Minh & vô minh


GN - Người học Phật hẳn ai cũng từng nghe biết thuật ngữ vô minh, nghĩa đen là si mê, tối tăm. Ngược lại với vô minh là minh, tức tuệ giác, sáng tỏ. Nhưng như thế nào là thật nghĩa của vô minh thì đến Tôn giả Câu-hi-la cũng bối rối, phải nhờ Tôn giả Xá-lợi-phất giải mã giùm.


Ngược với vô minh là minh, tức tuệ giác, sáng tỏ - Ảnh minh họa

“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Tôi có những việc muốn hỏi, nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

- Tùy theo những gì nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

- Vô minh là không biết, không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô thường, mà không biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt mà không biết như thật sắc là pháp ma diệt. Sắc là pháp sanh diệt mà không biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường mà không biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường. Thức là pháp ma diệt mà không biết như thật thức là pháp ma diệt; thức là pháp sanh diệt mà không biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này mà không thấy, không biết như thật, không có vô gián đẳng, ngu si, mờ tối, không sáng tỏ, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này gọi là vô minh.

Lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Gọi là minh, vậy thế nào là minh? Ai có minh này?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

- Minh là biết; biết gọi là minh.

Lại hỏi:

- Biết những gì?

Đáp:

- Sắc là vô thường; biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt, biết như thật sắc là pháp ma diệt. Sắc là pháp sanh diệt, biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Thức là pháp ma diệt, biết như thật thức là pháp ma diệt. Thức là pháp sanh diệt, biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Tôn giả Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, như thật biết, thấy, sáng tỏ, có giác, có tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.

Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy về chỗ ở của mình.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 256)

Thì ra, vô minh theo nghĩa trong pháp thoại này cũng khá dễ hiểu, đó là không biết như thật về năm uẩn chính là vô thường, là pháp tập khởi, duyên khởi (ma diệt), là pháp sinh diệt. Đây chính là tinh yếu Vô thường-Khổ-Vô ngã, dấu ấn Chánh pháp của Thế Tôn.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là thân tâm này (rộng ra thì bao hàm cả uẩn, xứ, giới) là vô thường mà cứ nghĩ chúng là thường, không biết như thật chúng là vô thường; là pháp ma diệt (tập khởi, duyên khởi) mà không biết rõ như thật chúng là pháp ma diệt; là pháp sinh diệt mà cứ nghĩ chúng trường cửu, không biết như thật chúng là pháp sinh diệt. Thấy biết sai lạc như thế nên gọi là không sáng, mù mịt, mê lầm; là vô minh.

Ngược lại với thấy biết sai lạc ấy thì gọi là minh, là giác, là tuệ. Mới hay, minh này gần như là một, đồng nhất với trí Bát-nhã “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” của Tâm kinh (thuộc văn hệ Bát-nhã về sau).