Lắng nghe lời phật dạy cách ứng xử khi bị kẻ khác sỉ nhục để không mất phúc đức


Câu chuyện của vị đại danh thần nhà Tống – Phú Bật 

Theo sử sách ghi chép lại, đại danh thần triều nhà Tống – Phú Bật là người rất độ lượng. Khi còn trẻ, từng có người nhục mạ ông nhiều lần nhưng ông đều làm ngơ, chỉ chuyên tâm làm tốt việc của mình, giống như không nghe thấy gì hết.

 

Một lần, Phú Bật gặp một người nổi tiếng là hung hãn, lỗ mãng. Người này vô duyên vô cớ đến nhục mạ, mắng nhiếc, chửi đổng Phú Bật, khiến ai nghe thấy cũng đều khó chịu.

Lúc ấy, người ngồi bên cạnh Phú Bật nói: “Hắn đang chửi ngài đấy!”

Phú Bật thản nhiên cười nói: “Tôi e là hắn đang mắng người khác đấy chứ!”

Người bên cạnh lại nói tiếp: “Hắn chửi tên của ngài đấy!”

Phú Bật vẫn không biểu lộ vẻ gì bất bình, nói: “Trên đời này, người trùng tên, trùng họ có rất nhiều. Cho nên, hắn chửi Phú Bật nhưng chưa chắc đã là ta!”

Người lỗ mãng kia sau khi nghe thấy Phú Bật nói với vẻ “không quan tâm” như vậy thì tự nhiên cảm thấy vô cùng xấu hổ, cho nên tự động rút lui và không nhục mạ Phú Bật nữa.

Nếu như Phú Bật lúc ấy mà đối chọi lại, “hắn chửi ta một câu, ta đáp trả một câu” thì mâu thuẫn sẽ tăng lên trầm trọng, nguy kịch hơn. Nhưng ông lại dùng tâm thái thản nhiên, xem nhẹ, nhường nhịn đi đối đãi nên đã khiến lửa giận trong lòng đối phương tự nhiên tiêu tan, nghiệt duyên được thiện giải.”

Một người khi bị sỉ nhục mà có thể dùng tâm thái thản nhiên, không để tâm, ung dung mà đối đãi thì đã có phong độ của bậc trí giả, bậc đại trí huệ. Để có thể đạt được đến cảnh giới này, phải là người thực sự tu dưỡng mới làm vậy được.

Đó là sự nhẫn nhục của tâm ý, trong lòng người nhẫn nhục trước nghịch cảnh của bản thân không có ý nghĩ than trời trách đất về sự nóng lạnh bệnh tật, không than thân trách phận về sự thiếu thốn. Người nhẫn nhục trước cảnh bị hành hạ xác thân hay bị vu oán giá họa, nhục mạ đủ điều, cũng đều nhẫn cả. Chỉ giải thích một cách chân thật, không hề có ý nghĩ tức giận, trong lòng không nổi lên oán hận căm hờn sẽ trả thù sau này v.v…

Thật đơn giản để nhận ra rằng, khi bị sỉ nhục và bạn cảm thấy phẫn nộ, cảm thấy khó chịu, điều đó có nghĩa là trong lời sỉ nhục đó có một phần sự thật, hoặc là trong vô thức, bạn tin rằng điều đó là thật.

Do đó, hãy trung thực với bản thân nhìn nhận rằng đó có phải sự thật không? Nếu là sự thật, hãy cảm ơn họ. Còn nếu không phải sự thật, hãy đối mặt với một nụ cười duyên dáng và trả lời họ với một lời nói êm đềm, bạn sẽ là người khôn ngoan.