Nghĩ về một “siêu phượt thủ”


Trong nhiều năm gần đây, các phương tiện truyền thông thường có phóng sự về những người tìm đến vùng đất xa xôi để khám phá sự kỳ vĩ của thiên nhiên cũng như những nền văn hóa, đời sống khác biệt. Thỉnh thoảng lên mạng đọc báo bên nhà, tôi học được các từ mới nghe lạ lạ vui vui như “đi phượt”, “phượt thủ” để nói đến những nhân vật này.
 
 
Cũng giống các phượt thủ bên nhà, là một người đam mê đời sống dã ngoại, tôi thích tìm đến thiên nhiên, lội rừng, băng suối để cắm chiếc lều trên đỉnh núi cao hoặc thung lũng sâu, say đắm ngắm ánh nắng chiều hoàng hôn lan tỏa, mây trời nhè nhẹ trôi, núi rừng bàng bạc phủ tuyết trắng tinh khiết... Mỗi lần đi, phượt thủ - những người dã ngoại như tôi luôn đem theo “đồ nghề” cho cung đường phải vượt qua, cho cuộc sống ngoài trời. Bên cạnh đồ ăn thức uống, lều, túi ngủ, dụng cụ nấu nướng thì còn có những dụng cụ đặc biệt. Chúng tôi cũng thường đem những món này để khoe nhau mỗi khi mua được một món mới, như chiếc lò gas bỏ túi gió thổi không tắt lửa, chiếc nệm hơi chỉ nặng 100 gam, xếp lại chỉ lớn bằng 2 bàn tay nhưng có thể tự bung ra v.v... Tựu trung “đồ nghề” đem theo để giúp phượt thủ được thuận tiện cho chuyến phiêu lưu.
 
Có một lần, trên thảo nguyên hoang vắng một thân một mình, đốt ít củi sưởi ấm, nấu bình trà nhâm nhi ngắm bầu trời vi diệu đầy sao, trong cảm giác bàng bạc thanh tịnh an lạc ấy, tôi nghĩ về Đức Phật thật nhiều, bỗng khám phá một điều từ xưa đến nay không nghĩ đến. Lẫn trong xúc động, cảm phục, sung sướng tôi thốt lên:
 
- Trời ơi, ngày xưa Đức Phật “phượt” tuyệt vời quá! Có một không hai!
 
Người Phật tử ai cũng biết lịch sử Đức Phật là Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ lâu đài điện ngọc, xuất gia, sáu năm khổ hạnh rừng già, giác ngộ thành đạo… Mỗi lần đọc lịch sử Đức Phật, tôi luôn xúc động nhưng không hề liên tưởng đến chi tiết. Đức Phật ngày xưa dù cuộc sống đế vương nhưng khi xuất gia đã “băng rừng lội suối” tìm chân lý cho muôn loài, đã đi bằng đôi tay trắng, gót chân trần, không mang theo bất cứ đồ nghề, thức ăn thức uống nào như chúng tôi thời nay. Do tâm huyết chuyên chất chỉ nghĩ đến lý tưởng cao cả tìm đường cứu độ muôn loài nên Ngài không bận tâm nghĩ đến những vật dụng cần thiết như dân phượt. Cây diêm, chiếc mền cũng không chứ nào đủ thứ kem chống muỗi, chống nắng, bao thứ linh tinh mà phượt thủ thường đem theo.
 
Với trí tuệ siêu việt của Đức Phật, dĩ nhiên Ngài đã dùng trí tuệ vượt qua những khó khăn của thiên nhiên để tồn tại thực hiện hạnh nguyện của Ngài. Sáu năm khổ hạnh “phượt” ở rừng già, Ngài cũng phải giải quyết các vấn đề: làm thế nào để khỏi bị rắn cắn, làm sao để khỏi bị mưa gió lạnh gây cảm bịnh, phương cách cầm máu khi bị thương, phương cách tiêu thụ ít lương thực nhưng vẫn đầy năng lượng, trí tuệ vẫn bừng sáng v.v...  Điều tuyệt vời là Ngài đã giải quyết bằng phương pháp tự nhiên, thiên nhiên chứ không cần các “đồ nghề” như phượt thủ ngày nay.
 
Từ cổ đến kim, Đức Phật là bậc duy nhất “rong ruổi” hầu hết cuộc đời mình. Sau khi thành đạo, Ngài đã dành trọn 45 năm còn lại đi đến bao vương quốc xa lạ, xóm làng hẻo lánh. Dẫu vua quan, đại phú đại gia cúng dường vàng bạc, châu báu, vật dụng, Đức Phật từ chối hết thảy. Ngài “đi phượt” trên thân chỉ mặc chiếc áo vá, đôi chân trần, tay ôm bình bát. Bước chân đi nhẹ nhàng, khuôn mặt từ ái, trí tuệ siêu việt, truyền dạy con người phương pháp thoát khổ, thoát si mê tham giận để có một cuộc sống an lạc tỉnh thức đạt đến giác ngộ.
 
Trong ánh lửa bập bùng trên thảo nguyên đêm ấy, nghĩ đến Đức Phật, lòng tôi tràn dâng cảm xúc. Sau này mỗi chuyến đi phượt tôi thường nghĩ đến Ngài, tôi bớt mang đồ linh tinh, đơn giản hóa tối đa. Đôi khi tôi thích thú tự hỏi ngày xưa Đức Phật khi đi, gặp khó khăn này, khó khăn kia thì sẽ giải quyết ra sao? Rồi tưởng tượng những giải pháp Đức Phật có thể ứng dụng mà không cần “đồ nghề”. Từ đó tôi phát hiện thêm nhiều điều thú vị về Ngài, lòng biết ơn vô vàn bậc đã cho tôi không những con đường đạo, con đường làm người mà còn cho tôi thấy “phượt” thế nào được an lạc, tỉnh thức hơn.