Tượng Phật có từ bao giờ?
Căn cứ vào kinh “Phật thuyết Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng” (PTĐTCĐTT) (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 16, trang 790a), thì tượng Phật đã xuất hiện ngay từ thời Phật còn tại thế. Nguyên khởi là do vua Ưu Đà Diên, trị vì nước Câu Diệm Di là người đầu tiên dùng gỗ thơm Chiên Đàn tạo ra hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
HỎI: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng con chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.
ĐÁP:
Căn cứ vào kinh “Phật thuyết Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng” (PTĐTCĐTT) (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 16, trang 790a), thì tượng Phật đã xuất hiện ngay từ thời Phật còn tại thế. Nguyên khởi là do vua Ưu Đà Diên, trị vì nước Câu Diệm Di là người đầu tiên dùng gỗ thơm Chiên Đàn tạo ra hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Theo nội dung kinh văn đã nêu, thì sau thời gian gần bốn mươi chín năm thuyết pháp, hoá độ chúng sanh, trong một mùa an cư cuối cùng, đức Phật tạm rời nhân gian để lên cung Trời Đao Lợi thuyết kinh độ cho chư Thiên và Ma - Da thánh mẫu. Trong thời gian này, vua Ưu Đà Diên, một Phật tử thuần thành, sùng kính Tam bảo, không tìm thấy bóng dáng của Phật nên đã sanh lòng khát ngưỡng nhớ mong đến cực độ. Sự nhớ mong gặp được hình bóng oai nghiêm của đức Bổn sư đã làm cho vị vua này trăn trở nhiều đêm để cuối cùng nảy sinh ra một ý nghĩ: tạo hình tượng Phật. Việc làm đó nhằm để thể hiện lòng kính ngưỡng của mình cũng như lưu lại hình bóng của đức Thế tôn trong những lúc Ngài không hiện diện ở nhân gian.
Tượng Phật, theo phong cách điêu khắc Gandhara
Lúc ấy, Vua cho triệu tập các người thợ điêu khắc nổi tiếng trong nước để tạo tượng Phật nhưng ai cũng từ chối, không dám nhận lời. Vì những người thợ này nghĩ rằng: sắc tướng của đức Thế Tôn vạn lần cao quí, dung nghi của Ngài siêu tuyệt trần gian, nếu như không chuyển tải được những đức tướng đó trong khi tạc tượng thì e rằng đắc tội với đấng Thế Tôn. Với những suy nghĩ đó, những người thợ điêu khắc không một ai dám đứng ra nhận trách nhiệm tạc tượng của đức Phật. Khi ấy, có một vị Trời tên là Tỳ - Thủ - Yết - Ma, nhìn thấy việc này nên đã hoá hiện làm người thợ mộc. Người thợ mộc ấy đến trước nhà vua nói rằng: “Tôi nay vì nhà Vua mà tạo tượng, nghề khéo của tôi không ai sánh bằng, cúi xin Hoàng thượng chớ sai ai khác” (Ngã kim dục vị Đại vương tạo tượng, ngã chi công sảo thế trung vô thất, duy nguyện Đại vương mạc sử dư nhân – ĐTCĐTT).
Chỉ trong một ngày, tượng Phật đã được tạo xong bởi bàn tay khéo léo của vị Trời Tỳ -Thủ - Yết - Ma - tương truyền là vị Trời chuyên coi sóc về phần kiến trúc - đầy đủ phước tướng trí tuệ, “cao bảy thước mộc, mặt và tay chân đều màu vàng tía”; khiến cho bất cứ một ai mỗi khi nhìn vào đều biết đó là tượng Phật. Vua Ưu Đà Diên vừa thấy tượng được tạo thành, tướng tốt đoan nghiêm, tâm liền phát sanh đức tin thanh tịnh nên chứng Nhu Thuận Nhẫn (Nhu thuận nhẫn là Tâm nhu, Trí thuận; theo Vô Lượng Thọ Kinh thì Nhu Thuận là một trong ba pháp nhẫn: Âm hưởng nhẫn, Nhu thuận nhẫn và Vô sanh pháp nhẫn). Ngay sau khi chứng được Nhu Thuận Nhẫn, vua vô cùng mừng rỡ, bao nhiêu nghiệp chướng và lo buồn đều tiêu tan hết.
Về công đức tạo tượng, theo bản kinh kể trên thì đức Phật đã dạy rằng: nếu những người nào dùng những tơ sợi, thêu thùa tượng Phật hoặc dùng chì, kẽm, vàng, bạc hoặc dùng gỗ thơm Chiên đàn… tạo ra tượng Phật, khiến cho bất cứ ai khi nhìn vào đều biết đó là Tượng Phật thì phước báo của người đó rất lớn: thân tướng đoan trang, trừ diệt được nhiều tội chướng nặng nề, thậm chí có thể tiêu trừ những tội cực trọng như Ngũ nghịch, Thập ác…
Từ đây, có thể thấy công đức tạo tượng Phật rất là vi diệu. Bởi vì các đức Như Lai, từ khi phát tâm tu hành cho đến thành Phật, đã trãi qua vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, tích lũy vô lượng phước đức, trí tuệ, các Ngài thường dùng công đức ấy hộ trì cho chúng sanh có đức tin thanh tịnh. Do vậy, khi tạo tượng Phật chính là tạo thiện duyên cho nhiều người khởi tín đối với Tam bảo, nhờ công đức đó nên ai phát tâm tạo tượng sẽ được trừ diệt được vô biên tội chướng. Mặt khác, nhờ tư duy, quán sát về đức tướng Phật, hành giả sẽ từng bước thành tựu được đức tánh Phật. Đây là điểm cốt yếu của công đức tạo tượng Phật.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy cho nên nếu có ai chuyên vẽ, khắc, đắp, sơn và hỷ cúng tượng của chư Phật thì có thể khẳng định rằng phước của người ấy rất lớn. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cần phải suy gẩm trong vấn đề này, nhất là những khi chúng ta phát tâm tạo tượng Phật. Đó cũng là điều mà những người thợ điêu khắc tài ba của vua Ưu Đà Diên từ xưa đã ái ngại. Bởi lẽ, đức Phật với đức tướng Trí tuệ quang minh, nhân thiên đều kỉnh phục trước sắc tướng của Ngài, do đó khi tạo tượng Phật chúng ta cũng phải có một năng lực chuyên môn và một cảm thụ thẩm mỹ sâu sắc mới có thể thực hiện tốt công việc này. Vì hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi đã có rất nhiều nơi tạo tượng Phật, nhưng để có những tôn tượng đạt chuẩn mà “khiến cho bất cứ một ai mỗi khi nhìn vào đều biết đó là tượng Phật” thì không nhiều lắm.
Cho nên cũng nhân câu hỏi của Phật tử, chúng tôi thiết nghĩ các cơ sở tạo tượng Phật phải luôn ý thức về điều này. Dẫu biết rằng, cái Đẹp phụ thuộc vào nhãn quan thẩm mỹ của từng người, từng quốc gia, từng giai đoạn lịch sử, thế nhưng vẫn có những cái đẹp mang tiêu chuẩn chung nhất, nếu không nói là mang tính vĩnh hằng. Thử hỏi ai dám phủ nhận một trong những điều kiện để làm nên cái đẹp về hình thể thì “tiêu chuẩn vàng” là một trong những tiêu chuẩn mà bất cứ một nhà điêu khắc nào cũng phải tuân thủ. Hơn thế, việc tạo tượng hoặc hỷ cúng tượng Phật tất nhiên sẽ có phước báo lớn lao; thế nhưng phước báo ấy sẽ tăng lên bội phần nếu như tượng Phật được tạo hay hỷ cúng mang một giá trị thẩm mỹ đặc thù của Phật giáo.
(Theo Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, tập I)