Hủy báng & tán thán
GN - Được khen, sanh tâm vui mừng, thích thú mãi; bị chê, khởi lòng buồn giận, ghim trong tim. Mất và còn, vui và buồn, hủy báng và tán thán,… là những cộng hưởng của đời, chúng luôn đối xứng, “làm khó” nhau để song hành tồn tại và phát triển.
Điều quan trọng là chủ thể có bị chi phối, tự dìm vào những làn sóng ấy hay đứng vững trên mặt sóng thảnh thơi ngắm mây trời thong dong bay qua mắt.
Lần nào lễ Phật cũng thấy Đức Thế Tôn mắt khép hờ nhìn xuống. Ngài ngồi bên cội bồ-đề uy dũng làm chủ tâm, điều phục tất cả tham sân si. Lần nào con cũng xúc động khi nhìn Ngài và tán thán mười danh hiệu gửi đến Bậc Giác ngộ Chánh đẳng giác: Kính lạy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Ngài là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
Đã trải qua gần hai ngàn sáu trăm năm mà lời dạy của vị Thầy Siêu Việt Thế Gian vẫn hằng hữu và ngày càng tỏa rạng chân lý, đúng như thật. Con lần giở trang kinh, nghe như Phật đang chia sẻ, đang thầm thì, đang răn dạy, đang nghiêm khắc. Con nhận lãnh và niềm vui ùa về khi con chuyển lại thành những tâm tư tình cảm để nói với bạn vượt qua nỗi đau tinh thần, đừng gục ngã, chẳng thoái lui vì sự khen hay chê như gió thoảng mây bay, giữ mãi trong lòng làm chi, huống nữa đó là những lời nói từ người thân trong nhà. Ừ, đau lắm, nhưng mà chấp nặng vì lời khen chê kia còn đau tâm, nhọc tim, khổ thân biết chừng nào.
Phật ơi!
Hôm bữa, con nhắn tin trên Zalo với một bạn bị người khác hủy báng nặng nề, gương mặt bạn hốc hác, hai mắt hõm sâu, không chút thần sắc, sự chán nản tột cùng đến nỗi bạn nện trên bàn phím hai chữ “buông xuôi”. Con biết là bạn đang cô đơn, hụt hẫng. Bạn là trí thức lại là nữ nữa, vậy mà bị một người nào đó mắng chửi, hủy báng không thôi giữa chợ, chỉ vì một sự hiểu lầm, sau đó thì người kia có hối lỗi, nhưng bạn ê mặt, sĩ diện trỗi dậy, nỗi lòng cứ đau day dưa mãi. Con nhớ lời Bậc Đạo Sư từng dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi”. [KINH TRƯỜNG BỘ - Bài kinh số 1: Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Sutta), trang 16, Nxb Tôn Giáo, PL.2559 - DL.2016, do cố Đại Trưởng lão HT.Thích Minh Châu Việt dịch].
Rồi con nói sự tai hại của buồn giận vì tai nghe những điều bất như ý. Bạn cũng dần nguôi ngoai. Lời nói đã đi qua, hôm đó người hủy báng, cũng là lời nói và người đó nhưng hôm sau là sự hối lỗi, bạn không nhận lời tha thứ lại chấp về sự tổn thất những điều chói tai. Buông xuống thì khó lắm, bởi bạn nghĩ mình là thạc sĩ, mình là trí thức, là những điều trên không thuộc về mình. Kẻ đang hủy báng dĩ nhiên là thô lỗ, huống nữa sai sự thật. Buồn làm chi để buông xuôi, “mackeno” (mặc kệ nó), nói vậy thì vô trách nhiệm rồi. Đâu ai ăn đời ở kiếp với câu nói không vừa lòng. Câu nói không đúng sự thật, hủy báng bạn vẫn sống đấy thôi, hãy sống đẹp hơn những ngày đã sống thì mọi người càng tin yêu quý trọng bạn hơn. Hãy nhìn như mắt Phật, tha thứ người sẽ nhẹ lòng và bình an sẽ đến, cũng như một hòn sỏi chỉ làm chao sóng mặt hồ giây lát. Bạn làm được mà! Thật sự, bạn đã trở về với nụ cười rạng rỡ như hoa sáng nay. Bạn buông xuống cái gọi là thạc sĩ, trí thức, bạn thương người kia vì sự hối lỗi giày vò mà ăn không ngon, ngủ không yên, cũng chẳng dám nhìn thẳng mặt bạn. Bạn đã đến bên người ấy và vỗ về. Trong khoảnh khắc ấy bạn lớn lao biết bao!
Tuần rồi, có ông anh bạn nói cười toe toét như trẻ thơ vì sự tán thán không ngơi của mọi người hướng về anh. Vì sao anh cười tươi và điện thoại véo von với mình như vậy? Anh mới biết làm thơ và rất vui khi có một bài thơ được báo đăng. Anh tưởng chừng cả thế giới đang tung hô, đón chào bài thơ đồ sộ của anh mang đến cho nhân loại một cái nhìn mới lạ. Chao ôi! Những người mừng anh bởi họ là cấp dưới trong công việc, là bạn bè lúc khó khăn hay mượn tiền… Còn bài thơ thì phù hợp với chủ đề kỷ niệm gì đó trên một tờ báo bậc trung. Có lẽ anh đang trong dòng xoáy cảm xúc vui vì được tán thán. Lúc này, mình chợt nhớ lời Phật dạy, cũng trong bản kinh Phạm Võng, trang 17: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật.”.
Vài ngày sau, có dịp cà-phê vỉa hè với anh, mình chần chừ mãi mới nói điều cần muốn nói, vì anh cứ hỏi mãi về bài thơ ấy có thật sự hay, có phải là anh thành nhà thơ rồi chăng? Mình sợ anh bị hụt hẫng, bị tổn thương trong lúc đang thăng hoa, nhưng không thể nói cho vui, cho qua, lấy lệ. Thế rồi, mình xa xăm với lời Phật dạy trong kinh Phạm Võng như đã nghĩ hôm nọ.
Anh nghe xong, im lặng rất lâu, mình tưởng buổi cà-phê đó kéo dài cả thế kỷ. Sau cùng anh bạn cũng bật lên câu nói: “nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật”. Rồi anh gật gù, nắm thật chặt bàn tay mình và cảm ơn!
Mình không còn nghe anh nói về bài thơ đăng báo hôm nào, mình vẫn thấy anh tập làm thơ và thỉnh thoảng nhờ mình xem, góp ý thật lòng, anh vui vẻ xóa những câu vụng dại, những ý rất xưa cũ và thế rồi bài thơ đúng nghĩa đã mọc lên trong một ngày nỗ lực sáng tạo từ chính anh. Mình tán thán và anh cười, cảm ơn nhưng nói lại thuộc lòng lời Phật dạy trong kinh Phạm Võng hôm nào mình từng chia sẻ với anh. Anh đã tiết chế và biết mình đang ở đâu, bài thơ đang chỗ nào… Mừng cho anh, vi diệu lời Phật dạy!
Tôi như nhai kỹ từng giọt pháp mà Như Lai đã dạy từ ngàn xưa, bể đời đầy cám dỗ của khen chê, cảm xúc bừng lên vui buồn chớp mắt, từ nói đến làm là một khoảng trời không dễ chạm tay với! Tuy vậy, cứ tiết chế dần, buông xuống từng lớp si mê, chấp ngã, cho là của mình, là mình, tôi, của tôi thì thấy thân tâm này nhẹ nhàng trong lời nói, ý nghĩ, việc làm hàng ngày xiết bao. Con cảm ơn Phật - Thầy ơi!
Sau khi vạch ra 62 luận điểm chấp ngã sai lầm của ngoại đạo, Thế Tôn đã kết luận và con dừng thật lâu trước những dòng chữ này: “Do duyên những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi; do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên”. Thật vậy, phàm hay Thánh là do ta. Vui hay buồn là cảm xúc, chế ngự hay bị dính mắc từ trần cảnh mà sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn vượt thoát được hay không là ở mỗi hành giả trên bước đường chuyển hóa.
Tâm đừng dính mắc vào lời khen hay sự chê, tán thán hay hủy báng nếu mình không nhận thì cánh gió sẽ bay ngược lại người đã thốt ra. Nếu trụ vào một chỗ nào thì cũng bị nghiêng lệch! Khó lắm, nhưng làm được thì mới thoát khỏi luân hồi lục đạo. Chợt nhớ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang, nghe thì suông mà đã mấy ai chịu buông xuống tam độc (tham, sân, si) để vào giới, định, huệ.
Phật ơi!
Con lại nhớ lời kệ Ngài từng răn và cố gắng tu trì:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán”.
Dịch:
“Tất cả những pháp hữu vi
Khác nào mộng huyễn, khác gì điển, sương.
Như bóng nước, như ảnh tượng
Xét suy như thế cho tường chớ quên!”.
Trần Huy Minh Phương