Ngôi chùa với nhiều bí ẩn "độc nhất vô nhị": Tiêu Sơn cổ tự


Chùa Tiêu Sơn hay còn gọi là Tiêu Sơn cổ tự, nằm ở lưng chừng núi Tiêu Sơn thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa vốn nổi tiếng trong cả nước và ở cả nước ngoài bởi những bí ẩn về Thiền sư Vạn Hạnh và pho tượng nhục thân Thiền sư Như Trí.
 Bảo tháp với bức tượng Thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn cổ tự
Về nơi chốn thiêng - Tiêu Sơn cổ tự

Ngược dòng thời gian, chùa Tiêu Sơn được xây dựng từ thời tiền Lê và là nơi tu hành của cao tăng Thiền sư Lý Vạn Hạnh, người có công nuôi dạy vị vua đầu tiên lập nên triều Lý (vua Lý Công Uẩn). Ngôi chùa cổ này từng là chốn tu thiền huyền bí và trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam.
 
Lần theo những bậc thang lên nhà Tổ và chùa chính có một nhà bia, trên hai cột nhà bia đắp nổi 2 câu đối:

Lý gia linh tích tồn bi ký
Tiêu lĩnh danh khu đắc sử truyền

(Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc,
Danh thắng non Tiêu có sử truyền)

Ở giữa nhà bia đặt một tấm bia bằng đá nhám kích thước 60 x 40 x 25cm, mặt chính khắc bốn chữ “Lý gia linh thạch”. 
 
Dù đã trải qua cả nghìn năm thăng trầm cùng lịch sử, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được rất nhiều pho tượng quý, đặc biệt là nhục thân Thiền sư Như Trí. Đây được xem là 1 trong 4 pho tượng độc đáo nhất Việt Nam được làm theo hình thức: thiền táng hay còn gọi là tượng táng.
 Bức tượng nhục thân của Thiền sư Như Trí
Bức tượng này được phát hiện vào năm 1971, nhưng mãi đến năm 1996, bí mật này mới được hé lộ. Năm 2004, GS.TS Nguyễn Lân Cường cùng nhóm các nhà khoa học đã tiến hành tu bổ pho tượng để bảo quản trong tủ chân không, theo phương pháp khoa học hiện đại. Hiện nay, tượng nhục thân Thiền sư Như Trí ngự trên ban thờ nghiêm trang để khách thập phương được chiêm ngưỡng và thờ phụng hàng ngày.
 
Theo lịch sử Phật giáo, Thiền sư Như Trí là người có công khắc in "Thiền Uyển Anh tập" vào năm 1715, tại chùa Tiêu Sơn. Đây là bộ sử Thiền có giá trị trong kho tàng văn hoá Phật giáo nước ta.

Ngôi chùa không có hòm công đức

Khác với những ngôi chùa lớn hay chùa cổ có tiếng ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Tiêu Sơn cổ tự còn được biết đến là một ngôi chùa không sử dụng hòm công đức.

Theo lý giải của Ni sư Thích Đàm Chính thì: Tiền rất ô nhiễm, không thanh tịnh mà đặt lên ban thờ như thế, mất cả vẻ trang nghiêm. Thế rồi bao giờ đã hết những người tham lam, nghiện ngập. Có khi họ đặt đồng bé, nhưng lại lấy đồng to, người ngoài trông thấy thì bảo đổi, mà biết đổi thế nào, nhưng nếu không biết mà lại co kéo, mắng thì cũng phải tội”.

Đốt vàng mã, chuyện không có ở chùa Tiêu Sơn

Cùng với việc không sử dụng hòm công đức, chùa Tiêu Sơn cổ tự vốn từ mấy chục năm qua nhà chùa không đốt vàng mã và người dân nơi đây cũng quen với việc này. Mặc dù vậy, khi khách thập phương tới chùa, có người không biết vẫn mang theo tiền, vàng mã, hay sớ đến lễ. Tuy nhiên, sau khi lễ xong, nhà chùa sẽ thu lại và mang đi hóa chứ không để phật tử hay khách thập phương hóa, làm ảnh hưởng đến chốn tôn nghiêm nơi cửa chùa, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường.

Nói về tục đốt vàng mã, Ni sư Thích Đàm Chính, năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm (91 tuổi) và là sư trụ trì ở ngôi chùa này từ năm 1967 cho đến nay cho biết: "Ở chùa Tiêu Sơn không đốt vàng mã từ trước rồi chứ không phải đợi công văn của Trung ương Giáo hội, nhưng nhiều người đến đây họ vẫn mang theo vàng mã.

Mới hôm qua cũng có đoàn cán bộ người ta mang đến. Tôi nói: "Các ông không nghe nhà chùa nói rồi, nhà nước cũng đã tuyên truyền trên đài, báo mà vẫn cứ làm là thế nào? Tại sao lại cứ mua tiền giả đốt để cầu cúng xin tiền thật thì làm gì có?".

Cũng theo Ni sư Thích Đàm Chính, khi mới về ngôi chùa từ năm 1967, chùa hoang tàn, nhiều đồ thờ cúng, tượng Phật cũng bị đổ vỡ do chiến tranh, một số mất cắp. Ngày ấy, dân làng Tiêu Sơn còn nghèo, hàng ngày ni sư trèo cây hái hoa lan và hái quả thị đi bán lấy tiền đong gạo, rồi tích cóp dần để tu bổ chùa, mua thêm tượng phật. Ai công đức xây dựng tôn tạo chùa, ni sư cũng chỉ nhận đủ số tiền chứ không nhận thừa. Vì thế chùa không có hòm công đức. Hàng ngày khách đến lễ Phật có đặt tiền thì ni sư cũng tán lộc chứ không giữ lại mấy khi, trừ khi cần mua sắm hay tu sửa phải cần đến tiền thì cũng chỉ giữ đủ số tiền cần chi tiêu.

Đừng biến cửa thiền thành nơi cầu vận may

Trở về Tiêu Sơn trong những ngày đầu năm, mặc dù bận rộn nhưng ni sư vẫn dành cho chúng tôi những giây phút quý báu sau khi vừa tụng kinh xong. Hỏi chuyện ni sư xung quanh việc đi lễ đầu năm cũng như văn hóa tín ngưỡng của người Việt, Ni sư thở dài than rằng: "Chẳng dám mong điều gì cả vì có mong cũng không được. Bà con đi lễ, mình giáo hóa mà cũng không được thì mong cái gì. Ngay hôm qua, thấy một bà đi lễ cứ đọc sớ rất to mà mọi người thì đang tụng kinh.

Lúc ấy cũng có một ông nhà báo nói rằng đi bao nhiêu chùa mà không thấy nhà chùa tụng kinh như ở chùa Tiêu. Tôi cũng bảo bà đọc sớ bé để nhà chùa tụng kinh cầu cho cả thập phương thế giới chứ có cầu cho một mình ai đâu. Cứ tâm niệm “Tâm xuất Phật biết” làm gì phải đọc to. Đã thế một chốc lại xin đài loảng xoảng. Tôi mới nói tí nữa ai là trưởng đoàn mời xuống nhà chùa gặp tôi, cũng nhắc mấy lần nhưng mà lễ xong họ đi luôn vì biết tôi mời xuống để nhắc nhở. Đấy là "dạng buôn thần bán thánh", chứ không phải phúc đức gì đâu.

Với những vẻ đẹp văn hóa tâm linh mà Tiêu Sơn cổ tự giữ được trong mấy chục thập niên, cùng những bí ẩn về Thiền sư Vạn Hạnh và pho tượng nhục thân Thiền sư Như Trí. Mong rằng quý vị phật tử, khách thập phương khi đến vãn cảnh chùa, hãy tôn trọng những nguyên tắc "bất di bất dịch" đã có từ hàng chục năm qua ở Tiêu Sơn cổ tự".

Hãy đến cửa thiền bằng tấm lòng thanh tịnh, thành kính, tri ân công đức, hãy dừng lại những hành xử không đẹp, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Tiêu Sơn cổ tự và làm cho không khí an lạc, thanh bình ở nơi đây bị biến thành nơi dành cho những toan tính đời thường của một bộ phận người vốn coi của chùa là nơi cầu vận may.

Minh Anh 
Nguồn: http://danviet.vn/van-hoa/ngoi-chua-voi-nhieu-bi-an-doc-nhat-vo-nhi-tieu-son-co-tu-854076.html