Thăm chùa Sùng Giang ở Hải Phòng


Nhân duyên, chúng tôi cùng về chùa Sùng Giang, thôn Cương Nha, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Sau bao năm xuống cấp, chịu đựng nhiều bão táp thời gian, tháng 02/2018 vừa rồi, chùa chính thức khánh thành, được tôn tạo, xây cất lại khang trang hơn…
 Ban Tam Bảo
Trú trì chùa hiện là Sư thầy An Hoa. Chùa Ni, bà con phật tử quen chào Sư thầy, chúng tôi sau “miếng trầu khởi đầu câu chuyện”, cũng chào Thầy, bạch Thầy, thấy thoải mái và gần gũi.

Gần trưa ngày 22/05/2018, chúng tôi về chùa Sùng Giang, cùng dịp hẹn về cúng dường nhà chùa ba chiếc quạt điện. Chùa mới xây dựng, tôn tạo lại, đảm bảo cơ bản nơi bà con phật tử quanh vùng về tu tập, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.
 
 Gác mái gian Tam Bảo
Trò chuyện cùng Sư thầy, được biết thầy về chùa ít cũng mười lăm năm. Khi thầy về, chùa gần như hoang tàn, bà con phật tử đã lâu không có dẫn dắt, chăm nom nhang đèn nên mai một, gần như không biết đến câu kinh, tiếng kệ. Thầy về vực lại dần đời sống tâm linh bà con nơi đây. Chùa ở xa thành phố, nằm sâu trong làng nên ít người biết đến. Dần dà, bà con về chùa nhiều hơn, cùng thầy quyết phục dựng ngôi nhà Chính pháp. Nơi bà con, và hàng bao thế hệ từng gửi gắm niềm tin tâm linh.
 Thôn Cương Nha nhận Bằng khen  CÓ CÔNG VỚI NƯỚC được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1966
Thời gian không nhiều, tôi tranh thủ thỉnh chuyện thầy. Mới về chùa nên thầy không nắm rõ lịch sử, thầy phải điện thoại một cô phật tử tới, thông tin duy nhất trên tay cô là Bằng khen dành cho thôn được cấp năm 1966, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. 

Hỏi chuyện cô về cơ bản lược sử chùa, cô chỉ nhớ theo các cụ kể lại thì chùa cũng đến hơn một trăm tuổi. Nhiều bô lão trong vùng từng cho hay chùa Sùng Giang có từ thời vua Thành Thái (khoảng từ những năm 1889). 
 Khẩu súng thu được khi đào móng xây gian Tam Bảo
 Nơi Sư thầy An Hoa chỉ, xưa kia từng là hầm bí mật của cách mạng
Nguyệt, cô phật tử thường về giúp việc nhà chùa được thầy gọi về, chia sẻ: Cô chỉ nhớ chút thông tin những gì các cụ kể lại. Thôn mình, chùa mình từng có công với cách mạng cháu ạ. Năm khởi công xây dựng gian Tam Bảo, khi đào móng phát hiện có hầm bí mật, đào thêm còn thấy những kỷ vật của bộ đội, các kỷ vật được nhà chùa còn lưu giữ làm kỷ vật, tiếc là khi đó không chụp ảnh hay khi hình về hầm bí mật. Theo các cụ kể lại, và lứa tuổi cô không ít người được biết, thì nơi chùa xưa kia thời kháng chiến, ông Trần Cát, ông Đặng Kinh (tên thật là Đặng Văn Rợp là một sĩ quan cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng. Ông sinh năm 1922, ở An Lão, Hải Phòng*); rồi ông Đỗ Mười từng hoạt động cách mạng tại đây. Thôn khi xưa được cấp Bằng khen có công với cách mạng, chùa cũng nhận được bằng khen của Thành phố. Không người cai quản, nên không còn văn bản, giấy tờ gì cháu ạ…
 Lối chính dẫn về chùa
 
 Ruộng lúa mênh mông xanh mướt
Nắm cơ bản thông tin, tôi tranh thủ chụp vài kiểu ảnh. Từ đường làng dẫn về chùa, lối vào chính cạnh mương nước với hàng dừa cây mới cao ngang đầu người, có cây cao hơn chừng 50 cen-ti-mét đến 1 mét. Cuối đường ngay cổng vào chùa, phía trái là ruộng lúa mênh mông. Lối cửa chính vào chùa, hai bên là hai hàng cây hoa xác pháo đỏ thắm đẹp mắt.
 Hai hàng hoa Xác Pháo đỏ thẫm thật đẹp
 
 
 Lầu Quán Âm trước Giếng Sen 
Qua lối vào cổng chính, phía bên trái là lầu Quán Âm lộ thiên. Phía trước tôn tượng Đức Quán Thế Âm là Giếng nước tự nhiên trồng Sen thơm nhẹ, lá xanh mướt dịu  mát. Đi vào sân trong, phía phải là gian nhà Tổ, áp tường gian nhà Tổ cuối hậu viên là khu bếp.

Gian Chính điện Tam Bảo xây hai tầng, kiến trúc gác mái ba tầng còn tươi ngói mới. Không gian chùa nhỏ vừa nhưng đượm màu xanh cây cối, thoáng mát. Chùa mới tôn tạo lại nên chưa có cổng Tam Quan.
 
 Gian thờ Tổ
Ghi nhận thông tin cần thiết, thầy gọi chúng tôi vào cùng cơm trưa. Bữa cơm thanh đạm: Rau bí luộc, dưa chuột, ngô luộc… Chúng tôi ai cũng ngon miệng. 

Hỏi chuyện thêm thầy, được biết trước khi về chùa Sùng Giang, thầy tu học ở thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai). Vài năm trở lại đây, bà con về chùa lễ Phật nhiều hơn. Hàng tối, đạo tràng 20-30 người cùng về chùa tu học. Đều đặn câu kinh, lời kệ, tiếng chuông, nhịp mõ sau biết bao năm “không người thăm viếng”…

Đã qua giờ trưa, ngoài sân chùa nắng vàng rạng rỡ. Bản giao hưởng tiếng ve gọi Hè rộn rã, lúc réo rắt, khi êm dịu. Nơi mái chùa quê thanh bình, ánh đạo vàng dần lan tỏa đến muôn nơi…

Thường Nguyên
*Theo vi.wikipedia.org