Nguyên nhân Đức Phật chế Giới Luật



Qua lịch sử Phật giáo, cũng như sự truyền thừa Giới luật cho chúng ta thấy, sau khi đức Phật thành Đạo trong thời gian đầu, Tăng bảo được hình thành chưa chế Giới luật, lúc bấy giờ Tăng già đều là các vị Tỳ kheo thanh tịnh. Trong suốt 12 năm đầu, tổ chức sinh hoạt Giáo Đoàn rất thanh tịnh sống trên tinh thần hòa hợp đoàn kết, nên Đức Phật không cần phải chế Giới luật, vì mỗi vị đã tự kiểm soát thân, khẩu, ý trong từng niệm, từng sát na nên được giải thoát, không còn những pháp bất thiện trong tâm thức.

Đến năm thứ 13, Tăng già có số lượng đông đảo, phần lớn các vị Vương tôn công tử theo Phật xuất gia, từ đời sống vương giả hưởng thụ đủ mọi thứ ngũ dục, khi xuất gia thì phải sống theo hạnh đầu đà. Cho nên, Tăng đoàn phát sinh ra nhiều pháp hữu lậu trong sinh hoạt. Hơn nữa, lúc này Tăng đoàn phát triển quá nhanh, và thâu nhận rộng rãi mọi thành phần trong xã hội, từ đó có sự suy thối xảy ra. Cho nên, dần về sau trong tổ chức Tăng đoàn xuất hiện nhiều thành phần xuất gia với mục đích không chân chính. Các thầy Tỳ kheo dần dà sống xa rời tinh thần giải thoát, bị lôi cuốn vào danh vọng, lợi dưỡng. Giới luật buộc phải ra đời để làm hàng rào ngăn chặn sự hư đốn trong Tăng đoàn, bảo hộ sự thanh tịnh hòa hợp của Tăng thân, cũng như giữ gìn bản thể Tỳ kheo không cho hư hủy.

Mặt khác, Ngài vì sợ tiếng đồn gần xa của người thế tục, họ nhìn vào nếp sống bê tha “tự tung tự tác” của Tăng đoàn mà mất đi Chánh tín, hoặc chê bai, hoặc hiềm tỵ, hoặc coi giáo đoàn Phật giáo không hơn kém những ngoại đạo. Cho nên, sự có mặt của Giới luật là yếu tố vô cùng cần thiết để thành tựu thanh tịnh một Tỳ kheo làm mô phạm cho Trời, người và giúp cho hành giả bước đi vững chãi trên con đường thoát ly sinh tử.

Như người vá áo, không bao giờ vá những chỗ chưa rách. Đức Thế Tôn cũng chưa bao giờ qui định điều này hay ngăn cấm điều kia, khi đệ tử Ngài chưa làm gì sai với Thánh đạo. Đức Phật vì thương chúng sinh nên ngài mới tùy duyên mà chế Giới. Mỗi điều Giới luật đều đem lại sự an lạc cho cá nhân, cũng như đem lại sự thanh tịnh và uy tín cho Tăng đoàn. Cho nên, mỗi khi chế lập ra qui điều nào, Ngài đều đem ra 10 lợi ích để cho thấy ra tính quan trọng của Giới pháp, 10 lợi ích đó là :

1 Nhiếp thủ cơ Tăng : là Giới luật Phật chế ra cho Tăng chúng thọ trì. Người xuất gia có thọ trì Giới pháp Phật, thì người đó mới thuộc vào số chúng Tăng. Đây là điều để cho chúng Tăng cực thịnh.

2 Linh Tăng hoan hỷ : là người giữ Giới thanh tịnh, hương thơm hơ hẳn các loài hoa vì nó bay ngược chiều gió. Người này làm cho Tăng đoàn được tô đậm nét uy nghiêm, thuần nhã mà dưới mắt người thế tục niềm cung kính lại càng lớn thêm và như thế, uy tín Tăng đoàn sẽ được nâng lên, nên làm cho Tăng đoàn hoan hỷ.

3 Linh Tăng an ổn : Khi có giới pháp, chính giới ấy kiềm chế sự phóng túng, sai trái của mỗi người. Nhờ mỗi người tự kiềm chế nên không ai phiền não ai. Và như vậy, cả Tăng đoàn đều sống trong Giới pháp thanh tịnh, nên Tăng đoàn được an ổn.

4 Linh vị tín giả tin : Những vị Tăng sống như Pháp, nghĩa là sống đời phạm hạnh có Tuệ giác như đức Phật, thì hình ảnh đoan nghiêm này có thể thay thế Ngài tuyên dương giáo Pháp, làm chỗ phát khởi lòng tin cho những người chưa kính tin Tam Bảo.

5 Dĩ tín giả linh tăng trưởng : Những người có lòng tin Tam Bảo, đối với họ Tăng Bảo là hình ảnh sống động của đức Phật, có thể đảm đương trách nhiệm lèo lái con đò đưa chúng sinh đến bờ giải thoát. Nên chúng Tăng hành trì Giới pháp thì lòng tin ấy lại càng tăng trưởng và cũng cố.

6 Nan điều phục giả linh điều phục : Tăng đoàn chỉ có người sống đúng với tinh thần Giới luật, điều phục những người có tính ương ngạnh, căn cứ theo Giới luật mà xử trị. Như vậy trong Tăng đoàn sẽ không có người ương ngạnh khó điều phục.

7 Linh tàm quý giả đắc an lạc : làm cho người có tàm quý nghiêm trì Giới luật được an vui, họ thật sự hết phiền muộn. Do Tăng thể là thanh tịnh hòa hợp, nên một người an lạc thì Tăng chúng được an lạc.

8 Đoạn lậu hoặc hiện tại : là ngăn trừ những lậu hoặc phiền não, những bất thiện pháp đang phát sinh trong đời hiện tại. Do đó bản thể thanh tịnh được bảo tồn nghiêm chánh.

9 Đoạn vị lai hữu lậu : ngăn chặn đề phòng những ác pháp trong đời vị lai không cho phát sinh. Nghiệp cũ vứt đi, nghiệp mới không tạo nữa, đích thực là một việc làm sau rốt của một hành giả thọ trì Giới Pháp.

10 Linh chánh Pháp cửu trụ : làm cho chánh Pháp được trường tồn mãi mãi. Đây là điều quan trọng thiết thực nhất mà mỗi hành giả chúng ta phải biết đến.

Qua đó, chúng ta thấy rằng: đứng về phương diện quy tắc Giáo đoàn mà nói, Giới luật bao hàm một ý nghĩa cực trọng. Những quy luật này, sau khi Phật nhập Niết bàn được các hàng Thánh đệ tử của Ngài đọc tụng, biên chép thành hệ thống và trở thành một trong tam tạng Giáo điển. Đó là Luật Tạng.