Long Đọi Sơn, cổ tự nghìn năm tuổi


Chùa Long Đọi Sơn hay còn gọi là chùa Đọi có tên chữ Sùng Thiên Diên Linh nằm trên đỉnh núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.Với vị trí lưng tựa vào núi và ba dòng sông uốn khúc bao quanh, chùa Long Đọi Sơn không chỉ có ý nghĩa về văn hoá, lịch sử mà còn là một danh thắng dành cho du khách yêu thích những nơi chốn yên bình, thanh tịnh.

 

              Tam Quan chùa Long Đọi Sơn ( nguồn Internet)

 

Từ xa xưa tín ngưỡng dân gian đã coi Đọi Sơn là trái “ núi thiêng ”, nơi phát tích đế vương. Có lẽ vì thế nên chùa được đặt quay về hướng nam, đúng như câu tục ngữ: "Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương lưu truyền vạn đại"

Long Đọi Sơn gắn liền với triều đại nhà Lý khi chùa được chính vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054 đến năm 1058. Tới đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, ngôi chùa vẫn uy nghiêm và trầm mặc trên đỉnh núi Đọi- một trong những biểu tượng của đất Hà Nam . Khách tới chùa lễ Phật phải vượt qua 373 bậc thang, ngay cổng chính, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bia  Sùng Thiện Diên Linh (dựng năm 1121) đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2014. Ngoài ra,  chùa còn lưu giữ được những hiện vật văn hoá vô cùng giá trị gồm: tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện; 6 pho tượng Kim Cương bằng đá với những đường nét hoa văn tiêu biểu cho  nghệ thuật chạm khắc thời Lý.


Nhà bia Sùng Thiện ( nguồn Internet)

 

Đến với Long Đọi Sơn, du khách sẽ được sống trong không khí an lành, thanh tịnh, tách biệt với chốn phồn hoa đô thị bởi bao quanh chùa là cả không gian của cây xanh. Du khách sẽ phóng tầm mắt để nhìn thấy toàn cảnh làng mạc, cánh đồng, nơi những thửa ruộng dưới chân núi Đọi gắn liến với sự kiện lịch sử vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan lần đầu tiên cày ruộng ở Đọi Sơn vào mùa xuân năm 987 để khuyến khích mở mang nghề nông.

 

Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 Âm lịch hàng năm , chính hội vào ngày 21/3. Đây là một lễ hội thu hút rất đông du khách gần xa đến tham dự. Hoạt động thu hút nhất của lễ hội là đám rước kiệu từ chân núi lên chùa nhằm tưởng niệm Vua Lý Nhân Tông và  Hoàng Hậu Ỷ Lan – người có công xây dựng ngôi chùa.

Diệu Ngân.