Mùa sen nở



Cái nắng nóng oi bức của những ngày hè khiến ai ai cũng mỏi mệt. Việc chạy xe ngoài đường vào những lúc nắng nóng là nổi ngán ngẩm không chỉ riêng tôi mà của mọi người. Rồi bất chợt nhìn thấy cả một ao sen trên đường, tôi bị mê hoặc ngay bởi đây là một loài hoa tôi mà yêu thích.

Cảm giác nhìn thấy hoa sen như gặp lại một người bạn lâu năm vậy, tôi không thể không dừng lại, ngắm cho “đã” con mắt rồi mới tiếp tục hành trình “ trốn” nắng của mình. Đáng tiếc là không thể lội xuống ao để tự tay nâng niu từng cánh hoa mềm mại, rồi hôn lên chúng để cảm ơn vẻ đẹp mà sen đã ban tặng cho tôi và cuộc đời. Rồi trong lòng tự trách thầm: Tại sao sen lại mọc dưới bùn vậy? Bởi lẽ đó là bản tính, là quy luật tự nhiên của sen mà tạo hóa đã quy định sẵn. Sen đẹp, sen thơm, sen đằm thắm dù lớn lên từ bùn nhưng lại là một loài hoa cao quý trong các loài hoa!

Sự cao quý của sen không vì vẻ đẹp bình thường từ hình dáng bên ngoài, không kiêu sa, quý phái để cần được nâng niu, chiều chuộng như hoa lan, hoa hồng mà chính đầu đội nắng, chân đập bùn mà sen được người người yêu quý, trân trọng và trở thành quốc hoa, luôn hiện diện trong những nơi tôn quý, trang nghiêm hay những sự kiện mang tầm vóc của đất nước hoặc ở bất kỳ đâu.

Không biết cố tình hay ngẫu nhiên mà mùa sen nở rơi đúng vào mùa Phật Đản, mùa kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật cách đây 2561 năm. Có lẽ đây là sự mặc định tự nhiên bởi vì sen đã gắn liền với hình ảnh Phật giáo hàng nghìn năm về trước, từ khi thái tử ra đời, hoa sen đã nâng từng bước chân đầu đời của Ngài:

 “Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc
Ba ngàn thế giới đón Như Lai”


Hình ảnh hoa sen từ đã gắn liền với cuộc đời của Đức Phật, từ khi Ngài đản sinh đến khi Ngài thành đạo và thuyết pháp. Biểu tượng Đức Phật cầm cành hoa sen “Liên hoa vi tiếu” trở thành một sự kiện lịch sử mà ngày nay thường được tạc tượng ở các chùa, nhất là những chùa về thiền tông.

Nhưng vì sao hoa sen không gắn liền với tôn giáo khác mà lại chọn Phật giáo?

Ông bà ta thường có câu “Nồi nào úp vung nấy”. Hay chúng ta thường nghe cái gì tương ứng sẽ tương ưng với nhau. Cũng như trong cuộc sống, những ai có tâm tính hiền lành sẽ kết bạn với những người như thế, những ai đa mưu đa đoan sẽ gặp phải những dạng người tương ứng. Cho nên những đặc tính của hoa sen cũng giống như những đức hạnh của Đức Phật vậy.

1. Sự thanh cao, vô nhiễm

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, đó là đặc tính nổi bật của hoa sen. Đức Phật đã từng nói: “Hoa sen không sinh trưởng được nơi cao nguyên lục địa, nhưng lại sinh sôi ở chốn bùn lầy ô trọc”. Nhưng dù mọc ở nơi bùn lầy nhưng nếu ngửi, chúng ta sẽ không thấy một chút mùi tanh hôi nào cả mà ngược lại sẽ bị “chinh phục” bởi hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết làm tinh thần cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

Đức Phật cũng như thế. Sinh ra trong đời ác ngũ trược, khi loài người chìm đắm trong sự vô minh và sống trong sự đố kỵ, tranh giành quyền lực và thủ đoạn vốn có của chốn hoàng cung. Nhưng Đức Phật vẫn giữ được tâm tính hiền lương, ôn hòa, yêu thương muôn loài, không bị nhiễm đắm trong dục lạc, vinh hoa phú quý.

2. Sự tận tụy và cống hiến cho đời

Sen không chỉ là một loài hoa đẹp bên ngoài mà nó còn đẹp từ bên trong vì sen là một loại thảo dược. Tất cả các bộ phận của sen đều mang đến giá trị sức khỏe tốt cho con người:

Lá sen có tác dụng an thần, giải nhiệt cơ thể
Bầu sen có tác dụng trị máu cam
Hạt sen giúp ăn ngon, tốt cho hệ tiêu hóa
Thân rễ sen cầm máu rất tốt
Ngó sen là món ăn rất ngon không miễn bàn
Củ sen giúp tuần hoàn máu, tăng cường chức năng tim mạch

Đức Phật cũng như thế. Tám mươi năm có mặt trên cuộc đời này, mỗi giai đoạn trong cuộc đời của Ngài đều mang lại sự an lạc cho nhân loại. Ngài ra đời khiến cả nước Ca Tỳ La Vệ vui mừng khôn xiết. Khi còn nhỏ Ngài đã biết cứu mạng của con chim bị Đề Bà Đạt Đa bắn bị thương. Khi trưởng thành, Ngài không chủ trương dùng bạo lực để gây chiến tranh, tranh giành lãnh thổ mà luôn đề cao sự hòa bình. Và bốn mươi chín năm tầm đạo, từng bước chân một Ngài đã đi du hóa khắp các vùng lãnh thổ của Ấn Độ để khuất thực từng nhà, truyền trao giáo pháp cho hàng triệu người mà không mỏi mệt. Để rồi trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật còn hỏi “Các ông còn điều gì muốn hỏi Ta nữa không? Nếu không Ta sẽ nhập Niết Bàn”. Thế đó, Ngài đã ra đời và làm tròn nghĩa vụ của một đấng Như Lai đến hơi thở cuối cùng.

3. Sự trong sạch, diệt trừ u mê

Hoa sen rất lạ. Khi chỗ nào sen mọc tự nhiên phần nước chỗ đó lại trong và không bị đục. Nên nhiều người khi hái sen, họ không cần phải rửa chân kỹ lại bởi hoa sen không dính bùn nhơ.

Điều này cũng tương ứng với sự có mặt của Đức Phật khi hoằng pháp. Những nơi đức Phật đi qua đều ban tặng giáo pháp, đều mang đến chân lý sống cho mọi người, đều hướng dẫn mọi người tu tập, mang đến sự an vui và hạnh phúc ở chính thực tại mà không e ngại sự phỉ báng của người khác.

Chuyện kể rằng:

Lần này đức Phật đi có ngài A-nan đi theo. Hai thầy trò vừa vào xứ đó, bỗng dưng một nhóm người cả nam lẫn nữ xông ra chửi, đua nhau chửi. Đức Phật vẫn thản nhiên như không có việc gì, nhưng ngài A-nan thì chịu không nổi nên mới thưa:

– Bạch Thế Tôn, thôi chúng ta đi chỗ khác.

Đức Phật hỏi:

– Đi đâu A-nan?

– Bạch Thế Tôn, chúng ta qua nước Đề-xá.

– Nếu đến nước đó mà dân chúng cũng cư xử giống như dân ở đây thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, chúng ta qua thành Hoa Thị.

– Nếu đến đấy mà dân chúng cũng cư xử như thế này thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, chúng ta đến nơi nào mà người ta không bạc đãi chúng ta như ở đây, như là về thành Tỳ-xá-ly hay là thành Vương Xá chẳng hạn.


Đức Phật liền đặt câu hỏi:

– Tại sao dân chúng thành Vương xá, thành Tỳ-xá-ly lại ưu đãi chúng ta?
Ngài A-nan thưa:

– Bạch Thế Tôn, vì dân chúng ở đó đã từng nghe Thế Tôn dạy, họ biết rõ chánh pháp và họ có trí tuệ phân biệt được hành động nào là thiện, hành động nào là tội lỗi, do đó họ rất chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, thôi chúng ta về đó đi.


Đức Phật liền hỏi:

– A-nan, giả sử có người thầy thuốc giỏi bậc nhất có thể đăng bảng trước cổng rằng: ở đây chỉ trị bệnh cho những người bệnh nhẹ và không bệnh, còn ai bệnh nặng xin mời đi nơi khác, có như vậy không A-nan?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Tại sao?

– Vì thầy thuốc hay cần trị cho những người bệnh nặng, nếu thầy thuốc có lương tâm mà bệnh nặng không trị giùm, chỉ trị bệnh nhẹ và không bệnh thì thật là vô lý.

– Này A-nan vì sao dân chúng ở xứ này lại đối đãi tệ bạc với chúng ta như vậy?


– Bạch Thế Tôn, vì ở đây họ chưa từng nghe Phật thuyết pháp, họ không biết hành động nào là thiện, hành động nào là ác, nên họ mới xử tệ với chúng ta.

– A-nan, Như Lai ra đời vì làm lợi ích cho mọi người, vì cứu khổ chúng sanh, cũng như người thầy thuốc hay là cốt để trị những người đang đau khổ vì bệnh trầm trọng. Dân chúng ở đây như những người bệnh nặng, Như Lai cần phải có mặt để giáo hoá họ, còn dân chúng ở thành Tỳ-xá-ly hay Vương xá giống như những người bệnh nhẹ không cần đến Thế Tôn, chỉ những đệ tử của Thế Tôn cũng đủ để giáo hóa họ rồi; nơi này nếu Thế Tôn không đích thân đến thì ai dám đến đây giáo hóa?

4. Sự an lạc và xóa dịu nỗi đau thương

Sự oi bức, nắng nóng của mùa hè lại mùa sen nở. Những nụ hoa bắt đầu chòi lên mặt nước và đương xòe bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết. Không chỉ tặng cho đời những bông hoa sen xinh đẹp, duyên dáng mà sen còn tỏ hương thơm dịu nhẹ góp phần xóa đi sự oi bức, cảm giác khó chịu của khí hậu.

Đức Phật đã thị hiện ngay ngay đời ác ngũ trược này, trên mảnh đất Ấn Độ nghèo khổ, khi con người còn chìm đắm trong sự vô minh, mê tín, thần quyền và giai cấp xã hội phân chia rõ ràng gây đau khổ cho nhau. Ngài đã mang đến nguồn ánh sáng trí tuệ, xóa đi sự phân biệt giai cấp “Không có giai cấp khi máu cùng đỏ, nước mắt cùng vị mặn” và dạy mọi người sự tự chủ của cuộc đời mình “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Vì thế, tương truyền khi đức Phật đản sinh, trên trời có chín rồng phun hai dòng nước ấm mát tắm rửa cho Ngài, cùng lúc ấy, chư thiên tung hoa trời, trổi nhạc trời chúc mừng thái tử.

“Hạnh phúc thay Đức Phật đản sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu”.


Giáo pháp và hương thơm giới đức, ánh sáng từ bi và trí tuệ của Đức Phật đã trang trải khắp nơi, giúp nhân loại xóa bớt khổ đau, tìm về chân hạnh phúc. Cho nên đạo Phật đã được Liên Hiệp Quốc gọi là đạo hòa bình và tổ chức lễ Vesak hằng năm để tôn vinh giá trị của đạo Phật nói chung và Đức Phật đối với cuộc đời mà chưa có tôn giáo thứ hai được đặc quyền như thế.

5. Ý chí mãnh kiệt (Hành trực)

Hành trực là chỉ cho thân ngay thẳng. Những cọng sen khi đã vươn mình khỏi bùn, chúng sẽ thể hiện một sức sống khá mãnh liệt, đó là mọc ngay thẳng.

Trong Kinh Duy Ma Cật có câu nói: “Trực tâm tức thị đạo tràng”. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh thuận nghịch nào hay ở bất cứ nơi đâu mà tâm ta ngay thẳng, vẫn giữ một lòng với lý tưởng của mình. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến phẩm chất cao quý của Đức Phật.

Sau khi dạo bốn cửa thành, thấu hiểu được sự khổ đau của nhân sinh, Ngài đã quyết bỏ hết tất cả để thực hiện lý tưởng mưu cầu sự giải thoát. Và trải qua 5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh, thất bại hết lần này đến lần khác, Đức Phật vẫn kiên trì một lý trí phải tìm ra đạo giải thoát “Cho dù thịt nát xương tan, nếu không tìm ra đạo Chánh Đẳng Chánh Giác ta quyết không rời khỏi nơi này”. Đây là lời đại nguyện sâu rộng của Đức Phật dưới cội Bồ Đề. Và khi đắc đạo, Đức Phật như một cành hoa sen vươn thẳng lên khỏi bùn tối để mang đến lợi lạc cho đời.

6. Sự kiên nhẫn và niềm tin vững chắc

Hoa sen là loại túc căn thảo, tức một loại có nẩy mầm từ rễ củ của năm trước. Nghĩa là rễ củ của nó nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là nó sẽ nẩy mầm ngay. Điều này thể hiện cho đức tính kiên nhẫn của Đức Phật mà chúng ta cần học hỏi.

Thật sự, khi còn là thái tử với ước mơ tầm đạo giải thoát, Đức Phật cũng không biết trên đời này sẽ có con đường đó hay không? Trải qua việc học đạo của hai vị thầy nổi tiếng nhất thời ấy, Ngài cũng chưa tìm ra được đâu là con đường thoát khỏi sinh tử. Nhưng cũng như loài sen rễ nó ủ mầm trong bùn đất, cuối cùng bằng ý chí và niềm tin của mình Ngài đã thành đạo. Đây là đức tính cần thiết mà chúng ta phải noi gương và học hỏi ở Đức Phật. Người nào có đức tánh kiên nhẫn này, thì người đó khi ra làm việc gì chắc chắn sẽ dễ đạt được thành công. Bằng ngược lại, thì khó mong đạt được.

7. Có nhân sẽ có quả

Ở các loài hoa khác, khi bông tàn mới kết nụ thành trái và có hột. Ngược lại, hoa sen thì không như thế. Hoa sen nở ra thì đã có gương có hột sẵn rồi. Đó là nhân quả đồng thời. Điều nầy, nói lên một triết lý sống; nhân quả không bao giờ sai khác. Nhân quả như hình với bóng, hình thế nào, thì bóng như thế đó.

Đặc tính của hoa sen cũng như lời dạy của Đức Phật dành cho chúng ta. Muốn cho đời sống được an ổn tươi mát thơm tho như hoa sen, thì chúng ta nên nhớ đến lý nhân quả mà hành xử tu nhân tích đức, làm lợi ích cho mình và người, thì chắc chắn chúng ta sẽ có hạnh phúc an lạc ngay trong đời sống hiện thực, không cần phải tốn công hao sức tìm nơi đâu xa xôi. Niết bàn hay đau khổ, cốt lại ở nơi tâm chúng ta mà thôi.

Bảy đặc tính nổi bật của hoa sen tương ứng với bảy giới hạnh của Đức phật khi thị hiện nơi đời. Và đó cũng biểu trưng cho bảy bước chân của Đức Phật khi đản sinh. Khi ngắm hoa sen, chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh một Đấng Giác Ngộ tuyệt vời này và đừng quên bảy bài học sâu xa mà sen đang gợi nhắc cho chúng ta để hoàn thiện nhân cách của mình tốt hơn.

Mùa sen nở cũng chính là mùa Phật Đản khi nhân loại đang hao hức đón chào ngày kỷ niệm trọng đại này cách đây 2561 năm. Hình ảnh hoa sen xứng đáng là quốc hoa, là biểu tượng đẹp nhất và thâm thúy nhất của Phật giáo và đó như là sự hiện diện của Đức Phạt giữa cuộc đời này.


Châu Thanh Thùy