Chàng trai u não truyền cảm hứng sống lạc quan


Cuộc chuyện trò diễn ra trong một buổi chiều, khi anh đã xong công việc lao công tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), và đang sắp xếp những chậu sen đá bán cho khách trước cửa hàng của một người bạn ở đường Nguyễn Đình Chiểu để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và chữa bệnh.

Hỏi về công việc bán sen đá, anh cười chia sẻ: “Chăm sóc sen đá, tôi nhận thấy sức sống mãnh liệt của nó, càng khô sen đá càng mãnh liệt hơn”.


Anh Trung (đeo kính) tham gia nấu ăn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: NVCC

Dù gặp nhiều khó khăn về vật chất, cũng như thể trạng cơ thể yếu đuối, mắt phải của anh đã bị mù, mắt trái cũng bắt đầu mờ dần do ảnh hưởng từ khối u trên não, nhưng anh luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động thiện nguyện tại các câu lạc bộ dành cho người trẻ ở chùa Thiện Mỹ (Q.5), tại chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn), Hội hiến tiểu cầu, Hội thiện nguyện Tâm Ái…

Bộc bạch về việc đó, anh Trung thiệt thà: “Giờ mình không có tiền thì mình có thể góp bằng sức lực, bằng cái tâm của mình”. Theo đó, anh tham gia vào Ban Hậu cần phụ nấu ăn, tổ chức buffet chay gây quỹ giúp đỡ bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nghèo. Những điều này, anh học được từ nhỏ khi theo bà nội đến các chùa vùng sâu, vùng xa để tặng quà cho người nghèo.

Anh cười kể, bị bệnh u não, bác sĩ nói mình phải cẩn thận, vì bệnh có thể di căn. Mỗi lần bệnh tái phát là đầu đau như búa gõ, rồi ù tai, mắt yếu, nên “lúc đó tự trong tâm luôn niệm Phật để giữ cho mình được sự bình an”. Chừng nào đau lắm thì mới đi khám, còn khám định kỳ thì 3 đến 4 tháng một lần, rất may anh có bảo hiểm y tế. “Nếu tôi càng bi quan thì khối u càng phát triển, còn tôi lạc quan không nghĩ tới bệnh thì nó sẽ đỡ phát triển. Có thể nhờ một phần như vậy nên tôi biết trân quý từng giây phút hạnh phúc bình thường mình đang có”, anh Trung trải lòng.

Với sự khó khăn do bệnh tật mang tới, nhiều lúc anh phải tạm gác việc học lại một thời gian, nhưng anh vẫn quyết tâm học xong các cấp học, và ngành Quản trị mạng tại Trung cấp nghề Nhân đạo. Anh chia sẻ: “Chỉ có học, mình mới vươn lên trong cuộc sống”.

Theo anh, động lực giúp anh học trước hết là vì thương ba: “Vì tôi, ba đã thiệt thòi quá nhiều nên tôi phải cố gắng bù đắp lại. Hồi trước tôi bị bệnh, ba lo sợ nhiều thứ, ngoài làm lao công, chăm sóc cây xanh trong Bệnh viện Nhi Đồng, thì hàng đêm ba phải đi làm nhiều việc như đi lượm ve chai để lo thuốc men cho tôi. Ba giờ 70 tuổi, thương ba nên tôi sống cho thật tốt, thật lạc quan”, anh Trung nói.

Sự lạc quan mà anh có nữa là học từ cô bạn đã mất vì bệnh ung thư cách đây 15 năm. Ai tiếp xúc với cô cũng như được trao truyền niềm vui, sự hạnh phúc nên khi cô ấy ra đi ai cũng rất bất ngờ. Ngoài ra, khi bị bệnh, anh được một bác sĩ giúp đỡ viện phí nên anh tâm niệm mình hãy sống lạc quan, yêu thương cuộc đời này.

Như một triết gia, sau khi đã nếm trải mọi cung bậc ở đời, anh Trung tự hỏi rồi tự nhận diện câu chuyện cuộc sống của mình và mọi người: “Nếu mình có một cái nhìn sâu sắc thì sẽ thoát khỏi sự phiền muộn của cuộc sống? Có khi, câu hỏi đó đến từ một “người thầy”. Người thầy tặng ta một câu hỏi, và qua đó tặng ta một nếp sống mới. Một nếp sống có cái nhìn sâu, có những khám phá mới. Một nếp sống có niềm tin và cuối cùng có sự tháo gỡ những sai lầm của nhận thức để trở thành tự do như một con chim trên bầu trời xanh. Niềm tin có công năng mang tới hạnh phúc, là cái giúp cho ta buông bỏ được khổ đau”.

Hỏi thêm về việc trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống giờ có cảm thấy mình thiếu gì không, anh chỉ cười và nói thấy thiếu nhất là tình thương của mẹ vì anh mất mẹ lúc 3 tuổi, còn lại… gần như có đầy đủ mọi thứ. “Tôi chưa bao giờ thấy buồn về cuộc sống của mình, hạnh phúc hay không tùy cách sống của mỗi người: mình càng vui vẻ thì sẽ vui vẻ thêm, mình càng buồn thì cuộc sống sẽ buồn thêm”, anh nói.

Chính vì lạc quan, trân quý cuộc sống, nên khi có nhiều người muốn giúp đỡ, anh luôn từ chối. Anh nói: “Mua sen đá ủng hộ thì tôi vui lắm rồi, còn sự giúp đỡ này thì nên nhường cho người khác, vì tôi thấy mình còn đủ sức lo cho mình. Ngoài kia có nhiều người bươn chải với cuộc sống không dễ dàng, như đi lượm ve chai, bán vé số… so với họ thấy tôi còn đầy đủ hơn nhiều”.


Như Danh