NHẤT HỌA PHÁP VÀ NGHỆ THUẬT TỐI GIẢN



Nhất họa pháp của Thạch Đào

Thạch Đào (1641-1717), họa sĩ - thiền sư Trung Quốc đã sáng tạo ra một lối vẽ độc đáo, giàu sức biểu hiện, ảnh hưởng lớn tới các họa sĩ thế kỷ XX, XXI. Ông cũng là một nhà lý thuyết hội họa nổi tiếng với tác phẩm Khổ Qua hòa thượng ngữ lục Trong tác phẩm này, ông đã giới thiệu và diễn giải lối vẽ đặc trưng của mình, gọi là nhất họa pháp. Thạch Đào viết: “Khởi thủy chưa có pháp. Khởi thủy là hỗn mang không xác định. Khi cái hỗn mang được xác định thì mới có pháp. Vậy pháp ra đời thế nào? Nó ra đời từ một nét. Một nét này là cái mà mọi hiện tượng của thế giới từ đó mà sinh ra. Người trong thiên hạ không biết điều này, cho nên ta phải đặt ra nó, gọi là Nhất họa pháp…Nếu họa sĩ không hiểu được cái lý của muôn vật, không nắm bắt được dáng vẻ bên ngoài của những nội tình tinh tế của sông núi, con người, chim thú, cây cỏ, hồ ao, dinh tháp, ấy là vì chưa nắm được cái nguyên lý nhất họa pháp nó xuyên suốt mọi vật vậy. Cũng như một cuộc viễn du phải khởi sự bằng bước chân đầu tiên, một nét này của nhất họa pháp đã chứa đựng toàn bộ vũ trụ và cả những cõi xa xôi hơn nữa. Dù có dùng hàng vạn nét bút, tất thảy chúng cũng đều có bắt đầu và kết thúc trong một nét duy nhất ấy, chỉ cần biết mà dùng nó cho đúng là được”. Mỗi vật, mỗi hiện tượng đều có cái vẻ riêng của nó, tưởng như chúng tách biệt để tương tác biện chứng với nhau, nhưng mặt khác chúng lại có cái chung, cái xuyên suốt của Nhất. Vì thế, vật nào cũng có cái dụng của nó, mỗi nét của bức tranh đều có ý nghĩa của nó, không nét nào thừa cả, như Thạch Đào khẳng định: “Nếu không hiểu được cái Nhất, mọi hiện tượng đều trở thành chướng ngại vật; còn nếu hiểu được cái Nhất, mọi vật sẽ đều có chỗ của nó vậy”.  Có hai hệ quả quan trọng của nhất họa pháp (hoặc hai hướng diễn giải cho nhất họa pháp) là: thứ nhất, một nét vẽ có thể bao hàm vũ trụ; thứ hai, tất cả các nét vẽ trong tác phẩm đều thông suốt, thống nhất như một nét.

  Lối vẽ tối giản trong hội họa Nhật Bản

Có thể nói, một điều gì đó gần giống với mỹ học tối thượng (suprematism) của Kazimir Malevich (1879- 1935) và tối giản (minimalism) của thời hậu Thế chiến thứ I đã manh nha xuất hiện trong tư tưởng của Thạch Đào khi ông cho rằng một nét vẽ có thể chứa đựng cả vũ trụ. Nhưng hội họa Trung Hoa không đi vào cái thể nghiệm tối giản đó, ngay cả Thạch Đào cũng chưa từng vẽ bức tranh nào có một nét cả, ông chỉ cụ thể hóa tư tưởng nhất họa pháp của mình theo hướng thứ hai: mọi nét như một nét. Tuy nhiên một số họa sĩ – thiền sư Nhật Bản rất thích cách thể hiện tối giản với rất ít nét mực ví dụ như Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn Huệ Hạc [1686- 1768]), Torei Enji (Đông Lĩnh Viên Từ [1721–1792]), Sengai Gibon (Tiên Nhai Nghĩa Phạm [1750 – 1837])... Torei Enji nổi tiếng với những bức tranh thiền vẽ hình tròn, gọi là “enso (đan tướng)”, một nét vẽ vòng tròn nhưng họa sĩ lại gửi gắm cả một giá trị lớn lao, là quá trình tu tập và sự giác ngộ viên mãn. Khi ta vẽ hình tròn, đường cong xuất hiện và phát triển với những sự so sánh dài ngắn, với những cách nhìn xuôi ngược nhưng đến khi tròn 360 độ thì mọi sự so sánh biến mất, mọi sự lại tĩnh không như chưa bắt đầu, cái hình tướng dài ngắn xuôi ngược khi đó không còn quan trọng nữa. Đề tài một nét vẽ tưởng như đơn giản và đơn điệu nhưng thực ra lại rất đa dạng và khó thể hiện, vì chỉ cần cổ tay đi nét khác một chút là bố cục của nét sẽ thay đổi và ý nghĩa của tác phẩm sẽ khác. Trước hết, nên thể hiện một nét bằng mực mà không phải chất liệu khác, bởi vì vẽ mực thì phải vẽ thật nhanh và không thể nào tẩy xóa thêm thắt được. Điều đó bắt buộc nghệ sĩ phải thật tập trung và tĩnh tâm, đặt mình vào trạng thái trống rỗng, bỏ qua những ý nghĩ cầu toàn và lan man. Tác phẩm đượcbắt đầu vẽ trong trạng thái như thế thì may ra chúng ta mới có thể truyền tải được những mong muốn lớn lao của tư duy trong một nét, chứ chưa nói đến mức mang cả vũ trụ vào trong một nét ấy Cùng với hội họa, kiến trúc truyền thống Nhật Bản cũng hướng tới sự đơn giản, thanh tao của thiền. Còn nghệ thuật tối giản của phương Tây, theo nhà phê bình Bertoni, ít nhiều được lấy cảm hứng từ nghệ thuật thiền của Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX.

Kiến trúc tối giản theo nhất họa pháp

Đầu thế kỷ XX, một trào lưu mỹ thuật đã hình thành và phát triển mạnh mẽ tới tận bây giờ nhằm tôn vinh cái đẹp của sự đơn giản, đó là chủ nghĩa tối giản (minimalism). Những đại diện của Tối giản trong kiến trúc là Ludwig Mies van de Rohe, Alvaro Siza Vieira, Tadao Ando; trong hội họa là Piet Mondrian, Barnet Newman, Kenneth Noland; trong âm nhạc là John Cage, La Monte Young... Những người theo trường phái tối giản cho rằng vẻ đẹp của sự đơn giản là vẻ đẹp khởi thủy; họ tạo hình, tạo âm bằng đường nét, màu sắc, nhịp điệu đơn giản, bỏ qua mọi chi tiết rườm rà nhằm khơi gợi những tình cảm phức tạp của công chúng khi nhìn và nghe những tác phẩm cực kỳ đơn giản đó. Trong công trình Chùa Nước (Water Temple) của Tadao Ando, chúng ta có thể thấy ngay hình ảnh nét vẽ enso đã ảnh hưởng tới ý tưởng kiến trúc của tác phẩm này. Một ngôi chùa được thiết kế theo lối tạo hình hiện đại nhưng vẫn giữ trọn tinh hoa của Thiền: đó là sự đơngiản, thấu suốt theo nhất họa pháp, cũng như sự kha phóng của tư duy (không còn bị ảnh hưởng bởi các hình thức chùa cổ điển). Hiện nay, các thiền viện ở nước ta được tu bổ và xây mới nhiều nhưng chúng toàn là sự sao chép các hình thức kiến trúc cổ. Nhưng thiền - vốn chủ trương không bám vào hình thức bên ngoài mà trực chỉ thẳng vào nhân tâm; cũng như kiến trúc thiền viện, không nên bám theo các hình thức xưa cũ mà nên chỉ sử dụng cái tinh thần của thiền mà thôi.

Huệ Viên