Bạc mệnh


“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử…”
 
Cuối cùng tôi cũng trở lại Trường Suối Dây để giảng dạy sau bốn năm trời xa cách. Cái xa cách làm cho người ta biết yêu quý hơn những mối chân tình và những kỷ niệm mà mình đã có. Học trò nhiều đứa ra trường, khôn lớn có nghề có nghiệp, có đứa lập gia đình lâu lâu về thăm lại thầy cũ trường xưa, cái hạnh phúc ấy tuy đơn sơ nhưng lại vô bờ vô bến với những người làm nghề dạy học như chúng tôi. Lớp này vào, lớp khác ra như những hạt giống nẩy mầm, thành cây rồi đơm hoa kết quả theo mùa vụ.

Trường tôi thuộc xã vùng sâu, học sinh đa phần là con em của những gia đình nông dân chân lấm tay bùn quanh năm vất vả, kiếm cái ăn đã khó cái học càng khó hơn. Ngoài giờ học đa phần các em phải phụ giúp cha mẹ đủ thứ công việc đồng áng. Cũng có nhiều đứa vì gia đình quá khó mà phải bỏ học giữa chừng, nhất là sau ba tháng hè hay sau Tết. Nhà trường phải tìm mọi cách hỗ trợ, vận động để các em có điều kiện tiếp tục học tập.

Tôi thường nói đùa với đồng nghiệp là mình có duyên với học trò ấp 6, vì năm học nào cũng vậy, tôi phải bôn ba lui tới với chốn này nhiều lần về việc học của các em. Ấp 6 là một trong những ấp xa nhất và khó khăn nhất của xã Suối Dây. Con đường đi từ ngã tư chợ qua ấp Chăm rồi qua một đoạn ruộng rẫy khá xa mới vào tới ấp 6, mùa nắng thì bụi đỏ mù trời, mùa mưa thì bùn sình lầy lội, ngập nước. Vì vậy mà học sinh đi lại rất khó khăn, nhưng bù lại học trò ấp 6 đứa nào cũng chăm ngoan học giỏi.

Sau cái Tết năm rồi tôi lại vào ấp 6 để vận động một em học sinh ra học. Cái nắng tháng Ba oi bức, như đổ lửa xuống đồng, khiến người ta dễ chán nản. Thật tình sau bao nhiêu năm tôi ra đi giờ trở lại ấp 6 đã đổi thay nhiều. Mấy con đường mòn nhỏ len giữa những rẫy mì, mía, mãng cầu giờ quá khác lạ so với hơn bốn năm năm về trước. Tôi tìm được nhà đứa học trò, vận động cha mẹ nó đủ điều để nó được tiếp tục đi học. Được gia đình người ta hứa, tôi mừng trong bụng và ra về. Tôi chạy lòng vòng qua mấy con đường nhỏ vô tình lại lạc qua cái nghĩa địa của ấp. Dừng xe lại bên đường, nhìn vào những ngôi mộ xen lẫn từng đám cỏ đuôi chồn giữa buổi trưa vắng vẻ mà lòng tôi dâng lên một nỗi đau xót ngậm ngùi vì chính nơi này tôi có một đứa học trò xấu số đã vĩnh viễn nằm lại với mưa với nắng từ bao nhiêu năm qua.

Năm ấy tôi chủ nhiệm lớp 6A7, một lớp mà đa phần các em là học sinh dân tộc Chăm và các em từ ấp 6 này ra học. Đứa nào cũng ngoan ngoãn hiền lành, biết nghe lời thầy, biết giúp đỡ bạn. Tôi thương lắm những ánh mắt thơ ngây, những tâm hồn bé bỏng ấy, tôi cố gắng hết lòng dạy dỗ các em. Hàng ngày, tôi dặn dò rất kỹ các em từ ấp 6 ra là phải chờ nhau cùng đi và cùng về vì đường xa, có gì mà hỗ trợ nhau, các em đều nghe theo và làm y như thế nên tôi cũng yên tâm. Gần cuối học kỳ I năm ấy, một buổi sáng sinh hoạt cuối tuần gần xong thì có đứa học trò ngồi cuối dãy bàn dưới lên đưa cho tôi tờ giấy phép xin nghỉ học. Tôi nghĩ đó chỉ là đơn xin phép nghỉ học thông thường thôi nên không đọc mà chỉ hỏi:

- Trúc Phương à, bộ nhà có việc gì hả?

Em với nét mặt buồn buồn trả lời:

- Dạ, con mắc chăn trâu.

Biết thế nên tôi đinh ninh chuyện học sinh nghỉ một vài ngày là chuyện bình thường thôi. Sau buổi học, cho các em ra về và tôi cũng thu dọn hồ sơ sổ sách để về nghỉ cuối tuần. Sáng Chủ nhật hôm sau, tôi lấy xấp bài kiểm tra ra chấm và vô tình có cả lá đơn xin phép của Trúc Phương. Tôi xem xong mới tá hỏa là đơn xin nghỉ học luôn với lý do là phụ ba mẹ làm việc nhà. Lần đầu tiên tôi mới thấy một đứa học sinh nghỉ học luôn mà lại làm đơn xin như thế này. Tôi nhớ tới ánh mắt buồn buồn của em mà lòng tôi không yên. Sáng thứ Hai tôi có hai tiết dạy, xong tôi chạy vô nhà em ngay để xem có vấn đề gì mà gia đình phải cho em nghỉ học như vậy.

Nhà Trúc Phương lẩn trong cái xóm nghèo ở cặp mé suối cuối ấp. Ba em bỏ mẹ em để theo một người đàn bà khác từ khi em mới lọt lòng. Người phụ nữ trẻ bất hạnh ấy ôm đứa con thơ vượt qua ngần ấy năm trời để mà sống. Trúc Phương ngày một lớn, hiền hậu, biết phụ giúp mẹ đủ thứ công việc từ việc nhà cho đến việc ruộng rẫy. Mấy năm sau đó mẹ em tái giá với người đàn ông trong xóm, cả nhà nương tựa vào nhau mà chí thú làm ăn sinh sống. Và ít lâu hai vợ chồng dành dụm mua được đôi trâu, tính nuôi để rồi cày mướn cho người ta kiếm sống.

Nghỉ hè Trúc Phương đi chăn, vào học rồi không có ai chăn thả, ba dượng em thì đi làm thuê làm mướn suốt, mẹ em lại vừa sinh em bé được vài tháng, nên cả nhà mới tính cho em nghỉ học một năm để ở nhà chăn cặp trâu này… Tôi ngồi nói chuyện lẽ thiệt hơn với mẹ em để nhà cho em đi học lại. Mẹ em hứa với tôi là sẽ kêu người ta bán đôi trâu để em rảnh mà đi học tiếp, nhưng tạm thời xin cho em nghỉ một tuần để chờ người tới mua. Tôi vững lòng, an ủi động viên em vài lời rồi ra về.

Năm ngày sau đó, một buổi sáng tôi vừa vào tới trường thì cả lớp chạy tới hớt ha hớt hải báo tin:

- Thầy ơi, bạn Trúc Phương nó chết rồi thầy ơi!

Tôi nghe tin như sét đánh, vội hỏi:

- Sao mà bị chết?

Đám học trò kể lại:

- Thầy ơi! Chiều hôm qua nó và con Nhen cỡi trâu đi chăn bên bờ suối, con trâu bị sụp hố bom ngập nước sát bờ, hai đứa nó nhào đầu xuống hố bom luôn, con Nhen biết bơi bập bẹ nên bơi vô được, còn con Phương không biết bơi nên chết đuối rồi.

Tôi lập tức chạy vào nhà em, vô tới nơi thì trống đã gõ tùng tùng và cũng đã tẩn liệm xong cả. Mẹ em khóc thảm thiết:

- Thầy ơi, phải chi tui nghe lời thầy… nó từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ được một ngày sung sướng như con người ta, giờ nó bỏ tui mà đi rồi thầy ơi! Thầy ơi, tui mà sớm nghe lời thầy thì con tui đâu có chết, thầy ơi!

Tôi cảm nhận nỗi đau tột cùng ấy từ người mẹ mất con. Tôi nhìn di ảnh của em ở đầu quan tài, vẫn ánh mắt buồn buồn thơ ngây đó, nó như nhìn thầy nó lần cuối và định nói với tôi một điều gì, một ước mơ nào đó nhưng chưa kịp mà giờ nó phải đi xa, một nơi xa đến nỗi ra đi là không bao giờ trở lại được nữa. Lòng tôi đau đớn đến nghẹn ngào, tôi không thể cầm được hai dòng nước mắt trước linh cữu đứa học trò bạc số bạc phần của tôi…

Mấy người đi đám nói với tôi là hai giờ trưa hôm nay đi chôn, nên tôi ở lại chờ để đưa tiễn Trúc Phương lần cuối. Cái quan tài khiêng ra khỏi nhà, đặt trên cái moọc máy cày rồi kéo ra nghĩa địa. Con đường gập ghềnh đầy hang ổ, trời nắng gắt, cái hòm lắc qua nghiêng lại như người nằm trong đó chưa muốn lìa xa cái xứ sở này, nó cứ lắc lư như cái định mệnh phi lý của kiếp người, như số phần của đứa trẻ lúc sống đã không có gì vui, lúc chết cũng không yên thân nhắm mắt…

Hạ cái hòm xuống huyệt thì trời ơi lại lồi cả cái nắp hòm trên mặt đất, do mấy người đào huyệt quá vô ý không đo trước. Cớ sự như vậy thì chỉ có cách là lấp đất lên cho cao mà thôi. Mẹ của em khóc xỉu lên xỉu xuống và hàng xóm đưa về nhà. Tôi phụ mọi người lấp đất cho đầy ngôi mộ. Cái nắng như thiêu như đốt làm mệt lả mọi người. Xong xuôi họ ra về cả, chỉ còn mình tôi ngồi lại bên mộ đứa học trò lần cuối. Ánh mắt buồn buồn và thơ ngây ấy đã mãi mãi ra đi… Tôi đốt cho em cây nhang, thầm khấn cho linh hồn em sớm ngày siêu thoát. Tôi từ giã em:

- Phương à, hãy nằm lại nơi này mà yên giấc, thầy về đây!

Sợi khói mong manh bay vào cõi mông lung hư ảo. Cái cõi tuy vô hình vô ảnh ấy nhưng lại chứa đựng không biết bao nhiêu nỗi bi ai thống khổ của kiếp làm người…

Bao nhiêu năm qua rồi tôi không còn nhớ chính xác vị trí ngôi mộ của Trúc Phương ở chỗ nào, tôi lòng vòng vạch cỏ tìm mãi mới thấy ngôi mộ thâm thấp đã được xây gạch, tấm mộ bia bằng đá xanh khắc tên Nguyễn Thị Trúc Phương. Tôi mừng quá, xin một cây nhang của ngôi nhà mồ bên cạnh thắp cho em… sợi khói lại uốn lượn bay lên và tan vào miền dĩ vãng.

- Phương ơi, thầy đến thăm em đây.

Rồi những chuyện xưa cũ đau lòng lại lần lượt thổn thức sống dậy trong tôi. Tôi thầm nói: - Phải chi…!

Phải chi ngày xưa ba em đừng ham mê bóng sắc mà bỏ mẹ em…, gia đình em chắc sẽ được hạnh phúc lắm, em đâu phải sống thiếu tình thương, em đâu phải quá vất vả làm lụng khi còn ở cái tuổi ăn tuổi học… em cũng đâu phải bị nghỉ học giữa chừng để ở nhà chăn trâu cắt cỏ…! Phải chi chiến tranh đừng đi qua mảnh đất này và những kẻ vô tâm đừng gieo bom rải đạn trên mảnh đất đầy âu lo này thì đâu để lại tàn tích mà mấy mươi năm sau còn cướp đi sinh mạng con người một cách oan uổng như thế.

Phải chi ngày ấy bây giờ… chắc Trúc Phương đã trưởng thành, đã là một thiếu nữ như bao đứa học trò cùng thời trang lứa, rồi cũng học hành nên người, cũng làm ăn sinh sống, cũng có gia đình, cũng được hạnh phúc… và lâu lâu cũng về thăm trường cũ thầy xưa…

 

Truyện ngắn Đào Thái Sơn