Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm nói về chuyện sinh - tử
PV: Nếu sau này có người nhắc đến “Sư phụ Thánh Nghiêm”, Ngài hi vọng họ sẽ nhớ gì về Ngài?
- Hi vọng người khác nhớ gì về tôi? Trước giờ tôi chưa hề nghĩ đến vấn đề này. Trong thực tế những gì chúng ta nhớ về các nhân vật lịch sử đều có hạn, huống hồ tôi liệu có thể trở thành nhân vật lịch sử hay không. Dẫu có người đề cao tôi, nói tôi là nhân vật mang tính lịch sử, sau này chắc chắn sẽ lưu danh trong lịch sử. Nhưng, cho dù lịch sử có ghi lại tên tôi, cũng chưa hẳn sẽ ghi lại trong ký ức của những người đời sau, cách nghĩ, cách nhìn của người đời sau về tôi có thể có nhiều quan điểm khác nhau. Hiện tại cách nhìn của mọi người về tôi cũng khác nhau, một trăm người có một trăm cách nhìn. Phải đến khi đóng nắp quan tài mới có thể luận định, bây giờ nói những điều này quá dư thừa. Đã mất đi rồi còn quan tâm người đời sau có nhớ mình không, hoàn toàn không có ý nghĩa gì, cũng không có gì quan trọng.
PV: Phải sống thế nào trong cuộc sống hiện tại?
- Thời gian có quá khứ cũng có tương lai, nhưng quá khứ thì đã qua đi, tương lai thì vẫn chưa đến, đây không phải là chuyện hư không sao? Nhưng nếu chỉ nói về hiện tại, mà bỏ qua quá khứ và tương lai thì cũng là một sai sót. Với chúng ta mà nói, khoảng thời gian từ khi cha mẹ sinh ra đời cho đến bây giờ chính là “quá khứ” của chúng ta; với vũ trụ mà nói, sự bắt đầu của nó, các nhà khoa học cho rằng hình thành do vụ nổ lớn trong vũ trụ, nhưng trước vụ nổ lớn đó là gì, chúng ta vẫn chưa biết được, chỉ có thể hiểu theo những luận điểm của các nhà khoa học, nhưng đó đều là quá khứ. Những chuyện trong quá khứ, bây giờ đã không thể nắm bắt được.
Về những gì mà bản thân tôi trải qua, như nơi tôi sinh ra, bây giờ là đáy sông Trường Giang, chìm trong nước, nhìn không thấy nữa rồi. Khi tôi 70 tuổi, tôi từng trở về Đại Lục thăm lại miền quê thơ ấu của tôi, những công trình, sông hồ, cây cối, địa hình nơi đó bây giờ đều đã thay đổi, cũng chẳng còn ai quen biết. Nếu có hình ảnh, quá khứ chỉ có thể lưu lại trong hình ảnh, hoặc chỉ có thể lưu lại trong ký ức mà thôi. Còn tương lai thì vẫn chưa đến, chỉ có thể tưởng tượng, nhưng tưởng tượng thì chưa hẳn đã là sự thực. Ví như trước khi chúng ta đến thăm một vùng đất xa lạ, có thể chúng ta đã bắt đầu tưởng tượng về người, vật và kiến trúc ở nơi đó, sau khi đến nơi mới phát hiện tưởng tượng và sự thực có một khoảng cách. Vì vậy, quá khứ, tương lại là hư ảo, sống trong hiện tại, quan trọng nhất là nắm lấy hiện tại.
Hiện lại là gì? Như tôi bây giờ là một Hòa thượng, làm một ngày Hòa thượng thì phải gõ chuông một ngày, trách nhiệm của tôi là gì, chức vụ của tôi là gì, công việc của tôi là gì, nơi tôi ở thế nào, ở thời điểm nào hiện tại đều không thể tách khỏi những điều này. Tôi phải nắm vững cuộc sống hiện tại của mình, phải chịu trách nhiệm và làm tốt nghĩa vụ của mình, cũng chính là nắm vững hiện tại từ lập trường của mình. Nếu như thế, tôi vô cùng tích cực, không hư không cũng không thất vọng. Người ta sở dĩ cảm thấy thất vọng là vì mơ mộng về tương lai, kết quả tương lai với những gì mơ tưởng đều không giống nhau, cho nên thất vọng. Sống trong hiện tại chính là thực hiện ước mơ tương lai. Sống trong hiện tại là vui vẻ nhất, nếu bỏ qua hiện tại, luôn nghĩ về quá khứ và mơ về tương lai, vậy hiện tại là hư không, đó là một việc hết sức bi ai.
PV: Thế còn về bệnh tật và tín ngưỡng Ngài nghĩ thế nào?
- Nhìn từ quan điểm nhân quả đơn thuần, bị bệnh là một việc rất tiêu cực, giống như trước đây tôi đã làm việc xấu, bây giờ phải chịu quả báo là bị bệnh. Tuy cách giải thích này không thể nói là sai, nhưng cũng không hẳn là hoàn toàn chính xác. Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến thế giới này độ chúng sinh, nhưng trong cuộc đời của Ngài đã trải qua nhiều khổ nan; hay như Huyền Trang Đại Sư đến Ấn Độ thỉnh kinh, suốt chặng đường đi trải qua hơn 80 nạn kiếp, chẳng lẽ đó là nghiệp báo nhân quả sao? Hay là vì trước đây họ làm việc xấu cho nên kiếp này phải chịu quả báo khổ nạn? Ngoài ra, chúng ta còn thấy nhiều cao tăng trong lịch sử, họ đều bước ra từ trong gian khổ. Có vị Cổ Đức từng nói: “Không trải qua mùa đông lạnh giá, sao có thể thấy được hoa mai nở”.
Đối với người tu hành Phật giáo, bất luận là mong muốn trở thành Phật hay một vị cao tăng, đều phải trải qua sự thử thách của khổ nạn, rất nhiều ví dụ đều như vậy. Pháp sư Thích Ấn Thuận viên tịch cách đây không lâu (năm 2005). Hơn 10 tuổi đã mắc bệnh nặng, ông sống nhờ vào uống thuốc và chích thuốc. Nhưng cũng chính vì bệnh, sức khỏe yếu kém, mà chuyên tâm nghiên cứu kinh Phật, cuối cùng cũng có một thành tựu lớn trong Phật học. Cuộc đời của tôi tuy không thể sánh với họ, nhưng vì sống trong thời đại chiến tranh liên miên, cho nên cả cuộc đời tôi đều là khổ nạn. Khi mới ra đời tôi đã không được khỏe mạnh, đến 5, 6 tuổi vẫn chưa biết nói, lúc 8, 9 tuổi mới bắt đầu đi học. Tuy tôi chưa học qua bậc trung học và đại học, nhưng trong hoàn cảnh đó, tôi hoàn toàn dựa vào nổ lực của bản thân, cuối cùng nhận được học vị tiến sĩ ở Nhật Bản. Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của tôi vẫn không tốt.
Bất luận là đến Nhật Bản hay Mỹ, tôi đều nổ lực trong hoàn cảnh không ai giúp đỡ. Khi đó giới Phật giáo không có khái niệm bồi dưỡng nhân tài, vì Phật giáo khi ấy không có người, cũng không có khả năng. Nhìn thấy Phật giáo suy yếu như vậy, tôi chỉ biết nổ lực hết sức mình, đồng thời tôi cũng phát nguyện, bản thân tôi không thể học đại học, nhưng sau này tôi sẽ mở trường đại học, để mọi người xuất gia đều có học vị.
Về quá trình này mà nói, chẳng lẽ là vì trước đây tôi đã làm việc xấu, cho nên bây giờ phải chịu trừng phạt hay sao? Không phải thế. Trái lại tôi vô cùng cảm ơn cuộc đời cho tôi có cảnh ngộ như thế, cảm ơn Phật Bồ Tát đã an bày cho tôi một cuộc đời như thế, để tôi có cơ hội cống hiến sức mình.
Lúc hơn ba mươi tuổi tôi đã viết rất nhiều sách, mấy mươi năm gần đây, cho dù có bận rộn, mệt mỏi thế nào, mỗi năm cũng cố gắng viết mấy quyển sách, cho nên đến bây giờ tôi đã viết hơn 100 quyển sách. Là vì điều gì? Là nhân quả chăng? Kỳ thực là Phật Bồ Tát đã ban cho tôi sứ mệnh ấy, cũng là tâm nguyện từ nhỏ của bản thân tôi. Từ nhỏ tôi đã có một tâm nguyện, tôi nghĩ “Phật pháp tốt như thế, nhưng người hiểu sai về Phật pháp rất nhiều! người hiểu đúng về Phật pháp rất ít” Vì vậy, tôi muốn dốc hết sức mình truyền bá, chia sẻ với mọi người trên thế giới về những điều hay của Phật pháp, về trí năng của Phật pháp. Nhưng những gì tôi biết, những gì tôi có thể thì rất có hạn, cho nên tôi phải phong phú tri thức bản thân mình để có thể đủ năng lực truyền bá và chia sẻ Phật pháp. Giống như vừa rồi cha Đơn Quốc Tỉ đã nói, đốt một ngọn đèn cầy nhỏ, có thể chiếu sáng cả không gian, để ta bước đi dễ dàng, cũng để những người khác trong không gian được hưởng lây, được chiếu sáng.
Vì vậy, tâm nguyện của tôi chính là chia sẻ với mọi người trên thế giới về điều hay, về trí năng của Phật pháp. Những năm gần đây tôi đề xướng dùng “tâm linh bảo vệ môi trường” để “nâng cao chất lượng con người, xây dựng một môi trường sống trong sạch, mong rằng những người khổ nạn trên đời đều có thể chia sẻ được sức mạnh của lòng từ bi và trí tuệ của Phật pháp; có người mang ánh sáng của lòng từ bi và trí tuệ Phật pháp chiếu gọi khắp nơi, có người được chiếu gọi bởi ánh sáng ấy. Không phải tôi hi vọng biến mọi người trên thế giới này thành đệ tử Phật môn, đây cũng là việc không thể, nhưng phải quan tâm đến thế giới này, chia sẻ lợi ích Phật pháp, giúp đỡ người đời giảm bớt phiền não, cho dù là giảm bớt một phần nhỏ nhoi cũng đã tốt rồi.
Vì vậy trong cuộc đời này, dẫu có nhiều bệnh, dẫu có gian khổ, nhưng tôi vẫn tràn đầy lòng cảm ơn. Mọi người biết thận tôi có vấn đề, bây giờ phải định kỳ rửa thận; tôi cũng từng đến gần biên giới của cõi chết, đã đi vài lần trước quỷ môn quan, nhưng bây giờ tôi vẫn có thể ở đây, là vì tâm nguyện của tôi vẫn chưa hoàn thành.
Tâm nguyện cuối cùng của tôi là xây dựng trường đại học Pháp Cổ. Khi bệnh tình của tôi nguy kịch, tôi cầu nguyện trước Phật Bồ Tát: “Nếu nhiệm vụ của tôi đã hết, không có việc gì cần tôi làm, thì cứ để tôi đi, nếu Phật Bồ Tát còn nhiệm vụ mong muốn tôi hoàn thành thì hãy để tôi sống tiếp”. Kết quả là tôi sống tiếp, mà nguyện vọng của tôi chính là xây dựng trường đại học Pháp Cổ.
Với tôi bây giờ mà nói, chết hay sống không còn quan trọng nữa, nhưng sống là nhiệm vụ, là sứ mạng mà Phật Bồ Tát đã giao cho tôi, tôi phải sống hết mình, sống có tinh thần, có sức sống. Vừa rồi Cha đạo có nói, sau khi chết đi thì sẽ sống trong vòng yêu thương của Chúa; nhưng sau khi tôi mất đi, thì có chung một sứ mệnh, một thân xác, một vùng đất, một thế giới với chư Phật tam thế, thì tôi còn gì để cầu mong chứ?
Tôi bây giờ rất nhỏ nhoi, thời gian cũng có hạn, người tôi có thể giúp cũng không nhiều; nhưng sau khi tôi mất đi, không chỉ ở Đài Loan, không chỉ ở quả đất hay vũ trụ hữu hạn này, mà là trong thế giới vô hạn. Như thế, nơi nào cần tôi, tôi sẽ đến đó! Lúc nào cần tôi thực hiện sứ mệnh, tôi sẽ đi! Trong thời không vô hạn, có rất nhiều chúng sinh cần sự giúp đỡ và độ hóa, chỉ cần có duyên với nơi nào đó, tôi sẽ đến đó! Đó chính là nhân quả quan của tôi. Nhân quả lớn nhỏ và tùy vào nơi tái sinh. Cũng không phải là tôi đã làm nhiều việc tốt cho trái đất này, cho nên mong muốn trở lại trái đất này để hưởng phước, đấy không phải là quan niệm Phập pháp chân chính, vì phạm vi của tâm thánh nhân thời không như thế, như thế là quá nhỏ hẹp. Người tu, tâm nguyện không có biên giới, và công năng của lòng từ bi và trí tuệ không có giới hạn, như thế mới quảng độ tất cả chúng sinh.
PV: Ngài cảm thấy cuộc đời của Ngài đến bây giờ, có điều gì hối tiếc không? Hoặc là cảm thấy việc gì vẫn chưa làm, cần phải nổ lực hoàn thành? Ngoài ra, đa số những người nổi tiếng trên thế giới, bao gồm cả những người thuộc lĩnh vực tôn giáo, đều là sống vinh chết bi ai, Ngài đã làm chủ của rất nhiều tang lễ, đã chứng kiến biết bao chuyện bi quan ly hợp, xin hỏi Ngài sẽ sắp xếp thế nào về “Chặng đường cuối cùng” của mình? Mong muốn những người quan tâm đến Ngài, yêu thương Ngài thực hiện những gì?
- Có người từng hỏi tôi, trong cuộc đời này, có điều gì hối tiếc không? Nếu phải chết ngay lập tức, còn điều gì muốn giao phó không? Với tôi mà nói, tôi đã từng phạm rất nhiều lỗi, nhưng đó không phải là nuối tiếc, mà vì không biết cho nên phạm lỗi. Nhưng tôi sẽ không tái phạm những lỗi mà tôi đã phạm phải, cũng chính là không có tiếc nuối. Về việc còn điều gì muốn làm mà chưa làm được? Quả thực là có rất nhiều việc muốn làm nhưng vẫn chưa làm được.
Mấy năm nay, chúng ta đều đưa ra những hoạt động xã hội, ví dụ như, chúng ta tiến hành cải cách trong việc cúng kiến, đốt tiền vàng bạc, đốt pháo trong dân gian, trước đây dân gian Đài Loan thường thấy tình trạng tập tục cúng kiến từ thôn này ăn đến thôn khác, từ thị trấn này ăn đến thị trấn khác, bây giờ đã giảm dần rồi.
Ngoài ra, mấy năm trước phát động phong trào “Trái tim ngũ tứ”, chính là chủ trương phong trào cuộc sống mới bắt đầu từ “trái tim”. Giống như xã hội bây giờ khi tiếp xúc vấn đề hay hiện tượng nào đó, chúng ta cần phải tập đối diện, tiếp nhận, xử lý, và bỏ lại… có rất nhiều người áp dụng cách sống như thế, và nó trở thành một phương thức sống cần thiết thường ngày.
Năm ngoái, chúng tôi đưa ra phong trào “Tâm lục luân”. Bởi vì “Ngũ Luân” trong cổ đại Trung Quốc đã không còn thích hợp với xã hội bây giờ, có một số quan niệm trở nên cổ hữu, con người thời đại mới, nhất là người trẻ, không dễ dàng chấp nhận, cho nên chúng ta thông qua các phương tiện truyền thông truyền hình, báo chí, tạp chí đẩy mạnh phong trào “Tâm lục luân”.
Năm nay, chúng ta đưa ra phong trào “Hảo nguyện tại nhân gian”, kêu gọi mọi người ước điều tốt lành, làm việc tốt, đổi vận tốt. Nhưng những phong trào xã hội này không thể chỉ phát động trong một khoảng thời gian là đủ, mà cần phải tiếp tục phổ biến và mở rộng.
Thế gian này có hạn, nhưng trong trái tim tôi, ước nguyện của tôi rất nhiều, chỉ cần có ích cho xã hội là thứ mà xã hội cần thiết, tôi đều đồng ý làm. Nếu bản thân tôi không làm được, tôi kêu gọi mọi người cùng làm; nếu kiếp này tôi vẫn chưa làm hết, mong rằng kiếp sau lại được tiếp tục phát động, kêu gọi mọi người cùng thực hiện. Cho nên, cuộc đời này tôi không có gì hối tiếc, nhưng tâm nguyện của tôi thì rất nhiều. Cho dù sau khi chết, tôi mong được bên cạnh Phật Bồ Tát, sau đó, nếu Phật Bồ Tát muốn tôi về đâu, tôi sẽ về đó, hoặc là sẽ đi theo tâm nguyện của tôi.
Sau khi tôi mất, người ta bình luận thế nào về tôi, là việc của người ta, chẳng liên quan gì đến tôi. Khi nãy Đức cha có nói, sau khi chết không mong có người dâng hoa, không mong có người ca tụng công đức, cũng không mong phô trương, truy điệu. Trước đây, khi cha La Quang qua đời, tôi đến tưởng niệm, nhìn thấy quan tài của cha đặt trong đại sảnh, xung quanh chẳng có gì cả, đây là một gương mẫu rất tốt.
Nhưng trong giới Phật giáo, trước đây có một số tang lễ tương đối phô trương, linh đường to lớn, bố trí rất đẹp, đồng thời còn cử hành truy điệu, truyền cúng. Truyền cúng chính là tập hợp nhiều pháp sư trưởng lão lại cúng bái 10 món chay, sau đó từng món từng món truyền đi, có thể nói là ai vinh sau khi mất đi.
Nhưng sau khi tôi mất, tôi không cần những điều đó. Tôi đã sớm lập di chúc, mà còn được luật sư và tòa án công chứng; bản thân tôi không có tài sản, tác phẩm của tôi thuộc về giáo đoàn; di thể của tôi bỏ vào trong quan tài gỗ mỏng là được, sau khi hỏa thiêu, không lập bài vị, không lập bia, không xây mộ, cũng không cần xây tháp.
Trên Pháp Cổ Sơn có khu vườn bảo vệ môi trường núi Lập Kim huyện Đài Bắc, là công viên thực táng, là nơi Pháp Cổ Sơn quyên đất cho chính quyền huyện Đài Bắc, sau đó chính quyền huyện Đài Bắc giao lại cho Pháp Cổ Sơn quản lý, bảo vệ.
Cái gọi là thực táng chính là lấy tro cốt phân làm nhiều phần rải chôn ở những nơi khác nhau trong công viên, như thế để người đời sau không thể nhận ra được nơi nào là nơi đã chôn cất người thân của mình. Bất luận người theo tôn giáo nào, dân tộc nào, chỉ cần nguyện mang tro cốt thực táng ở công viên, chúng tôi đều chấp nhận, trong quá trình thực táng, cũng không có bất kỳ nghi thức tôn giáo nào. Người đến công viên không được dâng hoa, đốt tiền vàng bạc, thắp hương hay đốt đèn cầy, chỉ có tưởng niệm.
Kỳ thực con người sau khi mất đi, đã biến mất trên thế giới này, hoặc tạm thời có người nhớ đến, nhưng 10 năm, 20 năm sau, mọi người sẽ quên hết. Những tang lễ ngày trước không văn minh, cũng không kinh tế, rất lãng phí, cho dù anh có một ngôi mộ rất lớn, nhưng qua 50 năm, 100 năm sau rồi cũng bị lãng quên, như Tần Thủy Hoàng trong lịch sử Trung Quốc, lăng mộ của ông giờ chỉ là một nơi tham quan, chứ không phải đi tưởng nhớ ông ấy. Hiện tại, khu công viên bảo vệ môi trường trên Pháp Cổ Sơn đã thực táng rất nhiều người, 10 năm sau, có thể lên đến mấy ngàn người. Nếu có người đến tưởng niệm, thì sẽ tưởng niệm cùng lúc mấy ngàn người. Sau này, tro cốt của tôi cũng sẽ thực táng ở đó, cho nên sau khi tôi mất đi, tro cốt có thể trở thành phân bón, vì xung quanh công viên đã trồng nhiều trúc xanh, sau này còn có thể có những măng tre mới, tro cốt sẽ trở thành phân bón. Vì vậy, cách nghĩ của tôi với Đức cha rất giống nhau, mong rằng cách làm của chúng tôi có thể trở thành một tập tục mới, cũng mong rằng sau này có nhiều danh nhân, cao tăng đại đức cũng làm như thế, để xã hội của chúng ta thực sự đi vào thời đại văn minh.
Minh Bửu (biên dịch)