Khổ hạnh, canh chừng thân tâm


long-biet-on
Tu tập là làm cho bên trong mình sáng hơn chứ không phải làm cho bên ngoài mình cằn cỗi đi

Thân tâm đều kẹt

Hình như trong chúng ta, không ít người đã từng đi theo con đường khổ hạnh. Một số có thể thành công, nhưng một số lại sinh ra kẹt. Kẹt là vầy, cái thân thì suy kiệt, bệnh hoạn, còn cái tâm thì ngã mạn, kiêu căng. Chuyện đời khó mà lường hết được, cái tâm lại càng khó lường khi nó chuyển động…

Tôi cũng từng phát tâm ăn chay trường, và ăn được hai năm. Cái thuở mới biết đạo, tâm mình hùng dũng vô cùng, quyết đạp bằng mọi chướng ngại, bất kể quy luật của cuộc sống. Tôi làm cái nghề cứ phải đi công tác liên miên, có khi đi cả tuần mới về nhà, rồi lại đi tiếp. Mà cách đây 30 năm, ở tỉnh, ở huyện, ở các xã vùng sâu, làm gì có nhiều quán chay, thậm chí nhiều vùng không có quán chay nào. Cho nên tôi ăn chay theo kiểu khổ hạnh toàn ăn cơm với nước tương, muối tiêu. Hồi đó càng không có khái niệm ăn trứng. Nhưng tôi rất tự hào với sự kiên định của mình.

Ăn kiểu đó mà lặn lội mưa nắng, thức đêm thức hôm viết bài, chẳng mấy chốc tôi từ một phụ nữ mơn mởn đã biến thành một người má hóp, thân gầy, cao 1,6m mà nặng 32kg. Tệ nhất là, từ chỗ xông xáo vác ba-lô đi khắp nơi, tôi bỗng yếu xìu, leo lên tầng một ngôi nhà thôi đã chóng mặt, hoa mắt, thở hổn hển, thậm chí có lần suýt xỉu giữa đường. Coi như… mất sức chiến đấu.

Thế rồi… tôi sực tỉnh. Tôi nghĩ, phải chăng mình đang đi theo con đường khổ hạnh? Và nó có kết quả giải thoát hay không chưa biết, chứ biết chắc là mình sẽ chết. Tôi biết rõ cơ địa, nghiệp duyên và công việc của mình chưa đủ duyên để trường chay nên đành quay lại ăn chay kỳ mỗi tháng 10-15 ngày tùy theo tình hình đi công tác. Tôi hồi phục sức khỏe dần, năng động trở lại. Và tôi có sức để làm thêm công tác từ thiện, viết sách Phật, hoằng pháp.

Còn thêm một vấn đề nữa ngoài chuyện suy kiệt cơ thể do ăn chay kham khổ, mà tôi cho rằng vấn đề này mới thật sự quan trọng. Đó là cái tâm của tôi, khi ăn chay trường một cách kiên quyết và khổ hạnh như thế, tình cờ nó lại sinh ra ngã mạn. Từ chỗ tự hào bước qua kiêu căng, ngã mạn chỉ có một sợi tóc. Bởi vì mình thấy mình “hay” hơn người, mình thấy mình “tu” hơn người, mình nhìn mọi người chung quanh một cách coi thường, như là họ chẳng có sức tu như mình. Chưa hết, khi ăn chay trường thì tôi ngồi vô bàn tiệc với bạn bè khách khứa bằng gương mặt “cách biệt” lắm, làm như có một lằn ranh với họ, thậm chí sẵn sàng tranh luận về chuyện chay mặn, khiến nhiều lần mích lòng. Nhưng tôi chỉ thấy tôi đúng, tôi hay, còn lại mọi người là… đọa hết.

Chọn cách sống trung dung, cách ăn chay phù hợp

Vậy đó, cái tâm nó chuyển động lúc nào chúng ta không biết đâu. Và khi nó chuyển động có thể mình chẳng nhận ra. Rốt cuộc, tu cũng có nghĩa là nhận diện được tâm mình. Và tôi nhận ra, tu là càng tiến tới vô ngã, nhưng sao mình càng tu thì cái ngã của mình càng bự chảng? Vậy mình đi sai đường rồi. Tóm lại, tu kiểu này cái thân thì suy, cái tâm cũng tệ, vậy thôi… tu bình thường trở lại! Bình thường là chọn cách ăn chay phù hợp với cuộc sống người Phật tử, nhất là phù hợp với cơ thể, với công việc, là nhìn mọi người một cách dung dị, không cao thấp hơn thua. Tôi trở lại là người dễ gần, dễ cảm thông, và người ta thích tiếp xúc với tôi hơn trước.

Đó là một kinh nghiệm xương máu trên đường khổ hạnh của tôi. Sau đó tôi có quan sát thì thấy hình như một số người cũng mắc vào căn bệnh y như tôi. Vì vậy nói ra để chúng ta cùng tự điều chỉnh thân tâm.

Sinh hoạt ngoài đời cũng có những chuyện khổ hạnh. Nhiều bà mẹ, bà vợ cả đời chắt mót dành dụm lo hết cho chồng cho con, không hề nghĩ tới bản thân. Rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên, có một số người do sống khắc nghiệt với bản thân nên tự nhiên sinh ra khắc nghiệt với người khác lúc nào không hay. Họ không dám ăn dám mặc dám chơi, cho nên khó chịu khi thấy người khác ăn mặc đi chơi thoải mái. Khó chịu, ganh tị, nói thị phi, ghét bỏ, thậm chí nổi sân, là những tâm lý có thật. Ngay cả bà mẹ chồng, sẽ thấy khó chịu khi nàng dâu ăn ngon mặc đẹp. Như vậy sự khổ hạnh vừa có ích lại có thể có hại. Chúng ta cần giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc này, nếu không, sẽ cứ quẩn quanh trong cái khổ của thân và tâm.

Có lần tôi mạnh dạn khuyên các bà mẹ và bà vợ rằng, trừ những trường hợp gia đình quá khổ, chứ nếu có chút ít điều kiện, thì hãy thương lấy bản thân chứ không cần khổ hạnh và khắc nghiệt. Thương bản thân thì có gì sai? Bản thân mình có đẹp, có khỏe, có năng lượng, có vui vẻ, thì mình mới đủ sức lo cho người khác. Mình như ngọn đèn muốn tỏa sáng ra chung quanh thì bản thân mình phải có năng lượng, phải nạp năng lượng.

Năng lượng từ đâu ra? Từ nhiều nguồn lắm. Ở đây, ngoài chuyện vô chùa tu hành, niệm Phật, áp dụng những phương pháp Phật dạy, thì tôi đề cập thêm chuyện Tục đế đời thường, bởi đa số ai cũng sống ngoài đời, mình nên nói những gì thực tế. Năng lượng mà một bà mẹ bà vợ có thể tìm là ăn ngon chút xíu, mặc đẹp chút xíu, thỉnh thoảng đi xem phim, xem hát, du lịch, gặp gỡ bạn bè, thậm chí thích đeo dây chuyền, cà rá thì cứ mua mà đeo cho vui, cho xinh, vì đó là đồng tiền do mình làm ra chính đáng. Một người phụ nữ tươi tắn như vậy chắc chắn ai cũng muốn gần. Bà vui, bà khỏe là người khác đỡ phiền rồi. Bà bố thí nụ cười cho chung quanh là tốt lắm rồi. Mà người như thế chắc chắn tấm lòng sẽ dễ chịu hơn, rộng mở hơn, sẽ giúp đỡ mọi người chứ không hề ích kỷ. Ở đây, tôi không nói bà phải sống xa hoa, chỉ cần bà sống cân đối thôi là được. Cân đối giữa thương mình và thương người, cân đối giữa tiết kiệm và chi xài, cân đối giữa khắc nghiệt và hưởng thụ… Cuộc sống đời thường cần sự cân đối hơn là cực đoan.

Tóm lại, khổ hạnh như ngài Ca Diếp là tuyệt vời, kính phục. Nhưng chúng ta chưa đạt tới trình độ đó, đẳng cấp đó, thì coi chừng… Thà tu, thà sống một cách bình thường, cân đối, thân tâm thăng bằng, trung đạo.