Giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường từ góc nhìn của Phật giáo


 

Hòa bình là khát vọng sâu xa muôn thuở của con người. Nó là trạng thái vắng lặng an ổn tuyệt đối ở nội tâm mà biểu hiện là sự thanh thản, hoan hỷ, không bạo động, không chiếm đoạt, không giận dữ, không đấu tranh. Trạng thái ấy luôn có sẵn trong mỗi người nhưng cần phải được đánh thức, khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển.Trong suốt hơn 45 năm thuyết pháp độ sanh, sự tận tụy của đức Phật trong sứ mạng xây dựng và khuyến khích hòa bình và đặc biệt là những lời dạy của Ngài về hòa bình.[1]

Với quan điểm sống không tham, không sân, không chấp ngã giữa cuộc đời. Đức  Phậtđã trực tiếp giới thiệu giải pháp hòa bình cho con người và gián tiếp xây dựng hòa bình cho cuộc đời.

Trên cơ sở những nguyên nhân gây ra bạo lực học đường ( trong loạt bài trước người viết đã trình bày những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong học đường) , chủ yếu là xuất phát bởi tam độc: tham, sân, si (chấp ngã). Theo quan niệm của Phật giáo nếu cần phải làm một cuộc thánh chiến thì tất cả nhân loại chúng ta phải nối kết lại chống lại kẻ thù chung của toàn nhân loại đó là, tham lam, sân hận và si mê vì nó có mặt chỗ nào thì hạnh phúc, hòa bình bị đe dọa chỗ đó.[2]

Hắn mắng tôi, đánh tôi

Hắn hạ tôi, cướp tôi

Ai xả niềm hận ấy

Hận thù tự nhiên nguôi.

(Kinh Pháp Cú, kệ 04)

Lại trong bản kinh khác đức Phật dạy về việc xây dựng hòa bình như sau:

“Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về bất tịnh. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về bất tịnh, cái gì thuộc tham ái được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt”.[3]

  1. Tu tập hạnh như đất- nước- lửa- gió- hư không

Như chúng ta đã biết nguyên nhân chủ yếu gây nên bạo lực học đường đều bất nguồn bởi tham, sân và si. Con người chúng ta luôn luôn cho rằng cái của chúng ta luôn là nhất, luôn có sự so sánh hơn thua giữa mình với người để rồi gây nên những cuộcẩu đả, hiềm khích đấu tranh.

Đức Phật nhận thấy điều này đã khuyên các học trò của mình nên thực tập tâm như đất, nước, lửa, gió, hư không mà mọi thứ nên hư, tốt xấu ở đời có vô tình hay hữu ý chạm vào  thì tâm ấy vẫn thản nhiên bất động. Trong kinh Trung bộ, Ngài dạy như sau:

“Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Ràhula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Ràhula, hãy tu tập như đất. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại”.[4]

Thực tập theo hạnh của nước-lửa-gió- hư không cũng như vậy.

Qua các lời dạy trên cho thấy tâm được khéo huấn luyện thì sẽ trở nên kiên cố vững chắc, không còn lo lắng, dao động, thản nhiê như đất- nước- lửa- gió- hư không, mặc cho cuộc đời có “ban tặng” cho ta thứ gì đi nữa. [5]Nếu các em học sinh được huấn luyện như trên thì không còn lý do gì để đấu tranh, tranh chấp, chiến tranh sinh khởi và tồn tại, hay cụ thể đó chính là hiện tượng bạo lực xảy ra trong học đường không còn cơ hội tồn tại.

“Tâm bình thế giới bình”

  1. Thực tập cách sống hiểu và thương

Con người chúng ta gây ra bạo lực với nhau cũng chỉ bởi vì chúng ta không yêu thương nhau, không tôn trọng nhau. Chúng ta chỉ chấp nhận đó là chúng ta cái gì cũng là nhất và những gì liên quan đến chúng ta cũng là nhất, không hề có sự san sẽ yêu thương hay chí ít là hiểu về nhau. Chính điều này gây nên những cơn thịnh nộ và tất nhiên bạo lực theo lẽ dĩ nhiên mà xảy ra.

  • Thực hành bố thí và mở rộng tâm từ bi

Thoạt nghe nhưng ở đây có vẻ như bị lạc đề, tại sao giải pháp chống bạo lực học đường lại đi thực hành pháp bố thí, có liên quan gì đến nhau đâu.Thật ra chúng liên quan và còn quan hệ mật thiết với nhau. Thông thường bố thí được hiểu là sự chia sẻ với người khác những gì mình có, như vậy bố thí cơ bản là một hành động thiện bởi nó xuất phát từ ý nghĩ thiện là sự hiểu biết, thông cảm và mong muốn được chia sẻ với người khác. Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu Ba La Mật[6] mà những người phát tâm tu theo hạnh Bồ Tát phải thực hiện, chính nhờ bố thí mà chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi yêu thương.

Đạo Phật nói đến ba loại bố thí đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí. Ở đây chúng ta chỉ nói đến tài thí, vậy thế nào là tài thí? Trong Tăng Chi bộ đức Phật như sau: “này Tỷ kheo, thế nào là tài thí? Ở đây, này các Tỷ kheo,Thánh đệ tử với tâm bố từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả, với bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ, sẳn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ những vật bố thí. Này các Tỷ kheo, đây gọi là tài thí”.[7] Có thể nói tài thí có liên quan phần lớn đến các cuộc chiến, đôi lúc chỉ vì lòng tham lợi dưỡng một món gì đó mà con người chúng ta sẳn sàng gây ra bạo lực để dành được nó.

Chính vì thế chúng ta, nhất là các giáo viên ở trường và các bậc cha mẹ cần phải hướng dẫn cho các em học sinh ý thức và thực hành được hạnh tài thí này, bởi nó có tác dụng ngăn trừ các nguyên nhân xung đột, chiến tranh hiệu quả của giải pháp kinh tế trên nền tảng chia sẻ với tâm vô tham và lòng từ bi. Hình thức mà chúng ta có thể thực hiện như là tổ chức các buổi thăm các mảnh đời bất hạnh, hay là đóng góp giúp bạn trong lớp có điều kiện học tập…tùy mỗi trường, hoàn cảnh mà giáo viên hướng dẫn các em thực hiện. Khi và chỉ khi các em thực hiện hạnh này như một thói quen thì tự nhiên những hành động bạo lực sẽ không cònđiều kiện phát triển.

Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham làm hại người đời,
Bố thí người ly tham,
Do vậy được quả lớn.

                        (Kinh Pháp Cú, kệ 356).

  • Nuôi dưỡng và phát triển tâm từ- bi- hỷ- xả

Trong một số bản kinh khác đức Phật đã chỉ rõ giải pháp hòa bình, chấm dứt bạo lực đó chính là nuôi dưỡng và phát triển các tâm từ, bi, hỷ, xả.

Từ(mettà) nghĩa là ban phát tình thương cho mọi người, mọi loài, bi (karuna) là thương xót nỗi bất hạnh khổ đau của loài hữu tình, hỷ(mudità) là hân hoan chia sẻ niềm vui với người khác, xả (upekhà) là giữ tâm bình đẳng đối với mọi loài.

Nếu hiểu và thực tập được bốn tâm thái trên thì tấm lòng yêu thương của cả em sẽ rộngở, các em sẽ thấu hiểu được những nỗi khổ niềm vui mà mình mang lại cho người khác.Tự bản thân các em sẽ không thể chấp nhận việc mình gây đau thương về thể xác lẫn tâm hồn lên các bạn đồng học.

Bởi chiến tranh, bạo lực là con đẻ của sân tâm hại tâm, bất như ý, hận tâm nên từ, bi, hỷ, xả được nuôi dưỡng và phát triển đồng nghĩa với việc hòa bình. Từ, bi, hỷ, xả càng được mở rộng thì hiểu biết và hòa bình cũngtheođó rộng ra. Tâm từ mở ra khổ đau khép lại là thế.[8]

  1. Hành thiền hay phương pháp điều tâm
  • Đối với thân thể: Ta thấy rõ đó là từ sự phối hợp của tinh cha, trứng mẹ, có mẫu số chung về nghiệp trong quan hệ họ tộc mà mình sinh ra. Thân thể này được cấu trúc gồm 36 yếu tố, xương tóc rằng, móng v...v... nó không phải là cái gì đó vĩnh hằng. Cái gì được cấu tạo mang tính tổ hợp, cái đó mang tính điều kiện, cái gì mang tính điều kiện cái đó bị sức vô thường chi phối, cái gì bị sức vô thường chi phối cái đó bị tấn công. Nhờ quán chiếu, ta thấy điều đó là một hiện thực. Thấy như vậy ta không nô lệ cho nỗi khổ đau của chúng ta, ta không cường điệu hóa nỗi đau
  • Quán niệm cảm xúc: Cảm xúc bao gồm hạnh phúc, khổ đau, sầu bi, trung tính và cảm xúc thanh tịnh sâu lắng. Hít thở bình an, hạnh phúc trong tâm, quán niệm trong tâm như thế ta sẽ giúp ta bỏ qua những người đang kiếm chuyện với mình.Khi một dòng cảm xúc sân hận xuất hiện có biểu hiện bạo lực trong tâm, hãy vẫy tay chào với nó mà hãy trở về cảm xúc thanh tịnh.
  • Quán niệm về tâm: Tâm gồm các cặp phạm trù: tâm thiện, tâm ác, tâm tích cực, tâm tiêu cực, tâm bạo lực, tâm từ bi, tâm có hiếu, tâm bất hiếu v..v..... có hằng trăm cặp phạm trù tâm lý của con người. Ta cần thấy rõ cái tâm nào trỗi dậy, ta phải ghi nhận, nếu là tâm tích cực thì ta theo nó, nếu là tâm tiêu cực thì ta vẫy ta chào nó. Không nên tạo ra áp lực đè nén, ức chế, vì như thế nó sẽ bùng phát mạnh hơn trong tương lai.
  • Ý niệm trong tâm: Ý niệm gồm nhóm đối tượng chính: Nhóm đối tượng quá khứ, nhóm đối tượng tương lai và nhóm đối tượng hiện tại. Phần lớn chúng ta bị kí ức kéo về quá khứ, hoặc sự mộng tưởng kéo ta về tương lai và theo Đức Phật, ai không sống theo giây phút hiện tại bằng chánh niệm, nghĩa là thấy rõ mình và làm chủ được mình, thì người đó không có hạnh phúc đích thực.[9]

Từ đây ta thấy thiền đóng vai trò hết sức quan trọng và thiết thực trong mục tiêu hòa bình vì nó là pháp điều tâm, có khả năng dứt trừ tham sân si, thiết lập hòa bình. Bởi vì nếu tham như tham sân si đã bị trừ diệt thì sẽ không còn lí do gì bạo lực xảy ra.

 

  1. Thực hành nếp sống kỷ cương đạo đức

Đức Phật chủ trương xây dựng hòa bình trong mỗi con người và trên sở chuyển hóa nội tâm, loại bỏ tham sân si nên theo Ngài nếp sống khép mình vào kỷ cương và nuôi dưỡngđạo là tuyệt đối căn bản và cần thiết. Không khép mình vào kỷ cương thì cuộc sống dễ buông lung, phóng túng, rất khó cho việc điều tâm.Cũng chính bởi vì các em không nương khép mình vào những kỷ cươngđạo đức nên bạo lực mới cóđiều kiện hình thành.

Phật chế giới luật dành cho người tại gia cũng không ngoài mong muốn xây dựng hòa bình. Trong các giớiđó, người viết chúý tới hai giớiđó là không sát sanh và không uống rượu, bởitheo thiển kiến của người viết nếu những học sinh giữđược tốt hai giới này thì hiện tượng bạo lực sẽkhông còn cơ hội phát triển.

  • Không sát sanh

Vì sao nếu giữ được giới không sát sanh thì hiện tượng bạo lực sẽ chấm dứt. Bởi vì nhờ ý thức được về những khổ đau do sự hành hạ, giết chóc sinh mạng chúng sanh, xuất phát từ tâm niệm nóng giận và thù hận gây ra, các em sẽ biết không gây khổ đâu trên thân thể các loài con vật huống chi đó là con người, là người bạn đồng học của mình.

Trong kinh Tăng Chi bộ, đức Phật dạy như sau: “Này gia chủ, sát sanh, do duyên sát sanh tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ sát sanh, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh làm lắng dịu sợ hãi hận thù này”.[10]

 Thế nên việc khuyến khích các em thực tập và giữ được giới sát sanh chính là ươm mầm cho hòa bình, là dấu chấm hết cho hành vi bạo lực.

Không đánh đập chúng sanh

Mạnh khỏe hay yếu đuối

Không sát hại tàn rụi

Ta gọi bà la môn

(Kinh Pháp cú, kệ 405)

 

  • Không uống rượu

Có thể nhìn vào giới này chúng ta có thể nói là không cần lắm, vì ở độ tuổi của các em học sinh thì uống rượu không phải là hiện tượng phổ biến.Nhưng ở đây chúng ta nên hiểu rộng ra đó là không sử dụng các chất có sự kích thích hay là những chắc gây nghiện, những sản phẩm mang tính độc hại tinh thần lẫn thể xác.

Hướng dẫn các em ý thức được những khổ đau do sử dụng các loại rượu, bia và các chất kích thích khác nhau, xuất phát từ buồn chán hay vui mừng quá độ gây ra, từđó làm cho các em hạn chế và dần tránh xa tất cả những sản phẩm độc hại qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh, phim ảnh, sách báo đồi trụy, bài bạc và những cuộc chuyện trò vô bổ, để giữ gìn sức khỏe và bảo vệ trí tuệ cho chúng con, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, duy trì an ninh trật tự xã hội.

Trong nhà trường cũng đã có những điều cấm về hành vi đạo đức này, tuy nhiên ở mức đó nào đó chúng ta cần làm cho học sinh tự ý thức được đó là những nguyên nhân gây ra các hành động làm ảnh hưởng tới bản thân mình và người khác. Thay vì cứ cấm mà không cho các em thấy được sự nguy hại của nó thì sẽ khó mà các em thực hiện, bởi đơn giản các em sẽ nghĩ rằng tại sao người khác cấm mình, chắc họ sợ mình đến giành của họ đây chăng, chính điều này thúc đẩy các em thực hiện các hành động trên nhằm thõa mãn sự tò mò của mình.

Ngoài ra, trong điều kiện cho phép ở trường học chúng ta nên tổ chức cho các em tham gia một số khóa tu thiền. Thiền phương pháp điều tâm, làm cho tâm an tịnh tránh được các sân hận si mê khởi lên mạnh mẽ. Khi thực tập thiền thường xuyên, tâm các em sẽ dần lắng tịnh lại, các em sẽ hạn chế được những tham ái si mê, dần đà chính công năng của thiền sẽ giúp các em không còn những hành động bạo lực nữa, bởi nó đã bị diệt từ trong tâm thức của các em.

Vậy thiền là gì?

Theo ngài Buddhagosa,[11] thiền có nghĩa là lựa chọn một đối tượng rồi thiền tư trên đối tượng ấy, khiến cho nó có khả năng đốt cháy, thiêu hủy các pháp đối nghịch. Như vậy theo định nghĩa trên thì thiền có công năng cột chặt tâm vào một chổ, khiến tâm tịnh chỉ, không chạy nhảy tán loạn, đốt cháy các ác pháp[12] cụ thể đó chính là tham sân và si.

Thực tập thiền trong Phật giáo có 4 đối tượng: thân thể, cảm xúc, tâm và những biểu hiện trong tâm.

Kết luận

 

Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.

( kinhPháp Cú, kệ 5)

Chiến tranh nào cũng đem đến đau khổ vô lượng vô biên. Chiến thắng sanh thù oán, bại trận nếm khổ đau. Cho nên phương pháp hay nhất là đừng dùng chiến tranh để giải quyết các xung đột, mà phải tìm mọi phương tiện hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột cá nhân.

Thật vậy trong cuộc sống hiện tại và tương lai sau này, không nơi nào có thể có việc lấy hận thù để diệt hận thù, mà chỉ có lòng yêu thương vị tha giữa những con người với nhau mới có thể chấm dứt được hiện tượng bạo lực, chiến tranh.

 Bạo lực trong môi trường học đường cũng vậy, chúng xuất phát từ những tham sân chấp ngã của mỗi học sinh, không chấp nhận những điều xấu nơi mình, luôn xuất hiện trong tâm đó là chính “ta” là nhất, không ai được phép chạm vào cái tôi đó. Bởi nhìn nhận như vậy, nên các em dễ dàng gây nên xung đột và cụ thể là những hành động bạo lực lên trên đối tượng khác.

Trong khi đó, với tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, Phật giáo đã góp phần thức tỉnh lương tri con người. Từ đó làm cho con người được sống trong hòa bình, nhân ái, tinh thần yêu thương, không phân biệt màu da, tôn giáo, địa vị xã hội, dẫn đến các cuộc xung đột bạo lực trong xã hội cũng như trong nhà trường không thể không tiêu diệt, “tâm bình thế giới bình, tâm tịnh quốc độ tịnh” (Kinh Viên giác).

Đức Phật rất linh hoạt trong việc vận dụng các phương tiện để giúp mỗi người thực hiện mục tiêu hòa bình hợp với khả năng và điều kiện của mình. Ngài chỉ cho mọi người thực nghiệm hòa bình theo nhiều cách khác nhau và nêu rõ các tiêu chuẩn của phương pháp theo đó mỗi người có thể tự trắc nghiệm từng bước đi của mình. Thật khó nói hết những giải pháp hòa bình của Ngài, bởi mỗi giải pháp cốt để điều tâm, mà tâm thì biến đổi theo từng sát na. Những phương pháp kể trên cũng không ngoài mục đích điều tâm, làm cho tâm của các em thoát khỏi ba con rắn độc: tham- sân- si, dần đà mới có thể xây dựng hòa bình trong môi trường học đường.

Tuy nhiên có một điểm bất cập trong việc ứng dụng những phương pháp trên vào trong nhà trường, đó là về mặt pháp lý. Theo quy định hiện tại thì sẽ không việc truyền bá tín ngưỡng tôn giáo vào trong nhà trường[13] vì thế sẽ khó khăn trong việc đưa những phương pháp thực tập hòa bình phòng chống bạo lực học đường này vào trong nhà trường. Đây là điểm trăn trở của người viết, thiết nghĩ vì tinh thần “Phật Pháp bất ly thế gian giác” nên mỗi chùa khi có điều kiện nên tổ chức và phối hợp với các trường học trong địa phương tổ chức các khóa tu dành cho các đối tượng trẻ, nhất là các em học sinh nhằm hướng dẫn các em thực tập theo các giải pháp hòa bình mà đức Phật đã dạy hơn 25 thế kỷ qua. Có như thế, người viết tin rằng bạo lực không bao lâu nữa sẽ không còn xuất hiện trong môi trường học đường, thay vào đó là tình yêu thương giúp đỡ giữa các thiên thần áo trắng.


 

Tài liệu tham khảo

Kinh:

  • Kinh Trung bộ, tập I Thích Minh Châu dịch, nxb Tôn giáo, 2012
  • Kinh Tăng Chi bộ, tập I, II, III, Thích Minh Châudịch, Nxb Nxb Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996
  • Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, 2012

Sách:

  • HT Thích Minh Châu,Những lời dạy của đức Phật về hòa bình và giá trị con người, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1995.
  • Thích Tâm Minh, Đức Phật vị sứ giả hòa bình, Nxb Tôn giáo, 2006.
  • Nguyễn Tường Bách,Lưới trời ai dệt, Nxb Trẻ, 2004.

Từ điển

  • Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ, Nxb Thanh niên, 2008

Bài giảng

  • Thích Nhật Từ, “bạo lực học đường: nhân nguyên và giải pháp”ngày 11/12/2010

 

 

[1] Thích Tâm Minh, đức Phật vị sứ giả hòa bình, nxb Tôn giáo, 2006, tr 7.

[2] Thích Nhật Từ, sđd

[3]HT Thích Minh Châu (dịch), Đại giáo giới Ràhula, kinh Trung Bộ, tập 1, nxb Tôn giáo, tr 518-519

[4]HT Thích Minh Châu (dịch), Đại giáo giới Ràhula, kinh Trung Bộ, tập 1, nxb Tôn giáo, tr 517-518

[5] Thích Tâm Minh, đức Phật vị sứ giả hòa bình, Nxb Tôn giáo, 2006, tr 207

[6] Sáu ba la mật gồm có: bố thí- trì giới- nhẫn nhục- tinh tấn- thiền định và trí tuệ

[7]  HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh các tài sản rộng thuyết, Tăng Chi Bộ, tập 3, Nxb Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr 282.

[8]Thích Tâm Minh, sđd, tr 204

[9] Thích Nhật Từ, sđd

[10]HT Thích Minh Châu (dịch),Kinh Tăng Chi bộ, tập III, , Nxb Nxb Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, tr 176.

20 Buddhagosa là tác giả của bộ Thanh Tịnh Đạo luận nổi tiếng,  ngoài ra Ngài còn là người đã chuyển ngữ toàn bộ các tập Sớ giải từ tiếng Tích Lan sang Pàli

[12] Các ác pháp có thể kể như: tham sân, hôn trầmthụy miên, trạo hối, nghi, thân kiến, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh.

23  Tham khảo thêm trong điều 19 Luật Giáo dục, 2005



Lê Tự Minh