Tại sao ăn chay niệm Phật mà vẫn gặp tai ương?



Câu chuyện kể rằng vào một ngày nọ, vị sư trụ trì nhận được bức thư của người cư sĩ gửi đến. Nội dung bức thư của người cư sĩ này như sau:

“Kính gửi thầy! Con có một vấn đề muốn hỏi thầy, rất mong được thầy khai sáng! Đệ tử là người ăn chay niệm Phật đã nhiều năm. Trong kinh Phật có nói rằng: Người thành kính tin Phật sẽ được chư Phật trong mười phương ba đời hộ niệm, các vị Thiên Long Bát Bộ, Đại Lực Thần Vương thường theo hộ trì, nghiệp ác đời trước dần dần tiêu trừ theo thời gian, dù có oan gia đối đầu cũng không thể làm hại đến tính mạng. Con tin tưởng rằng những điều này quyết không phải là nói một cách vô căn cứ.

Thế nhưng mà, vào giữa tháng 3 năm nay, con có nhận được một tin buồn từ người thân ở phương xa báo đến. Người chết là một Phật tử vô cùng thành kính Phật. Bà ấy ăn chay đã hơn 20 năm, thường xuyên đọc các loại kinh sách. Thường ngày, bà ấy rất hay khuyên bảo mọi người tin vào Phật, lòng dạ rất từ bi, thường làm việc thiện giúp đỡ mọi người. 

Không ngờ một hôm đang đi trên đường để đem đồ ăn chay cho một vị sư huynh, bà bị xe cán chết. Lúc ấy vì không có ai nhìn, nên nhân viên tuần phòng chở đi, đến ba ngày sau con cháu hay được mới xin đem về chôn cất.

Con nghe được tin này, trong lòng cảm thấy vô cùng kinh ngạc và sợ hãi, thậm chí đến bây giờ còn nghi hoặc, không có cách nào lý giải, trong lòng cảm thấy rất bất an.

Cho nên, con rất mong ngài hãy nói cho con biết tại sao lại có việc như vậy xảy ra và kết cuộc, bà có được vãng sinh về Tây phương hay chăng".


Vị sư trụ trì sau khi nhận được thư của người cư sĩ này, đã gửi một bức thư trả lời có nội dung như sau:

"Tiếp được thơ, biết ngươi đối với đạo lý Phật pháp còn chưa hiểu rõ. Chúng ta từ vô thỉ đến nay, đã tạo nghiệp ác vô lượng vô biên! Kinh Hoa Nghiêm nói: Nếu như ác nghiệp mà chúng ta gây ra có hình dạng hoặc thể tích thì cho dù có một không gian lớn như không gian bao trùm mười phương cũng không chứa nổi. Nhưng, chúng ta cũng biết rằng, một người nếu thành tâm tu luyện thì có thể chuyển nghiệp. Người đó có thể chuyển quả báo nghiêm trọng mà kiếp sau phải chịu thành quả báo rất nhỏ phải chịu trong kiếp này. Người phàm phu mắt thịt như chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những sự tình tốt xấu trong kiếp này, không thể thấy rõ nhân quả kiếp trước cũng như đời sau.

Chúng ta có thể khẳng định rằng: Làm việc ác nhất định sẽ phải chịu ác báo, làm việc thiện nhất định được thiện báo. Nếu như người đời này làm việc thiện mà lại bị ác báo thì là do ác báo nghiêm trọng của kiếp trước gây ra, thiện báo của kiếp này chưa đủ đề tiêu trừ đi, chứ không phải chỉ tính riêng đời này mà thôi.

Mọi người nhìn thấy, bà lão ấy một đời hành thiện mà lại phải chịu quả báo như vậy, trong tâm liền cho rằng làm việc thiện không được thiện báo. Vì có cách nghĩ sai lầm này, cho nên mọi người mới thấy hoảng sợ và hoài nghi. Nếu đã học Phật Pháp mà lại có cách nhìn như vậy thì cũng giống với người không học theo Phật Pháp”.

Trong cuộc đời mỗi người, nghiệp lực mà mình gây ra có thể nói là trùng trùng điệp điệp, nghiệp này nối tiếp nghiệp kia. Việc thiện hôm nay chúng ta làm có thể còn chư3a phát sinh thiện báo nhưng nghiệp mà trước kia chúng ta gây ra thì đã đến lúc phải hoàn trả rồi nên sẽ lập tức sinh ra quả báo.

Người hiểu rõ đạo lý này, cho dù gặp bất kể việc gì đều cũng không hoài nghi về nhân quả hay hoài nghi Phật Pháp”.


Trước đây ở Ấn Độ có một vị giới hiền luận sư, đức cao một thời. Nhưng bởi vì kiếp trước ông tạo quá nhiều ác nghiệp nên ông bị rất nhiều bệnh nặng. Ông vô cùng đau khổ đến mức không thể chịu đựng được, nên ông muốn tự sát. May mắn ông gặp được Quan thế Âm Bồ Tát khuyên ông: “Ngươi trước kia từng nhiều đời làm quốc vương, nhưng làm hại chúng sinh, đáng lẽ phải rơi vào ác đạo lâu dài. Nhưng bởi vì ngươi một lòng theo Phật, cho nên mượn một chút thống khổ của nhân gian (bệnh tật) mà tiêu diệt đại khổ lâu dài trong địa ngục. Ngươi nên nhẫn nại mới phải!”.

Người không rõ nhân duyên kiếp trước, đều sẽ nói rằng vị giới hiền luận sư này không phải là cao tăng chân chính nên mới bị bệnh nghiêm trọng như vậy. Hoặc có người sẽ nói: “Nhìn xem, một người tu hành như vậy mà cũng mắc trọng bệnh, Phật Pháp còn có gì là linh nghiệm hay lợi ích đây?”. Người không có thiện căn sẽ vì điều này mà rời xa tâm tín Phật hay là hoài nghi về nhân quả báo ứng.

Quả thật, đây đều là do nhân duyên kiếp trước tạo thành. Người đời này làm việc thiện, có thể đem hậu quả nghiêm trọng của kiếp trước biến thành quả báo rất nhỏ phải chịu trong kiếp này. Người làm chút việc ác ở kiếp này cũng sẽ có thể tích tụ lại mà chuyển thành quả báo nghiêm trọng phải chịu ở kiếp sau, đó là nguyên nhân khiến họ phải chịu khổ sở, chia lìa, bệnh tật, tai ương... Nên biết đó chẳng qua là sự chuyển biến của những lớp tiền nhân hậu quả phức tạp không đồng, để đổi quả nặng đời sau làm quả nhẹ hiện tại, hay chuyển quả nhẹ hiện tại thành quả nặng đời sau mà thôi.

Mong rằng, mọi người đọc xong sẽ có chỗ minh bạch về việc tại sao một người ăn chay niệm Phật mà vẫn gặp tai ương. Nếu con người sớm thức tỉnh mà thành tâm tín Phật, sống đúng theo luật Nhân quả, tốt đời, đẹp đại thì chắc chắn họ sẽ tích đủ đức để giải trừ nợ nần kiếp trước, được Đức Phật bảo hộ.


Nguồn: Phatgiao.org