Giúp người, bố thí thế nào để lòng bình an?
“Tâm loạn, tôi đi chùa ngoại thành nghe kinh Phật để bình tâm.
Vừa đến cổng chùa gặp một bà dì ăn mặc rất trí thức mở bóp toan bố thí cho gã ăn mày nằm bẹp gí dưới đất. Một người đưa tay ngăn lại bảo: “Dì đừng cho tiền nó. Nó giả què đó”.
Bà dì từ tốn bảo: “Cháu hiểu sai về bố thí rồi. Khi bố thí, ta đừng quan tâm ai sẽ nhận, nhận để làm gì. Ta bố thí là ta cho đi. Ta cho đi để ta nhận về. Ta cho tiền để nhận về lòng thanh thản. Nếu ta bố thí xong, cất công theo dõi xem kẻ nhận bố thí làm gì với đồng tiền của ta thì đừng nên bố thí. Bởi cho như thế, ta chỉ nặng thêm phiền não. Hãy bố thí vì lòng từ tâm. Đừng bố thí vì mục đích. Đừng bố thí số tiền lớn hơn giá trị của lòng thanh thản”.
Chuyện bố thí ấy nhận được nhiều lời đồng tình và cũng không ít người phản đối. Có người bảo, bố thí hay không tùy vào tâm mình, nếu thấy cho đi sẽ thanh thản thì nên bố thí, bằng không thì thôi.
Câu chuyện bố thí trên làm tôi nhớ lại chuyện của mình trong chuyến du lịch vào bảy năm trước. Trên đường dẫn lên đình thờ có hàng chục người ăn xin nằm la liệt trên những bậc thang. Những người già quần áo vá năm bảy chỗ, những đứa trẻ mặt mũi lấm lem, những phụ nữ bế con đưa nón ra xin tiền, những thanh niên tay cầm ca nằm liêu xiêu... chắn cả lối đi, du khách muốn lên trên thắp hương có khi phải bước qua chân của một vài người trong số họ.
Nhưng lần đó, tôi đã từ chối bố thí. Lòng thấy thương cảm cho những kiếp đời trôi dạt nhưng lý trí tôi mách bảo đừng nên bố thí lúc này. Tôi biết chắc rằng, sự giúp đỡ của tôi có thể sẽ vô tình làm hại họ.
Họ sẽ không nỗ lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, sẽ ỷ lại vào sự giúp đỡ của mọi người và sẽ có kẻ tiếp tục lợi dụng lòng từ bi của người khác để trục lợi cho mình. Nếu họ nhận được càng nhiều những sự bố thí, họ sẽ không thể tìm cho mình một con đường tốt hơn và hình ảnh không đẹp ấy rồi sẽ còn tiếp diễn, nhất là trong những dịp lễ, Tết, hội hè.
Xin trở lại với câu chuyện bố thí. Tôi tin rằng, bố thí không phải là một điều gì lớn lao, cao xa mà đơn giản, đó chỉ là sự giúp người vô điều kiện, không tính toán, không mưu cầu lợi ích cho mình. Bố thí không chỉ là sự cho đi vật chất mà còn là sự cho đi về tinh thần, trí tuệ. Bố thí, không phải chỉ khi ta có tiền bạc mà ngay cả lúc tay không, ta vẫn có thể bố thí. Đó là sự cho đi một nụ cười, một lời động viên hay một hành động nhỏ, dùng tâm và trí để cảm hóa, chỉ dẫn, giúp đỡ người khác, hướng họ đến lối sống chân - thiện - mỹ.
Bố thí là cho đi không có tham niệm nhận về nhưng không phải không dùng trí tuệ để cân nhắc. Bố thí không đúng người, không đúng việc sẽ gián tiếp tiếp tay cho cái xấu. Bố thí không đúng cách sẽ gây hại cho người nhận.
Tâm Thanh