Ba viên ngọc quý


Ảnh: Pxhere

Nhiều người trong chúng ta đang lo lắng cho tình trạng của thế giới hiện nay. Không biết lúc nào những quả bom sẽ nổ. Đôi khi ta có cảm giác như nhân loại đang ở bên bờ vực thẳm và ta không biết phải làm gì. Chúng ta thấy bất lực và tuyệt vọng. Những hiểm họa, những bất công xã hội đang lan tràn khắp nơi và mối nguy hại càng ngày càng tiến đến gần mình. Trong tình trạng như thế, nếu sợ hãi, chúng ta sẽ không làm được gì cả, chỉ làm cho mọi thứ càng tệ hại thêm thôi. Chúng ta phải bình tĩnh để nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng, sáng suốt. Thiền tập là ý thức được những tình trạng đang xảy ra và tìm cách cứu chữa cho những tình trạng đó.

Tôi thích dùng hình ảnh chiếc thuyền nhỏ đang băng qua vịnh Thái Lan. Thường những lúc biển động hay có bão lớn, người ta rất sợ hãi vì thuyền có thể bị sóng gió đập tan tành và bị chìm bất cứ lúc nào. Nhưng nếu trên thuyền có một người giữ được bình tĩnh, sáng suốt, biết được những gì nên làm và những gì không nên làm thì người đó có thể cứu được cho cả thuyền sống sót. Khuôn mặt của người ấy, lời nói của người ấy, cử chỉ của người ấy truyền được cho những người khác sự an bình, trầm tĩnh và sáng suốt. Mọi người nhìn vào có thể đặt niềm tin vào người ấy, lắng nghe người ấy. Một người như thế có thể cứu được không biết bao nhiêu là mạng sống.

Thế giới chúng ta cũng giống như một chiếc thuyền. So với vũ trụ thì hành tinh mà chúng ta đang sống là một chiếc thuyền nhỏ. Chúng ta sợ hãi vì tình trạng của chúng ta có vẻ không khá hơn tình trạng của chiếc thuyền trên biển bao nhiêu. Chúng ta biết rằng chúng ta có hơn 50.000[1] vũ khí hạt nhân. Và với 50.000 vũ khí hạt nhân đó loài người đã trở nên rất nguy hiểm. Chúng ta cần những người ngồi yên và có khả năng mỉm cười, có khả năng bước được những bước chân bình an, thanh thản. Chúng ta cần những người như thế để cứu chúng ta. Đạo Bụt Đại thừa nói rằng các bạn chính là người đó, mỗi người trong các bạn là người đó.

Tôi có một người học trò tên là Thích Thanh Văn, đi tu lúc sáu tuổi. Lúc 17 tuổi thì bắt đầu học với tôi. Sau đó làm hiệu trưởng trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Thầy đã hướng dẫn hàng ngàn người trẻ làm việc trong cuộc chiến tranh Việt Nam, xây dựng lại những ngôi làng đã bị tàn phá bởi bom đạn, đưa hàng vạn người tị nạn ra khỏi vùng chiến tranh. Thầy rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất can đảm. Thầy đã qua đời trong một tai nạn. Lúc đó tôi đang ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, thì nghe tin thầy mất.

Lúc thầy còn là chú tiểu sáu, bảy tuổi, thấy mọi người đem bánh, chuối tới chùa cúng Bụt, thầy muốn biết Bụt ăn chuối như thế nào nên đợi mọi người về hết, chánh điện đóng cửa, thầy rình xem Bụt ăn chuối như thế nào. Thầy chăm chú nhìn vào khe cửa, đợi Bụt với tay ra bẻ chuối, bóc vỏ ăn. Thầy đợi hoài nhưng không thấy gì cả. Thầy nghĩ có lẽ Bụt biết có ai đó đang theo dõi mình nên Ngài không ăn.

Khi khám phá ra tượng Bụt không phải là Bụt, thầy bắt đầu đặt câu hỏi: “Bụt ở đâu?” Bởi vì đối với thầy thì Bụt không có ở đây, Bụt không sống giữa loài người này. Và thầy kết luận rằng Bụt không dễ thương lắm vì khi thành Bụt rồi thì Bụt lại bỏ chúng ta để đi đến một nơi khác rất xa xôi. Tôi nói với thầy rằng Bụt là chúng ta, được làm bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng đồng, bằng vàng hay bằng bạc. Tượng Bụt chỉ là biểu tượng của Bụt, cũng giống như lá cờ Mỹ chỉ là biểu tượng của nước Mỹ. Lá cờ Mỹ không phải là nước Mỹ, không phải là người Mỹ, không phải là dân tộc Mỹ.

Gốc của từ Bụt (Buddha) có nghĩa là tỉnh thức, hiểu biết. Những ai có tỉnh thức, hiểu biết thì được gọi là Bụt. Đơn giản vậy thôi. Khả năng tỉnh thức, hiểu biết, thương yêu gọi là Phật tánh. Khi người Phật tử nói: “Con về nương tựa Bụt” là người ấy bày tỏ niềm tin vào khả năng hiểu biết, tỉnh thức trong chính họ. Người Trung Quốc và Việt Nam nói: “Về nương Bụt trong con”. ‘Trong con’ chỉ cho thấy rõ rằng chính mình là Bụt. Trong đạo Bụt có ba viên ngọc quý. Đó là Bụt, Pháp và Tăng. Bụt là người tỉnh thức. Pháp là con đường tỉnh thức, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Tăng là đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Bụt, Pháp, Tăng liên quan mật thiết với nhau, đôi khi khó phân biệt được cái nào với cái nào. Trong mỗi người đều có khả năng tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu. Vì vậy trong mỗi chúng ta đều có Bụt, Pháp và Tăng. Tôi sẽ giải thích thêm về Pháp và Tăng sau. Trước tiên tôi xin giải thích về Bụt, người có khả năng hiểu biết và thương yêu cao nhất. Tiếng Sanskrit, hiểu là prajna (bát nhã), thương là maitri (từ) và karuna (bi).

Hiểu và thương không phải là hai thứ khác nhau mà là một. Giả sử một buổi sáng nào đó đứa con trai mình thức dậy, thấy sắp trễ giờ đi học, nó nghĩ nên đánh thức đứa em gái dậy để còn kịp giờ ăn sáng trước khi đi học. Vậy mà, đứa em gái, thay vì nói: “Cám ơn anh đã đánh thức em dậy” thì lại nổi cáu: “Im đi, để yên cho em ngủ”,  rồi đá anh một cái. Người anh có thể giận dữ nghĩ rằng: “Mình đã thức nó nhẹ nhàng, dễ thương. Tại sao nó lại đá mình?” Người anh chạy xuống bếp mách ba nó, hay đá lại đứa em gái một cái. Nhưng rồi nó nhớ lại tối hôm qua em mình ho nhiều, chắc là nó bị bệnh. Có thể em mình bị cảm lạnh nên đã hành xử như thế và nó không còn giận đứa em nữa. Giây phút đó nó là Bụt. Nó hiểu và tỉnh thức. Khi hiểu rồi, các bạn không thể nào làm khác được mà chỉ có thương yêu thôi. Các bạn không thể giận được. Để nuôi lớn sự hiểu biết, chúng ta phải nhìn cuộc đời bằng ánh mắt thương yêu. Hiểu được thì thương được. Và khi thương được thì các bạn sẽ làm cho người kia vơi đi nỗi khổ một cách rất tự nhiên.

Những ai có tỉnh thức, có hiểu biết, thương yêu thì được gọi là Bụt. Bụt ở trong mỗi chúng ta. Chúng ta cũng có khả năng tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu. Tôi thường nói với các em nhỏ rằng nếu hôm nay mẹ hay ba con hành xử dễ thương, có hiểu biết, thương yêu, chăm sóc gia đình chu đáo và mỉm cười tươi vui như một đóa hoa thì các con nên nói: “Mẹ, hôm nay mẹ là Bụt”, “Ba, hôm nay ba là Bụt”.

Cách đây 2.500 năm có một người đã tu tập, đã đạt đến sự hiểu biết và thương yêu toàn vẹn mà mọi người trên thế giới  ai  cũng  biết đến và công nhận, đó là Siddhartha. Khi còn trẻ, Siddhartha đã cảm nhận được rằng cuộc sống này đầy rẫy khổ đau, con người không thương nhau đủ, không hiểu nhau đủ. Vì vậy mà Ngài rời cung điện vào rừng thiền định, thực tập hơi thở và nụ cười. Ngài trở thành một vị khất sĩ, tu tập làm phát khởi khả năng tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu đến mức cao nhất. Ngài thực tập cùng với năm anh em đồng tu khác trong vài năm, thực tập khổ hạnh rất tinh tấn, mỗi ngày chỉ ăn một miếng trái cây, một miếng xoài, một miếng ổi hay một miếng khế. Có khi người ta phóng đại lên nói là Siddhartha ăn mỗi ngày một hạt mè. Nhưng khi đến khu rừng ở Ấn Độ nơi mà ngày xưa Bụt tu tập, tôi không thấy hạt mè nào cả. Ở đó người ta không trồng mè. Chỉ thấy dòng sông Anoma ngày xưa Bụt tắm, thấy cội bồ đề nơi Ngài chứng đạo, nhưng cội bồ đề này không phải là cội bồ đề ngày xưa Bụt ngồi mà là cội bồ đề cháu mấy đời của cội bồ đề trước.

Một ngày nọ đức Bụt kiệt sức không thể tiếp tục tu tập được nữa. Ngài là một chàng trai thông minh, vì vậy Ngài quyết định đi vào làng khất thực. Nhưng đi được bốn, năm bước thì Ngài té xỉu và bất tỉnh vì quá đói. Khi đó có một cô gái mang sữa vào làng thấy Ngài bèn đến gần. Cô bé thấy Ngài vẫn còn sống, vẫn còn thở nhưng quá yếu nên lấy bát rót sữa, đưa vào miệng Ngài. Ban đầu Siddhartha không phản ứng gì cả nhưng sau đó môi Ngài mấp máy và bắt đầu uống sữa. Ngài uống hết bát sữa và thấy trong người khỏe hơn, rồi từ từ ngồi dậy được. Vì Bụt rất đẹp nên cô bé đưa sữa nghĩ rằng có lẽ Ngài là Thần Núi (god of mountain). Cô quỳ xuống chuẩn bị cầu nguyện thì Ngài đưa tay ra hiệu cho cô đừng làm thế và nói với cô… Bạn có hình dung ra Bụt nói gì với cô bé không?

Bụt nói: “Cho ta một ly sữa nữa”. Bởi vì Ngài thấy sữa làm nên điều kỳ diệu. Ngài thấy rằng một khi thân thể khỏe mạnh thì mình mới có thể thiền định thành công được. Sau đó cô bé hỏi thăm Ngài và được Ngài cho biết Ngài là một vị đạo sĩ đang tu tập thiền định nhằm đạt đến sự hiểu biết, thương yêu lớn để có thể giúp đỡ người khác. Cô bé hỏi cô có thể giúp được gì cho Ngài không thì Siddhartha trả lời: “Mỗi ngày đúng vào giờ ngọ, con có thể cho ta một chén cơm được không? Điều đó sẽ giúp ta rất nhiều”. Từ đó trở đi, ngày nào cô bé cũng mang cho Ngài một ít cơm gói trong lá chuối, và thỉnh thoảng cô cũng mang theo một ít sữa.

Năm anh em Kiều Trần Như cùng tu với Ngài trước đây biết vậy nên rất xem thường Ngài, nghĩ Ngài không xứng đáng. Họ nói với nhau rằng: “Chúng ta hãy đi nơi khác để tu hành. Ông ta đã uống sữa, ăn cơm, ông ta đã bỏ cuộc, không kiên trì, nhẫn nại.” Thực tế thì Ngài tu tập rất tinh chuyên. Ngày này qua ngày khác, Ngài tham thiền, nhập định liên tục nên tuệ giác, hiểu biết, thương yêu phát triển không ngừng, nhanh như cách Ngài phục hồi lại sức khỏe vậy.

Một hôm, sau khi tắm ở sông Anoma, Ngài có cảm tưởng là chỉ cần ngồi thiền thêm một lần nữa thôi là Ngài có thể chứng đạo và trở thành một bậc giải thoát giác ngộ hoàn toàn. Khi Ngài sắp ngồi xuống, lúc này Ngài vẫn còn đi thiền hành, thì có một cậu bé chăn trâu đi tới. Ở Ấn Độ, cách đây 2.500 năm người ta dùng trâu để kéo cày. Và công việc của cậu bé chăn trâu là canh chừng trâu, tắm cho trâu, chăm sóc trâu và cắt cỏ cho trâu ăn.

Khi cậu bé chăn trâu đến gần, thấy Siddhartha bước đi rất an nhiên thanh thản, cậu mến Ngài ngay. Cậu muốn nói chuyện với Siddhartha nhưng mắc cỡ. Vì vậy cậu đến gần Siddhartha ba, bốn lần rồi mới nói được: “Chú ơi, cháu rất mến chú.” Có nhiều khi ta thấy một ai đó, ta mến ngay người đó dù ta không biết người đó là ai và cũng không hiểu tại sao. Siddhartha nhìn cậu bé rồi nói: “Ta cũng mến con”. Câu trả lời của Siddhartha khích lệ cậu bé rất nhiều, vì thế cậu bé nói tiếp: “Cháu muốn tặng chú một cái gì đó nhưng cháu không có gì để tặng cả.” Siddhartha trả lời: “Con có cái mà ta rất cần. Con có cỏ xanh rất đẹp mà con vừa mới cắt. Nếu được con có thể cho ta mớ cỏ đó.” Cậu bé rất hạnh phúc là mình có thể cho Siddhartha một cái gì đó. Siddhartha cám ơn cậu bé. Sau khi cậu bé đi rồi Ngài trải mớ cỏ ra làm tọa cụ để ngồi.

Khi ngồi xuống, Ngài phát một lời nguyện rất dũng mãnh: “Nếu không chứng ngộ, ta sẽ không rời khỏi nơi này.” Với quyết tâm dũng liệt phi thường, Ngài nhập định suốt đêm và khi sao mai vừa mọc thì Ngài đạt ngộ, trở thành một vị Bụt, một bậc giác ngộ hoàn toàn, đạt đến khả năng hiểu biết và thương yêu cao nhất.

Bụt ở lại đó hai tuần, sống trọn vẹn với chính mình, thưởng thức hơi thở, bước chân, nụ cười, có mặt cho chính mình cũng như với thế giới chung quanh. Mỗi ngày cô bé vẫn mang sữa đến cho Ngài và cậu bé chăn trâu vẫn đến thăm Ngài. Ngài dạy cho hai đứa trẻ về pháp môn tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu. Trong Tạng Pali có kinh Chăn Trâu, nói về 11 kỹ thuật mà một cậu bé chăn trâu phải có, như: nhận diện trâu, hun khói đuổi muỗi cho trâu, chăm sóc vết thương trên mình trâu, giúp trâu qua sông, tìm nơi có đủ nước và cỏ cho trâu ăn v.v… Sau khi liệt kê 11 kỹ thuật chăn trâu, đức Bụt nói với quý thầy, thiền tập cũng giống như vậy, và Ngài liệt kê ra 11 kỹ năng tương đương, như nhận diện năm uẩn của con người, đem đạo lý giải thoát giảng dạy cho những người chung quanh để họ tránh được những khổ đau dằn vặt trong thân tâm, tránh những con đường đưa tới sắc dục danh lợi, biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của những bậc đi trước, biết quý trọng những niềm an vui do thiền tập đưa tới, biết nương vào diệu lý bốn sự thật để biết đến bến bờ giải thoát, biết rằng bốn lãnh vực quán niệm là mảnh đất tốt nhất để làm phát sinh giải thoát v.v… Hầu hết những câu chuyện nói về cuộc đời của đức Bụt đều bỏ sót sự kiện hai tuần Ngài ở lại dưới cội bồ đề sau khi thành đạo, gặp gỡ, dạy dỗ cho cô bé đưa sữa và cậu bé chăn trâu, đi thiền hành và chơi với nhau. Tôi tin chắc là điều này đã xảy ra. Nếu không tại sao Bụt có thể nói Kinh Chăn Trâu? Sự thật là khi cậu bé chăn trâu lớn lên, đã trở thành đệ tử của Bụt.

Hai tuần sau, Ngài thấy mình cần phải rời khỏi cội bồ đề để đi chia sẻ phương pháp hiểu biết và thương yêu cho mọi người nên Ngài nói với cô bé đưa sữa và cậu bé chăn trâu rằng: “Rất tiếc là bây giờ ta phải rời khỏi nơi đây. Chúng ta đã sống với nhau những ngày rất hạnh phúc, nhưng ta phải đi để tiếp xúc và chia sẻ con đường ta đã khám phá ra với mọi người.” Ngài suy nghĩ xem ai là người mà Ngài có thể chia sẻ được sự hiểu biết và thương yêu này. Ngài nghĩ ngay đến năm người bạn đồng tu mà Ngài đã thực tập chung trước đây. Ngài đi cả ngày để tìm năm người này. Khi Ngài đến nơi năm anh em ở thì họ vừa mới ngồi thiền xong. Họ ngồi nhiều lắm. Bây giờ họ rất gầy. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng được họ gầy gò cỡ nào. Một trong số họ thấy Bụt đi đến liền nói với những vị khác: “Nếu ông ta đến thì đừng đứng dậy, đừng ra cổng đón tiếp ông ta. Đừng đi lấy nước cho ông ta rửa chân tay. Bởi vì ông ta đã bỏ cuộc, ông ta đã ăn cơm, uống sữa, ông ta không kiên trì bền chí.” Thế nhưng khi Bụt đến thì phong thái an nhiên và tĩnh lặng của Ngài đã gây ấn tượng rất lớn đến nỗi họ không thể không đi lấy nước cho Ngài rửa chân và lấy ghế cho Ngài ngồi. Bụt nói với họ: “Này các bạn, tôi đã tìm ra con đường giải thoát, con đường của hiểu biết và thương yêu. Hãy ngồi xuống đi, tôi sẽ chia sẻ những gì tôi đã tìm được cho các bạn.”

Ban đầu họ không tin. Họ nói: “Siddhartha, trước đây khi thực tập với chúng tôi Ngài đã bỏ cuộc. Ngài đã ăn cơm và uống sữa. Làm sao Ngài có thể trở thành một bậc giác ngộ toàn vẹn được? Ngài nói đi. Chúng tôi không thể tin được điều này.” Đức Bụt nói: “Này các bạn, có bao giờ tôi nói dối với các bạn không?” Kỳ thực, Ngài không bao giờ nói dối với ai cả và năm người bạn đều công nhận điều này. “Trước đây tôi chưa bao giờ nói dối với các bạn và bây giờ tôi cũng không nói dối với các bạn. Tôi đã là một người giác ngộ hoàn toàn và bây giờ tôi sẽ chia sẻ với các bạn. Hãy ngồi xuống đi, tôi sẽ nói cho các bạn nghe. Cả năm người cùng ngồi xuống nghe Bụt nói. Ngài giảng bài pháp thoại đầu tiên cho họ. Nếu các bạn muốn đọc những lời Ngài dạy thì hãy tìm trong kinh Tứ Đế, giải thích những nguyên tắc cơ bản của đạo Bụt. Đó là khổtập (nguyên nhân của khổ đau), diệt (sự chấm dứt khổ đau) và đạo (con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau). Tôi đã đọc nhiều câu chuyện về cuộc đời đức Bụt và thấy Bụt cũng là một con người như chúng ta, ấy vậy mà có những họa sĩ vẽ hình Bụt mà không thấy Bụt giống như một con người. Có rất nhiều tượng Bụt, nhưng ít có tượng đẹp và đơn giản. Bất cứ lúc nào nếu muốn vẽ hình Bụt thì các bạn hãy ngồi xuống thở năm, mười phút, mỉm cười buông thư trước khi cầm bút vẽ. Sau đó vẽ một đức Bụt thật đơn giản. Đơn giản mà đẹp, với một nụ cười bình an trầm tĩnh trên môi. Nếu được, các bạn có thể vẽ thêm vài em bé ngồi chung quanh Ngài. Đức Bụt hãy còn trẻ, không cau có, không hung dữ, không quá nghiêm trang, với một nụ cười nhẹ nhàng buông thả. Chúng ta phải đi theo hướng này để khi nhìn vào Bụt là ta mến Bụt ngay như em bé chăn trâu và cô bé đưa sữa vậy.

Khi nói: “Con về nương tựa Bụt”, chúng ta cũng nên hiểu rằng: “Bụt cũng đang nương tựa mình”. Bởi vì nếu không có phần đầu (con) thì phần thứ hai (Bụt) không thể trọn vẹn được. Đức Bụt cần chúng ta để cho sự tỉnh thức, hiểu biết, thương yêu trở nên có thực mà không phải chỉ tồn tại như những khái niệm. Đó phải là những gì có thực ảnh hưởng lên đời sống của ta. Bất cứ lúc nào tôi nói: “Con về nương tựa Bụt”, tôi cũng nghe: “Bụt về nương tựa tôi”. Đây là bài kệ trồng cây:

Tôi gởi tôi cho đất
Đất gởi đất cho tôi
Tôi gởi tôi nơi Bụt
Bụt gởi Bụt nơi tôi.

“Tôi gởi tôi cho đất” cũng giống như “Con về nương tựa Bụt”. Tôi quán tưởng mình là một cái cây. Cây sống được là nhờ đất. Cây nương tựa nơi đất. Nhưng “Đất gởi đất cho tôi” bởi vì mỗi chiếc lá rơi xuống sẽ mục nát và phân hủy làm cho đất màu mỡ hơn. Chúng ta biết rằng cây cối làm cho đất đai màu mỡ, tốt tươi, xinh đẹp. Sở dĩ đất mẹ của chúng ta xanh và đẹp là nhờ cây. Vì vậy trong khi cây cần đất mẹ thì đất mẹ cũng cần cây để làm hiển lộ một hành tinh xanh đẹp. Thế nên khi nói: “Tôi gởi tôi cho đất” thì ‘tôi’ (cái cây) cũng phải nghe những lời khác: “Đất gởi đất cho tôi”. “Tôi gởi tôi nơi Bụt, Bụt gởi Bụt nơi tôi”. Rất rõ ràng rằng tuệ giác và sự hiểu biết thương yêu của Bụt Thích Ca Mâu Ni cần chúng ta để trở nên có thật trong đời sống này. Vì vậy công việc quan trọng của chúng ta là thắp sáng sự tỉnh thức, nuôi lớn hiểu biết và thương yêu.

Tất cả chúng ta đều là Bụt, bởi vì chỉ có qua chúng ta thì hiểu biết thương yêu mới trở nên xác thực và hiệu quả. Thầy Thanh Văn đã qua đời trong lúc giúp đỡ mọi người. Thầy là một phật tử thuần thành, một đức Bụt nhân từ, bởi vì thầy có khả năng giúp cả hàng vạn nạn nhân của cuộc chiến. Nhờ thầy mà sự tỉnh thức, hiểu biết, thương yêu trở nên có thật. Vì vậy, chúng ta có thể gọi thầy là Bụt, tiếng Sankrit là Buddhakaya (Phật thân). Để đạo Bụt trở nên có thật thì phải cần Phật thân, một thân thể để thực hiện những hành động tỉnh thức. Nếu không, đạo Bụt chỉ là ngôn từ. Thầy Thanh Văn là một Phật thân. Đức Thích Ca Mâu Ni là một Phật thân. Nếu chúng ta có tỉnh thức, có hiểu biết, thương yêu thì mỗi chúng ta đều là một vị Bụt.

Viên ngọc quý thứ hai là Pháp. Pháp là lời Bụt dạy, là con đường của tình thương và sự hiểu biết. Trước khi Bụt nhập diệt, Ngài nói với đệ tử rằng: “Này quý thầy, ngày mai nhục thân của ta sẽ không còn nữa, nhưng Pháp thân của ta sẽ luôn còn đó để giúp đời. Quý thầy hãy lấy giáo pháp của ta làm người thầy cho chính mình, người thầy không bao giờ bỏ mình mà đi.” Đó là Pháp thân. Pháp cũng có thân. Thân của giáo lý, thân của con đường. Như các bạn đã thấy, ý nghĩa của pháp thân rất đơn giản. Pháp thân nghĩa là lời dạy của Bụt, là cái hiểu của mình về giáo pháp, là con đường của tình thương và sự hiểu biết. Sau này, người ta gọi là chân như, bản thể (nền tảng của vạn pháp).

Tất cả những gì có khả năng giúp ta tỉnh thức đều có Phật tánh. Khi ngồi một mình nghe tiếng chim hót, tôi trở về với chính mình, theo dõi hơi thở và mỉm cười. Có khi nó hót như muốn gọi lại lần nữa. Tôi mỉm cười và nói với chim: “Tôi nghe rồi”. Không chỉ có âm thanh mà hình ảnh cũng có thể nhắc nhở chúng ta trở về với ngôi nhà đích thực của chính mình. Buổi sáng, khi mở cửa sổ, thấy ánh sáng lùa vào, chúng ta cũng có thể xem đó như là tiếng gọi của Pháp, và trở thành một phần của Pháp thân. Đó là lý do tại sao người tỉnh thức nhìn đâu cũng thấy Pháp. Một hòn sỏi, một cây tre, tiếng khóc của trẻ thơ, bất cứ thứ gì cũng đều có thể là tiếng gọi của Pháp. Chúng ta nên thực tập như thế.

Một ngày nọ, có một vị xuất sĩ đến tham vấn với Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài Tuệ Trung là một người thầy nổi tiếng trong nền Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ 13. Thời kỳ này Phật giáo rất hưng thịnh ở Việt Nam. Vị xuất sĩ hỏi: “Thế nào là Pháp thân thanh tịnh, không tỳ vết?” Ngài Tuệ Trung chỉ vào đống phân ngựa. Thoạt nghe, ta thấy như đó là một quan điểm thiếu tôn kính đối với Pháp bởi vì người ta thường dùng những từ ngữ thanh cao, trang nhã để mô tả Pháp. Tuy nhiên đôi khi Phật Pháp không thể dùng ngôn từ để diễn bày. Cho dù ta có nói Pháp thanh tịnh, không tỳ vết đi nữa thì điều đó cũng không có nghĩa là Phật pháp tách rời những thứ ô uế, không thanh tịnh. Thực tại, thực tại tối hậu, vượt thoát tất cả mọi ý niệm, dù là ý niệm thanh tịnh hay ô uế. Vì thế câu trả lời của Ngài Tuệ Trung nhằm đánh thức tâm trí vị xuất sĩ kia, giúp vị ấy buông bỏ tất cả mọi ý niệm để có thể thấy được tự tánh các Pháp. Người thầy cũng là một phần của Pháp thân. Vì Thầy giúp mình tỉnh thức. Cách thầy nhìn, cách thầy sống, cách thầy tiếp xử với mọi người, mọi loài và thiên nhiên giúp ta nuôi lớn hiểu biết và thương yêu trong đời sống hàng ngày của ta.

Có rất nhiều cách để chuyển tải giáo pháp như thuyết pháp, viết sách, lưu hành băng giảng. Tôi có một người bạn tu thiền ở Việt Nam, khá nổi tiếng, nhưng không có nhiều người đến học hỏi với thầy. Có người thâu băng những buổi nói chuyện của thầy để phát hành, và người ta chỉ biết được thầy qua những băng giảng đó.

Tuy nhiên, cho dù thầy không giảng dạy thì sự có mặt của thầy cũng giúp chúng ta rất nhiều trong việc tỉnh thức, xây dựng hiểu biết và thương yêu. Bởi vì thầy là một phần của Pháp thân. Pháp không chỉ được diễn tả bằng lời, bằng âm thanh mà chính tự tính của nó đã là Pháp rồi. Đôi khi không cần làm gì cả mà ta giúp cho người khác nhiều hơn là làm. Ta gọi đó là đạo đức vô hành. Cũng giống như một người có khả năng ngồi yên trên chiếc thuyền trong cơn giông bão vậy. Người đó không cần phải làm gì nhiều mà sự có mặt của người đó làm cho tình trạng đổi thay. Đó cũng là một mặt của Pháp thân, là thân giáo: không cần nói, không cần dạy, chỉ cần có mặt thôi.

Điều này không chỉ đúng với con người mà những loài khác cũng thế. Hãy nhìn những cái cây trong vườn nhà mình đi. Cây sồi chỉ cần là cây sồi. Đó là tất cả những gì nó có thể làm. Nếu cây sồi không phải là cây sồi thì có thể tất cả chúng ta sẽ lâm nguy. Vì thế cây sồi cũng đang thuyết pháp. Cây sồi không làm gì cả, không phục vụ trong trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, không thuyết pháp, thậm chí không cần phải ngồi thiền, mà bằng sự hiện diện của nó, cây sồi vẫn rất hữu ích cho tất cả chúng ta. Mỗi khi nhìn vào cây sồi chúng ta có niềm tin. Những ngày hè oi bức, ngồi dưới gốc cây sồi ta cảm thấy thoải mái, mát mẻ và thư thái. Chúng ta biết rằng nếu cây sồi hay những cây khác không có mặt ở đó thì chúng ta sẽ không có không khí trong lành để thở.

Chúng ta cũng biết rằng trong những kiếp xa xưa chúng ta đã từng là cây. Có thể chúng ta đã từng là cây sồi. Điều này không chỉ có đạo Bụt mới nói đến mà khoa học cũng nói đến. Loài người là một loài rất trẻ, chúng ta chỉ có mặt mới đây thôi. Trước đó chúng ta đã là đá cuội, là chất khí, là khoáng vật, rồi sau đó chúng ta là những sinh vật đơn bào. Chúng ta là cây và bây giờ chúng ta trở thành con người. Chúng ta phải nhớ lại những quá khứ xa xưa của chúng ta. Điều này không có gì khó cả. Chúng ta chỉ cần ngồi xuống, thở cho thật bình an và nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy được quá khứ của ta. Khi ta la mắng cây sồi, cây sồi không bực bội khó chịu, khi ta khen ngợi cây sồi, cây sồi cũng không vì thế mà hỉnh mũi lên. Chúng ta có thể học được giáo pháp từ cây sồi. Cây sồi là một phần của Pháp thân. Chúng ta có thể học được từ mọi thứ chung quanh ta và trong ta. Cho dù ta không ở chùa, không ở tu viện, không ở trong những trung tâm tu học, ta vẫn có thể thực tập được. Bởi vì Pháp có mặt quanh ta, mọi thứ đều đang thuyết pháp. Bông hoa nào, hạt sỏi nào, ngọn lá nào cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Tăng là đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. “Tăng thân” là một từ Sanskrit mới. Tăng cũng cần có một thân. Trong gia đình, nếu ta thực tập hơi thở ý thức, nụ cười tươi vui, nhận diện Bụt trong ta và trong con cái ta thì gia đình ta trở thành một Tăng thân. Nếu gia đình ta có chuông thì chuông là một phần của Tăng thân. Bởi vì tiếng chuông giúp ta thực tập. Nếu chúng ta có tọa cụ thì tọa cụ cũng là một phần của Tăng thân. Rất nhiều thứ giúp ta thực tập như không khí để thở, con đường để đi, gốc cây để ngồi… Nếu gần nhà mình có một công viên hay bờ sông thì chúng ta quả thật là may mắn, bởi vì chúng ta có thể đi thiền hành ở đó. Chúng ta phải nhận diện, khám phá ra tăng thân chung quanh ta. Chúng ta có thể mời bạn bè tới thực tập chung với nhau, cùng nhau thiền trà, ngồi thiền, đi thiền… Chúng ta phải cố gắng thành lập một Tăng thân ở nhà hay ở địa phương. Có Tăng thân chúng ta sẽ thực tập dễ dàng hơn.

Siddhartha, khi thực tập với năm thầy tu khổ hạnh và bắt đầu uống sữa lại thì năm thầy bỏ đi. Vì vậy Ngài đã nhận cây bồ đề làm Tăng thân của Ngài. Ngài nhận cậu bé chăn trâu, cô bé đưa sữa, dòng sông, cây cối và chim chóc quanh Ngài làm Tăng thân. Có những người sống trong trại tập trung cải tạo, không có Tăng thân, không có trung tâm thiền tập nhưng họ vẫn thực tập được. Họ xem những thứ chung quanh họ là một phần của Tăng thân. Có người còn thực tập đi thiền trong nhà tù. Cho nên, trong khi chúng ta còn may mắn, còn có khả năng tìm ra nhiều yếu tố để thành lập Tăng thân thì chúng ta phải tiến hành ngay. Bạn bè chúng ta, con cái chúng ta, anh chị em chúng ta, nhà ta, cây xanh trong vườn ta, tất cả những yếu tố đó đều có thể là một phần của Tăng thân.

Thiền tập hay thực hành theo đạo Bụt là để cho chúng ta có bình an, thanh tịnh và hạnh phúc, làm phát khởi hiểu biết và thương yêu. Chúng ta thực tập không phải cho hạnh phúc bình an của riêng ta mà cho hạnh phúc bình an của gia đình và xã hội. Nếu nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy ba viên ngọc quý này thực ra chỉ là một. Trong một cái có chứa đựng hai cái kia. Trong Bụt có tánh Bụt (Phật tánh) và thân Bụt (Phật thân) mà trong Bụt cũng có Pháp thân, vì không có Pháp thân thì Bụt không thể thành Bụt được. Trong Bụt cũng có Tăng thân, vì Bụt ăn sáng với cây bồ đề, với những cái cây khác, với chim chóc và môi trường quanh Ngài. Trong một trung tâm thiền tập cũng có Tăng thân. Ở đó có sự hành trì theo con đường của tình thương và sự hiểu biết. Cho nên Pháp thân có mặt, giáo pháp có mặt. Tuy nhiên giáo pháp không thể trở nên sinh động và có thật nếu không có sự sống và con người. Vì vậy Phật thân cũng đang có mặt. Nếu Bụt và Pháp không có mặt thì Tăng thân cũng không có mặt. Không có chúng ta thì Bụt cũng không có thực, Bụt tồn tại chỉ là một ý niệm.

Không có các bạn thì Pháp lấy ai để được hành trì. Pháp phải được hành trì bởi một ai đó. Không có các bạn thì Tăng thân cũng không thể có được. Vì vậy khi nói: “Con về nương tựa Bụt”, ta cũng nghe: “Bụt về nương tựa con”. “Con về nương tựa Pháp”, “Pháp về nương tựa con”. “Con về nương tựa tăng”, “Tăng về nương tựa con.”

[1] Số liệu năm 1987.

 


Trích sách “Muốn an được an”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh