Học cách khoan dung


Có những điều giản dị hàng ngày giúp cho mỗi chúng ta nuôi dưỡng, phát triển Trí tuệ và Từ bi theo lời dạy của Đức Phật. Ai cũng có điều đó, nhưng không phải ai cũng nhận biết đó chính là sự khoan dung cần có không chỉ giữa người với người, mà còn là giữa con người với cộng đồng, để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh. Tôi may mắn được học sự khoan dung đó từ cha tôi, bạn bè và những người thầy khả kính...

                         Đồng tiền biết khóc

        Những năm 60 của thế kỷ trước, cả nửa đất nước, nhà ai cũng khó khăn, gia đình nhỏ của tôi cũng vậy. Gia cảnh nhà tôi khó khăn hơn nhiều gia đình khác bởi mẹ ốm nằm bệnh viện mỗi kỳ vài tháng, ba bận công tác thường vắng nhà, mấy chị em tôi lít nhít sống trong sự đùm bọc của láng giềng. Nhớ lần ấy cha đưa cho 5 hào để mua muối, mắm, tôi lơ đễnh làm rơi lúc nào không biết. Tôi sợ lắm. Mới 7 tuổi đầu, nhưng tôi biết làm mất tiền là làm khổ cha mẹ, là chấp nhận ăn nhạt dài ngày. Tôi đã chờ trận đòn roi và cơn giận của cha. Nhưng, khi thấy tôi về tay không, ông hiểu chuyện, mắt cha tôi đỏ quạch, ông âm thầm khóc, hai đứa em tôi, đứa 5 tuổi, đứa 2 tuổi cũng khóc ầm lên. Bác thợ điện trong khu tập thể nghe tiếng khóc chạy vội qua thấy 4 cha con tôi ôm nhau khóc, bác ấy cùng khóc. Cha không mắng tôi, nhưng vì thế mà tôi nhớ suốt đời.

        Cha luôn là Người thầy kính yêu của chị em chúng tôi suốt cuộc đời. Bài học đầu tiên về sự tha thứ, khoan dung của cha đối với lỗi lầm của tôi đã dạy tôi biết sống nhường nhịn, thương yêu,  cảm thông với mọi người. Dẫu sau này, chị em chúng tôi học hành thành đạt, không túng thiếu như cha mẹ ngày xưa, nhưng ai cũng nhớ đồng tiền bị mất thuở ấu thơ, và gọi nó là "đồng tiền biết khóc"!

Khoan dung là Bi, Trí, Dũng trong sinh hoạt đời thường

       Tôi đến với đạo Phật muộn nhất trong gia đình. Nhưng các em và bạn bè  tôi thường nói là tôi may mắn được  gặp, được học các vị thầy lớn, các vị cao tăng.

        Các nhà sư thường nhắc tôi: "Có ổn việc nhà mình, mới lo toàn việc cơ quan, việc ngoài đời... Trí huệ và dũng khí đặt trong sự từ tâm sẽ giúp con khó đến bao nhiêu cũng đạt được đích đến. Nhưng, đừng quên không có việc gì dễ cả, phải kiên nhẫn, yêu thương mọi người..."!

        Vâng lời dạy của thầy tổ và quý thầy, tôi đã sống và làm việc bằng tinh thần đó. Cũng không thể tránh khỏi những hiểu lầm, xung đột với cấp trên, với đồng nghiệp, với những phiền muộn khi công việc không thông suốt. Nhờ can đảm, kiên trì, bình tĩnh của bản thân, với sự đồng lòng, quyết tâm của anh chị em phóng viên trong toà soạn,  và trên tất cả là lòng bao dung của nhau, chúng tôi đã hoàn thành không ít việc hữu ích cho đời, cho những người nghèo khó, bệnh tật trong xã hội.

        Sự khoan dung trong ứng xử, trong công việc, trong quan hệ bạn hữu, cấp trên và nhân viên đã giúp tôi cùng các bạn xoá đi những mặc cảm, những bất đắc ý, để chúng tôi biết yêu thương, quý trọng nhau nhiều hơn. Bài học lớn này, tôi đã học, và luôn biết ơn các sư thầy. Tin sâu nhân - quả, tôi bình an trong cuộc sống thường ngày. Là dân lành như muôn triệu người dân, tôi luôn nhớ về Toà soạn Báo Lao Động và đồng nghiệp luôn với hình ảnh đẹp, đó là nơi tôi gắn bó, trưởng thành.
        Tôi đã học cách khoan dung từ các bậc thầy đời- đạo cao quý, nên biết quyết đoán, chia sẻ, yêu thương sự sống và mọi người bình dị thế thôi!

Trần Thị Thanh Thuỷ