Mộc bản kinh phật thiền phái Trúc lâm


Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI). Cuối thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng Chùa thành trung tâm Phật giáo lớn nhất của thời Trần và thời kì này bắt đầu có những bộ Mộc bản được san khắc.

Ngay từ khi mới sáng lập Thiền phái Trúc Lâm (cuối thế kỷ 13), Vua Trần Nhân Tông đã cho biên tập, san khắc, ấn hành một số kinh, sách, trước tác quan trọng để phổ biến giáo lý, tư tưởng hành đạo của nhà Phật nói chung và các vị cao tăng Phật phái Trúc Lâm nói riêng. Tuy nhiên, do chính sách hoại thư của giặc cùng khí hậu khắc nghiệt đã khiến cho phần lớn mộc bản bị hủy hoại, thất tán. Bộ mộc bản được san khắc tại chùa vào thời kỳ này bao gồm 3.050 bản ván khắc lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật. Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm để lại cho đến ngày hôm nay mà hiểu một khía cạnh nữa là của giáo hội đó là giáo án giảng dạy, phương pháp tu học phật của phật tử tại gia, có đủ các quy trình đào tạo, đó chính là cái thấy rất rõ trong hệ thống đào tạo của giáo hội phật giáo Trúc Lâm trước đây

Với đặc tính chắc, cứng, dai, mềm và mịn, các Mộc bản hầu hết đều được làm từ gỗ cây thị, khắc bằng chữ Hán cổ và Nôm, số ít khắc xen cài chữ Phạn. Chữ được khắc ngược trên hai mặt của mỗi ván gỗ. Phương pháp đóng sách lúc bấy giờ không còn cách nào khác là việc san khắc vào gỗ để in, việc san khắc chế tác được thực hiện bởi những người thợ thủ công lành nghề thuộc các phường thợ ở Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là Liễu Tràng (Hải Dương) - một làng chuyên làm nghề khắc mộc bản từ lâu đời.

Ngày nay có rất nhiều bạn trẻ muốn đi sâu tìm hiểu cả về nội dung cũng như những yếu tố chứa đựng bên trong những bộ Mộc bản. Nguyễn Phương Hoa, sinh viên tại Hà Nội vô cùng hào hứng khi được tìm hiểu về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Qua cơ hội được tìm hiểu về Mộc Bản chùa Vĩnh Nghiêm tôi thấy đây không chỉ là tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống chữ Hán chữ Nôm tại Việt Nam mà đây còn là kho tàng lưu giữ vô vàn những tư tưởng giáo lí nhà Phật, các giá trị kiến trúc, văn học mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Oanh- giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có quá trình tìm hiểu kĩ lưỡng về Mộc Bản cho các bài giảng của mình, cho biết: Thực tế khai thác hết nó như thế nào không phải ai cũng biết hết được, cho nên việc bảo tồn và phát huy sau khi được công nhận là di sản thế giới là việc làm lâu dài và cần cho nhiều người biết. Nó dùng thứ chữ Nôm mà bây giờ không còn tồn tại nữa. Tôi nghĩ nhà nước nên có chính sách làm sao để khai thác hết giá trị văn hóa tinh thần, những nội dung của những Mộc Bản đó chứ không phải chỉ đến xem nó như một của quý để đó mà không biết nội dung của nó là gì

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa những giá trị tư tưởng, giáo lý sâu sắc của Phật phái Trúc Lâm, đồng thời đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại. Đây còn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, mang tính độc bản, nguyên gốc, chưa bị sửa chữa hay tác động làm biến dạng.

 

Thanh Mai