Điêu khắc Phật giáo


Điêu khắc Phật giáo

Ngô Hưng Đan

04/06/2007 11:36:23

Vào tháng tám năm 1959, trong một cuộc triển lãm điêu khắc Phật Giáo thế giới tại Ấn Độ, Việt Nam đưa sang pho tượng nghìn tay nghìn mắt tham dự. Đây chỉ là pho tượng bằng thạch cao đúc lại tượng Quan Âm "Thiên Thủ Thiên Nhãn" tại chùa Bút Tháp, nhưng đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật Giáo "ngạc nhiên đến cùng độ về tinh thần và kỹ thuật điêu khắc này.

1180974983

Tổng quan

Nhiều nhà nghiên cứu Tây Phương khi quay về tìm hiểu đến mỹ thuật Việt Nam đều thừa nhận toàn bộ những công trình đều mang những giá trị đặc thù, tinh vi, sâu sắc.

Vào tháng tám năm 1959, trong một cuộc triển lãm điêu khắc Phật Giáo thế giới tại Ấn Độ, Việt Nam đưa sang pho tượng nghìn tay nghìn mắt tham dự. Đây chỉ là pho tượng bằng thạch cao đúc lại tượng Quan Âm "Thiên Thủ Thiên Nhãn" tại chùa Bút Tháp, nhưng đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật Giáo "ngạc nhiên đến cùng độ về tinh thần và kỹ thuật điêu khắc này. Nhưng nếu họ đến tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành để nhìn tận mắt pho tượng đó, nhìn nguyên bản bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, với dáng uy nghiêm cổ kính, chắc hẳn phải quan tâm gấp mấy lần. Và nếu họ biết được trong thời gian chiến tranh pho tượng này đã được tháo ra hàng trăm mảnh rời và sau đó lại được ráp lại nguyên vẹn, không  một chút dấu tích thì lại càng khâm phục tài kiến tạo những pho tượng kiểu này đến chừng nào.

Những nhà nghiên cứu đã tìm hiểu kỹ về niên đại và tác giả của pho tượng cho biết: Tượng được tạc vào năm 1656 và tác giả là người họ Trương (Trương Phấn).  Ngoài pho tượng nghìn tay nghìn mắt vừa kể trên, tại nhiều chùa chiền Việt Nam, còn bảo lưu đến nay được nhiều pho tượng đủ kiểu, đủ thể tài rất nổi tiếng khác. Chẳng hạn: tượng Tây Thiên Đông Đô Việt Nam Lịch Đại Tổ tại chùa Bút Tháp (Hà Bắc), tượng Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn ở chùa Kim Liên sau này được đưa về thờ tại chùa Quán Sứ Hà Nội, tượng đức Phật nhập Niết bàn ở chùa Phổ Minh (Nam  Hà)... Nhiều pho tượng La Hán, Tôn Giả ở chùa Tây Phương (Hà Tây) trong đó nhiều pho được liệt vào hàng tuyệt tác của nền nghệ thuât điêu khắc Việt Nam.

Qua những biến chuyển của nền mỹ thuật Việt Nam, năng khiếu về trang trí trong nhiều thể loại khác nhau đã có những biến chuyển lớn lao. Những vật thường dùng như chân đèn, lư hương, móc giây thắt lưng, bát đĩa... đều có chạm khắc hình học hay những động vật đã được cách điệu khá mỹ thuật, để gia tăng thêm vẻ đẹp cũng  như trong ý nghĩa. Dần dàn về sau qua những tiếp thu mới cũng như khả năng trau dồi của nghệ nhân, mỗi đồ vật thường dùng trong nhà cũng đều được gia công thêm về mặt mỹ thuật gia tăng bấy nhiêu. Những nhà của những gia đình khá giả, đình chùa, miếu vũ... thì những cột, kéo, xà nhà, xuyên, trến, hổ phù, phù điêu, cột chống... cho đến những bậc thăng cấp, nóc nhà, gạch ngói đều có thêm những nét chạm trổ, trang trí cả.

Những đồ dùng lớn nhỏ trong nhà như bàn ghế, tủ, những vật tế nhuyễn như khay, hộp, lọ, bình... không vật nào là người Việt không gia công trong việc trang trí tỉ mỉ, để gửi gắm một chút tâm hồn nghệ thuật của mình vào trong đó, được xem như một phần đời sống của mình vậy. Khi ảnh hưởng của tôn giáo vào nước ta thì những hình thức trang trí cũng được áp dụng, chọn lọc khá tinh tế.

Chẳng hạn như ảnh hưởng của Ấn độ, Trung Hoa, Chiêm Thành. Nghệ thuật Ấn Độ không chỉ là đồ án dùng hình dáng những loài cầm thú, mà thể loại được bao trùm nhiều hình ảnh khác. Vì quan niệm vạn vật nhất thể, mà trong nghệ thuật Ấn Độ đã đưa vào những hình vật như voi, ngựa, rồng, hươu, khỉ, rắn, mà người phương Tây ít khi nghĩ đến. Khi những ảnh hưởng sang nước ta thì những thể loại cách điệu như thế vẫn còn nguyên.Trung Hoa cũng vậy.

Khi nền văn minh Phật Giáo truyền sang Trung quốc, thì những nghệ sĩ của nước này bổ sung vào kho tàng văn hóa Ấn Độ cả một thế giới thần thoại khác. Họ dùng những vật có thực nhưng đã được thi vị hóa, để phù hợp với ý nghĩa của tôn giáo và triết lý. Từ những con vật thần thoại, mà những nghệ sĩ Trung Hoa thời cổ cũng đã cụ thể hóa một cách chi tiết đến những thảo mộc bốn mùa, mang tính triết lý. Khi tiếp thu những nguồn ảnh hưởng như đã nói, thì những nghệ sĩ Việt Nam thời trước cũng đã biết cách kết hợp đặc biệt với đồ án dân tộc và cơ sở cho nền nghệ thuật trang trí Việt Nam.

Trong nghệ thuật trang trí cũng như nghệ thuật nói chung, nghệ sĩ Việt Nam trước đây đã chịu ảnh hưởng của Phật Giáo và triết lý của Khổng, Lão. Những vật có thật hay trong tưởng tượng trong những đồ án trang trí hay trong đề tài của những tác phẩm mỹ thuật nói chung thường mang ý nghĩa về tôn giáo hay về triết lý, tư tưởng.

Khi trang trí một vật, những nghệ sĩ Việt Nam chẳng những muốn làm cho những vật đó đẹp thêm ra, mà lại còn làm cho nó có ý nghĩa về chúc tụng, mong ước nào đó.  Người Âu châu thường đặt ra mỗi ý nghĩa cho một loại hoa, thường được gọi là "tiếng nói của hoa". nhưng những nghệ sĩ của nước ta không chỉ giới hạn về tiếng nói của những loại hoa tượng trưng, mà lại còn mở rộng nó ra trong các loài cầm thú và thảo mộc. Tặng cho người bạn một tác phẩm trang trí, chẳng những làm cho bạn vui thích được một vật trang trí nhà cửa, mà còn cảm kích vì luôn luôn có trước mặt những lời chúc tụng của kẻ tri âm.

Nghệ sĩ Việt Nam không những cách điệu đồ án cho đẹp và thích hợp với bố cục của cách trang trí, mà có điểm ý nghĩa nhất là tưởng tượng làm cho các vật được "biến thể" ra vật khác để gia tăng thêm ý nghĩa và tính chất trang trí của đồ án.

Qua thời đại Lý Trần, nền độc lập đã được củng cố lâu ngày sau những chiến công lừng lẫy, những loại hình nói trên đã không tìm thấy nữa, mà thay vào đó là những hoa văn mới sáng tạo với phong cách độc đáo hơn hẳn. Cũng nên hiểu rằng trong thời đại Lý, Trần, Phật Giáo rất thịnh hành tại nước ta, những loại hình có liên quan đến Phật Giáo như lá bồ đề, hoa sen, vũ nữ uốn mình theo điệu "Tribanga" của Ấn trở nên rất phổ biến trong nghệ thuật trang trí của những chùa chiền, đền tháp; tuy nhiên những nghệ nhân thời Lý, Trần đã biết cách Việt Nam hóa một số, để trở thành những hình ảnh độc đáo không tìm thấy ở những nơi khác. Chẳng hạn như hình lá bồ đề, thì thường có con rồng bé nhỏ nằm gọn trong chiếc lá, một thứ hoa văn gần giống như chữ ký đời nhà Lý, hoa sen được thể hiện trong nhiều hình thái và thường cũng có hình của những con rồng nhỏ trong những cánh hoa này. Chính những hình rồng đặc biệt của đời nhà Lý cũng là sự phối hợp hình rồng phương bắc và hình rắn của những dân tộc theo nền văn minh Ấn Độ.

Hình những vũ nữ múa những khúc thường biến thành những vũ nữ dâng hoa, chẳng hạn như hình ở những bậc đá của tháp đời nhà Lý ở Chương Sơn (Hà Nam) hay những thiếu nữ sùng bái Phật như hình khắc ở những chân cột của chùa Phật Tích còn thấy như ngày nay. Cũng về phương diện này, chúng ta thấy được những hoa văn hình những đám mây đang xoắn chung quanh những nhân vật thần thoại, chẳng hạn như những bức chạm nổi tại chùa Thái Lạc (Hải Dương) hay những cánh cửa của chùa Phổ Minh (Hà Nam), những hoa văn hình sóng nước như ở nền tháp Phổ Minh, hoa văn hình hoa cúc theo từng dây dài, như mặt đá chạm nổi tìm thấy ở tháp Chương Sơn. Đây là những ví dụ điển hình của những công trình sáng tạo nổi bật trong nền mỹ thuật trang trí thời đại Lý Trần.

Qua đến đời Hậu Lê, thì nghệ thuật trang trí cũng như điêu khắc, kiến trúc đều có thể chia ra làm hai giai đoạn khác nhau : thời Lê sơ và thời Lê mạt. Trong những năm quân Minh sang xâm chiếm nước ta, những công trình văn hóa của cha ông chjúng ta trong những thời kỳ trước đều bị chúng thiêu đốt, phần khác thì mang về Tàu trong mục đích đồng hóa người dân Việt. Những truyền thống rực rỡ trong thời đại Lý, Trần đã không còn nữa.

Cũng trong thời gian này đã không đủ thời gian để phát triển về lãnh vực trang trí và đồ họa. Trong những công trình buổi đầu, như bia Vĩnh Lăng ở Lam Sơn, những nghệ nhân trong thời Lê sơ chỉ có thể chép lại những hoa văn theo kiểu "lá đề có hình rồng" như thời nhà Lý trước đó. Những tượng rồng đẹp ở Lam kinh (Thanh Hóa) và đền Kính Thiên (Hà Nội) được sáng tạo trong thời kỳ này là hình tròn, chứ không phải là những hình hoa văn trang trí. Tuy nhiên, qua đến thời trung hưng về sau, khi Phật Giáo trở lại thời thịnh hành, thì nhiều chùa đã được trùng tu hay xây dựng mới. Kiến trúc thường đòi hỏi nghệ thuật trang trí phải phát triển để có thể đóng góp vào trong việc trang hoàng những công trình kiến thiết,

Hơn thế nữa, trong mấy trăm năm giữ vững nền độc lập quốc gia, thì những nghệ nhân Việt Nam đã có thì giờ sáng tạo để có thể đáp ứng vào những yêu cầu này. Hoa văn đặc sắc nhất trong thời Lê mạt là những "hoa văn hình ngọn lửa" thường được thực hiẹn trên những công trình chạm nổi hay bất cứ hình thức nào, trong giai đoạn này. đây là điểm chính yếu nổi bật của giai đoạn này. Những hình thức hoa văn trong thời kỳ Lê mạt khá phong phú, đa dạng, tuy nhiên đã không độc đáo như trong giai đoạn nói trên.

Trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục có viết: Năm 1734, Trịnh Giang đã cấm những thường dân trong nước không được trang trí hoa mỹ trong nhà cửa, đồ dùng; người thợ cũng không được đua nhau chế tạo "những đồ mới lạ" trong quần chúng. Thành thử, ngoài những công trình xây dựng các cung điện của vua chúa, thì người thợ không có quyền sáng tạo thứ gì hết; họ không thể mạo hiểm để tìm kiếm những điều gì khác hơn; một số đã vì sự gò bó vô lý này cho nên đã giải nghệ để kiếm nghề khác sinh nhai. Điều này thấy rõ nhất trong những bia tiến sĩ ở Văn miếu Hà Nội được dựng lên trong thời kỳ này. Nếu muốn hiểu được quá trình tiến triển của nghệ thuật trang trí Việt Nam trong các thời kỳ đó, tốt hơn hết là đem so sánh những bia ký của từng triều đại.

Kiểu dáng tượng Phật : Những giai đoạn trước đời nhà Lý (thế kỷ XI) đạo Phật đã thịnh hành trong dân gian, nhiều chùa được kiến lập và đương nhiên chùa nào cũng có tượng thờ. Tuy nhiên, những tượng này thường chạm liền vào môt mảnh gỗ hay được tạc rời ra thành từng pho tượng, điều này chưa thấy nói đến trong môt thư tịch nào còn giữ cho đến ngày nay. Pho tượng cổ nhất tạc rời còn tìm thấy được là pho tượng đá đức Phật A Di Đà đời nhà Lý tại chùa Phật Tích, Hà Bắc (thế kỷ XI). Căn cứ theo những điều ghi lại trên văn bia và lời kể thì tượng này xưa kia được sơn son thếp vàng, trong những trường hợp trùng tu lại. Pho tượng gỗ lõi mít cổ nhất còn được bảo lưu lại đến nay là tượng dức Quan Thế Âm Bồ Tát 42 tay (vào hậu bán thế kỷ XVI) tại chùa Hạ, Vĩnh Phú, hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Trong những công trình này, vẻ đẹp của những pho tượng được nói lên đầu tiên phải là ở hình dáng. Với ý nghĩa này, tượng Phật phải làm cho đúng kiểu, nghĩa là theo đúng những quy định trong kinh điển Phật Giáo.

Thông thường, trong điêu khắc, tượng Phật ngồi thì phải đúng một trong 3 kiểu chính như sau: Kiết già, tĩnh toạ, nhập định. Tượng đức Phật Bản Sư Thích Ca Mâu Ni thì có bốn kiểu thường được nói đến: Tượng Phật Cửu Long (chín con rồng chầu) thei điển lúc Phật đản sinh; tượng Tuyết Sơn (tên môt đỉnh núi ở Bắc Ấn) tạc theo điển lúc đức Bản Sư tu khổ hạnh; tượng Thuyết Pháp hay tượng Niệm Hoa (Niệm hoa vi tiếu) tạc theo điển lúc đức Phật Thích ca cầm hoa sen thuyết pháp; tượng đúc Thích Ca nhập Niết Bàn tức là tượng Phật nằm, tạc theo điển Thích Ca nhập diệt, nằm nghiêng về bên trái, gối đầu lên cánh tay trái. Tuy ảnh hưởng theo những công thức tôn giáo trong nội dung ấn định, nhưng các nghệ nhân tạc tượng vẫn có tinh thần sáng tạo ra những pho tượng Phật thật dặc sắc còn lưu truyền mãi cho đến ngày nay ở nhiều chùa chiền, đền miếu.

Nhìn chung, nhiều nước theo Phật Giáo như Trung Hoa, Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan cũng làm những tượng Quan thế Âm nghìn tay, nghìn mắt, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy có pho tượng nào theo kiểu này thể hiện đầy đủ và tinh xảo như là ở Việt Nam (P.Durand). Theo những nghiên cứu di tích còn lại, tại Việt Nam trong quá khứ, các nghệ nhân đã làm thêm môt bảng gỗ lớn, bao gồm hàng trăm cánh tay giơ lên, xếp thành từng vòng hướng vào tâm chung ở phía sau gáy đức Quan Thế Âm, trong mỗi bàn tay lại khắc thêm một con mắt (biểu hiện tinh thần sáng suốt).

Tượng Phật : Đồ tượng học là phương pháp phân định những loại tượng thờ tại những cơ sở tín ngưỡng đình chùa, miếu điện hay trong dân gian. Những nghệ nhân trong ngành đồ tượng học đã nghiên cứu những pho tượng cổ điển đồng thời gia công cải sửa lại từng khuôn mặt, thể dáng, thủ ấn, trì vật sao cho thích hợp. Chính do những gia giảm các chi tiết của đồ tượng, mà nghệ nhân ngành chế tác tượng hình có thể biểu đạt nguyên tăc nghi qui và đồ tượng. Nghi qui là các nghi lễ, tư thế, trang phục thích ứng.

Đồ tượng là hình thể của tượng đi, đứng hay ngồi. Việc thực hiện đồ tượng phải vâng theo :

(a) kinh điển ghi chép của từng vị

(b) quy pháp và phật thoại

(c) nguyên tắc tạo hình trong nghệ thuật điêu khắc.

Hình tướng Phật và La Hán : Về hình tướng Phật tượng nói chung, dựa theo những nguyên tắc trong nghệ thuật tạo hình, thường phân chia ra các loại : - Phật hình - Bồ tát hình - La hán hình - Thần vương hình - Thiên vuơng hình - Quỷ hình - Súc hình. Mỗi thể loại còn được chế tác theo nguyên tắc cách điệu, biểu trưng, tả chân, ấn tượng. Điều cơ bản để tạo nên sự khu biệt ấy một phần quan trọng là do các tư tọa lập, các thức thủ ấn, trang phục.

Tượng Phật : Có 5 cách thể hiện Phật Thích ca diễn tả những giai đoạn quan trọng trong cuộc đồi của đức Thế Tôn :

(a) Tượng Cửu Long (chín con rồng chầu) thể hiện lúc đức Thích ca đản sinh.

(b) Tượng Tuyết Sơn: thể hiện giai đoạn tìm đạo, tu khổ hạnh.

(c) Tượng Niệm Hoa: thể hiện giai đoạn đức Bản sư cầm hoa sen thuyết pháp.

(d) Tĩnh tọa : đức Phật thành chính quả

(e) Nhập diệt :đức Phật nhập Niết bàn, trong tư thế nằm. Trong mỗi tư thế đã toát ra được những phong cách và phẩm chất khác nhau trong từng chặng đời của đức Phật. Tượng Phật thường được trình bày trong tư thế kiết già, mình choàng ba lớp áo. Toàn thân của ngài thể hiện toàn vẹn 32 tướng tốt. Nét mặt thung dung tự tại khác thường. hía bên trái có Tượng đức Quan Thế Âm Bồ tát "thiên thủ thiên nhãn" toànmàu trắng xóa, bên cạnh có Thiện Tài Đồng Tử (theo truyện Tây Du  Ký là Hồng Hài Nhi). Ngoài ra còn tượng chư vị Bồ tát, La Hán, Tôn Giả, Thiên Vương. Một trong những điện thờ uy nghiêm nhất của chùa là tượng Kim Cương; theo ý nghĩa kiến trúc thì: Kim cương là những vị thần tướng được Ngọc Hoàng phái xuống để hộ trì đức Phật.

Tượng Phật đản sinh: Tượng này được chế tác nhiều loại khác nhau bằng tượng gốm ở Biên Hòa - Thủ Dầu Một. Đặc trưng của pho tượng này là tượng Ngài đứng trên một đài sen, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất. Chi tiết biểu thị Phật trong hình tượng là hai tai có thùy châu dài theo lối hiểu "tai dài như tai Phật". Trong những pho tượng tạc bảo lưu đến nay, sự tuân thủ vào quy pháp tạo hình cũng không thống nhất: chẳng hạn: pho tượng đúc Thích Ca Đản sinh tại chùa Hóc Ông Che thì tay phải chỉ lên trời; còn pho tượng lưu hành tại chùa Tân Quang (Hóa An - Biên Hòa) thì ngược lại, tay trái chỉ lên trời. Tính chất không nguyên tắc này cũng thấy trong những pho tượng gỗ, tượng đồng ở các ngôi chùa miền Nam. Về sau từ thập niên 60 của thế kỷ XX. trong những loại tượng đúc thành khuôn bằng thạch cao hay bằng xi măng, thì mới phổ biến hàng loạt những pho tượng "tay mặt chỉ lên trời".

Những pho tượng này đều dựa theo ý niệm "trụ như sơn" chú không theo lối "hành như phong" ở những pho tượng Phật đản sinh còn lưu hành tại miền Nam VN hiện nay. Sự tuân thủ nguyên tắc đồ tượng cũng được áp dụng trong những loại tượng khác. Tượng Phật Tuyết Sơn (thời gian tu khổ hạnh) cũng có những nét đặc sắc, mang tính chất hiện thực khá rõ nét, cho thấy rõ cuộc sống khổ hạnh của con người quyết tìm cho ra một lối thoát để giải thoát của mình và cho chúng sinh; da bọc xương, các cơ ở tay, ở chân, ngực đã teo lại, để lồi lên những ống xương, khúc xương và cả những đường gân, nhưng dáng ngồi thì vẫn tự nhiên trong thế tĩnh tọa, thiền định.

Nghệ thuật tạo hình này mang một sắc thái tuyệt diệu: ngày trước những nghệ nhân điêu khắc không học về giải phẫu học cơ thể, tuy nhiên họ vẫn dựng lên những pho tượng chuẩn xác và sâu sắc đến như vậy được. Còn rất nhiều pho tượng độc đáo khác; chẳng hạn như những tượng công chúa nhà Lý ở chùa Lý Quốc Sư, Hà Nội, tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở làng Kiêu Kỹ, Gia Lâm, Hà Nội, tượng Nguyễn Công Vệ ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Trong thời đại Lý Trần trở về sau, chùa chiền được kiến tạo khắp mọi nơi trong nước; đã có chùa tất nhiên có tượng Phật, với nhiều sắc thái khác nhau, ít thì mười tượng, nhiều thì hàng trăm tượng; chẳng hạn như tại chùa xã Đông Minh còn giữ đến nay được 112 pho tượng đủ kiểu, đủ dáng. Qua những triều đại, nếu có đủ điều kiện thống kê chùa chiền trong nước, thì trên dưới khoảng 10.000 pho tượng. Qua thời gian và biến đổi phần lớn đã hư hỏng hay thất lạc. Những điều nói trên đây cũng đủ cho thấy nghề tạc tượng gỗ tại Việt Nam đã phát triển đến mức độ nào rồi.

Tượng Di Đà Tọa Thiền : Tượng Phật này được chế tác chân phương và có phần đăng đối. Đầu có tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có nhục kế nổi cao, tai dài xuống gần vai, áo cà sa rộng trùm cà hai bả vai, cổ tròn, tay áo dài, rộng. Phật ngồi theo thế kiết già trên tứ phương tọa; chung quanh trang trí hình sen. Hai tay đặt chồng lên nhau theo thế "thủ ấn thiền định" (Dhyana mudra). Đây cũng là họa tiết và kiểu thức của các pho tượng Bồ tát Quan Âm, mà có những đường nét theo kiểu tượng hình Di Đà Tam Tôn; nhưng những ngôi chùa trong vùng lại không thấy tượng của ngài Bồ tát Đại Thế Chí. Nhìn chung, tượng đúc Phật Di Đà được chế tác theo đúng chuẩn mực, thể hiện được "tướng hảo quang minh" và "tùy hảo vô lượng". Chưa thấy có đủ các tượng "tam thập nhị tướng" và "bát thập tùy hãn" mà kinh sách thường ghi chép.

Tượng đức Phật Di Lặc : Trong đồ tượng học, tượng Phật Di lặc là tập hợp dược thể hiện trong diên mạo hình tướng "Di Lặc lục tặc": đầu tròn, áo hậu, ngồi bệ lập phương, y tọa, tĩnh tâm, thiền định.

Tượng Quan Âm : Những pho tượng lưu hành đều theo sáu cách thể hiện quy định :

(a) Quan Âm Chuẩn Đề : theo công thức thì tượng này có ba mặt và 18 tay.

(b) Thiên thủ, thiên nhãn : đức Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt như pho tượng ở chùa Bút Tháp.

(c) Quan Âm tọa sơn : thể hiện đúc Quan Âm ngồi trên đỉnh núi.

(d) Phật bà : thể hiện Phật bà Quan Âm đội mũ ni, ngồi tòa sen.

(e) Quan Âm tống tử : thẻ hiện đức Quan Âm ngồi bế đức bé, một bên có Thiện Sĩ (biểu trưng bằng hình con vẹt).

Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề : Trong đồ tượng, xét về hình tướng của Bồ tất Chuẩn Đề không khác gì so với Quan Thế Âm Bồ Tát. Pho tượng thường trình bày nhiều tay: có tượng 6 tay, có tượng 12 tay, có tượng 18 tay, biẻu trưng cho công năng trong từng giai đoạn và trường hợp hành trì. Tại chùa Hóc Ông Che, pho tượng Bồ Tát Chuẩn Đề lại thêm nhiều tay nữa, ngồi kiết già. Tại một số chùa khác thì đài tọa và tư thế có hai loại tượng khác nhau: Một loại trình bày Chuẩn Đề cỡi công (gọi là Khổng Tước tọa); loại thứ hai gọi là Chuẩn Đề Lục giác tọa. Nếu so với quy pháp đề tượng chính thức của Ngài Chuẩn Đề thì các pho tượng Chuẩn Đề ở những chùa chiền Việt Nam có phần được giản lược hơn. Những trì vật thông thường là Nhật Nguyệt Quan Âm.

Địa tạng Vương Bồ tát : Trong tập hợp những loại đất nung về đồ tượng đúc Địa tạng Vương Bồ tát được phân chia ra làm hai loại chính : Loại thứ nhất là tượng ngồi trên ngai, chung quanh có các thị hầu oai nghiêm; loại thứ nhì ngồi trên con thanh sư, mỗi lọai biểu trưng cho việc hành trì chính pháp. Cả hai đều có những điểm chung nhất trong nghệ thuật tạo hình: đầu đội mũ Tì Lư (hay Thiên sứ Tì Lư), toàn thân khoác Y bá nạp, một tay để ngửa trước bụng, trên có một Hồ bình hay Bửu bát; tay kia giơ cao lên; ngón áp út khuyên tròn lên ngón cái. Phật thoại ghi: Tướng pháp này biểu trưng cho ấn thí vô uý. Ngoài ra, một số tượng biểu trưng cho "ấn an uỷ". Trong một số đồ tượng khác, tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát còn có hai đệ tử theo hầu: Mẫn Công và Đạo Minh. Môt số tượng khác thì còn thêm Chủ Mạng Quy Vương. Trong nhiều tượng đất nung về pho tượng này thì gậy tích của ngài Địa Tạng Vương lại thấy ở tượng của Chủ Mạng Quỷ Vương; trong khi đó trái châu biểu hiện cho thần lực của Ngài thì thấy ở pho tượng Mẫn Công. Giải thích điều này, Pháp Thoại ghi: Hình tướng Địa Tạng Vương ở đây là một trong 6 trường hợp hóa thân của Ngài, được gọi là Lục Địa tạng. Lục địa tạng là: Đàn Đầu Địa Tạng, Bảo Châu Địa Tạng, Bản Ấn Địa Tạng, Trì Địa Địa Tạng, Trừ Chướng Địa Tạng và Nhật Quang Địa Tạng).

Tượng La Hán : Song song với việc tạc tượng Phật, những ngôi chùa Việt Nam lại còn có những tượng A La hán và Tôn giả. Chủ đề của những loại tượng này khá rộng rãi. Có đến 18 vị La hán và mỗi vị mang một cá tính khác nhau. Tính chất điêu khắc cũng không bị gò bó trong những khuôn khổ nhất định. Tính chất sáng tạo được phát triển qua những bức tranh này. Tượng đức La Hầu La, con của đức Thích Ca Mâu Ni cũng được thể hiện qua những hình tượng khác nhau. Tuy là những nhân vật nước ngoài, nhưng những nghệ nhân VN đã khéo Việt Nam hóa với những đường nét, cử chỉ và khuôn mặt gần với ngườiViệt hơn.

Tượng La Hầu La đội khăn, mặc áo cà sa, đi hia, cầm thiền trượng ngồi trên tảng đá lớn. Nội dung dựa theo một cốt truyện được ghi chép truyền tụng. Những tượng khác của Thương Na Hoa Tư, của Phunadasa, của Ma Tư Mật cũng mang nhiều tính chất truyền kỳ và tư thế sống động, tự nhiên.

Tất cả đều đạt được một mức độ sáng tạo cao độ. Hình tướng của các bộ tượng La Hán ở tập hợp tượng đất nung, hầu hết được biểu hiện dưới dạng Thinh Văn Hình. Biểu tướng này còn gọi là Tỳ Kheo Hình, tức là có hình tướng chiếu theo hình tướng của đúc Bản Sư Thích Ca khi còn tại thế; tuy nhiên tóc không xoắn mà đầu cạo trọc, đỉnh đầu không có nhục kế, áo hậu có dây thắt lưng. Nói chung, hình tướng La Hán có phần thoát sáo, và trong chừng mực nào đó, đã thoát khỏi những nét đặc trưng nhân dạng của người Tây Vực hay Trung Hoa, mà lại có nhân dạng Việt Nam khá rõ nét.

Ở nhóm tượng này thường có hai loại: ngồi trên ngai và cưỡi thú, nhưng dù thuộc thể loại nào chăng đi nữa, thì hình tướng cũng có phần hiện thực hơn so với các tượng thuộc nhóm Phật hình, Bồ Tát hình, hay những nhóm tượng thuộc Thiên Vương, Hộ Pháp, Thiện Hữu, Ác Hữu, Kim Cang, thường được gọi chung là Thiên thần Hộ Pháp.

Tứ Thiên Vương : Tứ Thiên Vương còn được gọi là Hộ thế Tứ Vương là hình tướng tiêu biểu cho Thiên Vương Hình. Cả bốn vị đều ngụ ở cõi trời "Tứ Thiên Vương Thiên" (Caturmaha Rajakasika) thuộc về cõi trời dục giới; lưng chừng trên ngọn núi trung tâm vũ trụ gọi là "Tu Di Sơn", thấp hơn cõi trời Đao Lỵ của Đế Thích. Tứ Thiên Vương là ngoại thần của Đế Thích có trách nhiệm thống quản cõi trời theo 4 hướng: Trì Quốc Thiên Vương (Virudka) hướng đông; Quảng Mục Thiên Vương (Viruphaka) hướng tây; Tăng Trưởng Thiên Vương (Dhrtarastra) hướng nam; Đa Văn Thiên Vương (Dhananda) hướng bắc. Tứ Thiên Vương đã từng nghe đức Phật thuyết pháp kinh Đại Thừa và cũng đã nguyện độ trì Tam bảo. Do vậy, mà các chính điện chùa chiền đều có tượng Tứ Thiên Vương. Biểu tướng của các tướng Thiên vương là một tướng nhà trời oai nghiêm: đi giày trận, mặc áo giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm bửu bối; đàn tỳ bà, bảo kiếm, vòng kim cang, ngọc châu, che dù, có con "hoa hồ điêu". đó là hình tướng phổ biến trong các tượng thuộc đề tài này cũng như trong điệu múa "Tứ Thiên Vương" ở cung đình Huế. Một số làng miền Nam cũng theo nghi lễ như vậy. Tuy nhiên, ở đây, các loại bửu bối đã được giản lược bớt, chẳng hạn như mũ kim khôi được thay bằng mũ "ngũ Phật" với hình 5 cánh sen.

- Bát Bộ Kim Cang :  Đây là các vị Kim Cang lực sĩ (Vajrapani) cũng được gọi là Kim Cang Thần; thường chỉ chung các vị thần cầm chày Kim Cang (nhưKim Cang Thủ, chấp Kim Cang) biểu hiện uy thế lớn lao, bảo vệ Phật pháp ở khắp tám bộ chúng (Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khần Na La, Ma Ha La Già). (Theo Đoàn Trung Còn). Nghiên cúu kỹ những đồ tượng đất nung và đồ gốm cải tiến, thì những vị Kim Cang Thần được chế tác với dạng các võ tướng: đầu đội kim khôi, mình mặc áo giáp, vai có phong đai, tay cầm hoa sen, ngọc châu... Tuy là Thiên Hình tướng nhưng Bát bộ Kim Cang đều có diện mạo thanh tú, khuôn mặt hiền hậu, phúc đức. Điều này khác với vẻ oai vệ và dữ dội của các loại tượng Kim Cang khác.

Nhìn chung, như luận điểm của nhà sử học kiêm mỹ thuật học Đông Nam Á, Louis Bezacier, lịch sử điêu khắc Phật Giáo Việt Nam nổi bật trên ba tính chất như sau:

Trước hết, nền điêu khắc này trước khi tiến đến tính chất thuần túy Việt Nam, tùy nơi, tùy thời, đã chịu ảnh hưởng điêu khắc Trung Hoa  về phía Bắc và Ấn Giáo (Phù Nam, Chiêm Thành) về phía Nam.

Thứ đến, điêu khắc của cung đình và dân gian, chùa chiền và am miếu đều khác nhau, tùy khả năng và nghệ nhân đảm nhiệm.

Sau cùng, chẳng hạn như loại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, điêu khắc lại chịu ảnh hưởng của đường nét Việt Nam, cũng như tượng Trung Hoa và Ấn Độ, ít nhiều đã theo nhân dạng người nước họ...