“NGÔN HOÀI” MỘT BÀI KỆ THIỀN RẤT KHÓ DỊCH
Ngôn Hoài là một bài kệ nổi tiếng của Thiền sư Không Lộ đời Lý. Thiền sư Dương Không Lộ là tổ đời thứ 3 của Thiền phái Thảo Đường, được vua phong là Lý Quốc Sư. Bài “Ngôn Hoài” là một trong hai tác phẩm còn được lưu truyền đến nay. Bài kệ vốn có mấy năm được đưa vào chương trình Trung học phân ban cho học sinh lớp 10. Đây là một bài học khó cho cả thầy và trò.
Kệ là loại văn vần ứng khẩu nên lúc mới làm vốn không có đầu đề. Bài kệ về sau được các sách đặt tên là Ngôn hoài nghĩa là nói lên nỗi lòng mình:
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Ý nghĩa bài kệ sâu xa, khó hiểu và đã có nhiều bản dịch tiếng Việt khác nhau do các nhà Nho, các học giả danh tiếng, các nhà sư… như Phan Võ, Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Kiều Thu Hoạch, Thiền sư Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Tuệ Sĩ… Trong đó bản dịch của cụ Phan Võ được nhắc đến nhiều nhất và được in vào Sách Giáo khoa Ngữ văn lớp 10 ban KHXH (NXB Giáo Dục - Hà Nội 1991) như sau:
Dịch nghĩa:
Chọn được mạch đất long xà (rồng rắn) là nơi ở được,
Tình quê suốt ngày vui không chán.
Có lúc lên thẳng đỉnh núi trơ trọi,
Kêu dài một tiếng lạnh cả bầu trời.
Dịch thơ:
Kiểu đất long xà chọn được nơi,
Tình quê nào chán suốt ngày vui.
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.
(Phan Võ dịch)
Sách đã dịch nghĩa, dịch thơ như thế… là nhất quán với nhiều giải thích có từ trước… Cả bài kệ có 4 câu. 3 câu sau tuy cũng có nhiều điều được các nhà nghiên cứu bàn luận, song khúc mắc nhất và cũng là nơi tồn tại cái sai trầm trọng nhất nằm ở câu đầu. Cái sai lưu truyền qua nhiều năm; chẳng hạn GS. Đặng Thai Mai đã hoàn toàn đồng ý với cách dịch từ trước của cụ Phan Võ rồi giảng về “kiểu đất long xà” như sau: “Nhà thơ vui mừng nhìn địa hình địa vật qua những dặng (rặng) đồi hình rồng hình rắn uốn quanh ngôi nhà của mình. Đó là lối nhìn của các thầy địa lý” (2) . Tương tự, Kiều Thu Hoạch trong Thơ văn Lý, Trần (3) cũng dịch bài kệ:
Kiểu đất long xà chọn được nơi,
Tình quê lai láng chẳng hề vơi.
Có khi xông thẳng lên đầu núi,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.
và giảng: “kiểu đất long xà” là “ theo cách nhìn của của các nhà phong thủy hay đi xem kiểu đất thì nơi nào có hình thế của rồng rắn là nơi đất đẹp, có thể ở được”.
Giải thích như trên là không đúng… bởi việc tìm thế đất hợp phong thủy là việc của người đời trong trường danh lợi mong hưởng khí thiêng của mạch đất, của núi đồi, sông suối mà phát tài lộc, còn người đã xuất gia tu hành thì nào có cầu mong điều ấy làm chi. Giải thích vậy là mặc nhiên xem ý thức Thiền sư cũng chẳng khác chi thế tục.
Học giả An Chi đồng thời nêu thêm một cái sai nữa của bài thơ dịch:
“ Tiếc rằng thuật phong thủy và các thầy địa lí lại không bao giờ nói đến “những rặng núi hình rồng, hình rắn” hoặc “kiểu đất có hình thế của rồng, rắn, chỉ vì đơn giản “long xà địa” là một lối nói không hề tồn tại trong thuật phong thủy…”. An Chi đã kiểm chứng qua sách Bí ẩn phong thủy của Vương Ngọc Đức nêu 21 khái niệm thường dùng và 92 thuật ngữ cơ bản của thuật phong thủy thì chẳng có thuật ngữ nào là “long xà địa” cả! (4)
Vậy có lẽ “kiểu đất long xà” đã được cụ Phan Võ suy từ chữ “long mạch”. GS. Đặng Thai Mai cũng dùng liên tưởng ấy mà giải thích bài kệ. Nhiều bản dịch khác về sau chẳng qua cũng chỉ dựa vào bản dịch của cụ Phan Võ và giải thích của GS. Đặng Thai Mai (5) .
Riêng gần đây xem một bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, ý nghĩa có khác:
Chọn nơi xa vắng hợp lòng quê,
Năm tròn mặc khách đến hay về.
Có khi tiến thẳng lên đỉnh núi,
Mây tan trăng hiện tiếng cười hề!
Bản dịch không sát và có chỗ không hay lắm nhưng cái chính là đã thoát được lỗi khi dịch “long xà địa”. Chữ này đã được chuyển là “nơi xa vắng”.
Suy cho cùng thì người dịch thơ không chỉ phải giỏi về thơ, giỏi về ngôn từ của 2 dân tộc mà còn phải hiểu thấu được các vấn đề được nói đến trong nguyên tác. Dịch “Ngôn hoài”, người dịch phải thông hiểu Thiền . Thật khó quá! Năm 2005 bài kệ trên lại được dịch ra tiếng Anh, in trong tập Thơ Thiền Lý Trần do nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên với sự tham gia của 2 giáo sư trường Đại học Massachusetts: Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung. GS. Nguyễn Huệ Chi hiệu đính phần Hán văn, Thiền sư Lê Mạnh Thát viết lời tựa. NXB Văn Hóa Sài Gòn xuất bản. Đây là quyển sách thơ được triển lãm với kích thước lớn nhất Việt Nam: cao 1,11m, rộng 0,81m, in trên giấy dó, đồng thời phát hành rộng rãi với giấy thường khổ nhỏ, gồm 144 trang. Để hoàn thành, Nguyễn Duy đã mất gần 5 năm, trải qua bao nỗi gian nan với sự cộng tác của các học giả Việt, Mỹ danh tiếng. Quyển thơ dịch là công trình đáng trân trọng song bài thơ dịch Ngôn hoài ra tiếng Anh thì có điều đáng nói.
Tiếng Việt vốn gần gũi với Hán ngữ. Trong tiếng Việt, tỉ lệ từ gốc Hán khá cao vậy mà việc chuyển ngữ đã khá gay go huống hồ gần đây bài kệ trên lại được dịch ra tiếng Anh.
Chuyển qua một ngôn ngữ thứ ba, câu “Trạch đắc long xà địa khả cư” đã được dịch nghĩa: Finding a dragon – shaped land where I could reside (tìm được một mảnh đất hình rồng, nơi tôi có thể cư trú) rồi dịch ra thơ: A dragon – shaped land to call my own.
Gióng theo từng từ một, việc chuyển ngữ tiếng Anh chẳng có gì sai… nhưng người Âu Mỹ họ sẽ hiểu câu kệ trên như thế nào đây - khi trong nền văn hóa của họ, từ dragon là quái thú gợi lên niềm kinh sợ. Dragon xuất phát từ tiếng Hy Lạp δράκων (Drakon) là con rắn khổng lồ. Dragon trong Kinh Thánh là rắn, là kình ngư. The old dragon là quỷ Satan. Trong trí tưởng tượng của người Phương Tây, dragon là con thú hung ác mõm như mõm dê, đầu mõm hơi quặp xuống giống mỏ diều hâu lại có nhiều gai nhọn tua tủa, trán có 2 sừng, mắt lộ hung quang, lưng có cánh rộng, bốn chân cao có móng sắc; đuôi dài, đầu đuôi nhọn hình tam giác có mấu như mũi tên, miệng có khi khạc lửa thiêu cháy mọi vật, khác hẳn với rồng của Đông Á. Ở Trung Quốc, rồng được trân trọng, đứng đầu trong 4 con vật linh thiêng. Sách Thuyết văn giải tự giảng về chữ “long ” có vẻ thần kì, linh dị như sau: “Lân trùng chi trưởng, năng u năng minh, năng tế năng cự, năng đoản năng trường, xuân phân nhi đăng thiên, thu phân nhi tiềm uyên”. (Rồng đứng đầu các loài thú có vảy, thoắt ẩn thoắt hiện, có thể biến hóa rất nhỏ, lại có khi hóa ra cực kỳ to lớn, có khi ngắn có khi hóa dài; tiết xuân phân thì bay lên trời, tiết thu phân thì lặn sâu đáy vực). Sang nước ta, rồng là linh vật của dân tộc bắt đầu từ truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ. Rồng Việt Nam mang dáng vẻ thanh thoát hơn, đặc biệt vào đời Lý, kinh đô Thăng Long gắn liền với biểu tượng rồng.
Dragon trong ý niệm người phương Tây xa cách rồng Đông Á một trời một vực. Đọc chữ dragon trong bản dịch ra tiếng Anh, mặc dù đã có chú thích ở dưới là “ A most auspicious type of land composition”(một thế đất đại cát), người phương Tây cũng phải thắc mắc là sao ông sư này lại phải đi chọn riêng cho mình mảnh đất hình quái thú ? Sao quái thú mà lại đại cát ?
Đến đây xin trích của Thiếu Khanh đoạn viết sau để tỏ rõ thêm cái khó khăn trong việc dịch bài kệ sang Anh ngữ: “…Người Việt đầu tiên nào đã dịch từ dragon trong từ điển thành “con rồng” đã phạm một sai lầm văn hóa vô cùng quan trọng; sự sai lầm đó ngày càng phổ biến, rất khó sửa chữa. Nhưng một dịch giả nhà thơ nắm vững hai ngôn ngữ (cũng có nghĩa là có hiểu biết cả hai nền văn hóa) có lẽ không nên dễ dãi với lối dịch sát nghĩa như thế. Ngoài ra, dịch hai từ khả cư là “to call my own” là hoàn toàn ngược lại với tinh thần buông xả của Phật giáo: người tu hành không giữ lại cái gì để gọi là của riêng (my own) cả. Yêu cầu người dịch thơ Thiền phải là một thi sĩ thiền sư hoặc chí ít là một nhà tu hành là vì vậy…”(6)
Sở dĩ có những sai lạc như thế là vì người dịch chưa hẳn đã thấu hiểu hết tư tưởng hai nền văn hóa Đông Tây, nhất là của Thiền tông. Dịch thơ là việc khó khăn, đã vậy bài kệ của Không Lộ lại thuộc loại khó dịch. Có lẽ vì lí do này, những năm gần đây bài đã được đưa ra khỏi chương trình Trung học../.
Nguyễn Cẩm Xuyên (Việt Văn Mới)