Làm thân Phật chảy máu
Đức Phật dạy, có năm cực trọng tội (ngũ nghịch tội) là năm tội nặng nhất mà người phạm phải sẽ bị đọa vào địa ngục Ngũ vô gián. Năm trọng tội đó là giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, làm thân Phật chảy máu và chia rẽ Tăng-già. Trong bài viết này xin được nói về việc làm thân Phật chảy máu.
Làm thân Phật chảy máu nghĩa là có hành vi làm cho làm cho thân tứ đại của Đức Phật bị tổn thương, cụ thể là gây chảy máu trên những bộ phận của cơ thể. Việc làm thân Phật chảy máu xuất phát từ câu chuyện Đề-bà-đạt-đa lăn đá hại Phật. Tảng đá lăn xuống nhưng không trúng Đức Phật mà chỉ có một miếng đá nhỏ văng ra trúng ngón chân Ngài làm chảy máu. Đức Phật nói:
- Ông muốn hại Như Lai, đây là tội ngũ nghịch.
Trong thời kỳ không có Phật thì việc cố tình đập phá, hủy hoại hình tượng, tranh ảnh của chư Phật với mục đích hủy báng, tiêu diệt Phật pháp cũng có tội tương đồng với việc làm thân Phật chảy máu, phạm tội ngũ nghịch. Tuy nhiên, khái niệm làm thân Phật chảy máu không chỉ ở phạm vi vật chất như trên mà còn ở khía cạnh tinh thần nữa. Ví dụ như có người nói rằng “trái tim tôi bị rỉ máu”. Điều đó không có nghĩa rằng họ bị bệnh tim mà là họ cảm thấy bị tổn thương tột độ vì một nguyên nhân nào đó, như bị sỉ nhục hay bị phản bội chẳng hạn. Cho nên không phải chỉ có hại nhục thân Phật hay hủy phá tượng Phật mới gọi là làm thân Phật chảy máu, mà những hành vi, việc làm gây tổn hại đến danh tiếng của Phật pháp nói chung đều có thể bị coi là làm thân Phật chảy máu. Mà làm thân Phật chảy máu ở khía cạnh tinh thần này, tôi cho rằng, tội còn nặng hơn cả xúc phạm đến nhục thân của Phật hay đập phá tượng Phật nữa. Vì sao? Vì Giáo pháp tức là Pháp thân của Phật, còn thân tứ đại chỉ là nhục thân của Phật, thuộc về Ứng hóa thân, chỉ tồn tại trong một thời gian hữu hạn so với Pháp thân. Cho nên xúc phạm đến Pháp thân tội phải nặng hơn nhục thân. Hơn nữa bản thân Đức Phật không hề xem trọng nhục thân tứ đại của Ngài, ngược lại Ngài còn cho đó là huyễn hóa và khuyên đệ tử không nên chấp lầm giả thân với Pháp thân chân thật của Như Lai, như trong kinh Kim cang đã diễn tả, rằng “Không nên tìm Ta qua sắc tướng hay âm thanh. Ai tìm Ta qua sắc tướng và âm thanh là một việc làm sai lầm và chắc chắn sẽ không bao giờ thấy được Ta”. Điều mà Đức Phật mong mỏi ở hàng đệ tử không phải là muốn họ kính trọng, tôn sùng hay cúng dường Ngài với đủ thứ những đồ quý giá mà Ngài chỉ muốn hàng đệ tử ghi nhớ những lời Ngài dạy và tu hành theo những lời dạy đó một cách chân thật. Còn nhớ, khi Đức Phật sắp vào Vô dư Niết-bàn, chư thiên đã rải vô số hoa trời và trổi vô số thiên nhạc để cúng dường nhưng Đức Phật nói rằng hành trì đúng Chánh pháp mới là sự cúng dường tối thượng, như đã được ghi trong kinh Đại Bát Niết-bàn (Trường bộ kinh) như sau:
“Cây sa-la song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên-đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai.
Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng”.
Từ những ý nghĩa trên, chúng ta cần nên xem xét lại những việc làm mà ta gọi là “Phật sự” của chúng ta hiện nay có phải là cúng dường Phật một cách chân thật không, hay là đang làm thân Phật chảy máu? Chúng ta xây những ngôi chùa thật to, thật đẹp, đắp những tượng Phật đạt kỷ lục Guinness, mở đại giới đàn với hàng trăm thậm chí hàng ngàn giới tử, tổ chức đại hội, đại lễ… Hình như ngày nay Phật giáo chúng ta hễ không làm thì thôi, mà đã làm thì phải “đại”, cái sau phải “đại” hơn cái trước, tỉnh này phải “đại” hơn tỉnh kia. Nếu như những cái “đại” này thể hiện lòng tôn kính của chúng ta đối với Chánh pháp, là lời cám ơn vì Phật pháp đã đem lại cho ta và nhiều người khác sự an lành, lợi lạc giữa cuộc đời này, là cách để tuyên truyền đạo từ bi và ánh sáng trí tuệ của Đức Phật… thì là ta đang cúng dường Đức Phật. Bằng ngược lại, những cái “đại” đó là nguồn gốc của tranh chấp, là nơi để người ta thể hiện cái “tôi” và là nơi để tranh danh đoạt lợi… thì ta đang làm thân Phật chảy máu rồi đó. Phật không cần ở trong cung vàng điện ngọc hay lầu son gác tía nên ta cũng không cần phải xây chùa to và tạc tượng của Ngài cho lớn để mà thờ. Cái Phật cần là tứ chúng đồng tu, là Tăng đoàn hòa hợp với nhau như nước với sữa. Phật không cần đệ tử của Ngài làm đại biểu quốc hội hay chủ tịch, trưởng ban… mà Ngài cần huynh đệ phải thân tương ái với nhau theo tinh thần Lục hòa, yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Chính Đức Phật đã đích thân chăm sóc một Tỷ-kheo bị bệnh và sau đó tuyên bố với những Tỷ-kheo khác rằng: “Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh”. Thậm chí Ngài đã đưa việc chăm sóc người bệnh làm thành Giới luật:
“Này các Tỷ-kheo!... Từ nay về sau, nếu Tỷ-kheo bệnh thì Hòa thượng bổn sư phải săn sóc. Nếu không có Hòa thượng bổn sư thì các Hòa thượng khác phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu có thầy Giáo thọ thì thầy Giáo thọ phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu có người cùng phòng thì người cùng phòng phải săn sóc. Nếu không có người cùng phòng thì người ở phòng bên cạnh phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu như người ở phòng bên cạnh cũng không có thì Tăng phải sai người chăm sóc. Tùy theo người bệnh cần bao nhiêu người thì phải sai bấy nhiêu người lo việc nuôi bệnh. Nếu như không săn sóc thì tất cả chúng Tăng đều phạm tội Việt-tì-ni” (Ma-ha Tăng-kỳ luật, quyển 28, tập 22, tr.455b).
Sở dĩ dông dài và dẫn chứng nhiều Kinh, Luật như vậy là muốn nói rằng chúng ta nên hiểu thật rõ ràng cái nào là Phật sự và cái nào chỉ nhân danh Phật sự. Có lẽ ai cũng cung kính Đức Phật, yêu thương Đức Phật, nhưng cung kính như thế nào, yêu thương như thế nào cho đúng mới là điều quan trọng. Chứ nếu chỉ tán dương, bái lạy nhưng lại làm những việc khiến cho Phật pháp bị mang tiếng, bị chê cười, bị phỉ báng… thì sao gọi là cung kính cho được?
Thật ra, bất cứ ai có tấm lòng yêu mến đạo pháp thì đều cảm thấy đau lòng khi thấy Phật pháp bị mang tai tiếng. Chỉ có những người không phải là người tu, chỉ mượn đạo tạo đời để vinh thân phì da thì mới có thể bàng quan vô cảm với nỗi đau chung của những người con Phật chân chính. Tại sao Tôn giả Ca-diếp triệu tập 500 vị A-la-hán để kiết tập kinh điển lần thứ nhất? Vì ngài muốn bảo vệ giáo pháp và giới luật của Phật được lưu truyền chánh thống sau khi nghe được câu nói phóng dật và vô cảm của một vị Tăng khi Đức Từ phụ viên tịch chưa bao lâu, rằng: “Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do; ngày nay Đức Thế Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không bị giới luật ràng buộc”. Rồi ngài Da-xá triệu tập 700 vị Tăng để chỉnh đốn 10 điều luật mới của các Tỷ-kheo ở Tỳ-xá-ly là phi pháp. Trong Sa-di luật giải có thuật chuyện “Xưa có một vị cao tăng nghe phòng bên sau ngọ nổi lửa (nấu ăn), bất giác rơi lệ, thương cho Phật pháp suy tàn”. Những việc như thế so với ngày nay thì có lẽ chúng chỉ nhỏ bằng con kiến, thế nhưng người xưa còn lo sợ cho Chánh pháp điêu tàn nên tận tâm bảo vệ. Và hãy nhìn lại một số việc mà chúng ta đang làm ngày nay… Thử hỏi có ai ngồi đó khóc thương cho Phật pháp ngả nghiêng?
Người viết bài này cũng chỉ là một phàm phu với đầy phiền não. Trước vị ngọt của ngũ dục, lục trần vẫn chưa được tự tại, nhưng vì không muốn làm thân Phật chảy máu nên nhiều khi đành phải cắn răng chịu đựng chứ không phải hay ho gì. Chỉ mong sao những người con Phật chúng ta làm gì thì cũng nên nghĩ đến thanh danh của Phật pháp một chút, đừng làm mất lòng tin của hàng Phật tử đối với Tam bảo và đừng để cho Phật giáo nói chung trở thành đề tài bàn tán của thế nhân.