Người học cách biết đủ và mơ cùng giấc mơ của lũ trẻ


 Rất nhiều người vẫn mải miết tìm kiếm những định nghĩa và giá trị của hạnh phúc bằng cách cố gắng làm thật nhiều việc nhằm thỏa mãn mong muốn của mình.Thế nhưng, trên một hòn đảo xa, phía Tây nam Tổ quốc, nơi đầy sóng biển, rừng và đá cằn cỗi, có một người đã cho tôi biết,"hạnh phúc" gói gọn chỉ bằng việc "biết đủ" mà thôi.


hoc-cach-biet-du
Đoàn công tác TP.HCM giao lưu văn nghệ với Thầy trò lớp học tình thương

Cuối năm 2017, nhằm vào lúc siêu bão số 16 - Tembin được dự báo sẽ vào thẳng nước ta, đoàn đại biểu TP.HCM tổ chức chuyến thăm các chiến sĩ hải quân Vùng 5 từ ngày 23 đến 29-12, do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn. Mặc tin bão tới, đoàn vẫn kiên quyết vượt sóng dữ để đặt chân lên đảo Hòn Chuối, một trong những cụm đảo nhỏ và khá biệt lập so với một số đảo khác thuộc tỉnh Cà Mau. Muốn lên được đảo, đoàn chúng tôi phải neo thuyền từ ngoài xa, trung chuyển vào bằng những chiếc bè nhỏ của dân chài ở đây. Trong những đợt sóng dữ đánh mạnh, khiến bè nghiêng ngả, Hòn Chuối hiện ra trước mắt tôi với những vách đứng hiểm trở, không có bãi cát, và đoàn phải leo qua hàng loạt các mỏm đá bám đầy rêu trơn trượt, mới vào được tới bờ. 

Ở hòn đảo cách đất liền 17 hải lý, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, vỏn vẹn 70 ha này, điện và nước ngọt là những món quà xa xỉ mà 54 hộ/ 177 nhân khẩu phải hết sức tiết kiệm mới có dùng. Từ ngoài xa nhìn lại, không khó để thấy những căn nhà xập xệ, được dựng lên tạm bợ lưng chừng triền núi, là nơi nghỉ ngơi sau cả ngày ra khơi đánh bắt, kết bè nuôi cá dưới chân đảo của người dân. Cũng bởi cuộc mưu sinh chật vật ấy, đám trẻ nơi này buộc phải tự sinh tồn theo bản năng, biết giăng lưới, câu cá để tự kiếm cái ăn, biết tự bơi vào bờ mỗi khi trượt chân từ mỏm đá rơi xuống biển. Cha mẹ các em chẳng hề bận tâm đến việc biết chữ hay không. Bởi vậy, ban đầu, người dân ở đây hoàn toàn mù chữ, cho đến khi Thượng úy Trần Bình Phục chuyển đến ... 

hoc-cach-biet-du
"Thầy giáo" Thượng úy Trần Bình Phục với lớp học tình thương của mình

Người mơ cùng những giấc mơ của lũ trẻ 

Vốn làm công việc vận động quần chúng tại Đồn biên phòng 704, thuộc Bộ đội Biên phòng Cà Mau, Thượng úy Trần Bình Phục sau khi vượt qua căn bệnh ung thư máu năm 2008, đã tự nguyện làm đơn xin chuyển công tác về đảo Hòn Chuối, đến nay đã ngót gần 10 năm anh gắn bó với nơi này. Chia sẻ những ngày đầu về đây, điều khiến anh rung động nhất chính là tụi nhỏ, với ánh mắt trợn lên đầy ngờ vực, đáp lời anh chỉ bằng những câu nói trỏng không và thái độ xấc xược. Tuy vậy, điều anh thấy ở chúng và cả người dân nơi này không phải vẻ bề ngoài ấy, mà là sự đồng cảm và yêu thương lạ kỳ. Anh nói: “Xã hội bây giờ hiện đại rồi, vậy mà tụi nhỏ ở đây vẫn phải đeo cái gông đói nghèo, vô học và mất dần nhân cách. Những vết thương tinh thần đều sẽ xuất phát từ đây, nghĩ vậy mình quyết dạy chữ cho chúng bằng được”. 

Khi hỏi về khó khăn trong buổi đầu dạy học, anh vui vẻ kể cho chúng tôi về câu chuyện đi “mua chuộc” từ người lớn đến trẻ nhỏ trên đảo. Từ hồi quyết dạy chữ, mỗi ngày anh đều đặn đến từng nhà, tỉ tê, thuyết phục người lớn, “những người chỉ lo cho cái ăn, cái mặc đã vật vã lắm rồi”, chịu cho con mình đi học; rồi dỗ dành tụi nhỏ bằng kẹo bánh, chơi cùng chúng; với những đứa đang tuổi trưởng thành, có cả mấy pha “truy lùng, đuổi bắt, khuyên can” đủ kiểu. Cứ vậy suốt cả năm ròng, mới “lùa” hết được bọn trẻ đến lớp như bây giờ. 

“Mỗi chúng ta đều có lối đi riêng để thu nạp tri thức. Đối với bọn trẻ cũng vậy, có nhiều cách để giúp chúng tiếp nhận, chỉ là mình chưa tìm ra thôi, chứ không phải không tìm được, nên kiên trì nhất định sẽ tìm thấy cách phù hợp để dạy chúng và chúng chịu nghe lời mình. Tôi tin chắc như vậy”, anh tâm sự. 

Lòng tin kiên định của anh khiến mỗi thành viên trong đoàn của ngày hôm đó phải mang lòng cảm phục, và minh chứng cho điều ấy, là hình ảnh những cô cậu bé học trò của anh, xuất hiện trước chúng tôi, khi đoàn vô tình gặp chúng trên đường lên đồn biên phòng. Sáng bừng giữa vùng núi đá cheo leo là một ngôi nhà gạch kiên cố, được giới thiệu là lớp học tình thương do duy nhất Thượng úy Phục là thầy dạy. Ở đó, bọn trẻ từ đứa nhỏ xíu, độ 4-5 tuổi, cho đến đứa lớn, khoảng 12-13 tuổi, đứa ngồi trong lớp, đứa từ ngoài vào, tất cả không ai bảo ai, đồng loạt đứng bật dậy, khoanh tay cúi đầu lễ phép: “Con chào cô. Con chào chú”. Khó ai tin được, đây từng là những đứa trẻ chỉ biết nói tục và cư xử sỗ sàng. Nhờ anh, trẻ con Hòn Chuối biết chữ, biết lễ nghi, về truyền đạt lại cho cha mẹ chúng mỗi dịp sum vầy, cứ vậy mà trong vòng 10 năm, người dân trên đảo đa số đã thoát khỏi cảnh mù chữ. 

“Tụi nhỏ còn biết ước mơ, những mơ ước thực tế như thành cô giáo dạy chữ, bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo… nó trong veo”, anh đầy xúc động, rồi tiếp lời: “Đứa nào mơ ước cái gì, tôi hỏi thăm, tìm hiểu ngành nghề đó, đường đi nó thế nào, để về hướng dẫn, giúp chúng tiếp cận nhanh nhất với mơ ước ấy. Việc mơ cùng giấc mơ của bọn trẻ, là động lực để tôi tiếp tục dạy học đó”. 

“Vậy đủ rồi!” 

Đó là câu anh thường trả lời chúng tôi mỗi khi được hỏi về khó khăn “tài chính” trong quá trình làm thầy giáo của mình. Mọi thứ được anh chia sẻ nhẹ nhàng như thể chẳng hề có rào cản nào ngăn trở được những cố gắng của anh cho trẻ con Hòn Chuối: “Hồi đầu, bà con dựng cho một cái nhà lợp lá nhỏ, làm phòng học. Tập vở mình đi xin của mấy đứa bạn quen, gom lại làm dụng cụ cho tụi nhỏ học chữ. Tài liệu, sách giáo khoa, cũng từ họ xin giùm là có để dạy thôi. Về sau, qua người này người kia, mấy doanh nghiệp, cơ quan trên thành phố, biết hoàn cảnh ở mình, nên ủng hộ cho xây lớp học, phòng vệ sinh nhỏ và kéo được điện lên như bây giờ”… 

hoc-cach-biet-du
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và lớp học của lũ trẻ con trên đảo Hòn Chuối
 
Bước vào lớp học nhỏ ấy, với không gian le lói của ánh sáng mặt trời và ba bức tường treo ba tấm bảng, đại diện cho mỗi cấp độ học khác nhau (mẫu giáo, cấp I, cấp II), anh vui vẻ xua đi sự lo lắng của chúng tôi về gian phòng còn đơn sơ: “Ở đây, chỉ có mùa mưa mới thắp điện, còn mùa khô thì tranh thủ ánh sáng mặt trời là đủ rồi. Tụi nhỏ biết thông cảm lắm, nghe mình than hết tiền mua dầu chạy điện, để dành tiền mua vở, là chúng tập trung học liền, không hề đòi hỏi hay than thở gì hết. Mà thiệt, có đợt mình phải giúp cho gia đình tụi nhỏ để nó yên tâm lên lớp, lo cho nhà mình nữa, thâm luôn tiền lương, không mua được đủ dụng cụ học tập, phải năn nỉ, tụi nhỏ thông cảm hết, rồi thầy trò dựa nhau mà tiếp tục học”. 

Không chỉ lạc quan, người thầy giáo ấy còn tế nhị, mẫn cảm xuyên suốt cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, qua những lần chúng tôi đề nghị anh xin hỗ trợ từ các mạnh thường quân cho lớp học, anh chỉ “cười trừ” rồi nhẹ nhàng: 

“Thường thì vào giữa năm, mình đã bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho tụi nhỏ rồi, để vào đầu năm có cho tụi nó nhập học. Thấy thiếu cái gì thì mình hỏi xin bạn bè, người quen cái nấy, có cái được cho, cái mình tự mua, mỗi lần lắt nhắt vậy không đáng mấy, nên mình cũng không biết tốn tổng hết bao nhiêu tiền để mà xin hỗ trợ. Mình hiểu, muốn kêu gọi hỗ trợ, phải có liệt kê chi phí rõ ràng, biên nhận, đơn từ, thẩm tra, phê duyệt các thứ, chứ ai đâu mà cho lắt nhắt. Thấy phức tạp mà mất thời gian nữa, nên thôi, học trò nó thiếu gì mình hỏi bạn bè hay tự mua cho nhanh, dành tâm sức mà dạy tụi nhỏ”. 

Suốt cuộc trò chuyện ấy, những gì chúng tôi thấy ở hòn đảo này, với vô số khó khăn, thiếu hụt và cần thêm nhiều sự giúp đỡ, thì thầy Phục lại thấy điều trái ngược. Với anh, mọi thứ nơi này dường như đã đủ để anh và bọn trẻ có môi trường học tập yên ả. Khi chúng tôi nhận xét là “thiếu”, thì đều được anh đưa ra những cách khắc phục rất giản dị: phòng học thiếu cửa, lạnh vào mùa mưa thì thầy trò ngồi sát nhau, trò lớn ôm trò nhỏ cùng học; thiếu sách vở, đồng phục thì đi xin người quen, không có thì dùng lương để sắm; tụi nhỏ thiếu ăn thì anh lên đồn xin mì nấu, thiếu sức khỏe thì anh tới nhà cõng lên lớp; thậm chí, bản thân anh thiếu kiến thức cao hơn cho những em vào cấp III, anh vô đất liền, đến các trường phổ thông xin liên kết, hỗ trợ… vì số lượng các em ít ỏi nên hầu như các trường ở đó đều hoan hỷ chia sẻ gửi gắm của anh. Cứ vậy mà đến nay, số học sinh của anh đã xấp xỉ gần 30 em, có nhiều em được vào đất liền để theo học lên cao và vào cả đại học. 

Trước những trăn trở của mình, chúng tôi luôn nhận được từ anh nụ cười yêu đời, lạc quan và đầy nghị lực, nụ cười của một người lính - người hạnh phúc: “Mình gặp may, có nhiều bạn tốt giúp đỡ, rồi thì cũng có lương, lấy đó lo nên cũng không đến mức thiếu lắm. Mình cố gắng đủ là được. Bản thân tụi nhỏ cũng thấy đủ và vui với tất cả những gì tôi cho chúng, vậy là tốt rồi”. 

Chỉ duy nhất việc không được nhiều thời gian dạy bọn trẻ là khiến anh bận lòng, vì người lính đều phải luân chuyển công tác 5 năm một lần. Riêng anh luôn muốn tiếp tục ở lại Hòn Chuối dạy bọn trẻ. Anh xúc động: “Mình hiểu, không có mình thì các anh em khác cũng có người làm tốt và giỏi hơn thôi. Nhưng giống như cha mẹ, đâu ai yên tâm giao con cho người khác, dù người đó tốt thế nào. Mình sợ nghĩ đến lúc phải rời đi, tụi nhỏ không biết có thích nghi được với người mới không, và liệu người mới có thể cảm thông mà yêu chúng trước khi dạy chúng không. Buồn chỉ có vậy!”