Lùi một bước biển rộng trời cao
Phùng Mộng Long trong Quảng Tiêu phủ có kể lại một câu chuyện như sau:
Ngày trước có hai cha con tính vô cùng hiếu thắng, không bao giờ muốn cúi đầu trước người khác. Một hôm, có mấy vị khách tới nhà, người cha liền bảo con trai ra chợ mua ít thịt. Con trai mang theo tiền, đến hàng thịt lợn mua mấy cân thịt lợn, rồi dùng dây buộc lại, xách mang về nhà. Khi đi qua hồ, anh ta gặp một người đi từ đầu cầu bên kia lại, nhưng hai bên đều không muốn nhượng bộ, nên cứ đứng mặt đối mặt như vậy giằng co rất lâu.
Chẳng mấy chốc đã gần tới trưa, ở nhà vẫn đợi con mang thịt lợn về, người cha không khỏi lo lắng, liền chạy đi tìm con trai. Khi đi đến bên bờ sông, thấy con trai đang giằng co với một người ở đó, người cha không những không tức giận mà còn vui mừng nói:
“Thật không hổ là con trai ngoan của ta, tính cách cương trực!”, rồi quay sang tức giận, người kia là ai mà dám láo xược trước mặt con trai ta. Thế là ông ta bước lên trước và quát: “Con trai, con mang thịt lợn về nhà đi, cha ở đây đọ sức với hắn, xem ai thắng ai?”
Cứ như vậy, người cha thay chỗ con trai đứng trên cầu, trừng mắt nhìn đối phương. Hai người cứ đứng im như tượng, không nhúc nhích, khiến làng xóm xung quanh đều chê cười.
Tính cách cương trực dĩ nhiên không có gì đáng chê trách, nhưng “già néo đứt dây”, khiến cho con người mất đi sự điềm nhiên và linh hoạt ứng biến cần có, khiến cho cương trực biến thành cố chấp, ngoan cố không chịu thay đổi. Giống như hai cha con trong câu chuyện trên, tính cách hiếu thắng quá mức sẽ khiến ta bị lỡ việc và làm trò cười cho thiên hạ.
Vậy thì sao ta không học lấy nghệ thuật sống “biết lùi một bước”, hai người cùng nhường nhau một bước, chẳng phải là sẽ cùng có thể thuận lợi qua sông sao? Người tĩnh tâm hiểu đạo lí “lùi một bước biển rộng trời cao”, sẽ hiểu được rằng, nhiều khi không cần phải cố chấp giữ lấy những sự kiên trì vô nghĩa đó.