Thư gửi con trai



Con trai của ba, ba viết thư này mục đích có đôi điều muốn chia sẻ cùng con - những điều ba đã trăn trở từ lâu nhưng chưa tiện nói - một phần do con còn nhỏ quá; phần khác, cũng bởi nỗi đau tan đàn xẻ nghé trong con hãy còn quá mới và ba chắc chắn nó không thể nguôi ngoai một sớm một chiều…

Con trai của ba, ba hiểu vì sao sau khi ba mẹ ly hôn con lại chọn sống với mẹ. Đơn giản, bởi con biết: sống với mẹ con sẽ được chiều chuộng, được đáp ứng đầy đủ hơn về vật chất, không phải chịu đựng sự giáo huấn nghiêm khắc, yêu cầu làm việc cần mẫn cùng thái độ không khoan nhượng mỗi khi con làm việc xấu của ba. Nói gọn, con “sợ” ba!

Thử khuyên con nhiều lần nhưng con vẫn khăng khăng không chuyển ý. Đành vậy. Ba tôn trọng và chấp nhận quyết định của con. Buồn, không yên tâm nhưng vẫn buộc phải chấp nhận; bởi chuyện đó giờ không còn thuộc quyền ba quyết định. Ba nợ con một lời xin lỗi. Về sự bất lực của mình, con yêu…

Con trai của ba, ba chỉ muốn kể con nghe một chút về quá khứ. Ba ra đời không cha. Tuổi thơ của ba từ lúc mở mắt chào đời chỉ có mẹ; và ba không cảm thấy thiệt thòi gì nhiều về chuyện không có một người cha. Ba lớn lên trong tình thương gần như đủ đầy của bà nội con, có nguyên một thời thơ ấu tương đối bình yên cho dù thi thoảng ra đường, đến trường vẫn bị lũ trẻ cùng trang lứa trêu chọc, hà hiếp, gọi là “đồ con bà giá, con không cha”. 

Lần ba cảm thấy thiệt thòi duy nhất có lẽ là bài tập làm văn “Hãy tả ba em”. Ba nhờ bà nội viết dùm và chỉ được mỗi điểm 5 cho dù không giống như con, ở trường, ba luôn là học sinh xuất sắc…

Ba dần lớn lên, bắt đầu phải đối mặt cùng cuộc đời với muôn vàn phức tạp, khó khăn. Những khó khăn quá tầm mà sức một người mẹ không gánh gồng nổi cho ba. Mỗi lần vậy nội lại ứa nước mắt, thở dài: giá mà con có cha… Không có sự kềm chế, dắt dìu của một người cha, ba bắt đầu mắc hết hết sai lầm này đến sai lầm khác: đua đòi bỏ học ăn chơi, cự cãi thầy cô, vi phạm kỷ luật vì muốn chứng tỏ cái “tôi” một cách ngu si.

Nội con đã đổ không ít bạc tiền và nước mắt mà cuối cùng vẫn không thay nổi cái-kết-cục-phải-đến dành cho một đứa con dại khờ và bất trị. Căn nguyên của chuyện dại khờ và bất trị ấy có phần rất lớn từ việc tuổi trưởng thành ba của thiếu sự dắt dìu của một người cha đủ nghiêm khắc và khôn ngoan…

Con trai của ba, kể con nghe chuyện này, ba hy vọng đánh thức được chiếc mầm lương tri chắc chắn đang hiện diện trong bản thân con. Đừng để lịch sử đáng buồn lặp lại. Cho dù con vẫn đang ít nhiều đối mặt cùng bất hạnh; nhưng, khác với ba, hãy nhớ: trên đời này, con vẫn còn có một người cha…

Văn Nguyễn