“Kiếm ăn một cách tà mạng”
Ngày xưa, chư Tăng ‘chỉ theo đúng pháp kiếm ăn để tự nuôi sống’, đó là hạnh khất thực ‘một bát cơm ngàn nhà’. Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Tướng quân Chánh pháp đã khái quát việc ‘kiếm ăn đúng pháp’ của hàng Thích tử là ‘không cúi mặt xuống, không ngửa mặt lên, không xoay mặt bốn phương, không xoay mặt bốn góc’.
Một ngôi chùa ở Hà Nội phục vụ nhu cầu "cúng sao, giải hạn" cho mọi người - Ảnh: Zing
Bậc Đại đệ tử Trí tuệ đệ nhất đã chỉ rõ rằng, nếu là người tu Phật mà: Làm nghề địa lý, phong thủy, trấn yểm…(cúi mặt xuống); làm nghề chiêm tinh, cúng sao, giải hạn…(ngửa mặt lên); làm sứ giả, trung gian, mối lái…(xoay mặt bốn phương); làm thuốc, bốc thuốc, chữa bệnh… (xoay mặt bốn góc) để có thu nhập mà sinh sống thì đó là ‘kiếm ăn một cách tà mạng’. Lời dạy này xem ra ai cũng biết nhưng vì nhiều lý do khác nhau hàng đệ tử Phật hiện nay vẫn làm.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đó.
Sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Vương Xá khất thực. Khất thực xong, ngồi dưới bóng cây thọ trai. Trong lúc ấy có nữ ngoại đạo xuất gia tên Tịnh Khẩu từ trong thành Vương Xá đi ra có chút việc, gặp Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi ăn dưới bóng cây, bà tiến đến hỏi: Sa-môn đang ăn phải không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: Vâng, đang ăn.
Lại hỏi: Sao, Sa-môn cúi mặt xuống mà ăn?
Đáp: Thưa tỷ muội, không.
Lại hỏi: Ngửa mặt lên mà ăn chăng?
Đáp: Thưa tỷ muội, không.
Lại hỏi: Xoay mặt bốn phương mà ăn chăng?
Đáp: Thưa tỷ muội, không.
Lại hỏi: Xoay mặt bốn góc mà ăn chăng?
Đáp: Thưa tỷ muội, không.
Lại hỏi: Tôi hỏi Sa-môn đang ăn phải không, Sa-môn đáp là đang ăn. Tôi hỏi ngửa mặt lên mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không. Hỏi cúi mặt xuống mà ăn chăng? Sa-môn đáp không. Hỏi xoay mặt bốn phương mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không. Hỏi xoay mặt bốn góc mà ăn chăng? Sa-môn đều trả lời không. Những gì Sa-môn nói như vậy là có ý nghĩa gì?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
Này tỷ muội, những Sa-môn, Bà-la-môn có kiến thức về sự vật, có kiến thức về hoằng pháp, kiếm ăn một cách tà mạng; những Sa-môn, Bà-la-môn này cúi mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào ngước mặt nhìn xem hiện tượng trăng sao, kiếm ăn một cách tà mạng như vậy; Sa-môn, Bà-la-môn này ngửa mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà- la-môn nào làm sứ giả cho người khác, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn phương mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn. Này tỷ muội, tôi không thuộc vào cách kiếm ăn theo bốn thứ tà mạng này, mà tôi chỉ theo đúng pháp kiếm ăn để tự nuôi sống. Cho nên, tôi nói là không phải là bốn cách ăn tà mạng đó.
Khi xuất gia ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ từ giã, rồi bà đi đến chỗ ngã tư đường trong thành Vương Xá, khen ngợi rằng: ‘Sa-môn Thích tử nuôi sống chân chính, tự nuôi sống rất chân chính! Nếu người nào muốn bố thí cúng dường, thì nên cúng dường cho Sa-môn Thích tử; nếu muốn tạo phước, thì nên đến Sa-môn Thích tử tạo phước’.
Lúc ấy các Sa-môn ngoại đạo nghe xuất gia nữ ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu khen ngợi Sa-môn họ Thích, bèn khởi tâm tật đố hại bà ấy. Nữ ngoại đạo ấy bị họ hại chết, được sanh lên cõi trời Đâu-suất, nhờ sanh lòng tin đối với Tôn giả Xá-lợi-phất.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 500)
Đọc kinh rồi suy ngẫm, thấy việc cúng sao ở các chùa vào mỗi dịp đầu năm là điều rất đáng bàn. Phải chăng, mỗi năm mỗi người điều có liên quan, bị ‘chiếu mạng’ bởi một vì sao nào đó ở tận trên trời? Thành ra người cúng sao tin tưởng mình được chư vị tinh quân che chở, gia hộ. Người chưa hiểu Chánh pháp tin theo tập tục thì đã đành. Lạ là Phật tử đi chùa lâu năm cũng nặng về cầu cúng thánh thần tinh tú.
Đáng nói là những loại hình cầu cúng như trên lại được một số chư Tăng và nhà chùa thực hiện. Ở một số chùa, người tham dự cúng sao đông đến độ ‘tắc cả đường’. Có ai đặt ra vấn đề, vì đâu mà những vị trụ trì (không ít vị đang tham gia ngành Hoằng pháp và Giáo dục của Giáo hội), chư Tăng Ni lại tiến hành một nghi thức cầu cúng vốn không có trong giáo điển Phật giáo?