Nguồn gốc Bồ đoàn trong Phật giáo


bồ đoàn
Nguồn gốc Bồ Đoàn trong Phật giáo.

Bồ đoàn là một loại tọa cụ dùng loại cỏ Bồ để bện thành. Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép:“Vật để lót ngồi, dùng cỏ Bồ tạo thành, nó hình tròn, cho nên gọi là Bồ đoàn, nhân vì nó có hình dạng dẹp mà tròn cho nên còn gọi là viên tòa”.

Đây là vật mà chư Tăng dùng để ngồi thiền, quì lạy. Sau nầy được bao bọc bằng gấm lụa… có nhiều loại khác nhau, loại dày thì gọi là Hậu viên tọa, bện bằng cỏ may thì gọi là Gian viên tọa, cũng có loại chùa một lỗ trống ở giữa như vòng tròn.

Bồ là một loại cỏ sống ở dưới nước, còn tính chất nó mềm và ấm, rất thích hợp dùng để làm đồ trải ngồi.

Người xuất gia thời xưa, đa phần dùng nó ngồi để tham thiền, trải nó để lễ bái, có người thì dùng nó làm đồ tựa lưng nơi ghế.

Thời gian gần đây, hoàn cảnh thay đổi nền kinh tế xã hội phát triển, có nhiều vật để thay thế nó như vải giụn, cao su, bông gòn, nệm… vì vậy việc dùng cỏ bồ để làm đệm lót ngồi dường như rất ít thấy.

         * Ngồi vững trên Bồ đoàn muôn việc lo lắng rỗng không.

Bồ đoàn là một pháp khí thường thấy trong nhà Phật, nếu như quán sát kỹ thì sẽ thấy rõ: Trong chùa chiền, không luận là Phương trượng, Trụ trì, Pháp sư, Sa di, người Phật tử, lúc tiến hành các thời khóa tụng niệm trong hai buổi sớm chiều, đều dùng Bồ đoàn để ngồi, không chỉ như thế mà Bồ đoàn có khi đặt một vài cái trước điện Phật để cho khách thập phương đến thắp nhang lạy Phật, loại Bồ đoàn nầy để trước tượng Phật để cho người lạy không bị bụi làm dơ y phục, ý nghĩa và việc sử dụng Bồ đoàn trong nhà Phật có nhiều cách lý giải khác nhau.

 Bồ đoàn là dụng cụ sinh hoạt phổ thông trong Tăng chúng. Thật ra Bồ đoàn là dùng để làm điểm tựa khi ngồi và rất phổ biến từ xưa đến nay. Hiện tại, ở trên giường trên ghế đều để vài cái để ngồi cho êm, đây cũng là một hình thức trang trí, Bồ đoàn xuất hiện rất sớm trong dân gian.

Nguyên do là trong sinh hoạt, con người phát minh chế tạo ra Bồ đoàn để ở trên ghế ngồi. Cho nên đứng về nghĩa rộng mà nhìn thì bồ đoàn không phải là dụng cụ sử dụng riêng trong thiền môn. Tuy nhiên nhà Phật sử dụng Bồ đoàn cũng có nguyên do đặc biệt:

Phật Thích Ca ngồi kết già trên cỏ Kiết Tường mà ngộ đạo.

Trong điển tịch Phật giáo có ghi chép về câu chuyện Bồ đoàn nầy. Đó chính là nguyên nhân trong nhà Phật lúc lễ bái tọa thiền phải dùng đến Bồ đoàn.

Nhà Phật sử dụng Bồ đoàn có liên quan đến sự kiện Phật Tổ Thích Ca thành đạo. Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là một Vương tử, tên là Tất Đạt Đa. Thuở nhỏ Ngài theo Bà La Môn giáo học triết học, văn học, toán học, võ thuật,… kiến thức rất rộng”.

Khi lớn lên vì trông thấy những nỗi khổ ở thế gian, nên muốn tìm phương pháp cứu khổ. Do đó Ngài bỏ ngôi vua, xuất gia vân du khắp nơi, tham học với những người trí, cuối cùng giác ngộ thành Phật.

Ngài cũng từng trải qua mọi thử thách gian lao, sau 6 năm khổ hạnh nhưng không đạt được kết quả. Một hôm, Vương tử Tất Đạt Đa đi đến gốc cây Tất Bát La, thọ nhận bó cỏ của một đứa bé chăn bò, Ngài bèn trải tòa ngồi và phát lên lời thệ nguyện: “Nếu không thành đạo thì không rời khỏi tòa nầy”. Cuối cùng Ngài chiến thắng được ma quân và thành tựu đạo quả.

        * Không ngồi nằm giường cao tốt đẹp rộng lớn là 1 trong 8 giới của người con Phật:

Đức Phật là bậc từ bỏ những vinh hoa phú quí, lót cỏ ngồi thiền mới được giác ngộ, đạt đến cảnh giới viên mãn. Đức Phật đã như thế, thì người học Phật ngồi trên giường cao tốt đẹp mà có thể ngộ đạo ư?

Nhà Phật sử dụng Bồ đoàn là vì để rèn luyện tâm ý, không ngồi nằm giường cao tốt rộng lớn là một trong những giới luật mà Tăng chúng phải giữ gìn.

* Chất liệu làm Bồ đoàn và sự diễn biến hình dạng:

Phật Tổ dùng cỏ Kiết Tường trải làm chỗ ngồi, vấn đề ở đây cho dù là loại cỏ gì, thực vật gì, thật ra không quan trọng để nghiên cứu, loại cỏ nầy dường như không phổ biến lắm. Cho nên Tăng Ni sau nầy dùng cỏ “Bồ” để kết thành nệm ngồi, để làm tọa cụ ngồi thiền lạy Phật.

Cỏ bồ là một loại thực vật sống ở đầm lầy, cọng non của nó có thể ăn được, có mùi rất thơm nên người ta dùng nó để làm hương gọi là “Hương Bồ”. Cỏ bồ mềm có thể dùng để bện thành chiếu ngồi nằm, khiến cho vừa tránh hơi đất, vừa sảng khoái tinh thần, ngủ ngon, Tăng chúng dùng để ngồi thiền khiến cho phần eo vững chải, xương sông thẳng đứng, dễ tập trung vào chánh niệm, nho nhã an tĩnh, dễ nhập định, cho nên có bài thơ chép:

“Thảo tịch bồ đoàn bất đả trần

Tùng gian thạch thượng tợ vô nhân”

(Chiếu cỏ bồ đoàn nào quét bụi

Giữa tùng trên đá tựa không người)

Cỏ bồ

Đây thật là cảnh sinh động của một thiền Tăng tu hành đạt đến vô ngã.

Trong Chùa Hội Phước có câu đối, Tổ sư đã đề cập đến hai chữ Bồ đoàn nầy.

“Lô yên phiêu miễu thanh tu tham học nhất bồ đoàn; kinh khóa tuyên dương đảnh lễ qui tâm tam đại sĩ” (Khói nhang quyện tỏa tu hành thanh tịnh cùng tham một trú xứ; Thời  kinh khen ngợi dốc lòng đảnh lễ về nương ba đại sĩ).

Tùy theo thời đại mà biến hóa, ngày nay tuy gọi là Bồ đoàn nhưng tư liệu chế ra và hình dạng đều có nhiều sự thay đổi, hiện tại Bồ đoàn phần nhiều được làm bằng vải bao bên ngoài, bên trong dùng bông hoặc những chất liệu có tính mềm khác làm thành.

Về hình dạng cũng không hạn định là hình tròn, có khi hình vuông hoặc hình chữ nhật. Thông thường Bồ đoàn có chiều dài chiều rộng bất đồng. Chủ yếu là có thể để lót ngồi toàn thân, nhân thế mà ngày nay dùng “Cỏ bồ” để chế thành Bồ đoàn dường như không còn thấy nữa. Thời bây giờ mà bạn tìm được một cái Bồ đoàn đúng chất liệu ý nghĩa của nó thì thật là khó.

          * Qui tắc sử dụng Bồ đoàn để ngồi thiền trong nhà Phật:

Trong nhà Phật sử dụng Bồ đoàn chủ yếu là để ngồi thiền và lễ bái, ngồi thiền là thời khóa hằng ngày của Tăng chúng, yêu cầu cách ngồi phải đúng, phải ngồi cho ngay thẳng không được ngồi nghiêng, bàn chân phải gác lên trên bàn chân trái, đầu lưng phải thẳng đứng, hai mắt hơi khép lại, thở đều. Qui tắc ngồi thiền nầy mục đích là khiến cho tâm không ngăn ngại, buộc tâm ở một chỗ, tập trung ý niệm, tham cứu chơn lý, để phát sanh trí tuệ, thấu suốt được pháp tánh, giải thoát tự tại. Cho nên yêu cầu của nhà Phật về việc ngồi thiền là khiến cho ba nghiệp thanh tịnh, thân ngồi thẳng, miệng không nói chuyện, ý tập trung không loạn tưởng. Phải quán chiếu kinh văn, tu tập như thế lâu ngày sẽ được triệt ngộ nguồn tâm, thông suốt với biển trí chơn tâm của Phật.

Phương pháp sử dụng Bồ đoàn để hành lễ trong nhà Phật cũng bất đồng như: Phật bộ, Liên Hoa bộ, Kim Cang bộ đều có phương pháp riêng, mỗi người phải có vị Thầy đích thân truyền thọ.

         * Tín chúng sử dụng Bồ đoàn lễ bái.

Tín chúng khi vào tự viện thắp hương lễ Phật, nhất định là có tâm thành kính đối với Tam bảo, nhưng cần phải noi theo qui tắc để sử dụng Bồ đoàn. Thông thường, trước bàn thờ Phật ở trên đại điện có để ba cái Bồ đoàn, có nhiều chùa vì điều kiện không có nên để gối sạch, phải biết rằng cái ở giữa là của Phương trượng Trụ trì, các vị Đại Pháp sư… sử dụng, không nên tự ý lễ bái chỗ đó, nếu không thì sẽ thất kính, nên đứng ở vị trí của hai cái Bồ đoàn còn lại, chia ra nam bên trái nữ bên phải.

Phương pháp lễ bái cùng với thế tục thật không giống, nên đứng ngay ngắn chắp tay, thu nhiếp thân tâm, khép mắt quán tưởng, sau đó là tay phải áp xuống giữa bồ đoàn, tay trái bất động hai chân tuần tự quì xuống dưới bồ đoàn rồi tay trái đặt lên trên bồ đoàn, sau đó hai tay duỗi ra phía trước cự ly hai tay cách chừng 2 tấc. Sau đó cúi đầu xuống bồ đoàn ở giữa hai cánh tay, hai bàn tay ngửa lên duỗi ra giống như nâng hai bàn chân Phật, đây gọi là ngũ thể đầu địa – năm vóc sát đất, cũng gọi là đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật. Sau khi lạy xong hai lòng bàn tay co lật úp lại và hướng vào trong, đảnh đầu từ từ rời khỏi bồ đoàn, tay trái dở lên để ngay ngực, đồng thời hai đầu gối cũng nhấc khỏi đất, tay phải chống thân, sau đó đứng dậy chắp tay ngay ngực như tư thế ban đầu, đây chính là lạy xong một lạy. Xét theo lời Phật dạy lễ Phật 3 lạy, 6 lạy, 9 lạy, 12 lạy tùy theo tâm nguyện…

Trong xã hội thời hiện đại, mọi người cũng thấy rõ một vài qui cũ trong tự viện cũng lược chế bớt, như ở trước điện Phật của một vài tự viện thường chỉ để một hoặc hai cái bồ đoàn và cũng ít khi sử dụng. Ngoài ra phương pháp lễ bái cũng có nhiều cách, chủ yếu là lòng thành kính./.

Thích Thiện Phước