Nghệ thuật làm phim Đức Phật của Ấn Độ


Nếu không có tâm đức lớn, nếu không có nhân cách lớn, nghị lực lớn, hy sinh lớn thì khó có thể có một bộ phim mô tả một chân dung vĩ đại như Đức Thích Ca.
Bước đột phá

Để nhất tâm tỏ lòng kính trọng cuộc đời của Đức Phật, các nhà làm phim đã giữ quan điểm không đưa tính hấp dẫn tầm thường vào phim để câu khách. Nếu không có tâm đức lớn, nếu không có nhân cách lớn, nghị lực lớn, hy sinh lớn thì khó có thể có một bộ phim mô tả một chân dung vĩ đại như Đức Thích Ca. 


Lịch sử về Đức Phật đã trải qua trên 2600 năm, nhiều câu chuyện về cuộc đời Đức Phật đã được thần thánh hóa. Đã có Phật giáo quốc gia nào đó hoặc cá nhân nào đó đã “bịa đặt” rằng Thái tử mới sinh ra đã biết đi, mỗi bước đi trên một đoá sen, một tay chỉ thiên, một tay chỉ địa, đi vòng bảy bước, nhìn bốn phương và nói: “Ta là Duy ngã độc tôn”, đây là cách nói theo chữ Hán, nghĩa là trên trời, dưới trời chỉ ta là người độc nhất đáng được tôn vinh.

Nếu đúng là một vị Phật thì không thể vừa giáng sanh đã “lộng ngôn xưng danh” như vậy. Đó là không phải là hành động và xướng ngôn con người Tất Đạt Đa. Vì Tất Đạt Đa mới sinh ra chưa thành Phật mà đã đạt đến mức duy nhất, vĩnh hằng, bất biến, vô hạn.
 
Như vậy là gán ghép cho Phật giáo là tôn giáo huyền thoại hóa để độc thần. Ngoài đức Phật còn các vị Phật và Bồ tát khác, Đức Phật không thể vừa ra đời tự tôn vinh như vậy? Nếu như vậy Tất Đạt Đa không cần đi tìm chân lý, không phải tu hành khổ hạnh. Chắc chắn Đức Phật sau khi nhập diệt cũng không muốn chúng sinh thần thánh hóa mình quá mức như vậy.
 
Trước đây đã có nhiều hãng phim trên thế giới làm phim về Đức Phật, trong đó có cả Hãng phim Hollywood nhưng đã không đáp ứng khán giả về lịch sử và hình tượng Đức Phật thiếu tính trung thực. Khi nhà thiết kế – biên kịch Navin Gooneratne và nhà sản xuất phim quốc tế Chandran Rutnam và George Paldano đã bảo vệ tính chân thực của lịch sử cuộc đời Đức Phật thời nguyên thủy một cách chân thực trong phim “Cuộc đời Đức Phật”.


Nhưng để làm được điều này ê kíp làm kịch bản trải qua không ít gian nan. Họ đã lặn lội khắp nơi trong nước và ngoài nước gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu Phật học, nhà khảo cổ học. Navin Gooneratne đã nhận được sự tư vấn và hướng dẫn của một số vị cao Tăng giúp đỡ tư liệu lịch sử và hai tu sĩ ở Sri Lanka. 
Nhất tâm

Dưới ánh sáng văn minh ngày nay đã không còn dấu tích cổ, làm sao thấy được hình ảnh thật khi Thái tử ra đời? Trong một đêm, ông Navin Gooneratne đã mơ thấy cung điện của vua Tịnh Phạn và vườn Lâm Tỳ Ni, ông choàng dậy lấy bút chì phác họa lại. Hôm sau, ông liền đến gặp nhà khảo của khu bảo tàng cổ kể lại giấc mơ và ngỏ ý xin sử liệu, nhưng nhà khảo cổ nghi ngờ không tin. Sau khi lần dở đọc trang mô tả cấu trúc cung điện và Lâm Tỳ Ni trong sử liệu thì đúng như lời Navin Gooneratne kể về tiền sử cung điện hoàng gia Thích Ca và khu vườn Lâm Tỳ Ni ứng vào giấc mơ, cả hai người nắm tay nhau ứa nước mắt.

Để chuẩn bị cho việc sản xuất bộ phim này đã có nhiều tổ chức tham gia đầu tư, trong đó có sự bảo trợ của Tổng thống Tích Lan đã phối hợp với Bollywood Ấn Độ. Và 7 quốc gia: Ấn Độ, Nepal, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Nhật Bản. 25 ngôi sao của các nước Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Pakistan.

Những hy sinh

Nguồn kinh phí là 2 triệu USD. Theo đoàn làm phim, nguồn kinh phí này chi phí cho những việc phục vụ cho các phần việc liên quan phục trang (các nhà thiết kế đã tạo ra trên 2000 mẫu). 308 hình vẽ cho các thiết kế, đạo cụ, liên quan đến hiện trường quay phim, v v… 100% những người tham gia làm bộ phim này đều không nhận bất cứ khoản thu nào. Từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên đều thể hiện tài năng, tinh thần, trách nhiệm, tâm hạnh và đạo đức nhà nghề với mức cao nhất.

Không hề có tình cảm cá nhân trong việc đưa người thân quen, ăn ý để dễ bảo nhau mục đích đẩy tiến độ làm phim nhanh hoàn thành. Riêng việc lựa chọn diễn viên vào vai Thái tử Tất Đạt Đa đã có tới trên 300 người. Người cuối cùng trúng tuyển là diễn viên Gagan Malik. Anh từng đoạt giải ăn ảnh năm 2004, là người mẫu, ca sĩ, từng thủ vai chính trong một vở nhạc kịch ở Châu Âu, riêng về điện ảnh đã từng là diễn viên khoảng 10 năm.


Gagan Malik có một ngoại hình lý tưởng, có chiều cao, thân hình cân đối không phàm phu, gương mặt thanh tú gần giống với hình gốc của Đức Phật, chân tay đẹp thon không thô, ánh mắt nhân hậu, ấm có chiều sâu có phần nhẫn chịu. Đó là tiêu chuẩn trước tiên, tiêu chuẩn nữa là trong cuộc sống không bê tha rượu bia, không phàm ăn uống. Để kiểm chứng đời sống thực của Gagan Malik, đạo diễn đã dành thời gian một tuần đến nhà anh ăn ở chung cũng đồng thời để anh hiểu thêm về Đức Phật và thuyết phục anh thực hiện chế độ ăn chay.

Gagan Malik đã nghiên cứu tất cả các sử liệu nói về cuộc đời Đức Thích Ca, và dành ba tháng để học tiếng Tích Lan (là Sri Lanka ngày nay) có giáo viên luyện âm.

Trong cảnh đầu quay Tất Đạt Đa hành thiền phải đi chân đất, quá trình quay không được nhìn lên, không được nhìn xuống đất nên không biết bàn chân mình đã dẵm lên những thứ gì, nào là gai nhọn, đá răm, củi khô, mảnh sành cứa dưới bàn chân, xong cảnh quay là chân anh sưng tấy.

Trước khi thực hiện cảnh quay tọa thiền, Gagan Malik đã nhịn ăn để thân hình bớt đi bảy ký, mỏng người, da thịt khô héo, yếu ớt, đúng với nhân vật nguyên mẫu. Cũng thời điểm đó, mọi người bị “sốc” vì thấy khuôn mặt Gagan Malik được bao phủ một rừng mụn trứng cá do dị ứng thức ăn nào đó. Đạo diễn phải tổ chức các cảnh quay không liên quan đến mặt anh trước. Gagan Malik đã được các bác sĩ da liễu trị khỏi nhanh chóng. Anh nói ằng: “Tôi uống viên thuốc đầu tiên rồi lên chùa bái Phật và đã khỏi nhanh chóng”.

Trong khi đó anh phải phát triển bộ râu rậm, theo anh nói là “ngứa không thể chịu được”.


Mặc dù Gagan Malik đã được đạo diễn lựa chọn nhưng nhiều người trong đoàn làm phim vẫn cho rằng anh không thích hợp với vai diễn, thậm chí có người dèm pha chỉ trích, Gagan Malik không quan tâm, việc lớn hơn là tập trung vào vai diễn, cho đến khi những cảnh đầu hoàn thành thì tất cả đều vỗ tay ùa đến ôm anh bắt tay.

Nghệ thuật 

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa ra khỏi thành ca tỳ la vệ tháo hết trang sức vàng ngọc giao cho Xa Nặc, thủ thỉ chào chú ngựa Kiền Trắc, dùng gươm cắt tóc rồi thả chân lội xuống nước của hồ Anoma. Toát lên ý nghĩa Thái tử buông bỏ tục trần sau lưng để sang bờ bến mới, bắt đầu đi tìm đường chánh đạo, thân Thái tử như lướt trong nước, các vòng tròn mặt nước tỏa ra như vầng quang xung quanh Ngài. Vòm trời chếch trên đầu là đám mây ngũ sắc. Một cảnh quay đẹp và ẩn bao ý nghĩa tâm linh và giàu ngôn ngữ văn học của điện ảnh.

Cảnh Thái tử Tất Đạt Đa ép xác tọa thiền dưới một cây, là một thân cây cổ thụ quắc thước, rễ to gân guốc tua tủa nổi trên mặt đất ghi lại dấu tích thời gian rất đồng cảnh với hình hài khổ hạnh của Tất Đạt Đa. Là một cảnh toát lên nhiều hiệu ứng hình ảnh nghệ thuật, mô tả đắt giá hơn bất cứ chữ nghĩa nào ca ngợi về công đức tu hành của Thái tử Tất Đạt Đa.


Đã có nhiều câu chuyện thuật lại đường tu của Đức Phật, là Người đã bỏ lại vợ con, giấu vua cha lấy trộm ngựa, trốn khỏi hoàng cung vượt thành Ca tỳ la vệ. Nhưng các nhà làm phim đã không làm giống như vậy. Một đấng trí tuệ minh triết thường thuyết giảng về Tứ Diệu Ðế (diệt khổ của con người) một nhân cách vô song, vô lượng thì không thể thực hiện sự khởi đầu về con đường giác ngộ bằng cách thản nhiên bỏ vua cha, lạnh lùng bỏ vợ và con để trốn đi con đường khác của mình.


Do vậy, các đạo diễn đã trung thành với lịch sử tạo nên các cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thuyết phục cha, thuyết phục vợ là công chúa Da Du Đà La hiểu và chấp nhận để chàng ra đi. Đây là những cảnh diễn không có hành động rất khó cho diễn viên. Thái tử vốn có tâm khiêm tốn, từ bi nên không thể chau mày, cao giọng, đấu khẩu hoặc thống thiết van xin. Tất cả được diễn viên Gagan Malik diễn bằng tâm hạnh một cách trung thực tuyệt đối, tích lũy từ những tháng năm công phu tọa thiền mới có thể điều tiết cách diễn ngọt ngào thẫm đẫm cảm xúc người xem đến vậy.


Hoặc như cảnh Thái tử Tất Đạt Đa đến nhìn vợ con lần cuối, bàn tay Thái tử nhẹ nhàng đặt lửng phía trên hông đứa con và cũng như vậy trên trán vợ, không chạm da thịt nhưng vẫn kết nối ân nghĩa lúc chia tay một cách sâu sắc, để lại hình ảnh quá đẹp trong lòng người hâm mộ.

Gagan Malik đã thể hiện vai Thái tử Tất Đạt Đa với một phong cao quý, tâm hồn, tình cảm đẹp đẽ như một bông sen. Tất cả những gì được Ngài thể hiện đều tóa lên những thông điệp sự sống của Ngài luôn ngát như hương sen. Tài năng và hình thể của anh chưa phải là tất cả làm nên một vai diễn bất hủ mà nhờ vào công đức tu luyện như Đức Phật nên anh đã làm nên một hình tượng Đức Phật hoàn mỹ.


Để có một tác phẩm điện ảnh thời lượng 145 phút đúng với tiêu chuẩn quốc tế về phim nhựa mà đoàn làm phim đã chuẩn bị và thực hiện suốt sáu năm. Chỉ mục đích chuyển tải thông điệp những điều tốt đẹp của một đấng từ bi cao quý bậc nhất có thật trong lịch sử Phật giáo đến công chúng. 

Phim được kể về Thái tử Tất Đạt Đa từ lúc sanh ra đến lúc Ngài đạt đến giác ngộ là 35 tuổi, nhưng lại có tên phim là: “Cuộc đời của Đức Phật”, nội dung chưa nói gì đến quãng đời 45 năm giảng Pháp của đức Phật thì chưa thể gọi tên phim là “Cuộc đời đức Phật”.

Điều đáng ghi nhận lớn lao hơn là bộ phim đã đạt đến đỉnh cao của sự truyền cảm tới người xem trên toàn thế giới. Một hình thức hoằng Pháp rất cao cấp từ nghệ thuật điện ảnh, không mang tính câu khách đã chiếm được lòng trân trọng của người hâm mộ.
 
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Trâm