Đi chùa lễ Phật mà không hiểu Phật
Những năm gần đây, cứ vào ngày Rằm, mùng Một Âm lịch hoặc vào những ngày Lễ, Tết Nguyên đán, tại các chùa (và cả đình, đền) người đi lễ Phật, lễ Thánh lại đông như trẩy hội. Đa số là những người trẻ tuổi, rồi đến lớp trung niên và một số ít người cao tuổi.
Có một nghịch lý là: Mấy chục năm trước, thời bao cấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, thì người đi chùa lễ Phật ít lắm (đa phần là người lớn tuổi đã Quy y cửa Phật), chủ yếu để vãn cảnh chùa và cầu bình an, sức khỏe cho tâm hồn thanh thản…Không hề có chuyện đốt vàng mã, cúng Phật, Thánh mâm cao, cỗ đầy…
Nay nhờ công cuộc đổi mới và kinh tế phát triển, nhiều người nhiều nhà giàu lên thì việc đi lễ chùa lại khác xưa: Rất nhiều người đi lễ chùa (phần lớn chưa phải là phật tử), cách thức lễ lạy khác nhau (người đứng, người quỳ, người chắp tay trước ngực, người trước trán), dâng lễ mâm cao, cỗ đầy, đốt rất nhiều vàng mã và cầu xin đủ thứ…!
Có thể tạm kể ra 4 nhóm người đi lễ Phật lễ Thánh và các việc cầu xin sau đây:
– Nam thanh nữ tú đang đi học thì cầu học giỏi đỗ cao, được học bổng đi du học nước ngoài.
– Công chức, viên chức đang đi làm thì cầu được cất nhắc thăng quan tiến chức…hoặc chuyển đổi công tác được công ty, doanh nghiệp nước ngoài (lương cao) tiếp nhận…
– Người kinh doanh đất đai, bất động sản…thì cầu trúng thầu dự án, mua đất bán nhà…
– Người buôn bán tiểu thương thì cầu “trúng quả” kinh doanh, phát tài phát lộc…
Dường như bây giờ nhiều người đi lễ chùa có quan niệm rằng, càng dâng lễ lớn, càng đốt nhiều kim ngân, ngựa, voi, trang phục và nhiều đồ tế lễ khác…để dâng Phật-Thánh thì việc cầu xin của mình mới có hiệu quả, Phật-Thánh mới chứng giám và phù hộ, độ trì cho!
Tôi chợt nghĩ: Nhiều người đi lễ chùa, ai cũng cầu xin được thăng quan tiến chức, giàu sang phú quý, buôn bán phát tài…và giả sử đều được Phật-Thánh độ cho như vậy thì đất nước mình đã…giàu to rồi và ra đường chỉ toàn gặp ngay quan chức, tỷ phú đi xe sang cả!
Dĩ nhiên, thực tế không phải như vậy! Thượng tọa Thích Bảo Chánh, Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, Phó Viện trưởng Viện PGVN Tp.HCM trong một lần giảng về Phật pháp đã nói: “Hiện nay có nhiều phật tử chưa hiểu được rõ ràng về sự lễ lạy cầu nguyện, cho nên đi chùa thường khấn vái lung tung, cầu xin đủ thứ, mà không am hiểu về Phật-Pháp-Tăng-Tam Bảo thì sự khấn vái và cầu xin đó không đúng với giáo lý nhà Phật!”.
Phải hiểu đức Phật là một vị chân tu đắc đạo Niết Bàn. Ngài không ban phát, mà chỉ khai thị, đưa đường chỉ lối cho chúng sinh biết cách tu hành, giác ngộ Phật pháp hướng tới Niết Bàn. Vì thế đức Thế Tôn mới nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành!”.
Cố nhà giáo Bùi Huy Lữ Hải ở số 5 Nguyễn Chế Nghĩa Hà Nội, lúc sinh thời cùng dạy học với tôi vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Sau khi nghỉ hưu năm 1980, ông đã dành hơn 30 năm nghiên cứu chuyên sâu về đạo Phật, làm nhiều tranh Phật bằng đá ghép, rồi mở lớp giảng về Phật pháp tại gia, thu nạp nhiều phật tử đến học. Tại lớp học, ông treo một bức tranh đá ghép có 2 chữ Nôm “VÔ CẦU” do ông làm. Một lần tôi đến thăm lớp học đó, ông nói với tôi: “Tôi giảng cho phật tử biết là Phật có gì để cho đâu, để đi lễ chùa đừng cầu xin việc này, việc nọ!”. Rồi ông Hải đưa tôi xem bản thu hoạch của phật tử sau 10 năm “Tầm sư học đạo” (1997-2007). Phật tử phải trả lời 2 câu hỏi là:
1- Cách đây 10 năm (tức vào năm 1997) một Ni sư từ Canada về thăm VN đã nói một câu tại chùa Chân Tiên: “Tôi thương phật tử VN quá, vì chẳng biết gì!”.
2- Năm 2006 Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Pháp về, đã nói tại CLB Quốc tế: “Các vị phật tử ở quê nhà chỉ có tín ngưỡng mà không có trí tuệ!”.
Vậy phật tử nghĩ thế nào về 2 nhận xét trên ở 2 thời điểm khác nhau?
Được thầy Hải đưa cho xem và đọc bản thu hoạch này, tôi thấy có 5 ý kiến cơ bản nêu trong bản thu hoạch, có thể tóm tắt như sau:
1- Nhận xét của Ni sư và Thiền sư không sai, nhưng chưa thật chính xác, bởi chắc gì tất cả những người đi lễ chùa đều là phật tử?
2- Thực tế những người có duyên lành được học và thấm nhuần Phật pháp lại không quan niệm cứ phải đi chùa lễ Phật mới là tốt, bởi “Thứ nhất là tu tại gia…”.
3- Đa số những người chăm đi lễ chùa lại hầu như chưa hiểu biết gì về Phật pháp. Họ chỉ lễ lạy và cầu xin đủ thứ. Số này không thể gọi là phật tử được.
4- Một số đi chùa tụng kinh niệm Phật theo “phong trào” là chính, chưa khởi lên cái Tâm muốn tìm hiểu và thực thi giáo lý nhà Phật.
5- Một số ít đi chùa lễ Phật đã có sự giác ngộ về Phật pháp, đã từng theo học các khóa Hạ ở các chùa như Quán Sứ, Bà Đá, Lý Quốc Sư, Liên Phái…Tuy nhiên mới chỉ dừng ở tín ngưỡng, chứ chưa thực sự khai mở trí tuệ. Khi trao đổi với một số đạo hữu đã từng nhiều năm đi chùa nghe giảng về đạo Phật thì thấy vẫn còn nhiều người thực sự chưa có hiểu biết đúng về đạo Phật.
Đi chùa lễ Phật thì nên “hiểu” Phật như thế nào?
– Đức Phật là bậc Đại từ bi (muốn giải thoát chúng sinh thoát khỏi khổ đau), Đại minh triết (giáo lý nhà Phật nhân văn, sâu sắc). Ngài không “cho” (ban phát), mà chỉ “dạy” (giác ngộ). Giáo lý nhà Phật có nhiều, chỉ xin nêu 5 điều sau đây (Thiết nghĩ, người đi chùa lễ Phật nên biết):
1- Phải từ bỏ tham-sân si, bởi phiền não của con người cũng từ đây mà ra. Vì thế Phật dạy: “Tri túc tâm thường lạc” (Biết đủ thì lòng mới vui).
Vậy đi chùa đừng “xin” Phật quá nhiều thứ, mà nên chú ý đến việc Niệm Phật (NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!) và LỄ PHẬT, bởi “Niệm Phật một câu Phước sinh vô lượng” và “Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa”.
2- Phải phát tâm từ bi hỷ xả
– Từ bi là lòng thương người, không chỉ thương người hoạn nạn, mà ‘thương” cả kẻ đã gây hoạn nạn cho ta (việc này mới khó!). Bởi theo Luật nhân quả của đạo Phật thì:
Nếu bạn gieo lòng tốt – Bạn sẽ gặp thân thiện
Nếu bạn gieo tha thứ – Bạn sẽ gặt hòa giải
– Hỷ xả là vui mừng và buông bỏ. Hai hành động này có tác động tương hỗ lẫn nhau. Muốn được vui mừng (hỷ) thì phải biết buông bỏ (xả). Đó là:
a- Phải xả những thói hư tật xấu của ta (tham-sân-si).
b- Phải xả những phiền muộn, tức giận mà kẻ xấu đã gây ra cho ta.
c- Phải xả của cải ta dư thừa để giúp đỡ những người còn khó khăn, thiếu thốn.
3- Phải giữ ngũ Giới, không được vi phạm
Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, người nào giữ được ngũ Giới thì đời sau sẽ gặp nhiều may mắn, phước đức. Đó là:
a- Không sát sinh – Đời sau khỏe mạnh, sống lâu
b- Không trộm cướp – Đời sau giàu có
c- Không tà dâm – Đời sau là người nghiêm trang, đẹp đẽ
d- Không nói dối – Đời sau là người nói năng lưu loát, ai cũng quý mến
e- Không nghiện rượu, ma túy – Đời sau trí tuệ minh mẫn, sáng suốt
4- Phải hiểu tác dụng của việc bố thí, cúng dường
Như trên đã nói, không phải đi chùa cứ dâng lễ lớn, đốt nhiều vàng tiền, đồ mã là được nhiều phước đức (được Phật độ cho nhiều việc, ban cho nhiều thứ!). Làm như vậy, tức vẫn còn nặng lòng tham, thì phước đức rất ít (tỷ lệ nghịch với đồ cúng lễ!). Vì đức Phật đã dạy: “Phước báu nhiều hay ít là do Tâm bố thí nhiều hay ít, chứ không phải của bố thí nhiều hay ít”. Vậy chỉ cần lòng thành, tâm tốt thì việc cúng lễ dù ít, dù nhiều cũng đều được phước lớn. Người đi chùa lễ Phật nên biết tác dụng của 2 việc cúng dường sau đây:
– Người giàu có đặt lễ 100, người nghèo khó chỉ có lễ 10 nhưng thành tâm thì phước đức nhận được như nhau.Tuy nhiên, nếu người giàu lại bắt chước người nghèo, cũng đặt lễ 10 thì phước đức nhận được lại ít hơn! Đức Phật từ bi thật công bằng!
– Người đi chùa đưa tiền hoặc hiện vật cúng dường có ghi tên, địa chỉ…thì đó là bố thí hữu tướng (muốn được danh tiếng, để người khác biết đến…) thì công đức nhận được có hạn! Vì đó là bố thí hữu ngã, mà giáo lý nhà Phật lại coi “Bố thí hữu ngã là tội liền sinh!”.
– Ngược lại với cách trên là bố thí vô tướng (không ghi tên, địa chỉ…), còn gọi là bố thí vô ngã, bố thí Ba la mật (bố thí bằng Tâm thanh tịnh, Tâm không chấp ngã) thì công đức vô biên, vô hạn.
5- Phải hiểu nguyên lý Nghiệp (báo), Duyên (khởi) và quy luật Nhân quả
Hành động của mỗi người (từ Thân-Miệng-Ý) tạo ra Ngiệp (nhân) của người đó. Người nào có hành động-lời nói-ý nghĩ tốt đẹp, không làm hại ai thì tạo ra Nghiệp thiện, Nghiệp lành và ngược lại sẽ tạo ra Nghiệp bất thiện, Nghiệp ác. Theo quy luật Nhân quả của Phật giáo thì đó chính là Nhân. Một nhân không thể tạo ngay thành quả được, mà phải có các yếu tố thời gian, lý do, nguyên cớ…tác động, gọi là nhân duyên, cơ duyên hoặc duyên (khởi) thì mới tạo thành quả được.
Theo quy luật Nhân quả, từ Nhân tạo ra Quả và Quả luôn có trong Nhân, nếu Nhân tốt thì Quả tốt và ngược lại. Hiểu luật Nhân quả, ta phải làm việc thiện tránh việc ác để tạo Nhân tốt sẽ có Quả tốt. Nếu Nhân xấu đã tạo rồi, thì dù có sợ, Quả xấu vẫn hình thành.
Vì thế dân gian mới có câu “Ở hiền gặp lành”, hoặc “Ác giả ác báo”, “Gieo nhân nào ăn quả nấy”, “Gieo nhân lành đơm trái ngọt”. Đức Phật còn nói: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, vì Bồ tát biết nhân xấu liền tránh nên không sợ quả xấu. Còn chúng sinh thấy việc xấu vẫn làm, đến khi kết quả không hay vận vào thân mới sợ thì đã muộn! Tuy nhiên một Nghiệp xấu đã làm, phải chờ một thời gian hội tụ đủ Duyên mới tạo thành Quả xấu.
Chính trong thời gian này, người làm việc xấu nhận thức ra, biết hối lỗi, đi chùa lễ Phật, sám hối lỗi lầm, xả bỏ vô minh, làm việc thiện tránh việc ác thì chắc chắn sẽ được đức Phật chứng giám và độ cho để chuyển hóa nghiệp, từ Nghiệp ác sang Nghiệp thiện để các Nhân xấu ác (tức lỗi lầm) đã tạo trong quá khứ không đủ Duyên để trổ thành Quả xấu được!
Như vậy dù là phật tử hay người bình thường đi chùa lễ Phật vẫn có thể cầu Phật độ cho bản thân và gia đình được bình an, thân tâm an lạc, phước đức đủ đầy, công việc hanh thông viên mãn…hoặc sám hối lỗi lầm trước Tam Bảo để xin chuyển Nghiệp từ xấu sang tốt, từ nặng thành nhẹ!
Hiểu được đạo Phật từ bi, công bằng, minh triết và nhân văn như vậy để làm theo lời Phật dạy thì việc đi chùa lễ Phật mới thực sự có ý nghĩa và tác dụng!
Vanhoaphatgiaovietnam.net