Trí tuệ và từ bi trong pháp Bụt


Những hệ tư tưởng khác lại thiên về lí trí, như khoa học chẳng hạn, thì lại tin rằng trí tuệ chỉ có thể được phát triển tốt nhất khi mà mọi cảm xúc, bao gồm cả lòng từ bi, bị gạt ra bên lề. Vì lẽ đó khoa học chỉ lạnh lùng bận rộn với những thành quả nghiên cứu, khám phá, mà quên rằng mục đích của khoa học chính là nhằm phục vụ con người, chứ không phải là nhằm thống trị con người; và sự thật phũ phàng là khoa học đã vô tình hoặc cố ý, gián tiếp hay trực tiếp góp phần chế tạo bom hạt nhân, vũ khí vi trùng và những thứ khác tương tự, đe doạ hoặc tàn phá cuộc sống yên lành của loài người.

Một mặt, tôn giáo coi lý trí là kẻ thù của cảm xúc, của đức tin và tình thương. Mặt khác, khoa học lại luôn luôn coi cảm xúc và tình thương là kẻ thù của lí trí và tính khách quan. Như thế khi khoa học tiến bộ thì tôn giáo phải lùi bước. Đó là lẽ đương nhiên.
 
Trong pháp Bụt thì khác, theo lời Bụt dạy, mỗi cá thể phải tự trau dồi và mở mang cả trí tuệ và lòng từ bi, để thật sự sống yên lành, thăng bằng và trọn vẹn. Lời khuyên đó căn cứ vào kinh nghiệm sống của chính Bụt, chứ không phải chỉ là giáo điều hoặc ảo tưởng. Bởi thế pháp Bụt không có gì phải e ngại trước sự phát triển của khoa học công nghệ cả.

Vậy thì theo pháp Bụt trí tuệ là gì? Trí tuệ tột cùng (cao nhất) trong pháp Bụt là thấy rõ Lẽ Thật rằng mọi hiện tượng tâm và vật (tinh thần và vật chất) đều không trọn vẹn, không còn mãi và không có tự tính (không có Cái Tôi; Vô Ngã). Sự nhận biết này sẽ giải thoát hết mọi bám dính, ràng buộc, đưa đến sự yên lành và niềm hạnh phúc lớn lao, đó là Niết Bàn.

Tuy vậy Bụt không chỉ nói về trình độ tột cùng của trí tuệ. Ngài dạy rằng những ai chỉ đơn giản tin theo những điều người khác nói là những người không trí tuệ. Trí tuệ đích thực phải là tự mình thấy và hiểu một cách trực tiếp bằng kinh nghiệm thực hành của chính mình. Ở trình độ này thì trí tuệ có nghĩa là cần phải biết lắng nghe những quan điểm khác bằng tấm lòng rộng mở (đừng đóng kín nó) nhưng chớ nên mù quáng tin ngay; sau đó hãy thận trọng kiểm tra lại những điều trái ngược với nếp nghĩ của mình từ trước (hơn là tự mình bưng tai nhắm mắt, giống như con đà điểu vùi đầu trong cát tránh cơn bão sa mạc); cần có thời gian đủ cho
quá trình kiểm nghiệm và nhận biết Lẽ Thật (chớ hấp tấp chấp nhận ngay theo cảm tính; rồi lại dễ dàng hoang mang, dao động trước những lý lẽ trái ngược). Một người như thế mới thật là người khôn ngoan, sáng suốt và chắc chắn sẽ đạt tới sự hiểu biết thật sự. Đó chính là đường lối mà người theo pháp Bụt phải nương tựa vào. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm, tính nhẫn nại, sự mềm dẻo và trí thông minh. Đường lối này không cần đến niềm tin mù quáng.

Có người cho rằng đường lối tu này không dễ dàng và không phải ai cũng có thể sẵn sàng thực hành được. Điều đó quả là không sai. Nhưng nếu vì thế mà bảo rằng nên truyền dạy một thứ tôn giáo có thể dễ hiểu, dễ tin cho mọi người mà lại hoàn toàn sai lạc với Lẽ Thật hoặc trái chống với đường lối của Bụt thì quả là một điều tức cười, nếu không muốn nói là đáng phê phán. Đường lối của Bụt là nhằm vào Lẽ Thật, người tu theo pháp Bụt cần phải thực hành nghĩ, nói và làm hướng về Lẽ Thật cuối cùng. Nếu như chưa phải là tất cả mọi người đều sẵn sàng đủ khả năng nhận biết Lẽ Thật đó ngay trong đời này, thì có lẽ trong đời tiếp sau họ sẽ sẵn sàng. Vả lại trong thực tế ,không ít người chỉ nhờ lời nói khích lệ đúng mức là sự nhận biết của họ được khơi mở (bừng ngộ) ngay. Chính vì thực tế đó mà các vị tăng, các vị ni và các cư sĩ (thiện tri thức) đích thực thường không tiếc sức mình luôn luôn với thái độ ứng xử dịu dàng và với cái nhìn cảm thông, thường cố gắng sẻ chia với người khác sự hiểu biết đúng đắn về con đường Niết Bàn. Ngày xưa vì lòng từ bi đối với nỗi đau của chúng sinh chính Bụt đã kiên trì trong suốt gần nửa thế kỉ chuyển bánh xe pháp. Ngày nay cũng vì lòng từ bi mà người tu theo pháp Bụt sẵn lòng chia sẻ hiểu biết của mình với người khác.

Chúng ta vừa nói đến lòng từ bi. Vậy từ bi là gì? Nếu như trí tuệ là hoa trái của khả năng sáng suốt và quá trình nhận thức trong bản chất tự nhiên của con người, thì lòng từ bi bắt nguồn từ khả năng xúc động và sự cảm thông trong bản chất tự nhiên của con người. Từ bi bao gồm hai chữ: “Từ” và “Bi”. “Từ” nghĩa là sự cảm thông giữa người với người (và giữa người với các sinh vật khác), nhờ đó nảy sinh lòng thương yêu (“Bi”). Khi chúng ta thấy ai đó đang trong cơn phiền muộn và ta cảm thông với nỗi đau của người ấy, coi nỗi đau của người ấy như là của chính mình và cố gắng làm vơi bớt đi hoặc tìm cách chấm dứt nỗi đau này, thì đó là lòng từ bi. Nói cách khác, tất cả những phẩm chất cao đẹp của con người, hay còn được gọi là phẩm hạnh như Bụt, như là sẵn lòng san sẻ hoặc ban cho người khác sự thoải mái, sự cảm thông, sự quan tâm chăm sóc đều là biểu hiện cụ thể của lòng từ bi.

Nhìn sâu hơn, ta có thể thấy rằng sự quan tâm và lòng thương yêu đối với người khác cũng bắt nguồn từ sự quan tâm và lòng thương yêu đối với chính mình. Ta chỉ có thể thật sự biết được điều gì đó là tốt đẹp nhất đối với người khác, khi mà ta biết rõ rằng điều gì là tốt đẹp nhất đối với chính mình. Như vậy trong pháp Bụt, việc trau dồi và khơi mở trí tuệ của một người được phát triển một cách tự nhiên trong mối quan tâm của người đó đối với sự yên lành và hạnh phúc của người khác. Cuộc đời của chính Bụt quả là một minh chứng rất rõ nét về lẽ thật ấy. Chính sáu năm ròng gian khổ phấn đấu vì sự yên lành của mình đã cho Ngài đủ kinh  nghiệm quý báu để có thể ban rải lợi lạc đến toàn thể loài người cho đến tận hôm nay và mai sau nữa.

Một câu hỏi đặt ra là: quan tâm và thương yêu mình trước khi quan tâm và thương yêu người khác, như trình bày ở trên, liệu có phải là thể hiện của “lòng vị kỉ” một cách vi tế chăng? Để trả lời câu hỏi này trước hết cần biết quá trình vào sâu lòng mình để khám phá quy luật chung nhất của mọi diễn trình tâm và thân là một quá trình đầy gian nan, mạo hiểm và đơn độc, nhằm khơi mở trí tuệ (“tự mình là nơi nương tựa của chính mình”, “tự mình thắp đuốc lên mà đi”). Với lòng dũng cảm và quyết tâm cao, người tu theo đường lối của Bụt dám một mình dấn thân vào cõi lòng xa lạ, mênh mông để tìm ra bản chất “không còn mãi” và “chẳng có Cái Tôi” (vô thường, vô ngã) của mọi hiện tượng (vật chất và tâm trí), trước hết là bởi biết thương mình, quan tâm đến nỗi đau khổ của chính mình. Nhờ thế mới phát hiện ra rằng đó là do thói quen ảo tưởng (nghĩ lầm) vốn có của con người cho rằng cuộc đời là còn mãi (thường) và xoay quanh Cái Tôi (Ngã) nên mới đau khổ. Vậy là nhờ biết thương mình, hiểu mình, người tu theo pháp Bụt mới biết thương và quan tâm đến nỗi đau của người khác; bởi vì anh ta thấy rằng giống như chính mình, người khác cũng phải chịu khổ đau vì không biết cách nhìn thấu suốt để hiểu được “tính chẳng còn mãi” và “tính không Cái Tôi” trong mọi  diễn trình của cuộc sống. Đó mới là lòng từ bi đích thực - thương người như thể thương  thân - khiến anh ta sẵn lòng san sẻ với người khác những điều anh ta đã trải nghiệm trong quá trình công phu tu tập của mình để vượt thoát khổ đau.

Nếu nhìn bao quát cả quá trình trau dồi và mở mang tâm trí theo đường lối của Bụt, ta có thể thấy rõ rằng cả hai việc - mở mang trí tuệ và bồi dưỡng lòng từ bi - diễn ra đồng thời. Cái nọ là điều kiện cho cái kia mở mang. Thật khó có thể tách riêng đâu là lòng thương yêu, đâu là cái nhìn sáng suốt. Trong tình thương đúng đắn đối với người khác đã có sự sáng suốt; và trong sự sáng suốt đã hàm chứa tình thương đối với người khác (cũng như đối với các sinh vật khác). Chúng hoà quyện vào nhau thật nhuần nhuyễn đến nỗi khó có thể bảo người tu là “vì mình” hay “vì người”. Thật ra một khi trí đã tỉnh thức và tâm hết bám dính (giác ngộ và giải thoát) thì đâu còn ranh giới giữa “ta” và “người” nữa.

SHRAVASTI DHAMMIKA trong Good Question Good Answer
Huyền Cương Lê Trọng Cường dịch
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2018