Niềm tin đích thực khác với niềm tin mù quáng


Sự tin cậy trong Kinh Phật thường được dịch là niềm tin. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, “niềm tin” còn có ý nói đến người tin vào cái gì đó nhưng không hiểu lý do tại sao mình tin nó.

Niềm tin mù quáng này không phải là niềm tin mà Phật giáo khuyến khích ta nuôi dưỡng và phát triển. Niềm tin trong Phật giáo mang ý nghĩa tích cực hơn: ta hiểu biết về Phật, Pháp, Tăng Già và tin tưởng vào sự giúp đỡ của ba nguồn nương tựa quý giá này.

 

Theo Phật giáo, có ba dạng niềm tin niềm tin tích cực cần được nuôi dưỡng, phát triển: (1) niềm tin có nhận thức, (2) niềm tin khát vọng, (3) niềm tin ngưỡng mộ.

Niềm tin có nhận thức được hình thành bởi sự thấu hiểu. Ví dụ, ta nghe nói sự nguy hại của các quan điểm, hành động tiêu cực và học cách khắc phục, từ bỏ chúng.

Sau đó, ta kiểm tra xem các quan điểm, hành động ấy có gây rắc rối cho bản thân và các phương pháp mình áp dụng có hiệu quả hay không. Bằng cách này, ta sẽ phát triển được nhận thức cần có để tận diệt được các quan điểm, hành động tiêu cực.

Bằng lý trí cùng kinh nghiệm, ta tin rằng sự suy ngẫm về tính tạm thời sẽ từ bỏ được những gắn bó vô lý. Vì niềm tin này có nền tảng từ nhận thức sâu sắc, nên rất vững chắc.

Ta có thể tin rằng Phật, Pháp, Tăng Già sẽ giúp mình thoát khỏi sự vô minh, mơ hồ. Ta không cần phải tin vào sự tuyệt vời của ba nơi nương tựa quý giá chỉ vì người khác nói mình phải tin, vì như thế cũng giống như ta mua một gói xà bông chỉ vì quảng cáo nói nó tốt.

Trái lại, bằng cách tìm hiểu và suy ngẫm về các phẩm chất tốt đẹp của ba nơi nương tựa quý giá, ta hiểu và tin vào đó. Niềm tin này giúp ta cảm thấy gần gũi với Phật, Pháp và Tăng Già.

Niềm tin khát vọng là dạng niềm tin thứ hai. Đọc về những lợi ích của lòng nhân từ và quan sát tác động tích cực của người tốt bụng đối với thế giới, ta sẽ mong muốn nuôi dưỡng tình yêu thương cùng lòng từ bi của bản thân.

Khi hiểu được bản chất Phật của mình cũng như các phẩm chất tốt đẹp của ba nơi nương tựa quý giá, ta sẽ khao khát trở thành Phật. Niềm tin này rất hữu ích, nó giúp ta có quyết tâm cùng nhiệt huyết để thực hành Phật Pháp.

Niềm tin ngưỡng mộ làm tâm trí ta hạnh phúc. Ví dụ, ta nghe nói về các phẩm chất tốt đẹp của Bồ Tát, Phật – lòng từ bi vô hạn cùng sự sáng suốt sâu sắc – và ngưỡng mộ họ với một trái tim hạnh phúc.

Bằng cách suy ngẫm về các phẩm chất tốt của người khác, niềm tin ngưỡng mộ sẽ được hình thành trong ta.
Niềm tin vào Phật, Pháp, Tăng Già giúp ta cảm thấy thanh thản và sống tốt hơn. Như Đức Phật từng nói :

Người khôn ngoan sử dụng niềm tin cùng trí thôngminh
Vì sự an toàn trong cuộc sống;
Đó là tài sản quý giá của họ
Còn các tài sản khác chỉ là phù du.

Trong Phật giáo, niềm tin phát triển từ từ, và nó có nền tảng từ sự hiểu biết sâu sắc. Với niềm tin vào sự chỉ dẫn của ba nguồn nương tựa quý giá, sự hiểu biết của ta về ba nhận thức quan trọng ngày càng lớn hơn.

Ngược lại, bằng cách nuôi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc và thay đổi các quan điểm, hành động, ta sẽ tin tưởng hơn vào ba nơi nương tựa quý giá.

Đó là vì thông qua trải nghiệm trực tiếp của bản thân, ta thấy rằng sự chỉ dẫn, giúp đỡ của ba nơi nương tựa này có thể giúp mình thoát khỏi mọi khổ đau, rắc rối.

Theo cách này, tìm kiếm nơi nương tựa cũng có nghĩa là có trách nhiệm với trải nghiệm của bản thân, và tin tưởng vào sự chỉ dẫn của những người có thể giúp đỡ ta thay đổi tâm trí.