Nguồn gốc Tích trượng trong Phật giáo


tích trượng
Nguồn gốc tích trượng trong Phật giáo.

Tích trượng tiếng Phạn là Khakhara (Khiết khí la), Khích Khí Lacũng dịch là “Thanh trượng”, “Minh trượng”. “Trí trượng”, “Đức trượng”, “Kim tích trượng”… do khi chống đi phát ra tiếng kêu lích tích, là một trong những pháp khí của Phật giáo.

Tích trượng còn là cờ nêu của thánh hiền. Phần trên dùng thiếc, phần giữa dùng gỗ, phần dưới dùng sừng, ngà, như pháp mà thọ trì, hiện bày được oai nghi, giúp cho sau này chứng được quả vị, mau thành chánh giác.

 

Luật Thập Tụng gọi là Thinh Trượng, nhân vì khi rung tích trượng có tiếng kêu nghe lích tích nên gọi là Tích Trượng, Thinh Trượng.

* Đức Phật từ bi cho chứa cất tích trượng:

– Các Tỳ kheo trọn đời đi vân du khắp nơi, khi tuổi về già chân yếu đi lại khó khăn thường bị té ngã, Phật bèn dạy nên sử dụng Tích trượng. Trong điển tịch nhà Phật có chép câu chuyện: Lúc Phật ở trên ngọn Linh Thứu, có các Tỳ kheo già đi triều bái, lúc lên xuống núi bị té, Phật thấy thế bèn dạy: “Các Tỳ kheo nên dùng gậy để chống”. Nghe Đức Phật từ bi cho sử dụng gậy, từ đó các Tỳ kheo bèn sắm cho mình cây gậy làm vật tùy thân để tiện việc đi lại.

Kinh Tích Trượng chép: “Phật bảo các Tỳ kheo, các Thầy nên thọ trì Tích Trượng, là tại sao vậy? Vì Chư Phật đời quá khứ hiện tại vị lai đều thọ trì cầm giữ. Lại còn gọi là Trí Trượng, Đức Trượng, ý nói hiển bày các cội gốc công đức trí hạnh, là cờ xí của thánh nhơn, là sự ghi nhớ sáng suốt của các bậc hiền, là cái tràng của đạo pháp. Ngài Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn sao gọi là Tích Trượng. Phật dạy:

Tích là nhẹ, còn trượng là nương tựa, hay trừ sạch các phiền não, ra khỏi ba cõi.

Tích là sáng tỏ, vì được trí tuệ sáng tỏ. Tích là tỉnh vì tỉnh ngộ được các kết sử khổ không trong ba cõi.

Tích là thưa xa, ý nói người cầm giữ thì sẽ đoạn trừ xa lìa ngũ dục.

Nếu là 2 ngấn 6 khoen đó là do Phật Ca Diếp chế. Nếu 4 ngấn 12 khoen là do Phật Thích Ca chế. (Bổn kinh có giải thích rõ về danh tự, công đức, khi cầm, khi dừng, ở đây không chép ra).

Gậy có ba ngấn, nhớ nghĩ nỗi khổ của ba đường, ba tai, ba cõi. Bốn cổ dùng để đoạn hẳn bốn loài. Mười hai khoen là nhớ nghĩ mười hai nhơn duyên. Ba ngấn và bốn cổ là số bảy, tức nhớ nghĩ bảy giác chi, họp với cái chóp nhọn là tám, tức nhớ nghĩ tám chánh đạo, diệt trừ tám nạn.

Tam Thiên Oai Nghi Kinh chép: “Cầm tích trượng không được vào trong chúng. Sau giữa trưa không được cầm lại. Giữa trưa thì liền phải biết không được vác ở trên vai”.

Ngũ Bách Vấn chép: “Cầm Tích Trượng giúp nhiều việc, có thể cảnh giác độc trùng ác thú”.

* Gậy là Pháp vật của Tỳ kheo:

Đức Phật vì thương xót nên mới cho các Tỳ kheo chống gậy. Thế nhưng, có nhiều vị Tỳ kheo không hiểu được ý Phật, nên mới dùng báu vật làm gậy. Cuối cùng bị người đời chê gièm, Tỳ kheo bèn đem việc nầy trình lên Phật. Phật dạy: “Ta cho sử dụng gậy để chống đỡ, chứ không phải để trang sức”. Tỳ kheo được chống gậy trong hai tình huống:

1/ Lớn tuổi, suy yếu.

2/ Bị bệnh.

Người xưa thường dùng trong thơ văn: “Lão Tăng chống gậy” nhằm miêu tả hoàn cảnh sinh hoạt trong nhà Phật, đồng thời cũng phản ánh chính xác qui tắc chống gậy và qui định chất liệu để làm gậy.

Như thế thì không phải vật gì cũng có thể làm gậy, có vài Tỳ kheo dùng vàng, bạc… để làm gậy, vậy là trái với lời dạy của Phật, cũng không phù hợp với yêu cầu biết đủ tu hành khổ hạnh trong nhà Phật.

Theo Điển tịch ghi chép: Tỳ kheo lúc du phương dùng gậy là vì để thăm dò thử cạn sâu khi muốn lội qua sông suối, cho nên cần phải dùng cây cứng, còn những cây nhỏ yếu thì không đủ sức chống đỡ. Dùng để dò thử cạn sâu cho nên gậy còn gọi là “Thám thủy”.

* Gậy cũng là dụng cụ dạy học trong Thiền tông:

Gậy cũng được dùng làm dụng cụ dạy học của một vài Tông phái Phật giáo. Thành ngữ “Đương đầu bỗng hát” (Ngay lúc dùng gậy đánh hét), chính là khởi nguồn từ Điển tích “Đức Sơn dùng gậy đánh, Ngài Lâm Tế thì hét”.

– Đức Sơn dùng gậy đánh, là nói đời Đường Thiền sư Đức Sơn thường thường sau khi thượng đường thì lấy gậy đánh người tham học. Thiền sư Đức Sơn từng bảo rằng: “Ở nơi ta không có Phật cũng không có Tổ”. Tăng chúng không hiểu mà đến hỏi thì có khi bị đánh tới 30 gậy.

– Lâm Tế hét: Là chỉ Thiền sư Lâm Tế đời Đường, lúc tiếp dẫn người học, Ngài thường dùng tiếng hét. Nếu hét một lần không lãnh hội được thì hét một lần nữa, thông thường là hét bốn lần, nhằm khiến đối phương dẹp bỏ vọng thức mà tỏ ngộ ngay nơi tự tâm.

Trong điển tịch nhà Phật ghi chép: “Lâm Tế hét, có khi một tiếng hét như Kim Cang vương bảo kiếm, dụ cho đoạn trừ mê hoặc; có lúc hét như Lông vàng sư tử, ví cho sự tỉnh mê; có lúc hét chẳng cho là tác dụng của một tiếng hét; có lúc hét như mồi câu dề cỏ (1)”.

Sử liệu ghi chép: “Ngài Đức Sơn dùng gậy đánh như mưa rơi, Ngài Lâm Tế hét như sấm giật”. Đột xuất biểu hiện Thiền Phong cao vọi, dùng gậy hét để cảnh tỉnh người học thiền, khiến cho trong sự chấp trước mà giác ngộ, cũng nhằm để biểu hiện lấy tâm truyền tâm, tâm tâm in họp nhau, ý là dùng ngữ ngôn cử chỉ để biểu đạt ý chỉ Thiền Tông.

Quyển “Thiền Lâm Tượng Khí Tiên” dẫn trong kinh “Phật Thuyết Đắc Đạo Thệ Đăng Tích Trượng” rằng:

Phật nói với chúng Tỳ kheo: “Các Thầy phải có tích trượng, vì sao vậy?. Bởi vì chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai đều có”.

Gọi là “Trí tượng”, biểu hiện trí tuệ của bậc thánh. Lại gọi là “Đức trượng”, hạnh công đức sâu dày. Tích trượng là trí tuệ của thánh nhân. Là sự sáng suốt của hiền sĩ, là tràng lọng của đạo pháp.

Ngài Ca Diếp hỏi Phật rằng:

– Thế nào gọi là Tích trượng?

Đức Phật đáp:

– Tích tức là nhẹ, trượng là nương tựa, có thể đoạn trừ phiền não, ra khỏi tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới);

– Tích là sáng, có thể đạt đến trí tuệ quang minh;

– Tích là tỉnh, tỉnh ngộ trước sự ràng buộc khổ não của tam giới;

– Tích là thưa thớt, cũng chính là nói người mà nắm giữ tích trượng nầy thì gần như đọan trừ hết cả ngũ dục: Sắc, thinh, hương, vị, xúc hoặc tài, sắc, danh, thực, thùy.

Tích trượng có ba cổ, biểu thị niệm tam đồ khổ não (tức địa ngục hỏa đồ, ngạ quỷ đao đồ, súc sanh huyết đồ). Tu giới, định, huệ tam học. Trừ tam độc tham, sân, si.

Tích trượng còn có bốn cổ, dùng để biểu thị “đoạn tứ sanh” (tức thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Đây là bốn loài chúng sanh trong sáu đường sanh ra mà trong đạo Phật đã thường nói đến). Niệm tứ đế (khổ, tập, diệt đạo). Tu tứ đẳng (từ, bi, hỉ xả). Nhập tứ thiền, thông suốt tất cả.

Tích trượng cũng có năm cổ. Biểu thị đoạn trừ ngũ đạo khổ não (nhân, thiên, địa ngục, ngạ quỷ, A tu la). Tu ngũ căn tín, tấn, niệm, định, huệ.

Tích trượng có 12 vòng dùng để biểu thị thập nhị nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Lão tử duyên vô minh, vô minh duyên hành…) Tu hạnh thập nhị môn thiền tức tứ đẳng, tứ thiền, tứ không (hữu pháp không, vô pháp không, tự Pháp không, tha pháp không). Ngoài ra còn dùng hai cổ. Hai biểu thị thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế. Số vòng không khác nhau.

Quyển “Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện” Nghĩa Tịnh pháp sư đời nhà Đường chép:

Tích trượng của Ấn Độ, trên đầu chỉ có hai vòng sắt rộng 2, 3 tấc và có bọc lại bằng kim lọai, dài 4, 5 đốt ngón tay. Thân trượng bằng cây, to nhỏ tùy lúc, cao ngang mí mắt. Có 8 hoặc 6 vòng treo ở trên, đồng hay sắt cũng được. Chế ra tích trượng là để đuổi thú dữ khi đi khất thực.

Trên đây đã nói rõ chúng ta vì sao phải làm ra tích trượng, công dụng và tại sao phải có nó?.

Ngoài ra trong “Tì Nại Gia Tạp Sự” và “Thích Thị Yếu Lãm” có nói rất rõ, tích về việc sử dụng tích trượng. Ví dụ: “Cầm tích trượng không thể tùy tiện nhập chúng, quá ngọ không được gánh trên vai, không được dùng nó để đánh chó mà chỉ dọa làm cho nó sợ thôi. Khi khất thực trước cửa nhà thí chủ, không được rung liên tục gây ồn ào, mà chỉ có thể rung nhẹ 2, 3 lần”. Những điều này đương nhiên có liên quan mật thiết với giới luật.

Sau khi Tích trượng truyền đến Phương Bắc được Tăng sĩ coi trọng. Nhất là trước đời Đường, Tống, gần như trở thành pháp khí không thể thiếu đối với Tăng sĩ. Do ban đầu tích trượng được dùng để phòng thân, tránh thú dữ và còn làm đòn gánh để gánh đồ. Về sau cũng được người luyện võ phỏng theo nó mà chế thành binh khí với một đầu giống như cái xẻng bằng gang, một đầu giống như mặt trăng khuyết.

Kinh Tích Trượng chép: “Trượng có ba ngấn, phải nhớ nghĩ khổ não trong ba đường, mà tu giới định huệ, nhớ nghĩ ba tai nạn lão bệnh tử mà cố gắng trừ ba độc tham sân si”.

Hình dáng của Tích trượng, theo Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Oai Nghi Kinh chép: “Đầu gậy giống như hình tháp, dùng thiếc làm thành, cán gậy dùng gỗ làm, đầu dưới thì dùng đồng để bịt, tầm cao ngang mày”.

Đầu gậy có 2 ngấn 6 khoen, có khi là 4 khoen, là do Phật Ca Diếp chế. Loại 4 cỗ 12 khoen là do Phật Thích Ca chế. Làm 2 ngấn là vì muốn cho chúng sanh nhớ niệm 2 đế tức thế đế và đệ nhất nghĩa đế, tạo ra 4 cỗ là dùng để đoạn tứ sanh, nhớ nghĩ tứ đế, tu tứ đẳng từ bi hỉ xả, nhập tứ thiền. 12 khoen là nhớ nghĩ 12 nhơn duyên thông đạt vô ngại, tu hành 12 môn Thiền định. Lại dùng 3 lớp 4 cỗ để nhớ nghĩ Pháp 7 giác chi của Như Lai.

Phép dùng Tích trượng có một vài quy định: Kinh Tam Thiên Oai Nghi Phật dạy: Cầm tích trượng có những việc lược nêu như sau:

1/ Không được vào trong chúng.

2/ Sau giờ ngủ không được cầm.

3/ Không được vác trên vai.

4/ Thấy Phật tượng không được rung ra tiếng.

5/ Không được dùng gậy chỉ người.

6/ Không được dùng gậy vẽ đất.

Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Oai Nghi Kinh chép: “Tay dơ không được cầm gậy, vào trong Tăng phòng phải tháo dở đầu tích trượng không cho chấm đất, nếu cầm tích trượng vào nhà bạch y phải quay đầu cán ở phía sau. Khi có duyên sự vào nhà bạch y để thọ nhận thức ăn thì phải đứng ở trước cửa rung lên 3 tiếng, nếu không có ai ra thì rung thêm 5 tiếng nữa, bằng như không có ai ra thì rung thêm 7 tiếng nữa, cuối cùng không có ai ra thì đi qua nhà khác”.

Công dụng của Tích trượng đã được nói rõ trong kinh Tích Trượng, kinh Tam Thiên Oai Nghi, kinh Ngũ Giới Oai Nghi, Luật Tứ Phần, Luật Thập Tụng, Tỳ Nại Da Tạp Sự đều nói rất rõ như thế nầy: “Tỳ kheo ở trước nhà bạch y, rung tích trượng, khiến thí chủ biết để đem phẩm vật cúng dường. Nếu có ác thú, trâu điên, có thể làm cho chúng chạy lánh đi. Nếu đi ở những chỗ rừng núi, đồng trống,… gặp rắn độc, thú dữ, bò cạp, côn trùng độc thì rung tích trượng khiến cho chúng sợ quay lánh đi”.

Sau này chư vị Thiền sư, Tổ sư dùng gậy tích để khảo xét huyền cơ, chỉ rõ diệu nghĩa. Sự việc này đã được ghi rõ trong Cao Tăng Truyện, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục,… Thời cận đại, trong lúc truyền giới, thuyết pháp đều có cầm gậy tích.

Quyển 2, Đại Đường Tây Vực Ký chép: “Tích trượng của Như Lai dùng sắc làm khoen, chiên đàn làm cán, dùng ống đồng để đựng”.

Quyển 5, Lạc Dương Già Lam Ký chép: “Tích trượng của Như Lai dài 1 trượng 7 thước, dùng cái ống để đựng. Bề ngoài của tích trượng có thể dác vàng, trọng lượng của tích trượng nặng nhẹ không thể lường được, nặng thì 100 người không nhắc nổi, nhẹ thì hai người cầm được”.

Do đây mà chúng ta biết được nhân duyên ứng hóa, thật không thể nghĩ bàn vậy.

* Pháp cầm tích trượng.

Khi ra đi nhận được từ của Sa Di liền đọc bài kệ:

Tay cầm tích trượng

Nguyện cho chúng sanh

Lập hội thí lớn

Bày đạo như thật.

Án na lật thế na, lật thế tra, bát để na, lật đế na dạ bát nảnh hồng phấn tra.

Khi đi thì để dưới hông bên trái, dùng ngón tay út nắm giữ, khiến hai đầu đều nhau, không cho cao thấp, khi dừng lại thì: Tăng dựng đứng ở trên trên chân trái, Ni dựng đứng ở trên chân phải, không được chấm đất. Nếu ăn xong, ở gần cho ba nhà, xa thì bảy nhà; nếu không được, lại không nên nhận nhiều hơn, nếu hơn thì chẳng phải pháp của người tu.

Nếu như trong giới hạn mà được thức ăn, cầm cây tích trượng máng ở trên cây, chớ để dính đất, nếu không có cây thì để ở chỗ đất bằng, không nên để nghiêng ngả. Khi ngủ thì gậy và thân xuôi chiều, để ở sau giường, ngang bằng với thân, không trước không sau; đi đường lúc dừng nghỉ thì đầu nên hướng về mặt trời mọc, chớ để trái ngược.

Cầm tích trượng có 11 việc.

1/ Vì đất có trùng.

2/ Vì tuổi già.

3/ Vì phân biệt để vượt qua.

4/ Không được tay cần đánh đằng xa.

5/ Không được vác tích trượng ở trên vai.

6/ Không được vác ngay trên vai ló ra hai đầu.

7/ Ra vào thấy hình tượng Phật thì không cho phát ra tiếng.

8/ Cầm tích trượng không được vào trong chúng.

9/ Không được dối cầm đến phía nhà sau.

10/ Không được cầm gậy từ trong đi ra.

11/ Không được lấy gậy chỉ người, vẽ đất, viết chữ.

Có bốn việc được đi ra từ bên trong.

1/ Ở xa xin đến ngủ.

2/ Đến nhà người bệnh.

3/ Đưa người qua đời.

4/ Ngoại đạo thỉnh.

Lại có năm việc:

1/ Ba Thầy đều đi ra, không được cầm gậy tự đi theo.

2/ Bốn người cùng đi.

3/ Trừ Thượng tòa không được, mọi người đều cầm.

4/ Đến trước cửa đàn việt, ba lần rung lên, khi rung ba lần họ không ra thì đi đến nhà khác.

5/ Xin thức ăn ra, nên cầm gậy để chính giữa cánh tay trái.

Lại có năm việc.

1/ Gậy thường ở trong phòng của mình, không được lìa thân.

2/ Không cho đầu gậy chạm đất.

3/ Không cho dùng gậy để máng áo.

4/ Mỗi ngày cần phải lau chùi.

5/ Gậy muốn đem ra thì phải nhận từ tay Sa Di. Nếu không có Sa Di thì tịnh nhơn cũng được.

Tích trượng còn biểu đạt được uy lực độ sanh, Du Già Diệm Khẩu chép: “Hoằng pháp là việc nhà, lánh ồn náo, thường tĩnh tọa, chốn lặng lẽ, che thân mặc áo thô, no lòng nhờ thảo mộc, bát hàng long (2), gậy giải hổ (3), đèn pháp luôn chiếu khắp”.

Nhìn chung, Tích trượng là một loại đạo cụ trong Phật giáo là 1 trong 18 vật của Tỳ kheo. Trong sinh hoạt nhà Phật, gậy là một loại pháp khí mà hàng Tỳ kheo phải mang theo bên mình dùng để chống, cũng được dùng để khải thị khiến cho người học ngộ vào thể tánh, ngày nay chúng ta vẫn còn thấy tích trượng sử dụng trong các pháp sự dẫn vong, khai thị cho sư Tăng viện tịch trước lúc cử hành di quan… đồng thời gậy tích cũng làm tăng thêm uy nghi dáng vẽ của một thiền Tăng trong chốn tòng lâm tịch tĩnh.

Thích Thiện Phước

◊-◊—————————————————————◊-◊

 

Chú thích:

(1) Mồi câu dề cỏ. – Thám can ảnh thảo: Thám can là trên cây sào có cột chùm lông chim sau đó thả vào trong dòng nước, đợi cá bu lại rồi dùng vợt vớt chúng; còn ảnh thảo là lấy cỏ ngải bỏ vào ao nước, đợi bầy cá chui vào rồi dùng lưới bắt chúng. Đây là ví dụ cho sự dò xét trình độ ngộ đạo của hành giả tới đâu, và cũng là một trong bốn cách hét của Thiền sư Lâm Tế”.

(2) Hàng Long: Có Thiền sư vì con rồng làm hạn hán nên Ngài dùng bình bát để hàng phục và từ đó mưa hòa gió thuận dân an ổn.

(3) Giải Hổ: – Gậy can hổ: Tăng Trù Thiền Sư là một vị Cao Tăng sống đời Tề. Lúc ngài ở núi Vương Ốc đất Hoài Châu tu tập thiền định, nghe tiếng hai con cọp gầm gừ đấu nhau. Ngài Tăng Trù đi đến, dùng gậy tích thọt vào giữa để can. Cuối cùng hai con bèn quay đi hai hướng khác nhau. Nhân thế mà có tên gọi là gậy tích can hổ.

* Bát hàng long tích giải hổ: Lại cũng có một truyền thuyết khác. Khi xư Tôn giả Mục Liên, lục tổ Huệ Năng… dùng bát để hàng long. Đặng An Phong nghe hai con hổ đấu nhau Ngài liền luyện cây tích trên hư không, phát ra âm thanh do đó mà hổ lui tan.