Phật giáo tỉnh Kon Tum: Những bước chân không mỏi
Để rồi từ đó, ước nguyện về sự hiện hữu những ngôi chùa ở vùng sâu được nhen nhóm và đến nay đã trở thành hiện thực bằng những dấu chân không mỏi của chư Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà, làm cho Chánh pháp được lưu truyền nơi miền sơn cước xa xôi nhất của Tây Nguyên đại ngàn.
Ngày càng có nhiều đồng bào dân tộc tại Kon Tum quy hướng Tam bảo
Ước nguyện theo năm tháng
Nhắc lại khoảnh khắc thiêng liêng khi đồng bào dân tộc được dịp quy hướng Tam bảo ấy, HT.Thích Quảng Xả, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum vẫn nhớ như in những diễn biến cụ thể và không khỏi tự hào bởi kể từ đó, các chương trình hành động của Phật giáo tỉnh nhà có điểm nhấn và trọng tâm hơn.
“Một khi đồng bào nhận thức được lợi ích của sự tu tập, hướng về Tam bảo và trở thành Phật tử thì vấn đề kế tiếp là phải tiến hành xây dựng các cơ sở sinh hoạt, tạo thuận duyên cho bà con tăng trưởng sự tín tâm và tinh tấn hơn nữa để đạt được những lợi lạc trong đời sống hàng ngày. Đó là ưu tư lớn của cá nhân chúng tôi và tập thể Ban Trị sự còn non trẻ và chưa được hoàn thiện như nhiều tỉnh thành khác sau khi Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2012-2017 vừa hoàn thành,” HT.Thích Quảng Xả chia sẻ.
Từ những nỗi niềm trên, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng, với một nhiệm kỳ hoạt động, BTS cùng chư Tăng Ni tại Kon Tum đã dốc sức, tìm nhiều cách thức khác nhau để tạo dựng cơ sở thờ tự. Theo đó, được sự giúp sức của chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum, Ban Trị sự đã tiến hành khởi công xây dựng mới các công trình: chùa Khánh Sơn (huyện Sa Thầy), chùa Hội Khánh (huyện Ngọc Hồi), tịnh xá Khánh Hưng (TP.Kon Tum), chùa Hưng Khánh (huyện Kon Rẫy), một cơ sở tại huyện huyện Đăk Glei; riêng tịnh xá Ngọc Duy (TP.Kon Tum) chuyển địa điểm đất.
“Các ngôi chùa nơi miền xa này đã giúp rất nhiều trong việc truyền bá Chánh pháp, vun bồi niềm tin chân lý và cũng là nơi đồng bào Phật tử, bà con dân tộc truyền nhau lời nhắc nhở giữ gìn các giá trị truyền thống đáng quý cũng như học các điều hay, lẽ phải”, HT.Thích Quảng Xả khẳng định.
Ngoài ra, với các cơ sở tự viện có trước năm 1975, theo thời gian đã xuống cấp, không đủ điều kiện đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, tu học thì Ban Trị sự hướng dẫn và giới thiệu thực hiện các thủ tục trùng tu một phần hoặc xây dựng lại mới trên cơ sở cũ. Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ qua, đã có 11 cơ sở được tiến hành trùng tu nhà hậu Tổ, chánh điện, Đông lang, Tây lang, phòng khách hoặc hội trường.
Song song với việc kiến tạo chùa chiền, Ban Trị sự cũng nghĩ đến việc kêu gọi, vận động và bổ nhiệm chư Tăng Ni có đủ năng lực đảm nhiệm công tác trụ trì, thực hiện sứ mệnh hướng dẫn tu học, hoằng pháp nơi vùng cao này. Với thời gian 5 năm hoạt động, Phật giáo tỉnh nhà đã bổ nhiệm trụ trì cho 9 cơ sở, gồm: HT.Thích Quảng Xả trụ trì chùa Huệ Chiếu, ĐĐ.Thích Nhuận Bảo trụ trì chùa Khánh Lâm, ĐĐ.Thích Lệ Thạnh trụ trì chùa Hoa Nghiêm, ĐĐ.Thích Nhuận Trí trụ trì chùa Huệ Quang, ĐĐ.Thích Nhuận Pháp trụ trì chùa Khánh Sơn, ĐĐ.Thích Quảng Thành trụ trì chùa Hội Khánh, ĐĐ.Thích Nhuận Tú trụ trì chùa Khánh Phước, ĐĐ.Thích Nhuận Quang trụ trì tổ đình Trung Khánh và SC.Thích nữ Liên Nhân trụ trì tịnh xá Khánh Hưng.
“Đến thời điểm này, Phật giáo tỉnh Kon Tum đã có 27 cơ sở thờ tự, trong đó có 25 cơ sở đã được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì và được các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế và đánh giá nhu cầu tu học của Phật tử tại gia, con số cơ sở tự viện như thế vẫn còn thiếu và mỏng nên Ban Trị sự đang tiếp tục tạo điều kiện để chư Tăng Ni từ các tỉnh, thành hành đạo và tham gia công tác Phật sự địa phương”, HT.Thích Quảng Xả tâm sự.
Nâng chất việc tu học
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 70 chư Tăng Ni hành đạo, gồm 2 vị Hòa thượng, 1 vị Ni trưởng, 2 vị Ni sư và chư Đại đức Tăng Ni tham gia nhiều mảng hoạt động Phật sự khác nhau. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn 35.000 tín đồ Phật tử trên tổng số 500.000 dân, trong đó có khoảng 6.500 Phật tử người dân tộc thuần thành, tu học thường xuyên tại các đạo tràng phân bố trên 9 huyện và 1 thành phố.
Với một địa bàn rộng, số lượng Tăng Ni còn hạn chế, các sinh hoạt Phật sự diễn ra thường xuyên thì đây là một thách thức không nhỏ khi mà nhu cầu của quần chúng Phật tử ngày càng cao và sự hiểu biết cũng được nâng lên.
“Đứng trước yêu cầu này, Ban Trị sự xác định hai khía cạnh cần thực hiện và triển khai. Về phía chư Tăng Ni, cần phải tăng trưởng giới hạnh và đào tạo, bồi dưỡng một cách căn cơ về Phật học cũng như các kỹ năng hướng dẫn tín đồ. Về phía Phật tử tại gia, cần tạo ra nhiều mô hình và chương trình tu học khác nhau vào các thời điểm trong năm”, HT.Thích Quảng Xả cho biết.
Đáp ứng phương diện đầu tiên, Ban Trị sự đã gởi chư Tăng Ni trẻ tham học các trường Phật học trong cả nước. Đến nay, nhiều Tăng Ni đã hoàn tất chương trình đào tạo tại các trường trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam ở Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.HCM, hiện đã về phục vụ tại tỉnh nhà và phần lớn đều tham gia Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.
Tại địa phương, mỗi tháng 2 lần, Ban Trị sự đều tổ chức trùng tuyên giới luật, truyền đạt Phật học phổ thông, kinh nghiệm tu học cho các tân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni và chứng minh bố-tát cho các thiện tín Phật tử đã thọ Thập thiện Bồ-tát giới. Đến mùa an cư mỗi năm, Ban Trị sự y cứ vào hướng dẫn của Trung ương Giáo hội tổ chức kiết hạ tập trung trong tỉnh tại 3 hoặc 4 địa điểm (tổ đình Trung Khánh, tịnh xá Ngọc Hòa, chùa Huệ Chiếu, chùa Kỳ Quang) để trưởng dưỡng đạo tâm, giữ gìn quy củ tòng lâm.
Ngoài ra, Ban Trị sự cũng giới thiệu nhiều thành viên Tăng Ni tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, khóa bồi dưỡng kỹ năng, các hội nghị chuyên đề để cập nhật thêm kiến thức và học hỏi những cách làm hay từ các đơn vị Phật giáo tỉnh bạn.
Trong khi đó, theo ĐĐ.Thích Vạn Nhơn, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự, đối với Phật tử, đã có nhiều chương trình tu học được kiến tạo bằng nhiều cách thức khác nhau: Tổ chức nhiều buổi thuyết giảng nhân các dịp lễ lớn, thông qua đó phổ cập giáo lý, hướng dẫn tín đồ tu tập; mở các khóa tu Bát quan trai, khóa tu Một ngày an lạc, trại hè cho học sinh và sinh viên; phổ biến các bài giảng của Ban Hoằng pháp T.Ư đến từng tự viện cơ sở; cung thỉnh chư tôn đức Tăng Ni giảng sư ở trong nước và ở nước ngoài về tỉnh nhà thuyết pháp, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm tu học cho hàng Phật tử tại gia.
“Ban Trị sự cũng cử chư Tăng Ni tham gia giảng dạy giáo lý cho các huynh trưởng bậc Lực học và thi khóa trại Vạn Hạnh do Phân ban GĐPT T.Ư tổ chức; hướng dẫn Phật pháp cho nhiều đơn vị GĐPT trong tỉnh để có thể tham gia các cấp bậc thi và các trại huấn luyện huynh trưởng”. ĐĐ.Thích Vạn Nhơn bổ sung.
Đặc biệt, nhờ điều kiện thuận duyên, tiếp nối kết quả của nhiệm kỳ trước, thời gian qua, Phật giáo tỉnh Kon Tum đã tổ chức quy y cho hơn 1.500 dân tộc thiểu số tại chùa Huệ Chiếu, chùa Kỳ Quang, chùa Khánh Lâm. Quý Phật tử đồng bào dân tộc cũng dần hình thành nếp sống tu tập, tự tổ chức các khóa lễ đơn giản và khuyến tấn nhau cùng nỗ lực trong cuộc sống.
* HT. Thích Quảng Xả - UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum (ảnh): “Nằm ở tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới và là điểm cực Bắc Tây Nguyên, Phật giáo tỉnh Kon Tum đã luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn tham gia, hưởng ứng các hoạt động của nhân dân và xã hội nhằm đóng góp, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp. Không những thế, về tự thân, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum cũng thực hiện nhiều Phật sự quan trọng tạo niềm tin nơi hàng Phật tử tại gia: Tổ chức thành công các kỳ lễ lớn của Phật giáo và lễ kỷ niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn; hướng dẫn thọ giới quy y cho đồng bào dân tộc thiểu số; đón tiếp nhiều phái đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm viếng; xây dựng và trùng tu nhiều tự viện, tịnh xá tại địa phương… Tất cả đều là nỗ lực đáng trân trọng của từng vị Tăng Ni, Phật tử và các cơ sở tự viện, làm cho Phật giáo được lan tỏa nơi phố núi. Nhìn một cách tổng quan, trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, sự trưởng thành trong công tác Phật sự ở Kon Tum thể hiện qua nhiều mặt, trong đó các ngành Tăng sự, từ thiện xã hội và văn hóa góp công rất lớn mà nhiệm kỳ mới cần phát huy và nhân rộng”. |