Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch Chư tôn Trưởng lão, Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng, ni
Trước hết, con xin đê đầu đảnh lễ đại tăng. Con xin nương nhờ pháp lực thanh tịnh hòa hợp của đại tăng để thi hành lệnh của tăng sai góp phần nhỏ bé trong sinh hoạt của tăng ni Việt Nam Hải ngoại nhân ngày về nguồn lần thứ 2. Con xin cung thỉnh Chư tôn Trưởng lão, chư Hòa thượng, chư Thượng tọa cao lạp chứng minh và hộ niệm cho.
Bài thuyết trình hôm nay của con đúng ra là một bài trình bày về một số suy tư và cảm nghĩ của con trong vai trò là một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đang hành đạo tại hải ngoại, đặc biệt để chia xẻ với quý thầy cô trẻ hầu góp phần sách tấn lẫn nhau. Kính mong đại tăng từ mẫn cố, đại từ mẫn cố.
I. Bối cảnh xã hội
Là thành viên trong cộng đồng xã hội, tập thể tăng sĩ Phật giáo tất nhiên ít nhiều cũng phải chịu tác động của xã hội. Đây là quy luật tất yếu. Quy luật này đã được chứng thực qua quá trình tồn tại của tập thể tăng sĩ Phật giáo trải dài suốt trên hai mươi lăm thế kỷ nay.
Khi xưa, tại Ấn Độ, lúc đức Thế Tôn còn tại thế, người tăng sĩ là một nhà khất thực, đi trì bình mỗi ngày, từ nhà này sang nhà khác, từ làng kia sang xóm nọ, vừa để nhận lương dược nuôi thân mà tiếp tục con đường giải quyết tử sinh khổ não, vừa làm ruộng phước cho chúng sinh gieo hạt bồ đề trồng cây thiện nghiệp. Mấy trăm năm sau, khi Phật giáo truyền vào các nước lân bang, nếp sinh hoạt của người tăng sĩ cũng tùy theo hoàn cảnh quốc độ và thời đại mà uyển chuyễn thích nghi.
Người tăng sĩ Phật giáo Trung Hoa, sống trong đất nước nông nghiệp là nếp sống căn bản, đã không thể tiếp tục con đường khất thực từng nhà, mà chuyển hướng sang sinh hoạt canh tác của chùa viện, lấy tinh thần “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” và thanh quy thiền viện làm nền tảng. Hình bóng của người tăng sĩ đã vắng dần trên các nẻo đường thôn xóm làng mạc. Thập phương tín thí cần phải đến các chùa viện để cúng dường tứ sự và nghe pháp của Chư tăng, ni. Nếp sống và sinh hoạt của người tăng sĩ chỉ tập trung ở các chùa viện là chính.
Phật giáo Việt Nam đã sớm có các trung tâm sinh hoạt Phật giáo quy mô từ những ngày đầu kỷ nguyên Tây lịch, mà Trung tâm Luy Lâu là một chứng tích lịch sử cụ thể. Nhưng Việt Nam là một nước nhỏ nằm cạnh một nước lớn Trung Hoa luôn luôn có tham vọng bành trướng bằng vũ lực và văn hóa. Vì vậy, lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử tranh đấu chống ngoại xâm kéo dài hàng ngàn năm không chấm dứt. Sống trong một đất nước như vậy, người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những điêu linh thống khổ và mất mát của dân tộc. Đó chính là bối cảnh sâu xa làm nền cho nếp sinh hoạt dấn thân tích cực của người tăng sĩ Việt Nam vào công cuộc dựng nước và cứu nước. Rồi xã hội Việt Nam dần dần chuyển mình thay đổi, từ cuộc tiếp cận văn hóa nông nghiệp Trung Hoa, đến cuộc tiếp cận văn minh khoa kỹ và lý tính Tây phương. Đất nước mở, xã hội thay đổi, mối tương quan tương duyên ngày càng sâu và rộng của xã hội với thế giới bên ngoài, với chính các thành viên trong cộng đồng xã hội đó đã lôi cuốn theo nó những ràng buộc không thể cưỡng của từng con người, từng tập thể trong xã hội.
Người tăng sĩ Phât giáo Việt Nam làm sao có thể cắt đứt những mối liên hệ xã hội kia! Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, do vậy, chỉ là hệ quả tất yếu không thể không xảy ra. Khi cuộc vận động kéo dài gần nửa thế kỷ đã đem lại nhiều thành tựu khả quan, ý thức và nhu cầu thống nhất Phật giáo thành một khối cũng là hệ luận hiển nhiên không thể chối cãi. GHPGVN Thống Nhất ra đời là kết quả rõ ràng có thể thấy trước.
Khi GHPGVN Thống Nhất ra đời, người tăng sĩ PGVN đã thật sự bước vào một khúc quanh mới trong nếp sinh hoạt. Đó là khúc quanh đưa người tăng sĩ PGVN dấn thân sâu xa hơn vào môi trường xã hội và tất nhiên cùng lúc cũng có nhiều cơ nguy hơn đối với sứ mệnh thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Hoàn cảnh đó là cơ hội hay thách thức còn tùy vào nội lực tự thân của mỗi người tăng sĩ PGVN.
Nhưng, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã đảo ngược toàn bộ nền tảng của xã hội, trong đó có PGVN. Những hệ lụy đau thương đi theo với biến cố ấy thì nhiều vô số kể, trong số các hệ lụy kia, có sự bỏ nước ra đi của hàng triệu người, tập thể tăng sĩ PGVN cũng có mặt trong đó và đang tiếp tục có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Nhìn về mặt nhân quả và lý tương sinh, sự có mặt của tập thể tăng sĩ PGVN tại hải ngoại vừa là hệ quả của một xã hội Việt Nam khủng hoảng thời đó, nhưng cũng vừa là nhân duyên cho một tiếp cận mới của lịch sử. Đó là cuộc tiếp cận sâu xa nhất của người tăng sĩ PGVN với xã hội văn minh khoa học và vật chất phương tây mà trước đây chưa bao giờ xảy ra, hoặc rất ít. Cuộc tiếp cận này là cơ hội hay thách thức cũng còn tùy thuộc vào nội lực của tập thể tăng sĩ PGVN.
II. Hành Trang
Sự đổi thay của môi trường xã hội mang theo sự thích ứng để cộng sinh của các thành viên trong cộng đồng xã hội ấy là điều hiển nhiên của tiến trình lịch sử. Trên bình diện xã hội, đó là tính chất tùy duyên, nhưng trên bình diện bản thể vẫn luôn luôn hàm ngụ đặc tính bất biến. Tập thể tăng sĩ Phật giáo vốn có đủ cả hai: tùy duyên và bất biến. Hay nói theo tinh thần giáo nghĩa của đạo Phật, tùy duyên chính là phương tiện trí và bất biến là căn bản trí. Tùy duyên phương tiện để quyền xảo giáo hóa quần sinh. Kiên trì bất biến với căn bản trí để thực chứng đạo quả giác ngộ và giải thoát. Thiếu một trong hai tức là đánh mất ý nghĩa trọn vẹn của bồ đề tâm.
Chính vì vậy, người tăng sĩ, đặc biệt người tăng sĩ trẻ, đang trên giai đoạn huân tu cần phải trang bị cho mình đầy đủ những hành trang căn bản. Trang bị hành trang chính là xây dựng nội lực tự thân. Nội lực tự thân được hình thành qua 2 thành tố chính yếu: Kiến văn và giới hạnh. Đối chiếu với tam vô lậu học (giới định tuệ) thì kiến văn là tuệ, giới hạnh là giới định. Nhưng đó chỉ là cách so sánh tương đối, không hoàn chỉnh, bởi vì trên lộ trình tu tập chúng ta không thể tách rời tam vô lậu học ra thành từng nhóm để thực nghiệm, mà phải vận dụng cả ba cùng một lúc, và cả ba đều có hiệu quả tương tác lẫn nhau để giúp thành tựu đạo quả.
Thời đại hiện nay, người tăng sĩ trang bị kiến văn không có nghĩa là chỉ thu thập kiến thức Phật pháp qua kinh luật luận, mà còn phải học hỏi nhiều lĩnh vực kiến thức bên ngoài thế gian từ kiến thức chuyên môn đến kiến thức phổ thông. Con đường học tập kiến văn do vậy, là con đường dài của đời sống, trong đó mỗi giây phút đều là thời gian quý báu để người tăng sĩ học hiểu về kiến thức và về ý nghĩa của cuộc đời. Hình ảnh tinh tấn không ngừng nghỉ, không từ gian lao để tìm cầu học đạo của Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm giúp người tăng sĩ tự sách tấn mình thêm lên.
Trong sinh hoạt phật sự tại Hải ngoại, vai trò kiến văn nơi người tăng sĩ thật vô cùng quan trọng. Xin đơn cử một việc, đó là phật sự làm trụ trì. Làm trụ trì, mới nghe qua thì có vẻ rất là đơn giản, dễ làm, dễ thành công, nhưng thật ra, không phải không cần đến kiến thức chuyên môn. Một vị trụ trì cần phải biết rõ về luật pháp liên bang và địa phương liên quan đến việc quản trị cơ sở tài sản chùa viện từ thuế má đến các điều kiện an toàn bên trong và bên ngoài ngôi chùa. Còn nữa, một vị trụ trì đôi khi là nhà cố vấn tinh thần cho nhiều phật tử. Nếu vị trụ trì không biết rõ luật pháp mà đưa ra lời cố vấn có liên quan đến pháp luật là điều vô cùng tai hại. Đó chỉ mới là việc trụ trì, chúng ta chưa đề cập đến vấn đề hoằng pháp, phát huy văn hóa, giáo dục, và đặc biệt truyền bá Phật pháp cho cư dân bản xứ.
Nếu kiến văn là hành trang giúp người tăng sĩ mở rộng tầm nhìn, mở rộng con đường đi tới, thì giới hạnh là hành trang năng lượng để tiếp sức, là bản đồ để giữ đúng hướng đi. Thiếu giới hạnh, người tăng sĩ dù có kiến văn cao rộng đến mức nào cũng chỉ như chiếc xe mới không có xăng dầu, người tài xế không có phương hướng để lên đường. Nên chi đức Phật và chư Tổ đã dạy: “Giới là chiếc phao,” chiếc phao để bơi qua dòng sông sinh tử trầm nịch. Giới hạnh xây dựng phong cách cao thượng của người tăng sĩ, giúp người tăng sĩ thanh tịnh thân tâm. Giới hạnh trong ỳ nghĩa sâu xa hơn chính là chất vô nhiễm có hiệu ứng tự tẩy sạch mọi trần cấu, tự thoát ly mọi trói buộc. Cho nên Tổ Quy Sơn có viết trong Cảnh Sách: “Phu xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục.” Giới hạnh làm cho người tăng sĩ khác với người đời. Giới hạnh làm cho người tăng sĩ trở thành tăng bảo.
III. Trực diện thời đại
Người tăng sĩ PGVN đang sống trong thời đại mà sức mạnh của vật chất, của nền văn minh khoa học, của vị thế thượng phong trong ngành tin học đang chi phối sâu nặng đời sống của tất cả thành viên trong cộng đồng xã hội. Một biến cố mới vừa xảy ra đâu đó trên hành tinh này tức thì được loan tải rộng khắp thế giới và tác động mãnh liệt lên cuộc sống của hàng tỉ người. Trên bình diện tác động tâm lý xã hội, một hình ảnh bạo động nào đó vừa mới được trình chiếu trong cuốn phim của một đài truyền hình có thể gây ra bao nhiêu tác hưởng sâu nặng cho giới trẻ mà hậu quả là tình trạng học sinh đem súng vào trường bắn xối xả vào thầy cô giáo và bạn học chỉ vì muốn bắt chước theo động tác bạo hành trong phim. Trên lĩnh vực phản diện của văn minh khoa học, thế giới ngày càng được báo động vì tình trạng hâm nóng toàn cầu đã và đang tác động nguy hại đến đời sống của địa cầu. Trong số những tác hại của hiện tượng hâm nóng toàn cầu có sự thay đổi bất thường của thời tiết làm nhiều nơi gánh chịu mưa bão qua mức, nhiều nơi bị hạn hán và nạn sa mạc hóa đang lan tràn làm ảnh hưởng đến mức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và kinh tế toàn thế giới, đưa đến nạn đói, nạn thiếu dinh dưỡng, nạn dịch khắp nơi. Đó chỉ là một vài trong vô số sự kiện nói lên sức mạnh của khoa học và tin học trong thời đại hiện nay.
Các tôn giáo tây phương đã biết vận dụng sức mạnh vật chất và khoa kỹ ấy để phục vụ cho công tác truyền bá của họ bao gồm cả hai mặt lợi và hại. Thực trạng của xã hội Hàn Quốc trong 50 năm qua là một bằng chứng cụ thể. Qua đó, các tôn giáo Tây phương đã từ vị thế nhỏ bé trở thành số đông chiếm hơn 60 phần trăm dân số Đại Hàn ngày nay, trong khi Phật giáo Hàn Quốc từ vị thế đa số chiếm trên 90 phần trăm dân số đã có lúc tụt xuống dưới 40 phần trăm. May thay, trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Phật giáo Đại Hàn đã ý thức được sự kiện này nên nỗ lực xây dựng lại nền tảng để khôi phục tiềm lực của Phật giáo. Nhờ biết vận dụng sức mạnh của vật chất và khoa kỹ, Phật giáo Đại Hàn đã dần dần chiếm lại ưu thế của mình, mà qua biến cố hàng trăm ngàn tăng ni và phật tử tuần hành trên các đường phố trong trật tự và hòa bình để phản đối chính sách bất công của chính phủ là một bằng chứng thấy rõ.
Nếu nói về nền tảng triết thuyết có khả năng chinh phục khoa học và tri thức, không một tôn giáo nào trên thế giới có thể so sánh được với Phật giáo. Hơn một tuần trước đây, tại châu Âu, các nhà khoa học vật lý trên thế giới vừa thí nghiệm thành công việc tái hiện lại vụ nổ “big bang” mà qua đó khởi đầu cho nhiều nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc của vũ trụ. Qua cuộc thử nghiệm vật lý lớn nhất trong lịch sử khoa học nhân loại này, các nhà vật lý học cho biết rằng trong thời kỳ đầu tiên của vụ nổ “big bang”, vũ trụ hoàn toàn ở trong tình trạng không có bất cứ dạng thức vật chất nào cả, nghĩa là “không”, tức là không tính trong Phật giáo. Nhưng, trên thực tế, không phải ai cũng có thể nắm bắt kịp đà văn minh khoa học để thay đổi não trạng và chuyển hóa tầm nhìn về nhân sinh quan và vũ trụ quan, đặc biệt hàng tỉ tín đồ các tôn giáo thần quyền. Cộng thêm vào đó, con người có khuynh hướng bảo thủ truyền thống, nhất là truyền thống gia đình và xã hội. Tây phương qua hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tôn giáo thần quyền không dễ gì có thể thay đổi niềm tin và quan điểm. Đặc biệt những tôn giáo mà giáo điều và tín điều không phù hợp với thời đại văn minh khoa học sẽ càng trở nên bảo thủ và cố chấp nhiều hơn nữa. Triệu chứng cuồng tín trong một số tôn giáo phản ứng trước sức mạnh của văn minh khoa học dẫn đến tình trạng khủng bố, ôm bom tự sát, kỳ thị tôn giáo đang là mối họa lớn cho cộng đồng xã hội nhân loại.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đang hoảng hốt trước những vấn nạn và thách thức của thời đại. Nói như vậy con muốn gợi ý một số sự kiện mà người tăng sĩ PGVN cần quan tâm. Một số sự kiện đó là:
1. Phật giáo chỉ tỉnh thức trước các thách thức của thời đại mà không phải vọng động tự biến mình thành kẻ nô lệ hay hốt hoảng vội vàng phản ứng bằng những động thái cực đoan hoặc là cố chấp chống đối,hoặc là thay đổi bản chất vốn có của mình. Điều chúng ta cần đặc biệt nhận thức thật rõ ràng là chính nội lực thực chứng giác ngộ và giải thoát làm cho Phật giáo vượt xa mọi tri kiến hữu ngã của thế gian mà khoa học ngày nay phải thán phục. đức Phật ngày xưa bằng nội lực thực chứng tối thượng ấy đã đạt đến trí tuệ quán triệt tất cả các pháp trong vũ trụ pháp giới mà khoa học ngày nay mới chỉ phát hiện ra được một phần rất nhỏ.
2. Nhưng, nói như vậy cũng không có nghĩa là người tăng sĩ PGVN cứ ngồi đó để tự thỏa mãn và đề cao mình, bất chấp đến những biến động của xã hội chung quanh. Nội dung giác ngộ và giải thoát mà đức Phật thân chứng dĩ nhiên là cao thâm vô lượng. Tuy nhiên, công tác diễn bày nội dung thâm diệu ấy để chuyển hóa căn cơ của từng thời đại là trọng trách của những người con Phật mà tiêu biểu là những tăng sĩ Phật giáo. Muốn làm tròn sứ mệnh trọng đại này, người tăng sĩ PGVN phải tự nâng cao khả tính để ít nhất đứng ngang tầm thời đại, nếu không muốn nói là phải đi trước tầm thời đại. Nâng cao khả tính bằng cách nào? Đó là bằng kiến văn và giới hạnh, hay trí tuệ và giới đức, như con đã trình bày trong phần trên đây. Trong trường hợp này, chúng ta có thể một phần nào học lấy bài học của những tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng, mà đức Đạt Lai Lạt Ma là một hình ảnh biểu tượng. Khi từ bỏ đất nước ra đi vào năm 1959 để tiếp tục lãnh đạo công cuộc vận động cho Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma đã được Chính phủ Ấn Độ hiến tặng cho khu vực Dharamsala để làm đất dung thân. Một trong những công tác đầu tiên là ổn định đời sống của đoàn người tị nạn, song song là tiếp tục công tác giáo dục tăng ni và tuổi trẻ Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng đã thành lập các trường đại học đào tạo nhân tài. Khi nhân tài đã có, họ công cử những tăng sĩ và cư sĩ này đi hoạt động truyền bá khắp nơi. Riêng đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặc biệt quan tâm đến việc giới thiệu Phật pháp với giới khoa học. Ngài đã đích thân tham dự nhiều cuộc hội luận và trao đổi khoa học và tôn giáo, khoa học và Phật học. Chính nỗ lực này đã tạo thắng duyên cho nhiều nhà khoa học biết đến Phật pháp, quan tâm và nghiên cứu về Phật pháp. Ngài cũng là người có công trong việc giới thiệu thiền học Phật giáo trong ngành tâm phân học, tâm lý học trị liệu hiện đại.
3. Dù mang trong mình chân lý tối thượng, nhưng nếu không đem ra truyền bá cho mọi người thì chân lý ấy cũng không được nhiều người biết đến để thực nghiệm, cũng bị mai một theo thời gian. đức Phật là người thấy rất rõ điều này, cho nên, Ngài đã không ngừng vân du đó đây để giáo hóa. Ngài không ngồi một chỗ để chờ con người khổ đau bất hạnh đến tìm. Ngài đích thân đến với họ trong cõi lòng từ bi vô lượng. Vì vậy, lúc còn tại thế đức Phật đã khuyến tấn Chư vị tỳ kheo hãy nỗ lực lên đường, mang theo thông điệp giác ngộ và giải thoát. Lên đường là sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà người tăng sĩ PGVN cần nghiêm túc và tinh cần thực hiện. Lên đường có nhiều cách, nhưng mục đích then chốt là để tiếp cận với con người và xã hội và qua đó thực hành công cuộc giáo hóa. Tiếp cận cũng có nhiều cách tùy theo hoàn cảnh và thời đại. Ngày nay tiếp cận còn có thêm phương tiện thuận lợi của khoa tin học bao gồm truyền thanh, truyền hình, trang mạng điện toán.
IV. Nơi chốn quay về
Lên đường là ra đi. Ra đi thường là lộ trình của kẻ đơn độc. Như đức Phật đã dạy, đừng đi hai người cùng một đường. Mỗi vị tăng sĩ là một nhà truyền bá chính pháp, mang sứ mệnh truyền đăng tục diệm để thắp sáng thế gian. Nhưng như vậy, người tăng sĩ phải là ngọn đèn sáng trước đã. Không là ngọn đèn sáng, người tăng sĩ lấy lửa đâu ra để mà thắp sáng cho nhân sinh. Cho nên, người tăng sĩ phải luôn luôn giữ ngọn đèn sáng cho chính mình, mà nhiên liệu để thắp sáng thường trực là kiến văn và giới hạnh trong chính người tăng sĩ.
Thế gian không là nơi gió lặng cây ngừng mà là nơi lúc nào cũng tràn ngập những phong ba. Các bậc cổ đức hay nói đến bát phong. Ngọn đèn của người tăng sĩ luôn luôn ở trước phong ba. Nếu tim đèn không lớn, nhiên liệu không dồi dào, không có lồng kính bảo vệ thì sẽ không giữ được đèn sáng bao lâu. Việc ngăn gió, ngoài nội lực tự thân sung mãn còn phải nhờ đến uy đức của bản thể thanh tịnh hòa hợp của tập thể tăng già. Bản thể thanh tịnh hòa hợp của tăng già là nơi chốn quay về của người tăng sĩ hành đạo giữa thế gian. Người tăng sĩ dù một mình lên đường thực hiện sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cũng vẫn không cảm thấy đơn độc khi có tập thể tăng già thanh tịnh hòa hợp làm chỗ dựa tinh thần. Như hôm nay trong đạo tràng thanh tịnh hòa hợp của tăng già ở đây, mỗi người tăng sĩ PGVN có mặt hay vì duyên sự không đến được đều cảm nhận đạo lực ấm áp và an ổn. Cảm thức này giống như đứa con vì công việc phải đi xa, nhưng mỗi khi nghĩ đến mái ấm gia đình thì đều cảm nhận sự ấm cúng và an ổn, nhất là khi có dịp được trở về nhà thì cảm giác ấy lại càng sâu sắc hơn.
Trên hai ngàn rưởi năm qua, người tăng sĩ Phật giáo nhờ nương vào giới luật và bản thể thanh tịnh hòa hợp của tập thể tăng già mà tồn tại. Vì vậy, đức Phật không dùng nguyên tắc tổ chức giáo hội để duy trì giáo đoàn xuất gia mà dùng giới luật và tinh thần thanh tịnh hòa hợp để nuôi dưỡng.
Kính bạch Chư tôn đức,
Là tăng sĩ được sinh ra và trưởng thành trong cái nôi của cộng đồng tăng già Việt Nam, vốn có lịch sử tồn tại trên hai ngàn năm và là nơi xuất sinh nhiều bậc cao tăng thạc đức của nhiều thế hệ, đã từng cống hiến xứng đáng không những cho công cuộc xây dựng và phát triển nền Phật giáo Việt Nam mà còn cho cộng đồng dân tộc, trong tâm thức của người tăng sĩ PGVN vốn đã có di sản trân quý đó. Trong số những di sản giá trị ấy có bài học về sự tiếp nhận có phê phán và sáng tạo các trào lưu văn hóa, tư tưởng và tôn giáo, về triết lý nhập thế nhưng không bị vướng mắc như đóa sen vươn lên tỏa ngát hương thơm từ chốn bùn lầy.
Trong hoàn cảnh hiện nay, tại hải ngoại, hơn bao giờ hết, người tăng sĩ PGVN cần nỗ lực thắp sáng di sản quý báu của tiền nhân để báo đáp thâm ân hóa độ của đức Phật và ân đức giáo dưỡng của thầy Tổ, đồng thời làm hiển lộ hạnh nguyện của tập thể tăng già Việt Nam.
Thích Tâm Hòa