Hạnh phúc thực tại giữa thế giới vô thường



Nhớ lại cách đây hơn hai nghìn sáu trăm năm trước, giữa xứ Ấn Độ còn đầy dẫy bất công và sự bành trướng của những tà thuyết ngoại đạo, Đức Phật đã ra đời như ánh quang minh, giải thoát những xiềng xích của ngục tù tăm tối. Đó là âm vang oai hùng trong kinh Sư tử hống: “Một vị hữu tình không bị chi phối, đã sanh ra đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”1 .

Chính vì đại nguyện đó, Đức Phật tuyên bố “Này các Tỳ-kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”2 . Lời tuyên bố trên của Đức Phật nêu rõ hoài bão tha thiết của Ngài là cứu khổ độ sanh, diệt khổ ưu, đem lại hỷ lạc cho tất cả loài hữu tình bằng những lời giáo huấn thiết thực: Như trăm sông xuôi về biển cả, các pháp môn tu do Đức Phật tuyên thuyết đều xuôi về giải thoát, Niết-bàn.

Thật vậy, trước thực trạng khổ đau của cuộc đời, con người luôn đi tìm cho mình một niềm hạnh phúc, một phương thức sống cho chính mình. Nhưng thật sự đã có mấy ai tìm ra nguyên nhân của sự khổ đau và con đường đưa đến diệt tận khổ đau ấy. Vì vậy khát vọng giải thoát mọi khổ đau, đạt được an vui hạnh phúc, tự tại giữa dòng trường lưu sanh tử là niềm khao khát triền miên của nhân thế. Bởi lẽ mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc ngay trong hiện tại này và giá trị hạnh phúc là cao nhất trong tất cả các giá trị của cuộc sống. Hiểu rõ con người và thế giới là hiểu rõ con đường đi đến hạnh phúc thật sự.

Nhận thức thực tại đối với thế giới

Trước hết, xin điểm qua tích truyện “Cô bé thợ dệt”3 .

Câu chuyện này xảy ra khi Đức Thế Tôn ở tinh xá Aggàlava liên quan đến một cô bé thợ dệt.

Một hôm, Đức Phật đi đến Alavi. Dân chúng Alavi thỉnh Phật thọ trai. Thọ trai xong, Đức Phật dạy một bài pháp ngắn: “Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Đời sống không cố định, cố định là cái chết. Ai không quán niệm về sự chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rẩy dường nào”. Và một cô bé thợ dệt mười sáu tuổi đã nghe lời dạy ấy, bắt đầu quán niệm về sự chết trong ba năm.

Vào một ngày, sáng sớm Thế Tôn quán sát thế gian, Ngài nhìn thấy cô bé xuất hiện trong tầm quan sát và Ngài cùng năm trăm Tỳ-kheo lên đường đến tinh xá Aggàlava, mục đích là gặp cô bé ấy. Bởi lẽ Đức Thế Tôn biết rằng nếu cô bé mang thoi đến cho người cha dệt vải, cô sẽ chết khi chưa xong việc, kiếp sau của cô sẽ không biết ra sao. Nhưng nếu cô bé đến nghe pháp, cô sẽ chứng quả Dự lưu và chắc chắn sẽ tái sanh lên cõi trời Đâu-suất. Ngài biết cô bé phải chết ngày hôm nay. Cho nên khi gặp cô bé, bốn câu hỏi được Đức Thế Tôn nêu ra:

 - Con từ đâu đến đây?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

- Con sẽ đi đến đâu?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

 - Con biết hay không biết?

- Bạch Thế Tôn! Con biết.

 - Con không biết phải chăng?

 - Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Trước sự thắc mắc của thính chúng, Ngài hỏi cô bé:

- Này con! Khi Ta hỏi con từ đâu đến, vì sao con trả lời không biết?

 - Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con là người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi con từ đâu đến, con hiểu rằng ý của câu ấy là con từ đâu sinh ra đây. Nhưng con chẳng biết con từ đâu sinh đến nơi này.

Ngài hỏi tiếp:

 - Khi Ta hỏi con đi về đâu, vì sao con trả lời không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết con đến xưởng dệt với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi con đi đâu, con hiểu ý của câu ấy là khi rời nơi đây con tái sinh về đâu. Nhưng với con, sau khi chết con chưa biết sinh về đâu.

- Khi Ta hỏi, con biết hay không, vì sao con trả lời con biết?

- Bạch Thế Tôn! Vì con biết rằng chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp như thế.

- Vì sao khi Ta hỏi con không biết hay chăng, con trả lời rằng không biết?

 - Bạch Thế Tôn! Điều con biết chắc là con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, vào buổi sáng hay bất cứ khi nào, con không thể biết, nên con trả lời không biết.

Đức Phật dạy thính chúng: Với người không có tuệ nhãn, họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này. Rồi Ngài nói kệ: Đời này thật mù quáng, Ít kẻ thấy rõ ràng. Như chim thoát khỏi lưới, Rất ít đi thiên giới4 .

Quả thật, cô bé đã cho chúng ta thấm thía ý nghĩa của từng lời giải đáp, bận lòng chi quá khứ ta từ đâu đến và lo lắng chi ta sẽ về đâu. Sự có mặt của ta từ vô thủy vô chung, không có điểm khởi nguồn và kết thúc, cuộc sống chỉ thực tại là bây giờ, ở đây và một sự thật hiển nhiên: ai rồi cũng sẽ chết.

Tuy nhiên, chết lúc nào, ở đâu và chết như thế nào cũng là điều không quan trọng nữa, bởi lẽ chính cái hiện tại mới là yếu tố quyết định con đường tái sanh. Nhưng cũng vì thế gian này “thật mù quáng”, không tuệ nhãn cho nên cứ mãi quẩn quanh trong bể khổ trầm luân. Chính sự suy niệm về những điều vô nghĩa trong cuộc sống làm tâm trí họ rối ren, mù quáng, tựa như chim tung lưới, chỉ biết tung cánh bay trong phương trời vô định, không biết đích đến là đâu.

Con người không ai là bất tử trường sinh, sự suy niệm về lẽ thật cuộc đời - sanh, lão, bệnh, tử - luôn mang ý nghĩa thiết thực. Một khi trong tâm luôn nghĩ về cái chết sẽ đến, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ sống ý nghĩa từng ngày, chánh niệm trong từng phút, giây và quán chiếu tu tập trong từng lời dạy của Đức Phật; đây chính là nền tảng cho hạnh phúc hiện tại và sự chứng đắc, giải thoát trong tương lai.

Trong kinh Tăng chi, bậc Đạo sư Araka đã dạy cho chúng đệ tử về sự mong manh của kiếp người, đời sống phù du, ngắn ngủi: “Này Bà-la-môn, ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, giọt sương trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. … Ví như bong bóng nước trên nước mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. …

Ví như con sông trên núi chảy xa, dòng nước chảy nhanh, lôi cuốn theo vật này vật khác, không có sát-na nào, không có giây phút nào, không có thời khắc nào có dừng nghỉ, nó phải chảy tới, cuồn cuộn chảy, thúc đẩy chảy tới. … Ví như, này Bà-la-môn, con bò cái sắp bị giết, được dắt đến lò thịt, mỗi bước chân giơ lên là bước gần đến bị giết, gần đến chết. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với con bò cái sắp bị giết là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ, hãy làm điều lành, hãy sống Phạm hạnh. Với người đã sanh, không có bất tử”5 .

Chính vì lẽ đó, với đạo Phật vấn đề trọng tâm không phải là vũ trụ, thế giới mà là con người. Mục đích của Đức Phật là đoạn tận khổ đau đem lại an lạc hạnh phúc cho con người. Ngài chỉ đặt vấn đề giải quyết mọi ràng buộc khổ đau đang đè nặng con người hơn là bàn về vũ trụ thế giới không thiết thực và xây dựng đời sống hạnh phúc ngay trong hiện tại này.

Hơn thế nữa, chuẩn bị tư lương, hành trang cho kiếp lai sinh luôn là mục tiêu hàng đầu trong mọi lời dạy của Đức Thế Tôn; đó là giá trị cuộc sống hiện tại. Điều này được chứng minh qua Kinh Poṭṭhapāda (Bố-sá-bà-lâu) trong Trường bộ, khi Poṭṭhapāda hỏi Đức Phật “Thế giới thường hay vô thường, vô biên hay hữu biên, Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết”… Đức Thế Tôn không trả lời những vấn đề trên bởi lẽ: “Những câu hỏi này không thuộc về Pháp, không thuộc về căn bản phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn”6 .

Rõ ràng Đức Phật đã phủ nhận giá trị của những câu hỏi mang đầy những triết lý siêu hình. Với Ngài, bàn luận những vấn đề đó chỉ làm thỏa mãn tính tò mò của con người, lãng phí thời gian vô ích, đồng thời làm cho tư duy con người thêm rối loạn, không đem lại lợi ích thiết thực. Ở đây Đức Phật chỉ dạy những điều mà Ngài xét thấy là cần thiết cho cuộc sống hiện tại, cho nên, khi Poṭṭhapāda hỏi tiếp vậy Thế Tôn trả lời gì? Thế Tôn trả lời rằng: “Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là Con đường đưa đến khổ diệt”7 . Vì “Những câu hỏi này thuộc về mục đích giải thoát, thuộc về pháp, thuộc về căn bản phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn”.

Một ví dụ nữa cũng được Đức Phật trình bày rành mạch trong kinh Mālunkyaputta về một mũi tên độc, người bị mũi tên không chịu cho rút mũi tên ra khi chưa biết cái cung ấy thuộc loại cung gì, mũi tên ấy như thế nào… như vậy người đó sẽ chết trước khi được nghe những câu trả lời về những câu hỏi không thích đáng đó. Đức Phật dạy Mālunkyaputta: “Dầu cho có những quan điểm thế giới là thường hay vô thường, là hữu biên hay vô biên, sinh mạng hay thân thể là một hay là khác, Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết… thời vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại”8 .

Tổng kết, Đức Phật cũng chỉ trả lời “Đây là khổ, đây là con đường đưa đến khổ diệt vì điều này có liên hệ đến mục đích, điều này là căn bản của phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.

Đến đây một lần nữa chúng ta khẳng định được tính thiết thực hiện tại của Phật giáo qua những lời dạy của Đức Phật tuy đơn giản nhưng mang đầy triết lý sống. Vì tính thiết yếu đó mà Hòa thượng Thích Minh Châu đã nhận định: “Phật giáo không tìm cách ru người vào ảo tưởng về một thiên đường lừa bịp, cũng không làm người ta chết khiếp vì đủ thứ tội lỗi và sợ hãi tưởng tượng. Nó cho ta biết khách quan ta là gì, thế giới quanh ta là gì và chỉ con đường đưa đến tự do hoàn toàn, thanh bình, an ổn và hạnh phúc”9 .

Có thể nói: “Trái tim của giáo lý Đức Phật nằm ở chỗ Tứ diệu đế”10 là vậy.

Giáo lý Tứ đế chính là giáo lý nền tảng của Phật giáo, giới thiệu cụ thể lộ trình giải thoát hay lộ trình của nếp sống đạo đức. Đạo Phật rất thiết thực đối với con người. Đạo Phật khai sáng con người, phục vụ con người, lấy con người làm gốc. Tính thiết thực hiện tại của Phật giáo không những ở giáo lý mà còn ở thái độ và hành động của người con Phật - đó là lộ trình tu tập của chính bản thân chúng ta.

Hạnh phúc đạt được từ thế giới nội tâm

Hòa thượng Thích Minh Châu từng nói: “Không một cá nhân nào khác có thể cứu độ, cải thiện chúng ta, chỉ có chúng ta mới có thể cải thiện chúng ta”11. Điều này đã được Đức Thích-ca Mâu-ni chỉ dạy từ hàng ngàn năm trước thông qua rất nhiều kinh điển: “Hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một cái gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác”12.

Ở đây Đức Phật muốn nhấn mạnh sự nỗ lực của tự thân tu tập là điều tối quan trọng, là điều kiện cần thiết để đi đến giải thoát, an lạc Niết-bàn. Đúng vậy, vấn đề giác ngộ giải thoát là do sự nỗ lực của mỗi người chứ không phải cầu xin mà được. Không một đấng thiêng liêng nào ban cho chúng ta sự giác ngộ, mà chính tự thân mỗi con người phải nỗ lực để giác ngộ. Đức Phật đã xác định cầu xin và ước vọng không có lợi ích gì.

Ngài nêu rõ: “Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiện giới. Sự cầu khẩn như vậy vô ích vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ bị rơi vào địa ngục, như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo quần chúng đến cầu xin, cầu khẩn chắp tay cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy với sức nặng của nó không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu xin của quần chúng ấy”13.

Vì vậy vấn đề đoạn tận khổ đau để đạt được hạnh phúc, an lạc không phải ở chỗ cầu nguyện van xin, cũng không phải tìm kiếm ở một thế giới xa xăm nào mà ở ngay chính con người hiện hữu này.

Phương pháp tu Thiền của đạo Phật chính là phương pháp giúp cho con người trở về với nội tâm mình để giải quyết một cách căn bản mọi nỗi ưu tư và bất an của nội tâm. Khổ đau chỉ có mặt trong trong hiện tại, do đó giải quyết khổ đau cũng được bắt đầu trong giờ phút hiện tại. Đức Phật đã dạy: “Này các Tỷ-kheo, có một con đường độc nhất làm cho chúng sanh thanh tịnh, vượt qua mọi sầu ưu, đoạn trừ hết khổ đau, thành tựu chánh lý, chứng đắc Niết-bàn. Đó là Tứ niệm xứ”14.

Phương pháp tu tập Tứ niệm xứ là một phương pháp rất thiết thực, nó là con đường trở về với chính mình, quán chiếu tự thân, tu tập, tự mình làm hòn đảo của chính mình. Như vậy Tứ niệm xứ là một nếp sống giúp cho chúng sanh được thanh tịnh trong sạch, khỏi các cấu uế. Với nếp sống như vậy, vị hành giả vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, tức là sống an lạc hạnh phúc trong Chánh pháp. Với nếp sống hỷ lạc định tĩnh, vị hành giả phát triển trí tuệ, tuệ tri được chánh lý duyên sanh, duyên diệt của các pháp, và cuối cùng chứng ngộ Niết-bàn.

Quả thật vậy, chỉ có tự bản thân nỗ lực tu tập và chứng nghiệm pháp Phật “có như thế bản chất của đạo đức vô hành, của trí tuệ giác ngộ, của những nguyên lý Phật giáo linh động mới từ nguồn suối của nó chuyền qua người đạt đạo, thấm tới người hành đạo và cuối cùng được thể hiện trong cuộc đời”15. Do vậy, qua chứng minh trên, ta thấy đời sống và tư tưởng của Đức Phật luôn gắn liền với thực tế, tư duy của Ngài luôn đi đôi với hiện tại cuộc sống.

Vì vậy những lời dạy của Ngài không ngoài mục đích đưa đến sự đoạn tận khổ đau, xây dựng nếp sống hạnh phúc thật sự cho con người. Trong kinh Rohitassa, Thiên tử hỏi Đức Phật: “Tại chỗ nào, bạch Thế Tôn, không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), chúng con có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới không?”; và Đức Phật đã trả lời dứt khoát là không thể được. Rohitassa tán thán câu trả lời của Đức Phật, khen rằng thật là vi diệu vì chính thiên tử Rohitassa, bước đi với tốc độ nhanh như tên bắn chớp nhoáng, với bước chân từ biển Đông qua biển Tây, đi như vậy luôn trăm năm không có dừng nghỉ, cũng phải chết giữa đường, không có thể đạt được tận cùng thế giới.

Nhưng rồi Đức Phật dạy, chúng ta không cần đi đâu xa, chính trên cái thân này của chúng ta, chúng ta có thể đạt đến chỗ tận cùng thế giới. “Này hiền giả, Ta tuyên bố rằng tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ đời này, không có khởi đời khác thời không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới. Nhưng này hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt”16.

Có thể nói, qua những nghiên cứu trên, ta thấy nhận định của Giác Dũng hoàn toàn đúng: “Nếu như trung và thứ là sợi chỉ màu xuyên suốt tư tưởng triết học của Khổng phu tử thì hạnh phúc và an lạc là cốt lõi, là hằng số bất biến của đạo đức Phật giáo”17.

Thật vậy, giáo lý Phật giáo luôn có giá trị thực tại, tất cả vì sự giải thoát mọi chúng sanh, một Niết-bàn tịch tĩnh. Cuộc sống luôn vận động, biến đổi không ngừng nhưng chân lý là tối hậu, bất di bất dịch. Do đó trầm tư để có nhận thức đúng, có chính kiến như thật về thế giới: “Đời sống trong thế gian này là bất toàn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái”18, sanh, già, bệnh, chết là một quy luật của tạo hóa, của kiếp người để từ đó đạt giác ngộ, giải thoát như Bhikkhu Bodhi khẳng định: “Việc chứng đắc Niết-bàn đến cùng với sự khai mở tuệ giác và mang lại sự an bình tuyệt đối, một hạnh phúc thuần khiết và sự an tịnh mọi tâm hành. Niết-bàn là sự đoạn diệt mọi khao khát, sự khao khát ái dục. Đó cũng là hòn đảo bình an giữa những dòng chảy thịnh nộ của già, bệnh và chết”19.

Còn gì sự thật hơn thế, chính Đức Thế Tôn đã nhận thấy được sự già nua ẩn tàng trong tuổi trẻ, mầm mống của bệnh tật đang gặm nhấm sức khỏe và cái chết đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của sự sống. Với tuệ nhãn và nhận thức về con người như vậy nên Ngài cùng chúng đệ tử luôn an nhiên, tự tại giữa dòng đời biến dị. Còn chúng ta - những khách lữ hành đang phiêu bạt - có thấm thía lời kêu gọi: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”20.

Có lẽ chúng ta cũng nên dừng chân, quay về thế giới nội tâm mình, bởi lẽ hạnh phúc thực tại chính là bây giờ và ở đây.


Huỳnh Thị Cẩm Nhung 

Chú thích:
 
1. Kinh Trung bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Đại kinh Sư tử hống, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.116.

2. Kinh Trung bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Ví dụ con rắn, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo 2012, tr.185.

3. Tích truyện Pháp cú, Thiền viện Viên Chiếu, Nguyên tác: “Buddhist Legends”, Eugene Watson Burlingame.

4. Kinh Pháp cú - phẩm Thế gian (Lokavagga) kệ số 174, Thích Minh Châu (dịch), TP.HCM: Nxb Hồng Đức, 2014, tr.42.

5. Kinh Tăng chi, tập 2, chương Bảy pháp, phẩm Araka, Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, 2015, tr.280.

6. Kinh Trường bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Poṭṭhapāda, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr.173. 7. Sđd, tr.173.

8. Kinh Trung bộ, tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Tiểu kinh Māluṅkya, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo 2012, tr.521.

9. Walpola Rahula, Đức Phật đã dạy những gì, Thích nữ Trí Hải (dịch), Thích Minh Châu (giới thiệu), HN: Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.50.

10. Walpola Rahula, Những điều Phật đã dạy, Lê Kim Thoa (biên dịch), TP.HCM: Nxb Phương Đông, 2011, tr.52.

11. Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, TP.HCM: Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2012, tr.68.

12. Quảng Tánh, Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikāya, tập 1,2,3, TP.HCM: Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2011, tr.128.

13. Kinh Tương ưng, tập 2, Thích Minh Châu (dịch), chương Viii - Tương ưng Thôn trưởng, Phần 6: Người đất phương Tây hay Người đã chết.

14. Kinh Tương ưng, tập 2, Thích Minh Châu (dịch), phẩm Ambapāli, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr.557.

15. Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Sài Gòn: Nxb Lá Bối, tr.25.

16. Kinh Tăng chi, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), chương Bốn pháp, phẩm Rohitassa, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, 2015, tr.388.

17. Giác Dũng, Phật Việt Nam-Dân tộc Việt Nam, HN: Nxb Tôn Giáo, 2003, tr.3,4.

18. Kinh Trung bộ, tập 2, Thích Minh Châu (dịch), Tiểu kinh Raṭṭhapāla, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo 2012, tr.83.

19. Bhikkhu Bodhi, Hợp tuyển Lời Phật dạy từ Kinh tạng Pali, Nguyên Nhật Trần Như Mai (Việt dịch), VNCPHVN: Nxb Hồng Đức, 2005, Tr.262.