng tâm đến khiến chúng ta phải suy nghĩ về sự hiện hữu của bậc Toàn giác trên thế gian này.

Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi Phật vào Niết-bàn, nhớ lời Phật dạy, các thầy đã họp lại trùng tuyên lời Phật. Lịch sử ghi rằng khi kiết tập, Ưu Ba Ly tụng luật và A Nan trùng tuyên lời Phật. Ưu Ba Ly trì luật, nên Phật chế điều luật gì, Ngài ghi nhớ, nên Phật Niết-bàn, Ngài ghi lại đầy đủ 250 giới cho Tỳ-kheo mà các thầy ngày nay mỗi tháng bố-tát phải tụng lại giới bản.

Phật dạy rằng các thầy giữ đúng 250 giới sẽ vượt qua được tất cả khó khăn, không ai hại được. Giữ đủ giới như vậy, cuộc đời tu chắc chắn an toàn và thành tựu 1.000 oai nghi thì giữ được đạo.

Tỳ-kheo giữ giới là trong tâm có giới và học kinh cũng đem vô tâm. Vì vậy, trong tâm chúng ta có luật và có lời Phật là trong tâm chúng ta có Phật thì đó là người tu đúng, tu thiệt. Tu giả ít tụng kinh, nhưng siêng nói chuyện đời. Dù tu sĩ, hay cư sĩ mà ham bàn luận chuyện hơn thua phải trái thì cuộc đời sẽ chồng chất khổ đau.

Còn luật đem vào lòng, vì đó là lời Phật dạy, thì hành vi sai trái không có, ai bắt mình được. Đem kinh, luật vào lòng thì kinh Nguyên thủy đã dạy rằng chúng ta đem Phật vào lòng mình được, chúng ta trở thành Hóa thân Phật.

Khi Phật còn là thái tử, đã đem Phật vào lòng, đem pháp vào lòng. Thật vậy, trong kinh Bản sanh, Bản sự, Ngài nói đã làm vua, làm trưởng giả, làm nai, làm sư tử… Ngài cho biết tất cả tiền kiếp của Ngài đã từng gặp nhiều vị Phật, mỗi vị Phật đã dạy Ngài một pháp bí yếu và Ngài đã đem pháp của chư Phật vào lòng, mới tạo thành Pháp thân của Phật.

Khi sanh thân Phật không còn trên cuộc đời này, nhưng giáo pháp của Phật vẫn còn và soi dường dẫn bước cho nhiều người sống an lạc giải thoát. Vì lý đó, người ta coi giáo pháp chính là Phật, gọi là giáo pháp Pháp thân, nhưng nếu kinh Phật vẫn để yên trong tủ và cuộc sống của chúng ta không thể hiện điều gì của kinh dạy thì như vậy cũng không mang đến lợi ích gì.

Nhận thức đúng đắn về giá trị của pháp Phật, quý thầy và các Phật tử phải đem kinh vào lòng thì khi gặp nhau, chúng ta chỉ bàn về kinh luật thôi, để người thấy đúng dìu dắt người thấy sai, giúp họ sửa đổi. Làm như vậy, tất cả đều thấy đúng giống nhau, gọi là Tăng đoàn Pháp thân.

Theo Phật giáo Nguyên thủy, người tu sống cùng nhau hài hòa ví như sữa hòa với nước. Nhờ các thầy hòa hợp thành một, nên suy nghĩ và hành động đều giống nhau và cùng tu chung với nhau thể hiện cuộc sống mẫu mực của Tăng đoàn Pháp thân. Vì vậy, khẩu hiệu thường nêu lên rằng giới luật còn là Phật pháp còn, tức còn trong suy nghĩ, trong cuộc sống của Tăng Ni, Phật tử.

Chính vì vậy, Tăng đoàn Pháp thân nghĩa là Tăng đoàn còn hòa hợp trong giáo pháp. Phật giáo Nguyên thủy đã làm được như vậy nên Phật giáo Nam truyền vẫn tồn tại ở một số nước như Thái Lan, Campuchia, Miến Điện… và người tu theo Nguyên thủy đã gặt hái được kết quả tốt đẹp.

Thực tế cho thấy từ khi tổ chức lễ Vesak năm 1999, mấy năm đầu lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Sau đó, nước Thái Lan đã tổ chức lễ này đến năm nay kỷ niệm 15 năm các nước theo Phật giáo trên thế giới đã tập hợp, thống nhất trong lễ Vesak. Tính ra nước Thái Lan đã tổ chức lễ Vesak 12 lần, Việt Nam tổ chức lễ Vesak 2 lần năm 2008 và 2014, Sri Lanka tổ chức lễ này 1 lần. Năm nay, tôi đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang Thái Lan dự lễ Vesak và xin đăng cai tổ chức Vesak năm 2019, nhưng họ chưa quyết định.

Có thể thấy rõ Phật giáo Nguyên thủy nhờ có tinh thần giới luật cao, nên họ cũng có sức thuyết phục lớn, từ vua cho đến dân chúng đều kính trọng Phật giáo.

Như vậy, tu đúng theo Phật giáo Nguyên thủy vẫn có kết quả tốt. Tôi tu theo Đại thừa vẫn quý trọng Phật giáo Nguyên thủy, coi họ là bạn thân của chúng ta. Họ có thực hành pháp Phật và gặt hái được kết quả tốt đẹp mới có được sức thuyết phục vua Thái Lan và các tướng lãnh. Thực tế cho chúng ta thấy vua quan và giới kinh doanh, trí thức của Thái Lan thấy nhà sư đều thể hiện sự cung kính đáng quý, vì họ đã giữ đúng giới luật và thực tập thiền quán, đem kinh vào lòng, nên đã thể hiện được thân tướng giải thoát đáng kính.


HT.Thích Trí Quảng