Rồng Lý Trần: biểu tượng lưỡng trị của Nho giáo- Phật giáo thế kỷ XI- XIV
Rồng là một biểu tượng huyền thoại trong nhiều nền văn hóa. Biểu tượng này cũng đã xuất hiện từ rất sớm và cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau khiến cho nó có sự phong phú cả về nội hàm biểu tượng cũng như về hình dáng và phương pháp tạo tác. Ở Việt Nam, rồng là một biểu tượng có nguồn gốc đa nguyên. Theo thành quả của giới nghiên cứu lịch sử văn hóa, thì rồng Việt vốn xuất nguyên từ một con vật sông nước của cư dân nông nghiệp, cụ thể là con cá sấu với những bằng chứng trên cổ vật thời Đông Sơn, hay trong mỹ thuật Đại La[1]. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc với các nền văn minh của Ấn Độ và Trung Quốc, con rồng bản địa đã thâu nhập các yếu tố ngoại lai để ở mỗi một giai đoạn nó lại có những nét đặc thù riêng. Bài viết này sẽ tiến hành nghiên cứu về biểu tượng rồng thời Lý Trần như là một yếu tố lưỡng trị của Nho giáo Đại Việt thế kỷ XI- XIV. Các tư liệu khảo sát bao gồm (1) các hiện vật khảo cổ học có hình tượng rồng; (2) các thư tịch, bi ký, sử liệu thời Lý Trần có đề cập đến hình tượng này.
Hình: cá sấu Đại La, Hoàng thành Thăng Long, ảnh: TTD.
1. Phật- Nho tịnh hành: bối cảnh tư tưởng thời Lý Trần
Như ta biết, Lý Trần được coi là hai triều đại quan trọng hàng đầu để xác định chủ quyền quốc gia độc lập với những chiến công hiển hách trước giặc ngoại xâm, cũng như về thể chế nhà nước và hệ thống văn hóa do chính mình xây dựng và vận hành. Cả hai triều đại đều đã phải đi đến một sự chọn lựa về mô hình nhà nước và tư tưởng nền tảng cho xã hội. Như trong một số nghiên cứu gần đây, mô hình nhà nước và tư tưởng của thời Lý Trần không phải tự dưng “đột khởi” mà nó vốn đã được chuẩn bị từ trước. Đó là giai đoạn thế kỷ X với những kiểu nhà nước cát cứ- li khai khỏi các triều đình phương Bắc trên nền tảng Phật giáo dung hòa với Nho giáo và Đạo giáo cuối đời Đường đầu đời Tống.
Như ta biết, thế kỷ X cũng đã là một thế kỷ có sự đan xen, tịnh hành giữa Nho giáo và Phật giáo. Ba đời họ Khúc trong khi xây dựng chế độ tự quản của mình cũng đã thực hiện những thao tác quản lý hết sức bài bản theo tinh thần Nho giáo. Đinh Bộ Lĩnh được nhà Nho các đời suy tôn là vị vua chính thống đầu tiên của đất Việt, hẳn cũng bởi vì ông đã tiến hành một loạt các thao tác xây dựng mô hình nhà nước theo kiểu Nho gia, như định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu, định triều nghi- phẩm phục, xắp đặt bách quan, đúc tiền riêng, đặt niên hiệu, chế hình luật,… Nhưng mô hình nhà nước thời Đinh Lê cũng đã mang trong mình nhiều màu sắc Phật giáo và Đạo giáo, ví dụ như Ngô Chân Lưu (Khuông Việt) được phong làm Tăng thống (Toàn thư, Bản kỷ Q1, t.3b). Không những thế, nhân vật này được coi như là mẫu hình thiền sư- chính khách (Nho sĩ) khởi đầu cho giai đoạn sau này[2]. Mặt khác, một trong những tác phẩm văn chương sớm nhất trong lịch sử dân tộc không gì khác chính là bài Thơ thần: Nam quốc sơn hà Nam đế cư! Một bài thơ, hiện giờ đã được xếp vào hàng khuyết danh (chứ không phải của Lý Thường Kiệt), nhưng ta biết đích xác là được sáng tác vào thời vua Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 981. Bài thơ ấy đã mang đầy tinh thần Nho giáo với những khái niệm cơ bản quốc- sơn hà- đế- phận- thiên thư, mà nhân vật nhà Nho quan trọng bậc nhất đứng sau Lê Hoàn chính là Thái sư Hồng Hiến. Mặt khác, chúng ta còn biết đến những dấu ấn đậm nét của Phật giáo thế kỷ này, với hơn hai trăm kinh tràng của Phật giáo Mật tông thời Đinh Lê, với tín ngưỡng thờ Tỳ Sa Môn Thiên Vương (vị thần chiến tranh, hộ quốc) của Phật giáo trong trận chiến tại thành Bình Lỗ mà sau này Việt hóa thành Sóc Thiên Vương- Xung Thiên Thần Vương- Phù Đổng Thiên Vương- và cuối cùng là Thánh Dóng[3]… Những cứ liệu trên cho thấy, văn hóa Phật giáo đã sớm đi vào đời sống cung đình ngay ở thế kỷ X, trong một mô hình nhà nước đa giáo (Phật- Nho- Đạo- Pháp), trong đó chiếm ưu thế hơn cả vẫn là Phật giáo và Nho giáo. Nho giáo và Phật giáo đã có sự phân chia chức năng và quyền lực: Phật giáo được coi là quốc giáo với chức năng dẫn dắt tư tưởng tâm linh; còn Nho giáo được coi như là một mô hình thiết chế nhà nước với chức năng quản lý, điều hành bộ máy hành chính. Đó là một tiền đề tương đối hợp lý để văn hóa thời Lý Trần tiếp nối và hưng khởi.
Nhiều nhà nghiên cứu trước đây thường đưa ra nhận định hơi quyết đoán rằng: thời Lý Trần là Phật giáo chiếm vị trí thống trị[4], còn từ thời Lê - Nguyễn về sau là Nho giáo độc tôn. Thực tế, thì trong suốt cả ngàn năm độc lập tự chủ, Nho- Phật- Đạo luôn luôn tịnh hành, đồng dụng trong đời sống xã hội. Và như trên đã nói, thời Lý Trần là thời đại mà Phật giáo được coi như là bệ đỡ tâm linh của triều đình trong khi Nho giáo vẫn được coi như là một mô hình để tổ chức và quản lý đất nước.
Trần Ngọc Vương đã viết, nhà Lý đã dùng Nho giáo trong ba việc trọng đại để củng cố thể chế và vương quyền, đó là “(+) dùng quan niệm của Nho giáo để hình dung về một nhà nước cần có, về các mối quan hệ và trật tự xã hội”. (+) Dùng Nho giáo đề đào tạo và tuyển chọn quan lại, kiến tạo bộ máy quan liêu cho chế độ; (+) Dùng Nho giáo để giáo dục, để tuyên truyền thuyết phục dân chúng, tập hợp và hướng dẫn họ thực thi bổn phận thần dân”[5]. Không những vậy, triều Lý triều Trần còn xây dựng hệ thống pháp luật qua bộ Hình luật có tiếp thu từ Đường luật và luật pháp của nhà Tống (một biểu hiện khác của tư tưởng: nội Pháp- ngoại Nho). Triều Lý thực thi luật pháp khá khoan dung dưới sự điều tiết của tư tưởng đại từ Phật giáo. Từ Lý chuyển sang Trần, những yếu tố thần bí- nhân đạo trong quyền lực chính trị dần được xóa bỏ. Và nhà Trần đã dần siết chặt quản lý xã hội bằng hệ thống của bộ máy quan liêu (Nho lại) trên cơ sở pháp luật[6]. Mặc dù, các vua Trần vẫn là những người sùng Phật, song việc áp dụng chế độ tử hình cho thấy lực lượng trí thức Nho giáo ủng hộ pháp quyền ngày càng lấn lướt các trí thức Phật giáo từ bi hỷ xả. Điều này lý giải vì sao, con rồng thời Trần có tính thô mộc- áp chế hơn so với rồng thời Lý.
Vào thời Lý, trong khi, hàng ngàn chùa tháp (như Đại Thắng Tư Thiên, Diên Hựu, Tứ Thiên Vương, Cảnh Long Đồng Khánh, Sùng Thiện Diên Linh…) được xây dựng, thì hệ thống văn miếu và khoa cử Nho giáo cũng được thiết lập: Khổng Miếu[7], Quốc tử giám, Viện Hàn lâm,… Đương nhiên, trong thời đại Phật giáo chiếm vị trí chủ lưu thì mẫu hình trí thức- thiền sư về cơ bản chiếm số lượng ưu trội hơn cả, và “với tư cách là những trung tâm văn hóa, nhà chùa, ngoài in kinh thuyết pháp, còn dạy chữ Hán, dạy cả tri thức Nho học.”[8] Nguyễn Kim Sơn viết: “Thời kỳ Lý Trần, Tam giáo tịnh hành, hội nhập trên cơ sở lấy Phật giáo làm bản vị. Hội nhập tam giáo thời kỳ này lấy thực hành đạo trị, lấy thiên hạ, tức phương diện chính trị xã hội (cũng đồng thời là vấn đề dân tộc), làm điểm quy kết. Tinh thần bồ tát cứu thế, tinh thần nhập thế hoà quang đồng trần của Phật giáo đời Trần và lý tưởng bình trị thiên hạ của Nho gia gặp nhau, tạo ra trạng thái khoan dung, hợp nhất của tam giáo, là cơ sở cho Phật giáo chấp nhận Nho giáo.”[9]
Bối cảnh thời đại như trên khiến cho cả một thời gian dài, từ Lý đến Trần, đã để lại một nền văn hóa đậm đà những yếu tố của cả Nho lẫn Phật. Các tác phẩm văn học thời Lý Trần còn lại cho đến nay là một ví dụ điển hình cho một thời đại đỉnh cao của nghệ thuật tôn giáo. Và với những cứ liệu vật chất (khảo cổ học lịch sử hiện còn), chúng ta cũng có thể đi đến nhận định rằng: nghệ thuật tạo hình (kiến trúc, điêu khắc…) Đại Việt thời kỳ này cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Tiếp dưới đây, bài viết sẽ tiến hành khảo cứu tính lưỡng trị của Nho giáo- Phật giáo qua biểu tượng rồng của giai đoạn này.
Ảnh: rồng (phụ hí) trên trán bia Trường Xuân, Thanh Hóa. niên đại: 618. BTLSQN- HN. Ảnh: TTD.
2. Rồng Lý Trần- rồng Nho giáo: biểu tượng của vương quyền
Nằm trong thế giới chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Hoa Hạ, văn hóa Lý Trần đã tiếp thu biểu tượng vương quyền trong hình ảnh rồng mà tiền đề cho hình tượng rồng thời kỳ này là con rồng của giai đoạn thế kỷ X và xa hơn là Bắc Thuộc. Dựa trên những cứ liệu khảo cổ học, chúng ta được biết đến hình ảnh rồng có sừng sớm nhất hiện còn là rồng của nhà Tùy trên trán ngạch văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn khắc in năm 618[10] tại quận Cửu Chân (Thanh Hóa). Bài văn bia này ngoài việc ca ngợi Phật Pháp và công lao xây chùa hoằng dương Phật giáo của Ái Châu Thứ sử Lê Hầu, còn sử dụng rất nhiều ngôn từ Nho giáo để ca ngợi việc cai trị của nhân vật lịch sử này[11]. Điều đó cho thấy, hình tượng rồng như một biểu tượng lưỡng trị của Nho giáo- Phật giáo đã sớm được di thực vào Việt Nam trong giai đoạn Bắc thuộc. Đến thế kỷ X, các dấu hiệu vật chất không còn nhiều, hiện chỉ thấy một hiện vật đầu rồng thời Đinh Lê tại Hoa Lư. Đầu rồng này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình. Và theo chúng tôi, đó là dạng xi vẫn- một trong long sinh cửu tử[12] của thế kỷ X. Dạng xi vẫn này được tạo tác theo xu hướng long đầu (chỉ chú trọng đến đầu rồng), khác với xu hướng xi vĩ hóa (chú trọng vào yếu tố đuôi) trong văn hóa kiến trúc đời Đường. Cách tạo tác thô tháp của đầu rồng cho thấy, mỹ thuật thời kỳ này chưa thực sự chau chuốt như thời Lý (nhất là ở phần bờm, lưỡi và tua râu), nhưng về cơ bản đó là hình ảnh của một đầu rồng hướng thượng, miệng đã ngậm một viên hỏa châu. Điều này chứng tỏ, hình tượng rồng thời Đinh Lê đã tạo một tiền đề cơ bản cho rồng thời Lý Trần sau này. Điều này cũng chứng tỏ, tính lưỡng trị của rồng Lý Trần là sự tiếp nối vốn đã tồn tại từ một vài thế kỷ trước đó.
Hình: đầu rồng (xi vẫn), Đinh- Lê, thế kỷ X, BT Ninh Bình. Ảnh: Trọng Bách.
Huyền thoại rời đô của Lý Thái Tổ với cái tên đầy ý nghĩa “Thăng Long” hẳn là một dấu vết quan trọng cho thấy việc chuyển kinh từ Hoa Lư ra Đại La phải có sự tham mưu, cố vấn của các nhà Nho. Những điển tích Nho giáo trong chiếu dời đô với các mẫu hình nhân vật chính trị kiểu Nho giáo Hoa Hạ khiến cho mảnh đất mới dùng để đặt đô không chỉ đẹp về địa thế quân sự, mà còn hàm ý trong đó cái đẹp của vương quyền, “mảnh đất rồng bay” với hình thế “rồng cuộn, hổ ngồi” (long bàn, hổ cứ) chồng lấn trong đó là một thông điệp: mảnh đất đế vương (vi vạn thế đế vương chi thượng đô). Mặt khác, ngay từ thời Lý, chúng ta đã thấy một quan niệm rõ ràng về hình ảnh rồng như là biểu tượng quan trọng nhất cho đế vương. Điều này được thể hiện qua các cứ liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh- một tấm bia quan phương của triều đình- do Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn và đích thân hoàng đế Lý Nhân Tông ngự thư trên bi ngạch và cho khắc năm 1121[13]. Bài văn bia này có nhiều đoạn mô tả hình dáng, phong độ đế vương của vua Nhân Tông như sau:
· Phụ hoàng[14] nhập mộng, nước ngoài dâng voi trắng sáu ngà[15]; Mẫu hậu[16] hoài thai, gác tía phủ rồng vàng năm sắc[17].父皇入夢,殊邦獻雪象六牙;母后有娠,飛閣廕黃龍五彩。
· Ngươi rồng mắt phượng, trong ngọc trắng băng. Mắt trong veo mà đen trắng phân minh, khác ngươi hai tròng Thuấn Đế[18]; Tai thọ trường mà thành quách cao dầy, hơn tai ba lỗ Hạ Vương[19].龍睛鳳目;玉潔冰姿。眸澄而青白分明,異重瞳於舜帝;耳壽而輪郭修廣,嗤三漏於夏王。
· Thế tựa rồng bay phượng múa, phép viết từ tay ngọc viết ra; Hình như loan liệng thước chao, thể chữ tự lòng vua chữ hiện[20].龍躍鳳翔之勢,法從玉手;鸞迴鵲返之形,體出宸心。
· Hòa bốn bể thanh bình; hợp muôn dân hòa mục. Sẻ trắng, cưu vàng vừa đỗ; rồng ngọc, cò trắng mới trình.叶寰海之宴清;契兆民之輯睦。瓊鳩白雀而屢集;素鷸玉龍而始呈。
· Ngày tháng năm mùa hè, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118): Cưỡi xe phượng chơi cõi tiên; cưỡi thuyền rồng lòa nắng báu.時會祥大慶九年夏五月日, 駕飛仙之鳳輦,漾耀寶之龍舟。
· Hòm vàng năm lớp, Êm bánh xe rồng.金函五重,龍輪平秘。
Như vậy, chúng ta có thể thấy, rồng vàng ngũ sắc được coi như là điềm lành báo việc sinh hạ Thánh vương. Phong độ đế vương được mô tả bằng hình ảnh "ngươi rồng mắt phượng" với những quý tướng khác theo quan điểm nhân tướng học của Nho gia. Thư pháp vua viết đẹp đẽ và sang trọng như "rồng bay phượng múa". Khi ngài lên ngôi trị vì quốc gia thì hàng loạt các điềm lành xuất hiện, nếu như voi trắng sáu ngà là biểu tượng cho vị vua Phật, thì rồng ngọc là biểu tượng cho vị hoàng đế Nho gia. Bàng bạc khắp các dòng chữ trong bi ký hay sử ký là những câu chuyện liên quan đến rồng. Rồng xuất hiện ở điện Trường Xuân khiến vua đặt bảo tháp ở [Phật] Đồ Sơn tên là Tường Long. Rồng bay trên mặt biển thì dựng tháp ở núi Long Chương (vẻ rực rỡ của rồng). Rồng ùa thành đàn, thành đội qua hình dáng núi sông thì dựng tháp ở Long Đội (đội quân rồng). Rồng núi Long Tỵ[21] đậu trên tay Khai Minh Vương báo đại thắng bình Chiêm như một điềm lành cho vị minh quân Lý Phật Mã vốn thuộc nằm lòng lục nghệ. Rồng bay theo thuyền ngự vua Nhân Tông đến tận thác bờ Long Thủy trong trận đánh dẹp động Ma Sa. Rồi cửa Phi Long, cửa Đan Phượng, gác Long Đồ, điện Hội Long, tường Long Thành, rồi Long Trì trong hoàng cung để diễn xướng rồng cuộn trên ngọn núi chúc thọ Vạn Tuế Nam Sơn... Đâu đâu cũng thấy rồng. Rồng trở thành "style thời trang" của cả thời đại, đến mức cả đám dân đen lẫn nô bộc trong nhà thường dân cũng đua đòi thích chữ xăm rồng, khiến triều đình phải ra luật cấm[22]. Còn như hoàng gia nhà Trần thì vốn là dân võ thuật miền biển lại săm hình rồng vào đùi để luôn nhớ nguồn gốc tổ tiên[23] và tránh giao long (cá sấu, thuồng luồng). Quân sĩ nhà Trần thì ai nấy đều xăm hình rồng hoa (thái long) ở bụng, lưng và hai bắp đùi như là biểu hiện của hào khí Đông A- Sát Thát. Phong cách ăn uống như "rồng cuốn" (chữ dùng của Toàn thư) thì đích thân Thượng hoàng Trần Anh Tông khẩu dụ cho vua con và các quần thần khi ban ngự yến... Những cứ liệu trên cho thấy, rồng là một biểu tượng phổ dụng của thời đại Lý Trần. Rồng xuất hiện trong các cung điện, lầu gác của hoàng cung. Rồng được dùng để đặt tên cho tên núi, tên sông, tên chùa, tên tháp. Rồng là điềm lành báo hiệu thánh vương xuất hiện, hay trưng triệu chiến thắng trước quân thù. Rồng cuộn bay trên áo long bào, long cổn. Rồng đi vào nghệ thuật điêu khắc- kiến trúc và hoạt động diễn xướng cung đình. Rồng ùa vào đời sống mỹ thuật của dân gian. Tuy nhiên, những biểu hiện phong phú phong phú ấy chỉ còn lại vài dòng trên các sử liệu. Muốn nghiên cứu sâu hơn về hình tượng rồng trong thời Lý Trần, có lẽ chỉ còn cách khai thác qua các tư liệu mỹ thuật cổ và khảo cổ học lịch sử.
Hình: rồng trên cổn miện Lý Trần, Phục dựng: Trần Quang Đức, Tranh: Lý Tiệp[24].
Hình: rồng Lý được dùng để phục chế, gạch, Hoàng Thành Thăng Long.
Trước đây, khi nghiên cứu về biểu tượng rồng giai đoạn này, phần lớn các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: rồng Lý Trần là biểu tượng cho Nho giáo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi viết: “dường như những di tích có liên quan đến vua mới được chạm rồng, còn các kiến trúc khác, dù là của Hoàng hậu (như chùa Lạng, chùa Tấm...) cũng bị cấm. Điều đó chứng tỏ đến thời này đã có quy chế nghiêm ngặt và rồng không còn là vật tổ dân dã mà đã được dành riêng cho thần quyền mặc dù trong cấu trúc của nó vẫn giữ nguyên những quan niệm của dân dã”[25]. Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ cũng có những nhận định tương tự: “với nhà Lý, cái ý thức vua gắn với rồng- rồng là biểu trưng của vua đã được khẳng định”[26]. Trần Lâm Biền và Chu Quang Trứ cũng viết: “từ một con vật mang ý niệm vũ trụ vốn được người thời ấy tôn sùng, có lẽ rồng đã bị nhà vua độc chiếm để làm vật bảo vệ và trang điểm cho uy lực của mình”[27]. Song cũng có người, trên cơ sở thiếu vắng của mô típ rồng chầu mặt trời, lại cho rằng “con rồng thời Lý không có ý nghĩa thần quyền như kiểu các con rồng đời sau”[28]. Tuy nhiên, dù rồng có chầu mặt trời hay không, thì bản thân hình tượng rồng đã mang ý nghĩa vương quyền (như trên đã chứng minh). Còn motif lưỡng long triều nhật có khả năng là một sản phẩm của Nho giáo thời Minh Thanh và Lê Nguyễn.
Hình: rồng trên bàn đạp yên ngựa, Trần (tk 13), C: 15,5; R: 12,2. Địa điểm phát lộ: Yên Sinh, Đông Triều Quảng Ninh. Hiện vật BTLSVN[29].
3. Rồng Lý Trần- rồng Phật giáo: biểu tượng hồi quy giác tính
Như trên đã phân tích, hai triều Lý Trần Những vẫn luôn dùng Nho giáo như một thiết chế để quản lý xã hội, nhưng đời sống tư tưởng và hoạt động tâm linh thì lấy Phật giáo làm bệ đỡ tinh thần. Mặc dù, không ai có thể phủ nhận yếu tố vương quyền trong hình tượng con rồng vào thời kỳ này. Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bản thân hình tượng rồng còn là biểu tượng trong văn hóa Phật giáo. Tức là trong biểu tượng này có sự hòa kết giữa hai luồng tư tưởng mỹ học của cả Nho lẫn Phật. Yếu tố Nho làm cho con rồng mang tính uy quyền, biểu thị sự thần quyền hóa của nhà vua. Yếu tố Phật làm cho con rồng mang tính nhân văn biểu thị sự Phật tính hóa trong tâm tính của cả một thời đại. Nhưng có điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là yếu tố Phật có phần nổi trội hơn yếu tố Nho ở phương diện tạo hình. Điều đó sẽ được trình bày như dưới đây.
Việc xuất hiện con rồng (với một sự đồng nhất cao độ về hình tượng và phương thức tạo hình) trên vật liệu kiến trúc chùa tháp cũng như Hoàng thành Thăng Long là một biểu hiện giao thoa sống động giữa văn hóa Nho giáo và văn hóa Phật giáo. Con rồng tạc trên các chùa hành cung (còn gọi chùa hoàng gia) như chùa tháp Từ Thị Thiên Phúc tại núi Phật Tích (1066), chùa tháp Tường Long ở núi [Phật] Đồ Sơn (1072), chùa tháp Cảnh Long Đồng Khánh ở núi Dạm (1096), chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Long Đội (1121), chùa tháp Vạn Phong Thành Thiện ở núi Chương Sơn (1108)… là biểu hiện của vương quyền gắn với thần quyền. Các hình tượng song long hiến châu, rồng chầu lá đề, rồng dùng để trang trí trên thân cột theo mô hình tu di đài- cửu sơn bát hải, rồng- xi vẫn ngậm ngọc, rồng tràn ngập trên các dấu vết vật chất trong Hoàng Thành Thăng Long,...cho thấy, biểu tượng rồng không chỉ xuất hiện trong không gian chùa tháp Phật giáo mà đã trở thành yếu tố thường trực nổi trội trong văn hóa và nghệ thuật cung đình. Tác giả Thích Đức Thiện khi nghiên cứu về rồng tại chùa Phật Tích cũng viết: “rồng là biểu tượng cho quyền lực của vương quyền… Rồng cũng gắn liền với cuộc đời đức Phật khi ngài đản sinh có chìn rồng phun nước tắm cho Phật”[30].
Hình: Song long hiến châu, Liên Hoa Đài chùa Dạm, niên đại: 1096. ảnh: TTD.
Một đặc điểm chung về mô típ rồng thời Lý đó là “rồng ngậm ngọc châu”. Theo sự đọc của chúng tôi, chưa một nghiên cứu nào trước đây giải mã ý nghĩa biểu tượng này. Thực chất, mô típ này xuất phát từ điển “long nữ hiến châu” trong kinh sách nhà Phật.
Theo Mã Thư Điền thì điển này có thể diễn lại như sau:
Long nữ là một vị thiên thần hộ pháp của nhà Phật, vốn là con gái của Bà Kiệt La Long, một trong hai mươi chư thiên. Long nữ là người cực kỳ thông minh dĩnh ngộ, khi mới tám tuổi tình cờ nghe được Văn Thù Bồ Tát thuyết pháp tại Long Cung, mà bỗng nhiên giác ngộ, bèn đến núi Linh Thứu lễ Phật Thích Ca, đem thân mình đầu vào cõi Phật. Một hôm, Trí Tích Bồ Tát với Văn Thù Bồ Tát bàn về chuyện nữ nhân thành Phật, Trí Tích hỏi Văn Thù rằng: “kinh Phật cực kỳ vi diệu, sâu sắc, hiếm thấy trong đời, Chúng sinh phải kiên trì tinh tiến, tu hành khổ hạnh thì mới có thể thành tựu được. Nhưng, liệu có ai ngay lập tức có thể thành Phật được không?” Văn Thù trả lời: “có chứ, có con gái của Bà Kiệt Long Vương, mới tám tuổi, đã có thể thụ trì, tiến hành thiền định, hiểu rõ các pháp, chỉ trong khoảng sát na, mà phát lòng bồ đề, mà thành Phật ngay được” Trí Tích Bồ Tát nghe vậy rất ngờ, nói “tôi thấy đức Thích Ca Như Lai phải trải qua vô số kiếp nạn, trải nhiều rèn luyện, kiên nhẫn chẳng rời, thì mới có thể thành chính giác. Tôi không tin một đứa bé gái lại có thể thành Phật trong chốc lát như vậy”. Long Nữ liền hiện ra, lễ Trí Tích, mới thấy bản lĩnh không phải là tầm thường. Đương thời, Xá Lị Phất (một trong mười đại đệ tử của Thích Ca, dù mẫn tiệp đa văn, giỏi giảng Phật pháp, là “trí tuệ đệ nhất”) cũng rất bất bình, nói: “ngươi chỉ là một bé gái sao có thể lập tức thành Phật cho được? Ta không tin. Vả lại, nữ giới thân thể không sạch, vốn chẳng có tư cách để thành Phật cơ mà”. Long Nữ cười không đáp, lập tức lấy ra một viên bảo châu lớn, giá trị bằng tam thiên đại thiên thế giới. Long Nữ bèn đem viên châu ấy dâng cho Thích Ca, Thích Ca liền nhận lấy, rất lấy làm vừa lòng. Long Nữ mới quay sang bảo Trí Tích và Xá Lị Phất rằng: “tôi đã dâng bảo châu, đức Thế tôn đã nhận ngay rồi, việc dâng bảo châu đó có nhanh hay không?” Hai vị đều đáp: “rất nhanh”. Lúc ấy, Long Nữ mới nói: “Các ngài hãy tưởng tượng tôi thành Phật cũng chỉ trong chốc lát như vậy thôi”. Nói rồi, Long Nữ bỗng nhiên biến thành con trai, cụ Bồ Tát hạnh, rồi đi về Nam phương vô cấu thế giới, ngồi hoa sen báu, thành đấng chính giác” (Diệu pháp liên hoa kinh quyển 4, thiên Đề Bà Thát Đa phẩm đệ thập nhị)[31]. Long Nữ từ đó giúp Quan Thế Âm phổ độ chúng sinh, lại hiện làm nữ thân, đứng bên tay phải của Quan Âm, còn Thiện Tài đứng bên tay trái.
Sự xuất hiện mô típ “long nữ hiến châu” chuyển thân nam mà thành Phật có thể coi là một dấu ấn về mặt tạo hình cho thấy những ảnh hưởng cụ thể của Phật giáo Đại Thừa trên đất Đại Việt vào thời kỳ này[32].
Chúng ta còn thấy hình ảnh rồng trong khá nhiều bi ký chùa chiền của thời Lý. Trong đó hình ảnh rồng luôn xuất hiện với tư cách là linh vật huyền thoại đã được giác ngộ, là thần hộ pháp.
•Cung trời mưa diệu hoa thất bảo, rồng biển phun nước ngát lưu li. (天 宮 雨 柒 寶 妙 花,海 龍 灌 琉 璃 香 水。) trong bia Minh tịnh tự bi văn khắc năm 1090[33].
•[Phật đã nhập diệt], các bậc rồng trời đua nhau nhặt lấy xá lị để cất dựng phù đồ (順 請 波 旬,詣 鶴 林 而 我 淨; 天 龍 兢 湊,收 舍 利 而 樹 浮 圖。) trong bia Minh tịnh tự bi văn.
•Long cung cao vút giữa đất bằng: treo sao làm đấu đỡ, giát nguyệt làm thượng lương. (龍 宮 地 涌: 懸 星 作 紏,偃 月 為 梁)(Minh tịnh tự bi văn)
· Dấu Phật đó, ngọc trắng dưới đáy, rồng xanh cuộn bên ngoài; đài nghê đó, tê giác trấn bên cạnh, đèn chuỗi sáng lung linh.下 存 佛 跡 ,中 壯 倪 臺 ◦其 跡 也 , 白 玉 在 底 , 青 龍 盤 外 ; 其 臺 也 , 犀 角 鎮 傍 , 燈 釭 連 次 ◦ (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn, 1109)[34].
· Cửu long[35] chạy đàn quanh lối, điềm lành châu báu sánh đua; Dáng vẻ tràn đầy khắp nơi, triệu tốt phương xa vượt tới.遶九龍之寶,禎奪好珠;長繁岐之姿,祥超異畝。 (bia Sùng Thiện Diên Linh, 1121)
· Hoàng đế long vương, trên trời dưới đất, thời đều tề tựu, giác tướng[36]chia nhau.人主龍王,陰間天上, 時皆造集,覺相分俵。
· Đã xong gác lớn; lại dựng lầu cao. Mái chồng ngói ngọc; vách trổ dáng rồng.既已圓高閣;又更起危層。蓋迭素瓊;壁鐫龍狀。
· Đức sánh đất trời[37], nên năm sao[38] tỏ bùa; Ơn tới cá chim[39], thì muôn loài dâng phúc[40]. Mười tám rồng thần, phô sáng chốn thềm quỳnh bảo điện; Một nghìn voi trắng[41], khoe điềm nơi hiên ngọc cấm cung. Tỏ rõ ngôi báu khá miên trường; tương hợp phúc lành thêm xương thịnh.德同高厚,則五緯昭符; 惠及飛潛,則萬靈薦祉。神龍二九,光復於寶殿瓊丹; 雪象一千,呈祥於瑤墀禁御。
· Dựng mười ba tầng chọc sông ngân; mở bốn mươi cửa nghênh gió mát. Vách chạm hang rồng[42]; góc treo chuông ngọc. Tầng trên chứa hộp thiêng xá lị, vì đời thịnh mà tỏa hào quang; Đỉnh mái đặt tiên khách bưng mâm, giương trời cao mà hứng sương ngọc.涌矗漢之十三層;啟承風之四十戶。壁鐫龍窟;角挂金鈴。上層緘舍利琅函,佇放祥光於盛世; 絕頂置捧盤仙客,長承玉露於晴天。
· Phía dưới, bên trái dựng cung tứ giác: Ôm hai rồng mà trấn đất; đội tám tướng chầu trời[43]. Nêu khí tượng cho danh sơn; truyền thánh công cho hậu thế. Bên hữu chùa, dựng nhà khám nhọn vuông, trong đặt Tân Đầu hòa thượng khi bị đày ra Ma Lê sơn[44]. Nhận lời dặn của Như Lai, vì chúng sinh mà chứng phúc.次級, 左建四角宮:含雙龍而鎮地,負八將以朝天。揚氣概於名山;播聖功於後裔。右梵方礄龕室, 貯以賓頭和尚,放于麻黎山。受囑累於如來,為眾生而證福。
· Ban cơm chay như ngọc, cho khách cơ hàn; Phát của quý tựa sông, cứu dân cùng khổ. U – hiển[45] đều về; rồng – trời[46] cùng tụ. 頒雪粒之香齋,飫充饑旅; 散泉流之圓寶,賙賑窮民。幽顯咸臻;天龍悉簉 。
Có thể thấy hình ảnh rồng phun nước lưu ly trong văn bia Minh Tịnh, hay cửu long chạy đàn trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh là một kiểu ánh xạ của thuyết long vương phun nước khi đức Phật đản sinh[47]. Như vậy đến đây có thể thấy rằng, mỹ thuật thời Lý Trần, như cách gọi của Chu Quang Trứ là mỹ thuật Phật giáo. Hình tượng rồng trong văn hóa thời Lý Trần, cụ thể là trên các công trình kiến trúc, điêu khắc thời này, có lẽ đều mang trong đó những nội hàm của nhà Phật.
Hình ảnh các con rồng ngậm hỏa châu chứ không phải “vờn khối cầu”[48] hay lưỡng long tranh châu[49], đó là một biểu hiện của sự quy y Phật pháp, hay sự quy hồi giác tính. Nghệ thuật tạo hình Đại Việt thời Lý- Trần đã chớp được cái ý tưởng cao quý đó và thể hiện qua rất nhiều công trình điêu khắc- kiến trúc khác nhau. Chỉ có điều, trong mỹ thuật, các nghệ nhân xưa đã sáng tạo ra các loại bố cục, đồ án phong phú tùy theo sự hạn định của vật chất tạo tác và bề mặt của vật liệu. Trên một mặt phẳng hình chữ nhật như tòa tu di đỡ tượng Phật Thích Ca ở chùa Phật Tích, hay trán bia chùa Long Đọi, bia chùa Quỳnh Lâm, người ta sẽ tạc lên đó hình các con rồng dâng châu nối đuôi nhau miên viễn và bất tận. Trên các hình lá đề, người ta sẽ tạc lên đó mô típ song long hiến châu với thân rồng uốn lượn, và ba đôi chân đang dâng ba viên ngọc châu tỏa sáng. Cũng có khi trong mỗi hào quang của hỏa châu đó, người ta tạc thêm cả hình tượng một vị Phật đang ngồi kiết già.
Hình: rồng trên cửa chùa tháp Phổ Minh, đời Trần. Nguồn: BT Nam Định. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Còn với các kiến trúc một cột, không gian tạo hình đã thay đổi, tính lập thể cảm của bề mặt đã khiến cho người xưa thỏa sức sáng tạo. Ví dụ ở cột đèn Quảng Chiếu, hàng loạt thân rồng cắm thẳng vào các lỗ ngàm, đầu rồng đua ra đỡ lấy một tòa sen vàng, ở trên đó người ta sẽ thắp hoa chúc (đuốc). Hàng chục, hàng trăm hình rồng ấy cắm từ dưới lên trên đỉnh cột tạo thành một hội đèn rực rỡ như ánh từ quang chiếu diệu kinh thành. Một ví dụ nữa, như chân đèn tại chùa Phật Tích, các thân rồng uốn lượn dọc theo thân cột, đầu hướng về phía đài sen ở phía trên như một sự chiêm bái tôn sùng ánh từ quang (xem thêm phần dịch văn bia Sùng Thiện Diên Linh trong phụ lục). Hay chân cột thời Lý đào được tại làng Ngọc Hà, những tầng lớp sóng nước và núi non phủ kín phần chân, phía trên thân cột là một đôi rồng uốn lượn nhịp nhàng như đan dệt khắp thân cột. Sự đăng đối chỉnh thể nhưng đầy tính linh hoạt của thân rồng đã tạo nên sự sống động hiếm thấy, nếu như đặt cột ấy lên một bàn xoay, ta sẽ thấy cả một thế giới tâm linh đang chuyển động: những tầng sóng nước như đang dâng vỗ vào các tầng núi non trùng điệp, các tầng núi non ấy lại đang như nâng đôi rồng cao lên, còn đôi rồng như như đang phi thăng lên trên cung trời Đao Lị, như đang ngưỡng vọng về một cõi niết bàn. Còn như cột đá Liên Hoa Đài chùa Dạm thì đôi rồng theo đặc trưng phong cách Lý, uyển chuyển, duyên dáng mà khỏe khoắn, sung mãn đang cùng nhau dâng lên những viên ngọc châu sáng ngời[50].
Hình: đầu rồng, Thăng Long, Lý (tk 11- 12). Nguồn: VMT?
Hình: rồng, Chương Sơn, Lý (1108). Nguồn: VMT?
Hình: rồng- lá đề, Lý (tk 11-12). Nguồn: VMT?
Hình: trụ đá Bách Thảo (Ngọc Hà, Hà Nội), nguồn: BTLSVN.
Kết luận: Nhìn từ góc độ tạo hình và hàm nghĩa biểu tượng tôn giáo, hình ảnh rồng thời Lý Trần là một sự đan xen hai khuynh hướng thẩm mỹ của Nho giáo và Phật giáo. Rồng Lý Trần, dù là thể hiện tính vương quyền của Nho gia, nhưng hầu như không có chút áp chế, dữ dằn như rồng Trung Hoa. Trong đó, yếu tố Phật giáo được thể hiện ở mô típ “long nữ hiến châu” trong hầu hết các hiện vật khảo cổ. Rồng luôn đi liền với các biểu tượng Phật giáo khác như tháp, nhạn, sư tử, hoa cúc, hoa sen, lá đề, khẩn na la, ca lâu la… Vì tính Phật tương đối đậm nét, nên hình tượng rồng Lý Trần cũng trở nên hài hòa, duy mỹ hơn, nhân văn hơn, vì thế nó thể hiện được phần nào nét đặc trưng cho tinh thần khoan dung, uyển chuyển của thời đại.
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) trong đề tài mã số VIII1.3-2012.01
[1] Nguyễn Quang Hà. 2012. Suy nghĩ về hình tượng cá sấu trang trí trên gạch Đại La (tk VII- IX) phát hiện ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long Hà Nội với tư liệu thư tịch cổ. Nc Mỹ thuật. số 1 (41)- 03/2012. tr.24-27.
[2] Trần Trọng Dương. Khuông Việt thiền sư hay phức thể dung hội Nho Phật. Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo – Văn học với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nxb Văn hóa. 2010. tr.97-109.
[3] Nguyễn Thanh Tùng. 2012. Giấc mơ Khuông Việt- nhìn từ giác độ lịch sử văn hóa. Tc Nghiên Cứu và Phát triển. 11/2012.
[4] Alexey B. Polyacop. 2009. Vai trò của Nho giáo ở Đại Việt thời Hậu Lý sơ (1010- 1127). Trong “Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành”. Nxb Thế giới. H. tr.691.
[5] Trần Ngọc Vương. 1999, tb2010. Cấu trúc và diễn tiến hệ tư tưởng ở Việt Nam đầu thời Lý. Trong “Thực thể Việt- nhìn từ các tọa độ chữ”. Nxb. Thế giới. Tr. 108.
[6] Yu Insun. 2009. Hệ thống luật pháp của triều Lý và triều Trần của Việt Nam- mối quan hệ giữa Đường luật và Lê triều hình luật. Kỷ yếu hội thảo khoa học “1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long”. Nxb Thế giới. H. Tr.356.
[7] Chú ý, Văn miếu vốn gọi tắt từ Miếu thờ đức Văn Tuyên Vương Khổng Tử, chỉ là tên gọi đời sau do các sử gia nhà Nho thời Lê áp đặt. Còn ở thời Lý, mới chỉ có tên là Khổng Miếu. Dựa vào sử liệu ghi dựng Khổng Miếu năm 1222 Polyacop cho rằng, thời điểm 1075 chỉ là ngụy tạo của các nhà Nho đời sau. Còn thời điểm chính thức là năm 1225 [Polyacop. 2009. bdd].
[8] Nguyễn Kim Sơn. 1998. Nho giáo và tâm thái lập quốc triều Lý. Trong 45 năm khoa Văn học. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. tr.424.
[9] Nguyễn Kim Sơn. 2004. Xu hướng hội nhập tam giáo trong tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Kỷ yếu “Hội thảo quốc tế về Nho giáo tại Việt Nam” Harvard Yenching (Hoa Kỳ) - Viện nghiên cứu Hán Nôm. Nxb Thế giới. H.
[10] Hình rồng này được khảo tả như sau “Phần trán bia (bi ngạch) được đẽo thành hình bán nguyệt cao 46cm, diềm trán bia không đẽo góc vuông như các bia đời sau mà trực tiếp tạc lên đó hình đôi rồng liền thân, hai đầu rồng hướng sang hai bên cạnh bia, hướng miệng cắm vuông góc với mặt đất. Miệng rồng há, để lộ 4 cặp răng hàm bằng đều và hai chiếc răng nanh dài nhọn. Bờm rồng vuốt từ khóe miệng ra phía sau, áp sát theo thân rồng. Phía dưới cằm và trên môi trên chạm các tua râu bó sát đầu rồng. Phía trên đầu là lông mày tạc nổi, che phần hốc mắt phía trong. Ngay sau phần mày rồng, tai rồng và sừng rồng cũng kéo dài về phía sau áp theo khối thân. Riêng cuống tai dài bằng cả phần chính của tai. Giữa thân rồng có ba vạch khắc sâu. Cách tạc này cho thấy, bia được tạc khối chữ nhật trước, sau đó mới chém các cạnh mà chạm sâu vào thớ đá. Cách tạc này khiến cho hình mình rồng chính là phần trên cùng của trán bia (cả ở hai mặt, dù mặt âm không có chữ), bụng rồng ôm lấy phần không gian khắc chữ trên ngạch bia.” [Trần trọng Dương. 2012. Văn bia Trường Xuân. Trong “Văn bia Thanh Hóa: Tập 1: Văn bia thời Lý Trần”. Nxb Thanh Hóa. Thanh Hóa. Tr.
[11] Trần Trọng Dương. 2012. bdd.
[12] Trần Trọng Dương. 2013. Xi Vẫn- Xi vỹ và các xu hướng biến đổi trong văn hóa Việt Nam và Châu Á. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Đài Loan- Việt Nam.
[13] Thượng thư Nguyễn Công Bật. 1121. Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi. Lý Nhân Tông ngự đề bi ngạch. Thượng thư Lý Bảo Cung viết chữ. chùa Long Đọi, núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. ký hiệu thác bản 32724-32725. x. Trần Trọng Dương. 2013. Kiến trúc một cột thời Lý. Suối nguồn- nxb Hồng Đức. Tp. HCM.
[14] Phụ hoàng: tức hoàng đế Lý Thánh Tông, huý Nhật Tôn, sinh năm 1023, ở ngôi 17 năm (1054-1072).
[15] Voi trắng sáu ngà: điềm sinh đức Phật, đây là cách dùng từ rất tôn quý dành cho nhà vua.
[16] Mẫu hậu: tức Thái hậu Ỷ Lan, họ Lê, mất năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), thụy hiệu là Phù Thánh Linh Nhân Thái hậu.
[17] Điềm sinh thánh chúa.
[18] Hai ngươi: hai con ngươi. Theo truyền thuyết, mắt vua Thuấn nhà Ngu có hai con ngươi, gọi là “trùng hoa” hay “trùng đồng”. Sau dùng để chỉ mắt những vị vua anh minh.
[19] Theo truyền thuyết, tai Vũ Vương nhà Hạ có 3 lỗ (tam lậu).
[20] Đây là một trong số rất hiếm chi tiết nói đến thư pháp dưới thời Lý. Theo quan sát của chúng tôi, dưới thời Lý, qua các văn bia, có cả thảy hai lần nhắc đến nghệ thuật thư pháp. Thời Trần, qua văn bia có một lần nhắc đến thư pháp. Tất cả các lần đó đều nói đến lối chữ phi bạch, cho thấy dường như thời Lý – Trần, lối phi bạch rất được ưa chuộng.
[21] Núi Long Tỵ: theo Cương mục, ở địa phận xã Thuần Chất, huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình, hình thể núi này nhô lên như vòi rồng, nên gọi là "Long tỵ" (CMCB2, 22a). Huyện Bình Chính nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
[22] Cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô. (Toàn thư, Hội Tường Đại Khánh thứ 9: 1118).
[23] Thượng Hoàng Trần Nhân Tông từng nói: "Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên [7b] xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".
[24] Trần Quang Đức. 2013. Ngàn năm áo mũ (Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009- 1945). Nxb Thế giới. H. tr.62.
[25] Nguyễn Du Chi. 2001. Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông. Nxb Mỹ thuật. H. tr.538.
[26] Chu Quang Trứ. Tb2012, Mỹ thuật Lý Trần- Mỹ thuật Phật giáo. Nxb Mỹ Thuật. H. tr.282.
[27] Trần Lâm Biền- Chu Quang Trứ. 1975. Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam (qua các bản rập). Viện Nghệ thuật- Bộ văn hóa. Sài Gòn. Tr.12.
[28] Hoàng Văn Khoán. 2009. Con rồng thời Lý. Kỷ yếu hội thảo khoa học “1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long”. Nxb Thế giới. H. tr.636.
[29] Cổ vật Việt Nam. tr. 98.
[30] Thích Đức Thiện. 2014. Phật Tích- di sản văn hóa Phật giáo (Buddhist Heritage Site). Nxb Văn hóa Thông tin. H. tr.45.
[31] Chuyển dẫn. Ma Shutian Mã Thư Điền. 1995.Trung Quốc Phật giáo chư thần. Đoàn kết xuất bản xã. tr.174-175. Xem mục Long Nữ trong Đoàn Trung Còn. tb2009. Phật học từ điển. nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh. 630-631.
[32] Xem thêm mục LONG NỮ HIẾN CHÂU và LONG NỮ THÀNH PHẬT trong 2000. Phật Quang đại từ điển (quyển 6). Sa môn Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. tr.2834.
[33] Thích Thiện Giác. 1090. Minh Tịnh tự bi văn. Hiện vật hiện đặt tại sân nghè thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa [xem trong Phan Bảo (chủ trì), Nguyễn Tô Lan (hiệu duyệt). 2012. Tuyển tập văn bia Thanh Hóa (Tập 1 : văn bia thời Lý – Trần). Phạm Văn Ánh, Trần Trọng Dương, Lê Quốc Việt khảo cứu, giới thiệu, dịch chú. Nxb Thanh Hóa. Thanh Hóa.]
[34] Sa môn Thích Huệ Hưng. 1109. Thiên Phúc tự hồng chung minh văn. vốn đặt ở chùa Thiên Phúc, tục gọi là chùa Thầy, trên núi Phật Tích, xã Thụy Khê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hiện chuông và bản dập không còn. Hiện theo bảo chép trong Kim văn loại tụ ký hiệu A.1059/2:5a-8b Viện NC Hán Nôm. Bản dịch theo nhóm Nguyễn Văn Thịnh. 2010. sdd.
[35] Cửu long: chín con rồng. Theo kinh Phật thì Phật tổ vừa lọt lòng mẹ đã biết đi, biết nói, đồng thời lúc ấy có 9 con rồng phun nước để tắm cho người. Trong các chùa, để diễn tả Phật ở giai đoạn này, người ta tạc hình một chú bé, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, bao xung quanh có hình 9 con rồng, thường gọi là tượng Thích Ca cửu long, Thế Tôn sơ sinh hay Thích Ca sơ sinh.
[36] Giác tướng: ở đây chỉ xá lị của Phật.
[37] Trời đất: nguyên văn là “cao hậu” (cao dầy) viết tắt của “thiên cao địa hậu” , nghĩa là trời cao đất dầy.
[38] Năm sao (ngũ vĩ): là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
[39] Cá chim: nguyên văn là “phi tiềm”, trỏ các loài chim bay cá lội.
[40] Phúc: nguyên văn là chữ chỉ “祉”.
[41] Voi trắng: tức tuyết tượng, bạch tượng, trỏ điềm lành theo văn hóa Phật giáo.
[42] Có bản dịch là “rồng ổ” ý là “ổ rồng”, nhưng dễ nhầm với thuật ngữ “rồng ổ” (rồng mẹ và đàn rồng con) trong mỹ thuật cổ.
[43] Trấn đất: nguyên văn “地”, có bản ghi lầm là “也”.
[44] Tân Đầu hòa thượng: là một vị La Hán, vốn là bề tôi của Ưu Điền, đi tu đắc đạo. Vì trổ phép thần thông không đúng chỗ, bị Phật quở trách, không được ở cõi Nam Phù Đề. Phật sai ông đến giáo hóa châu Tây Cồ Gia Ni. Sau chúng sinh ở Nam Phù Đề xin Phật cho ông trở về. Phật bằng lòng, nhưng không cho ông nhập niết bàn mà bắt ông vĩnh viễn ở Ma Lê sơn.
[45] U – hiển (幽顯): u trỏ thần linh, hiển trỏ chúng sinh có tín tâm.
[46] Rồng – trời: nguyên văn “thiên long” (天龍), nói tắt của chư thiên và long thần, là nhị chúng trong bát bộ chúng của Phật giáo.
[47] Xem mục LONG VƯƠNG trong. Phật Quang đại từ điển (quyển 6). Sa môn Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 2000. tr.2844.
[48] Chu Quang Trứ. Tb.2012. sdd. Tr.284.
[49] Một số eteket tại các bảo tàng thường chú thích các mô típ này do ảnh hưởng từ mỹ thuật Nho giáo của thời Lê – Nguyễn. Lưỡng long tranh châu, khó có thể mang nội hàm Phật giáo ở đây được.
[50] Đuôi của đôi rồng này quấn lấy nhau ở phía sau. Sẽ có người cho rằng, đây là một hoạt cảnh rồng ấp, biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa cổ của người Việt. Nhưng chúng tôi xin lưu ý rằng, việc cuốn đuôi ấy hoàn toàn chỉ mang tính mỹ thuật. Bởi sự hạn định của không gian trụ tròn (rồng vờn ngang thân cột), nên thân rồng bắt buộc chỉ được tạc trong một giới hạn bề mặt nhất định. Đó là một sự thách thức khả năng bố cục đối với những người thợ thời xưa. Cần phải có một sự tính toán có cân nhắc. Chúng ta có thể tìm thấy khá nhiều kiểu bố cục như thế trong điêu khắc văn bia đời sau. Kể cả ở một số bia quan phương, do không gian của trán bia hạn hẹp, nên đôi rồng đã quấn đuôi vào nhau, để bố cục chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Trần Trọng Dương
(Viện NC Hán Nôm)